Ngày 10/11, hai người Israel đã thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng dao riêng lẻ, xảy ra tại Tel Aviv và khu vực chiếm đóng tại Bờ Tây. Một nghi phạm đã bị bắt trong khi kẻ còn lại bị cảnh sát bắn chết.
Vụ tấn công đầu tiên xảy ra tại Tel Aviv, khi một người Palestine đến từ thành phố Nablus ở khu Bờ Tây nhắm vào một binh sỹ Israel. Kẻ này đã bị bắt sau đó.
Không lâu sau vụ việc này, một phụ nữ Israel bị đâm chết gần khu định cư Alon Shvut của người Do Thái tại Bờ Tây. Thủ phạm bị một bảo vệ bắn chết.
Các vụ tấn công bằng dao xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và người Palestine đang tăng cao trở lại.
Hồi cuối tuần, những người Ả rập tại Israel đã ném đá vào cảnh sát tại các thị trấn gồm đa số người Ả rập tại Israel, sau khi cảnh sát bắn chết một thanh niên Ả rập do người này tấn công họ bằng dao.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ “đánh bại chủ nghĩa khủng bố” chống lại Israel, khẳng định những người dân nào lên án nhà nước Hồi giáo tốt hơn nên sang sống trên lãnh thổ Palestine.
Trong vụ tấn công xảy ra tại lối vào khu định cư Alon Shvut, kẻ tấn công đã định lao ô tô vào những người tại đây. Tuy nhiên khi xe lao phải rào chắn bê tông, tên này nhảy xuống khỏi xe và dùng dao tấn công một phụ nữ 26 tuổi, có tên Dalia Lamkus cùng 2 người Israel khác tại một trạm xe buýt. Hai người bị thương đã được nhập viện.
Sau khi gây án, tên này bị một nhân viên bảo vệ bắn nhiều phát đạn và được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch.
Trong vụ việc trước đó xảy ra tại Tel Aviv, một binh sỹ Israel có tên Almog Shiloni, 20 tuổi, đã bị tấn công tại một nhà ga xe lửa. Người này sau đó tử vong do vết thương quá nặng.
Các vụ việc trên khiến căng thẳng giữa hai bên ngày một tăng, bởi chỉ mới 3 tuần trước, 2 phiến quân Palestine đã lao xe vào người đi bộ tại Jerusalem, khiến 4 người thiệt mạng trước khi những kẻ tấn công bị bắn chết.
Mặc dù kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn khóa VIII (Verkhovnaya Rada) tại Ukraine được công bố vào ngày 10/11, tuy nhiên ngay từ cuối tuần qua, các kết quả này đã rõ ràng.
Song việc đảng “Khối Poroshenko” của đương kim Tổng thống Petro Poroshenko chỉ giành được 21,81% số phiếu bầu của cử tri theo danh sách các chính đảng, và bị đảng “Mặt trận nhân dân” của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk và Chủ tịch Quốc hội Alesander Turchinov dẫn trước với 22,14% số phiếu ủng hộ sẽ có thể đẩy chính trường Ukraine vào những kịch bản bất ngờ.
Tuy nhiên, dù các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền có diễn biến thế nào, Quốc hội mới của Ukraine vẫn sẽ ra mắt và họp phiên đầu tiên vào ngày 1/12 tới.
Từ nay đến thời điểm nêu trên, sẽ diễn ra các cuộc đàm phán xung quanh các vị trí trong quốc hội, ai sẽ là Thủ tướng, ai là Chủ tịch Quốc hội, thành phần nội các, cũng như những ưu tiên trong chương trình hoạt động của chính phủ. Các câu hỏi trên hiện đang gây nhiều tranh cãi trong khối chính trị gia Ukraine.
Câu hỏi đầu tiên, đó là lực lượng chính trị nào được giữ vai trò chính trong Quốc hội, và nó cũng chính là điểm gây tranh cãi trước tiên giữa Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk.
Ông Yatsenyuk cho rằng quyền thành lập liên minh cầm quyền phải thuộc về "Mặt trận Nhân dân" (do ông lãnh đạo) vì đảng này đã giành được tỷ lệ phiếu ủng hộ cao nhất với 22,14% theo danh sách các chính đảng, trong khi đảng "Khối Poroshenko" của đương kim Tổng thống chỉ giành được 21,81% số phiếu ủng hộ.
Theo kết quả bầu cử do SIK công bố: "Khối Poroshenko" giành được 132 ghế đại biểu; "Mặt trận Nhân dân" của Yatsenuk và Turchinova - 82 ghế; đảng Tự cứu của Thị trưởng thành phố Lviv - 53 ghế; "Khối đối lập", trong đó bao gồm cả thành viên đảng Các khu vực - 29 ghế; đảng Cấp tiến - 22 ghế; "Tổ quốc" của bà Yulia Tymoshenko - 19.
Trong khi đó, đề cập về thành phần tương lai của Quốc hội Ukraine, chính trị gia Bondarenko cho rằng việc Tổng thống Poroshenko cam kết tạo ra các liên minh rộng nhất có thể, và gửi lời mời các đại diện đối lập tham gia thành lập nội các, có thể sẽ không được suôn sẻ bởi "tham vọng quá lớn" của Thủ tướng Yatsenyuk.
Chính vì vậy, trong ngày đầu tuần này, các nhà quan sát nhận thấy có một số phương án khác nhau về thành phần liên minh cầm quyền, trong đó không thể loại trừ trường hợp "Mặt trận Nhân dân" sẽ liên minh với các đảng nhỏ khác như "Tự cứu", đảng "Cấp Tiến" và "Tổ quốc" để thành lập chính phủ. Nếu điều này xảy ra, đương nhiên tình hình chính trị Ukraine sẽ càng trở nên rối rắm và khó lường hơn.
Các nhà quan sát cho rằng kịch bản trên, tuy xác suất không nhiều, song rất cần phải tính đến sự kiện vào cuối tuần qua khi bà Tymoshenko, lãnh đạo đảng “Tổ quốc”, dường như cũng thể hiện có thể từ chối lời mời tham gia liên minh cầm quyền của ông Poroshenko.
Hiện, điểm mấu chốt trên chính trường Ukraine, chính là vị trí Thủ tướng sẽ thuộc về lực lượng nào. Người ta nghiêng nhiều về khả năng ông Yatsenyuk sẽ tại vị, tuy nhiên, không thể chắc chắn điều gì khi mà mọi việc còn chưa ngã ngũ. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, ông Yatsenyuk không giành được sự ủng hộ tuyệt đối của các đảng phái.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng đánh tiếng muốn Yatsenyuk tại vị Thủ tướng và Valentin Nalyvaychenko là người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine. Thông điệp này có lẽ sẽ được thể hiện rõ ràng hơn và các kịch bản tại Ukraine sẽ bị chi phối rõ rệt khi Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden sẽ đến thăm Kiev vào ngày 21/11 tới.
Bất luận tình hình Kiev có diễn tiến tới đâu, song có một điều chắc chắn, đó là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền mới tại Kiev là cần thực hiện các bước đi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của các "đầu sỏ chính trị" bắt nguồn từ phong trào Maidan, cũng như hạ nhiệt tình hình tại khu vực miền Đông Ukraine.
-------------------------
Tại sao Triều Tiên thả hai công dân Mỹ?
Tiên vừa thả tự do cho 2 công dân Mỹ bị bắt giữ mà không có một điều kiện nào. Triều Tiên có đạt được điều gì khi thả tự do cho họ? Mỹ đã hứa hẹn điều gì với Triều Tiên?
Ngày 8/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo 2 công dân Mỹ, Kenneth Bae và Matthew Todd Miller, bị chính phủ Triều Tiên bắt giữ đã được thả tự do. Hai người này đã được James Clapper, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ hộ tống về nước.
Động thái chưa từng có tiền lệ này của Triều Tiên diễn ra chỉ 3 tuần sau khi Bình Nhưỡng thả tự do cho một công dân Mỹ khác - Jeffrey Fowle, người bị Triều Tiên giam giữ trong gần 6 tháng.
Trong quá khứ, Bình Nhưỡng luôn đặt ra yêu sách “giải thoát” những công dân Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên đối với Washington. Ông Kim Jong Il, cựu lãnh đạo Triều Tiên, từng gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Jimmy Carter vì những lý do tương tự để đổi lấy những lợi ích cho quyền lực của mình.
Tuy nhiên, chuyến thăm của James Clapper đã không phải là một “phần thưởng” với Triều Tiên. Thứ duy nhất mà Chính phủ Triều Tiên nhận được là “một lá thư ngắn gọn” của Tổng thống Mỹ Barack Obama được vị Giám đốc tình báo gửi tới.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này không mất gì trong vụ Triều Tiên thả tự do cho Kenneth Bae, chịu án 15 năm ở một trại cải tạo vì “thái độ thù địch”, và Miller, bị bắt giữ hồi tháng 4 vì bị tình nghi chống lại chế độ Triều Tiên. Tuyên bố này theo sau tuyên bố tương tự vào thời điểm Jeffrey Fowle trở về nhà.
Đương nhiên, cả hai tuyên bố này là bắt buộc về mặt chính trị. Do đó, một số nhà phân tích đã đặt ra nghi vấn liệu chính quyền Obama có tạm thời từ bỏ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” – chờ đợi Triều Tiên để giải cứu Bae và Miller, và liệu Washington có bí mật hứa hẹn điều gì với Triều Tiên.
David Maxwell, thuộc Đại học Georgetown, đã nhắc nhở rằng chính quyền Triều Tiên chưa thay đổi các mục tiêu của chính sách đối ngoại và nhấn mạnh rằng “có thể còn điều gì đằng sau” vụ việc. Bởi hành động thả con tin đầy thiện chí mà không có sự đảm bảo về lợi ích nào không phải là cách hành động của gia tộc Kim.
Vậy, điều gì có thể đã xảy ra đằng sau tấm rèm?
Chính quyền Kim Jong-un có rất nhiều điều để đạt được thông qua cuộc gặp với người Mỹ, đặc biệt sau khi đe dọa cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc, đồng minh Triều Tiên trước đây. Mối quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng từng không mấy vững chắc, nhưng vụ xử tử Jang Song Thaek, chú rể của nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái, đã dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong quan hệ đồng minh Trung -Triều.
Ông Kim Jong-un, nắm quyền hành lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết của cha mình, đã trao cho người chú rể Jang Song Thaek gần như toàn quyền kiểm soát quan hệ với Bắc Kinh.
Sự loại bỏ “tàn bạo” ông Jang Song Thaek hồi năm ngoái khỏi trung tâm quyền lực Triều Tiên đồng nghĩa rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mất đi nhiều khả năng đối thoại với nhau. Tồi tệ hơn, các phụ tá thân tín từng trợ giúp ông Jang trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng đã bị “nhổ rễ”.
Nói ngắn gọn, nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đã tự tay cắt đi người ủng hộ quan trọng nhất. Và Trung Quốc, chỉ thể hiện sự kiên nhẫn giới hạn với những người anh em bên kia biên giới, đã không phản ứng tốt với thái độ xem nhẹ liên tiếp từ chế độ Kim Jong-un.
Những sự kiện này buộc Triều Tiên phải tìm tới những mối quan hệ khác. Trong vài tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã khởi động một “cuộc tấn công mê hoặc” hướng vào Moskva, Tokyo và Seoul. Hồi đầu tháng 10, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Hwang Pyong So, nhân vật quyền lực thứ 2 trong Chính phủ Triều Tiên, đã có chuyến thăm bất ngờ tới Incheon, Hàn Quốc. Và có lẽ, Washington là điểm dừng mới nhất trong chuyến du ngoạn thiện chí của Bình Nhưỡng.
Một lý giải khác đối với việc trả tự do 3 người Mỹ có thể là:
Các nhà lập pháp Triều Tiên đang cố gắng khiến Trung Quốc lo ngại bằng cách tạo ra ấn tượng rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc với Washington. Bởi việc Mỹ hoạt động tại Bắc Triều Tiên, ngay ở biên giới Trung Quốc, là điều cuối cùng mà Bắc Kinh muốn nhìn thấy.
Sau cùng, Bình Nhưỡng có lẽ đang cố gắng ngăn chặn việc bị đưa ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC), sau khi Ủy ban điều tra Liên hợp quốc về nhân quyền công bố báo cáo khép nhà lãnh đạo Triều Tiên vào “tội ác chống lại loài người” hồi tháng 2.
Để cho Bae và Miller trở về quê hương có thể là một phản ứng chưa đầy đủ đối với thế giới, nhưng sự thừa nhận chưa từng có tiền lệ của Triều Tiên về sự tồn tại của các “trại cải tạo” hồi đầu tháng 10 cho thấy họ đang làm tất cả có thể để ngăn chặn việc bị trừng phạt trước ICC.
Nếu thực sự có một thay đổi trong chính sách của Bình Nhưỡng, thì lá thư của ông Obama có thể mở cánh cửa tới những cuộc thảo luận tiếp theo. Mặc dù một sự cải thiện nền tảng trong quan hệ sẽ không sớm đạt được, việc thử thách những người Triều Tiên không có gì sai.
-------------------------------