11 container gỗ lậu bị phát hiện khi qua cảng Sài Gòn
Ngày 10.11, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra 5 container gỗ đang chuẩn bị được vận chuyển từ cảng Cát Lái TPHCM ra phía bắc tiêu thụ. Đại diện Đội 3 cho biết, do có nghi vấn gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ nên sau khi chủ hàng làm thủ tục chuyển các container xuống cảng, đơn vị đã yêu cầu phong tỏa lô hàng vào ngày 16.10. Sau đó, Đội 3 đã yêu cầu chủ hàng xuất trình hồ sơ chứng từ và phát hiện nhiều dấu hiệu không hợp lệ với hàng hóa nên đã thực hiện mở kiểm tra…
Bước đầu, đại diện chủ hàng đã thừa nhận sai phạm khi tìm cách hợp thức hóa lô hàng bằng Biên bản kiểm tra lâm sản ngày 17.10 của Đội Kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm TPHCM. Trước đó, Đội 3 cũng đã bắt giữ 6 container gỗ có nguồn gốc nhập lậu tại cảng Tân Thuận. Tổng cộng 11 container gỗ này có trị giá khoảng trên 15 tỉ đồng… T.L
-------------------------
Đắc Lắc: Lâm tặc tàn phá rừng sinh thái Bản Đôn
Trước tình trạng lâm tặc tàn phá rừng sinh thái - du lịch Bản Đôn, UBND huyện Buôn Đôn vừa có văn bản đề nghị tỉnh Đắc Lắc xem xét trách nhiệm của đơn vị chủ rừng là Cty Caosu Đắc Lắc, đồng thời thu hồi toàn bộ diện tích rừng để giao cho đơn vị khác quản lý.
Liên tục từ năm 2013 đến nay, hơn 1.300ha rừng tự nhiên tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn do Cty TNHH MTV Caosu Đắc Lắc quản lý đã bị lâm tặc tàn phá để lấy gỗ quý.
Ngày 10.11, PV Lao Động thâm nhập khu rừng này, chứng kiến hàng trăm cây gỗ bị đốn hạ, trong đó hàng chục cây cành, lá vẫn còn tươi, chứng tỏ mới vừa bị lâm tặc khai thác.
Ông Y Thông Khăm - Chủ tịch UBND xã Krông Na - cho biết, từ năm 2013 đến nay, riêng Công an xã đã phát hiện 13 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong khu rừng này, trong đó có một vụ thiệt hại tới 221 cây gỗ quý gồm giáng hương, căm xe, gáo vàng...
Nạn phá rừng "nóng" đến mức, UBND huyện Buôn Đôn phải đưa lực lượng vào chốt chặn nhiều tháng liền. Tuy nhiên, lực lượng liên ngành không thể canh giữ liên tục, sau khi rút về thì nạn phá rừng sinh thái Bản Đôn lấy gỗ quý lại tái diễn.
Theo UBND huyện Buôn Đôn, toàn bộ rừng sinh thái Bản Đôn có diện tích 1.336ha, được UBND tỉnh giao cho Cty Caosu Đắc Lắc từ năm 2005 để kinh doanh du lịch. Đến năm 2013, Cty Caosu Đắc Lắc cổ phần hóa Trung tâm Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn thành Cty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn. Từ khi chuyển thành Cty cổ phần, hoạt động du lịch ngày càng kém hiệu quả, công tác bảo vệ rừng bị buông lỏng nên dẫn đến mất rừng.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Buôn Đôn vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc xem xét trách nhiệm của Cty Caosu Đắc Lắc và Cty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn, đồng thời thu hồi toàn bộ diện tích rừng sinh thái Bản Đôn giao cho đơn vị khác có năng lực quản lý, bảo vệ.
(Theo Lao động)
-------------------------
Lộ diện doanh nghiệp đưa hàng chục con “quái vật” vào ăn cát sông Hồng
Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra kẻ cầm đầu bảo kê cho nạn cát tặc hoạt động ngang ngược trong nhiều năm tại khu vực xã Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội).
Liên quan đến chuyên án 200 cảnh sát bắt nhóm cát tặc tại khu vực xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cơ quan điều tra hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra, triệu tập các đối tượng cầm đầu để làm rõ hành vi bảo kê khai thác trái phép tài nguyên Quốc gia.
Theo đó, hơn 30 đối tượng liên quan đến các hành vi khai thác cát trái phép và hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản đã bị bắt giữ. Cùng ngày, cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng. Nhiều sổ sách, hung khí và các tang vật liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật đã bị thu giữ. Theo đánh giá của cơ quan công an, ổ nhóm tội phạm khai thác cát trái phép vừa bị triệt phá đã hoạt động từ nhiều năm nay.
Mặt khác, cơ quan chức năng cho biết, hoạt động khai thác cát lậu trên diễn ra trong thời gian dài, có sự "bảo kê" và lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa huyện Phúc Thọ và huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Hoạt động khai thác núp bóng dưới vỏ bọc của Công ty cổ phần thương mại Vân Phúc (giấy phép hoạt động là nạo vét, cứu cạn…). Trước đây công ty này có tên gọi khác nhưng sau nhiều lần bị báo chí phản ánh đã đổi tên nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp Vân Phúc đã tổ chức khai thác cát triệt để từ khu vực dưới chân cầu Thăng Long tới tận gần ngã ba Việt Trì theo kiểu hút cạn kiệt tài nguyên với số tiền thu lời bất chính hàng tỷ đồng mỗi ngày.
Trước đó, vào tháng 5/2014, trước nạn cát tặc ở Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 3309/UBND-NNNT cho ý kiến về tình hình khai thác cát trái phép này.
Theo đó, để tăng cường trật tự trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Phúc Thọ với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, tập trung chỉ đạo, chủ trì, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật những trường hợp khai thác cát, kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng không có giấy phép, sai phép trên địa bàn, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi trong phòng chống lụt bão...
Tuy nhiên, cho đến thời điểm tháng 9 vừa qua, phóng viên Báo điện tử Dân trí đã khảo sát và phát hiện việc nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoành hành, chính quyền địa phương gần như bất lực. Đặc biệt, việc hút cát còn dẫn đến xảy ra tai nạn chìm tàu trên sông Hồng.
Cụ thể, khoảng 7h30 ngày 4/9, tại Km222, phía bờ phải sông Hồng, thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội xảy ra vụ tại nạn giao thông đường thuỷ nghiêm trọng.
Hậu quả, chiếc tàu chở cát mang số hiệu NĐ – 1252, có trọng tải 199 tấn, công suất 108CV, do anh Trần Hữu Nam (38 tuổi, ở xã Xuân Trung, huyện Xuân Trưởng, tỉnh Nam Định) điều khiển bị chìm xuống đáy sông Hồng sâu khoảng gần 20m.
Nhiều người dân sống ở quanh khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thuỷ này cho hay, chiếc tàu NĐ- 1252 chìm rất nhanh, chỉ trong vài giây.
Theo người dân, lúc xảy ra tai nạn, chiếc tàu NĐ- 1252 vẫn đang lấy cát từ một chiếc tàu khác. “Nguyên nhân đắm tàu là do chiếc tàu này đã mua cát quá trọng tải cho phép, do sơ suất trong lúc chuyển cát từ tàu hút cát sang tàu NĐ- 1252 nên đã khiến chiếc tàu này tự chìm”, một người dân cho biết.
Ghi nhận thực tế, xung quanh khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thuỷ trên có khoảng hơn 20 chiếc tàu cuốc và tàu hút cát đang rầm rộ “khoét” lòng sông Hồng.
Mé bờ phải sông Hồng đã bị sạt lở và đang có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng hơn. Còn theo người dân nơi đây phản ánh, vị trí tàu NĐ- 1252 bị chìm không nằm trong khu vực khai thác cát đã được các cơ quan chức năng cấp phép.
Ngay sau khi báo điện tử Dân trí phản ánh, cơ quan công an đã vào cuộc để tiếp tục truy quét triệt để nạn cát tặc.
Cho đến rạng sáng 8/11, hơn 200 cảnh sát thuộc Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp cùng CAH Phúc Thọ (Hà Nội) đã mật phục, triệt phá ổ nhóm hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ.
------------------------------
Dương Chí Dũng xuất hiện trong phiên xử thuộc cấp tại Khánh Hòa
Sáng 11/11, TAND Khánh Hòa đã đưa ra xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines. Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng đã có mặt với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Các bị cáo bị truy tố gồm: Trần Hải Sơn (SN 1960), cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Văn Quang (SN 1976), nguyên là Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979), Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin và Phạm Bá Giáp (SN 1972), Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân tại TP Nha Trang, Khánh Hòa. Theo Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các bị cáo nói trên đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” với khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo cáo trạng, vào tháng 3/2008, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ký hợp đồng mua ụ nổi 83M thuê vận chuyển từ cảng Nakhodka (Nga) về Việt Nam, đến tháng 6/2008, làm thủ tục nhập khẩu thông quan tại Hải quan Cảng Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Do tình trạng ụ nổi 83M đã cũ, hư hỏng nhiều nên Vinalines ký hợp đồng thuê Nhà máy sữa chữa tàu biển Huyndai Vinashin sửa chữa.
Lợi dụng việc Vinalines giao cho việc quản lý, ký hợp đồng và thanh quyết toán việc sửa chữa một số phần của ụ nổi 83M, Sơn, Quang, Hùng và Giáp đã bàn bạc, thực hiện hành vi gửi giá và lập khống khối lượng vật tư sửa chữa ụ nổi 83M trong 2 hợp đồng vào ngày 12/8/2008 (sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn) và hợp đồng ngày 20/8//2008 (sữa chữa một số công việc phần van, ống, máy, phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M) để rút tiền Nhà nước chiếm hưởng cá nhân.
Tổng số tiền các bị cáo tham ô trong vụ án này được xác định là hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, Trần Hải Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng; Trần Văn Quang, Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines chiếm đoạt hơn 857 triệu đồng; Trần Bá Hùng, Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin chiếm đoạt hơn 395 triệu đồng; Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân đã thực hiện hành vi cho mượn tư cách pháp nhân Công TNHH Nguyên Ân để ký hợp đồng, ký thanh quyết toán và thanh lý hợp 2 hợp đồng ngày 12/8/2008 và 20/8/2008 để giúp Sơn, Quang tham ô hơn 3,6 tỷ đồng, riêng Giáp chiếm đoạt hơn 178 triệu đồng.Trong vụ án này, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao xác định, Sơn giữ vai trò chính, Quang là người tổ chức thực hiện, Hùng và Giáp giữ vai trò giúp sức.
Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Sơn khai đã đưa cho Dương Chí Dũng 150 triệu đồng vào các dịp lễ, tết và Dũng thừa nhận khoản tiền này. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng cho rằng viện Sơn biếu là tự nguyện, Dũng không ép buộc hay hứa hẹn gì và không hề biết nguồn gốc số tiền này.
-------------------------
'Tôi chẳng có tội tình gì mà tự dưng bị bắt'
Trải lòng về những tháng ngày ngồi tù, Dương tâm sự, đã từng mất ăn mất ngủ và không có niềm tin vào công lý.
Chiều 10/11, rất đông người thân đến hỏi thăm, chia vui cùng anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) – người vừa được VKSND Tối cao kiến nghị kháng nghị để được minh oan.
4 năm trước, anh Dương đang là nhân viên công tác trong ngành ngân hàng đột nhiên bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng 15 ngày. Sau đó anh bị kết án 30 tháng tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trải lòng về những tháng ngày ngồi tù oan, anh tâm sự, đã từng mất ăn mất ngủ và không có niềm tin vào công lý. "Tôi chẳng có tội tình gì mà tự dưng bị bắt. Uất ức vô cùng”, nam thanh niên 27 tuổi ngậm ngùi.
Người thân cũng cho biết, sau hơn 4 tháng bị tam giam về nhà, Dương rất hoang mang, bị bệnh đau đầu, phải điều trị ở Bệnh viện E. Vì uất ức và chán nản, Dương từng bỏ nhà đi gần nửa tháng và viết thư để lại bố mẹ nói là oan trái.
Suốt thời gian qua, ông Vũ Ngọc Long là người sát cánh, kêu oan cùng con trai. Người đàn ông này cho biết 2 tuần trước nhận được thông báo của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao về việc Dương bị oan. “Dù chưa có quyết định chính thức nhưng tôi cũng nhẹ lòng phần nào”, ông Long chia sẻ.
Lý giải về việc kêu oan cho con song vẫn tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 297 triệu đồng trước đây, ông Long cho biết sau mấy ngày bị tạm giam, cán bộ điều tra ... dọa không nộp sẽ bị đi tù 7-10 năm. “Do sợ quá nên tôi đồng ý”, ông Long nói thêm.
Theo ông Long và con trai, trong vụ án oan này có vai trò đồng phạm của ông Bùi Văn Chính, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh cùng các nghi can khác.
Trước đó, trung tuần tháng 11/2010, ông Bùi Văn Chính tố cáo Dương lợi dụng danh nghĩa tình nguyện viên của trung tâm chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền tài trợ của 2 công ty. 8 tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đông Anh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giữ Vũ Ngọc Dương tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tháng 9/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao Hà Nội kết án Dương 30 tháng tù tội Lạm dụng tín nhiệm tài sản.
Gia đình anh Dương đã làm đơn tố cáo các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý làm sai lệnh hồ sơ vụ án, căn cứ các tài liệu giả mạo để khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kết án oan đối với anh và tiếp tay cho một số kẻ xấu chiếm đoạt tiền của gia đình anh.
Sau đó, cơ quan điều tra đã làm rõ toàn bộ giấy tờ, tài liệu chứng minh anh Dương phạm tội bị các nghi can làm giả.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có công văn gửi tòa án, Công an TP Hà Nội đề nghị xem xét tạm hoãn thi hành án đối với anh Dương. Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ việc đến Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao nghiên cứu để Viện này kháng nghị.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiếp tục làm rõ hành vi có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án nêu trên; xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi: Khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, hành vi vu khống, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm đoạt tài sản… để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
-----------------------------