Những quan chức đang được xem xét cất nhắc vào vị trí mới sẽ bị loại khỏi vị trí ứng viên nếu bị phát hiện cố tình che đậy điều gì quan trọng.
Tổng cộng 1 triệu rưỡi quan chức tại Trung Quốc sẽ phải nộp báo cáo tài sản và các khoản đầu tư của họ trong năm 2014 lên Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Năm 2015, tỷ lệ kiểm tra tài sản ngẫu nhiên của các quan chức Trung Quốc sẽ tăng mức 10% so với mức 5% của năm trước.
Ngoài ra, theo quy định mới của chính quyền Trung Quốc, các quan chức đang được xúc tiến bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng sẽ được kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và sẽ bị yêu cầu làm báo cáo giải thích những thiếu sót (nếu có) trong trong quá trình công tác.
Nếu bị phát hiện cố tình che đậy bất cứ điều gì quan trọng họ sẽ bị loại khỏi vị trí ứng cử viên cho chức vụ mới.
Bắt đầu từ năm 2010, các cán bộ cấp quận trở lên tại Trung Quốc phải có nghĩa vụ khai báo các thông tin cá nhân trong đó gồm: tài sản, thu nhập cá nhân, các khoản đầu tư, du lịch… Tuy nhiên, từ năm ngoái, Trung Quốc mới bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên để xác định các thông tin khai báo của các quan chức./.
Khi cú sốc từ việc mất người thân trong thảm họa rơi máy bay ở Pháp bắt đầu dịu xuống, nhiều gia đình thường sẽ quay sang tòa án để đòi công lý và sự bồi thường, nhằm xây dựng lại cuộc sống đã nát vụn của họ.
Theo AFP, luật sư người Mỹ Steve Marks đã làm việc với nhiều gia đình các nạn nhân của gần như tất cả các vụ tai nạn máy bay lớn trong vòng 30 năm qua (gồm vụ MH17 rơi ở Ukraine hồi năm ngoái và vụ chuyến bay số 447 của hãng Air France rơi xuống Đại Tây Dương trong năm 2009).
"Trong giai đoạn đầu, các gia đình sẽ tập trung vào việc động viên nhau. Họ cần sự động viên về mặt tinh thần. Nhưng rồi dần dần họ cũng cần xây dựng lại cuộc sống của mình" - Marks nói.
Ông cho biết trẻ em thường phục hồi nhanh nhất, nhưng chúng cũng có thể "chỉ kìm nén cảm xúc bản thân và việc này sẽ dẫn tới tình trạng dễ tức giận khi lớn lên."
"Nhiều gia đình không có tiền tiết kiệm và sẽ gặp khó khăn lớn về kinh tế, nhất là khi họ vừa mất đi người kiếm tiền chủ lực. Nếu hãng hàng không làm điều đúng đắn, tuân thủ các quy định của châu Âu, chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu họ không biết điều, các gia đình sẽ phải lựa chọn sự trợ giúp pháp lý và họ thường làm việc này vì động cơ cảm xúc, dễ đưa ra quyết định tồi tệ."
Thật không may, có rất nhiều công ty luật luôn tìm cách bám lấy gia đình các nạn nhân và sớm trục lợi từ họ.
"Sự tức giận và cảm giác muốn được đền đáp là động cơ chính của các gia đình. Thân nhân của họ mới thiệt mạng và cảm giác chung là tìm nơi đổ trách nhiệm. Đó là phản ứng rất tự nhiên" - Mark nói.
Ông cho rằng kiện tụng tại tòa là cách duy nhất để đảm bảo an toàn hàng không. Ông dẫn ví dụ về chuyến bay của hãng Silk Air đi từ Indonesia tới Singapore, đã bị rơi giữa hành trình vào tháng 12/1997. Dù ban đầu trách nhiệm được quy cho các phi công của chiếc máy bay, nhưng sau đó một tòa án ở Los Angeles (Mỹ) lại thấy lỗi thuộc về một khiếm khuyến trong hệ thống lái của máy bay.
Ba gia đình đầu tiên khởi kiện Parker Hannifin - công ty sản xuất thiết bị gây lỗi trên máy bay Boeing 737, đã được bồi thường hơn 40 triệu USD. Hơn 40 gia đình nạn nhân khác cũng theo chân họ. Toàn bộ các máy bay Boeing 737 sau đó cũng phải thay thiết bị gây lỗi. Vụ này khiến ngành công nghiệp hàng không thiệt hại hơn 4 tỷ USD.
Marks cho biết, một hãng hàng không châu Âu thường bồi thường từ khoảng 500.000 USD tới vài triệu USD cho mỗi nạn nhân, tùy thuộc vào hoàn cảnh của các gia đình. Tuy nhiên để ra kết luận bên nào có lỗi mất rất nhiều thời gian.
Gần đây Marks mới khép lại một vụ kiện dài 13 năm, trong đó máy bay của hãng Bashkirian Airlines (Nga) đã đâm vào máy bay chở hàng của DHL trên bầu trời Đức vào tháng 7/2002. Các gia đình do ông tư vấn pháp lý đã nhận được 3 triệu USD cho mỗi nhà.
Thêm một vấn đề nữa được đặt ra, liệu các hãng hàng không có thoát khỏi trách nhiệm? Marks cho rằng thật khó để tưởng tượng được nếu như một hãng hàng không chẳng phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra.
"Ngay cả trong vụ đánh bom Lockerbie, khi một gã khủng bố cho nổ tung máy bay trên bầu trời Scotland, tòa án vẫn cho rằng hãng hàng không có lỗi do không kiểm tra kỹ hành lý ký gửi của khách. Và ngay cả vụ MH17, cho dù nó bị bắn hạ bởi lực lượng nào thì hãng hàng không cũng có lỗi, do họ chọn việc bay qua Ukraine khi mọi hãng hàng không khác đều tránh tuyến bay này" - Marks nói thêm.
Marks cho biết trong vụ tai nạn máy bay Germanwings, công ty mẹ Lufthansa và các công ty bảo hiểm làm việc với hãng này luôn rất có trách nhiệm, có thể nói là thuộc loại hàng đầu thế giới.
Nhưng Marks cho biết ông cũng không thích việc xử lý các vụ kiện đòi bồi thường ở Đức và tình hình ở Pháp cũng không khá hơn, do các quy định chặt chẽ về trách nhiệm và mức độ bồi thường./.
----------------------
Philippines tố Trung Quốc muốn thâu tóm toàn bộ Biển Đông
Philippines ngày 26/3 cáo buộc Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông thông qua lộ trình cải tạo và xây dựng rầm rộ trên các bãi đá tại đây.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lên tiếng cho rằng, hành động này của Trung Quốc nhằm làm suy yếu tính pháp lý của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) trong việc chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang đẩy nhanh lộ trình mở rộng lấn chiếm Biển Đông và thay đổi hiện trạng trong khu vực để hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn của nước này nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông”, ông Rosario tuyên bố.
Trong yêu sách đường 9 đoạn của mình, Trung Quốc khăng khăng cho rằng, mình có quyền chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông bao gồm cả những khu vực gần bờ biển của Philippines và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Tuy nhiên, theo AFP, những khu vực này cách đất liền của Trung Quốc tới gần 1.000km trong khi lại hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước nói trên.
Không chỉ Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền với từng khu vực khác nhau trên Biển Đông và đều có tranh chấp với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình hình trên Biển Đông chỉ đặt biệt căng thẳng gần đây sau hàng loạt động thái quyết liệt của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện và áp đặt chủ quyền của họ trong khu vực.
Ngoại trưởng Rosario cho biết, những hành động trên của Trung Quốc ngày càng gia tăng về cường độ mà một ví dụ điển hình là việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines trong khu vực gần bờ biển Philippines vào tháng 1/2015.
“Trung Quốc cũng đã tiếp tục những hoạt động lấn chiếm trên Biển Đông và tiến hành một loạt các hoạt động cải tạo và xây dựng trên các bãi đá thuộc khu vực tranh chấp”, ông Rosario nói.
Theo ông Rosario, hoạt động này của Trung Quốc diễn ra đồng loạt trên cả 7 bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa./.
-----------------------