Ngày 25/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giam đối tượng Lê Anh Pháp (25 tuổi, trú tại xóm Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi vận chuyển 20,5kg pháo trái phép, để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó ngày 23/3, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tàu Dân Tiến, Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra xe ôtô BKS 15B-01444 và phát hiện tại gầm ghế có 2 túi xách của Lê Anh Pháp (hành khách đi trên xe ôtô) bên trong đựng có 20,5kg pháo nổ dạng trứng, có nguồn gốc do Trung Quốc sản xuất.
Tại cơ quan Công an, Pháp khai được một người ở phường Trà Cổ, TP Móng Cái nhờ mua hộ số pháo trên để đem về quê tiêu thụ.
Ngày 25/3, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty 78 thuộc Tổng Công ty Miền Trung.
5 bị can bị truy tố gồm: Đặng Ngọc Thành, 57 tuổi, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Gỗ MDF; Lê Văn Xưởng, 62 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần xây dựng 78; Hồ Sỹ Quảng, 58 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần gỗ MDF Quảng Trị; Lê Chơn, 70 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Quang Trung (Công ty EC5); Nguyễn Khắc Thương, 63 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Công ty EC5.
Vụ án này được khởi tố điều tra từ năm 2008, sau đó TAND tỉnh Quảng Trị đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo với mức án khác nhau. Tuy nhiên, do có kháng nghị và kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, ngày 17/7/2014, toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị để điều tra lại.
Theo cáo trạng truy tố lần thứ hai, dự án Nhà máy Gỗ ván MDF-Cosevco tỉnh Quảng Trị do Công ty Xây dựng 78 thuộc Tổng Công ty Miền Trung làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 30.000m² sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư sau 4 lần điều chỉnh là hơn 457 tỉ đồng. Dự án gồm 25 gói thầu, khởi công tháng 8/2001 và đến tháng 9/2005 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Gỗ MDF nêu trên, các bị can trong vụ án đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và cố ý làm trái trong việc tổ chức đấu thầu, thi công, thanh quyết toán công trình.
Trong đó, bị can Hoàng Công Uyên (Giám đốc Công ty Xây dựng 78, bị can trong vụ án đã được TAND tỉnh Quảng Trị tạm đình chỉ vì mắc bệnh hiểm nghèo), Đặng Ngọc Thành, Lê Văn Xưởng đã lợi dụng là chủ đầu tư dự án Nhà máy Gỗ MDF, lợi dụng chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Trị làm trái quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng, vi phạm nguyên tắc quản lý vốn ngân sách Nhà nước... gây thiệt hại hơn 1,1 tỉ đồng cho Nhà nước.
Ngoài ra, vì vụ lợi và nhằm để hợp thức hoá việc ký hợp đồng với Công ty EC5, thi công hai gói thầu 2A và 2B mà không tổ chức đầu thầu theo quy định. Hành vi của các bị can Uyên, Thành, Xưởng, Chơn, Thương đã gây thiệt hại gần 340 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức đấu thầu và thanh toán, chủ đầu tư (Công ty Xây dựng 78) để xảy ra việc hợp thức hoá cho Công ty EC5 đã thi công trước và thoả thuận với bên thi công nhận 2% giá trị khối lượng khi thanh toán. Cơ quan tố tụng cáo buộc, bị can Lê Chơn đã chỉ đạo bị can Thương đưa cho Uyên và Quảng 50 triệu đồng. Hành vi này của các bị can bị phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Mặt khác, các bị can Uyên, Thành, Quảng, Xưởng còn làm trái quy định của Nhà nước về tài chính kế toán trong việc ký duyệt chi các mục chi phí khác trong đầu tư dự án Nhà máy Gỗ MDF gây thiệt hại hơn 2,6 tỉ đồng. Quá trình tổ chức đấu thầu lại gói thầu lắp đặt hệ thống điện động lực (gói 8A), các bị can Uyên, Thành, Xưởng đã làm trái quy định về đấu thầu, để Công ty TNHH VB trúng thầu, hợp thức hoá việc chỉ định thầu; quá trình thanh quyết toán gói thầu này không căn cứ vào khối lượng, giá trị thực tế thi công gây thiệt hại trên 1 tỉ đồng.
Như vậy, tổng thiệt hại do các bị can gây ra là hơn 5 tỉ đồng. Trong vụ án này, Viện KSND tối cao nêu đối với trường hợp bị can Hoàng Công Uyên sẽ được xem xét xử lý sau.
-------------------------
Khởi tố Giám đốc Chi nhánh Công ty Thực phẩm miền Bắc cùng đồng phạm gây thiệt hại nhiều tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời khởi tố 3 bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với số bị can này về hai tội danh nêu trên.
Cụ thể, Vũ Ngọc Kình, trú tại phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cùng cán bộ tín dụng dưới quyền là Vũ Đức Sơn, trú tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh, về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và Vũ Mạnh Hùng, trú tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Thực phẩm miền Bắc (trụ sở tại phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Qua điều tra ban đầu, từ năm 2010, bị can Vũ Mạnh Hùng đã lợi dụng việc được Giám đốc Công ty Thực phẩm miền Bắc ủy quyền để ký hợp đồng tín dụng hạn mức; hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng với một ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do ông Vũ Ngọc Kình là Phó Giám đốc.
Mục đích vay vốn để kinh doanh hàng nông sản thực phẩm... mà không có tài sản thế chấp với tổng hạn mức vay là 250 tỉ đồng.
Do còn dư nợ tại ngân hàng này là hơn 200 tỉ đồng, Chi nhánh Công ty Thực phẩm miền Bắc bị xếp thuộc nhóm khách hàng loại C, theo quy định không được tiếp tục cho vay.
Dù vậy, từ tháng 1/2011 đến tháng 2/2011, ông Hùng vẫn gửi các giấy nhận nợ, ủy nhiệm chi và tài liệu liên quan để Vũ Đức Sơn thẩm định, đề xuất trình Vũ Ngọc Kình ký giải ngân cho vay hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, Vũ Đức Sơn trực tiếp đề xuất trái quy định số tiền gần 28 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền này.
Đối với Vũ Mạnh Hùng, quá trình điều tra xác định, Hùng vay tiền của ngân hàng để thực hiện mua bán gạo, ủy thác với Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Sau khi thu tiền về, Hùng không trả đầy đủ cho ngân hàng, mà đã dùng số tiền gần 33 tỉ đồng trả nợ cho Công ty Lương thực Tiền Giang (số tiền này là trả nợ thay cho Công ty Thực phẩm miền Bắc), dẫn đến mất khả năng thanh toán khoản tiền trên của chi nhánh.
---------------------