Mỹ tái khẳng định giúp Nhật bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư
Một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc đã khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ Nhật Bản nếu có một âm mưu chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, theo đài NHK ngày 1.10.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đưa ra tuyên bố trên trong một bài phát biểu tại Washington hôm 30.9.
Quần đảo hiện do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền và gọi bằng các tên lần lượt là Điếu Ngư và Điếu Ngư Đài.
Ông Work nhấn mạnh Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật cũng được áp dụng cho quần đảo này và Mỹ sẽ có phản ứng ủng hộ đồng minh ứng phó mọi âm mưu đánh chiếm Senkaku/Điếu Ngư.
Thứ trưởng Work cho biết thêm Mỹ đang làm việc với Nhật nhằm xét lại các nguyên tắc chỉ đạo quốc phòng.
Ông nhận định hai nước sẽ có thể đảm bảo một liên minh vững chắc hơn sau khi Nhật diễn dịch lại hiến pháp nước này để cho phép vận dụng quyền phòng vệ tập thể.
Quan chức Mỹ cũng khẳng định không có sự thay đổi nào trong chiến lược ưu tiên châu Á, dù quân đội nước này đang phải đối mặt với các yêu cầu cắt giảm chi tiêu.
Quân đội Mỹ đang thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Hồi giáo cực đoan IS ở Iraq và Syria. Bên cạnh đó, cũng đã có những lời kêu gọi Mỹ củng cố an ninh ở châu Âu trong bối cảnh căng thẳng với Nga liên quan đến tình hình Ukraine.
Theo NHK, ông Work rõ ràng muốn nhắc nhở Nhật và các đồng minh châu Á về những lo ngại liên quan đến Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh Mỹ vẫn tập trung vào khu vực này.
-----------------------
Trung Quốc điều tàu chiến hiện đại nhất ra biển Đông tập trận
Khu trục hạm tên lửa Côn Minh (Type 052D), được ví như “lá chắn Aegis Trung Quốc”, đã được điều động ra biển Đông để tiến hành tập trận hải quân trong tháng 10.
Côn Minh được cho là tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo trang tin Want China Times (Đài Loan).
Được trang bị Hệ thống Radar Mảng Pha Quét Điện tử Chủ Động, khu trục hạm tên lửa này có hệ thống phóng thẳng đứng với 64 ống phóng tên lửa dùng để bắn tên lửa phòng không tầm xa Hồng Kỳ-9 và tên lửa hành trình Đông Hải-10.
Côn Minh thường được so sánh với khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, theo Want China Times.
Cuộc tập trận tại biển Đông lần này được thực hiện nhằm phô trương khả năng triển khai chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Hải quân PLA tại biển Đông, nơi có nhiều vùng đang có tranh chấp giữ Trung Quốc và các nước trong khu vực, trang tin Đài Loan cho biết.
Ngoài Côn Minh, khu trục hạm Hải Khẩu (Type 052C), và một chiến hạm Type 054A cũng được cử đi tham gia tập trận.
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận này là nhằm phản ứng lại cuộc tập trận Lá chắn Dũng cảm 2014 tại đảo Guam của quân đội Mỹ.
Mặc dù Lá chắn Dũng cảm 2014 không nhằm vào Trung Quốc, nhưng nó đã được phát động cùng ngày với cuộc tập trận thường niên Han Kuang của Đài Loan.
Want China Times nhận định Bắc Kinh dường như xem 2 cuộc tập trận này là một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Đài Loan
------------------------
Mỹ có thể chặn eo biển Malacca để kiềm chế Trung Quốc
Trang web Huanqiu của Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) trích đăng một phần bài viết trên trang tin quân sự Stars and Stripes (Mỹ) cho biết trong cuộc tập trận “Lá chắn Valiant” tổ chức ở phía Tây Thái Bình Dương hồi giữa tháng 9, Washington đã thử nghiệm chiến thuật “Tác chiến Không - Biển” nhằm tăng cường khả năng “chống tiếp cận - từ chối khu vực” của quân đội Mỹ, cho phép các đơn vị không quân và hải quân nhập lại nếu bị kẻ địch ngăn chặn.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa Trung Quốc vào danh sách cần đối phó trong bản tóm tắt chiến thuật năm 2013 nhưng với sự gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh, Washington đang xem xét biện pháp để kiềm chế một Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng.
Tuy nhiên, Đại tá thủy quân lục chiến về hưu kiêm nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Mỹ TX Hamas cho rằng chiến thuật “Tác chiến Không - Biển” có một điểm yếu, đó là quân đội Mỹ không thể phát hiện và tấn công các tên lửa nhiên liệu rắn cùng với bệ phóng tên lửa di động của Trung Quốc đúng thời điểm. Hơn nữa, chiến thuật này còn có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Hamas đề xuất Mỹ nên chặn Trung Quốc đi qua eo biển Malacca để giảm thiểu xung đột. Theo đó, chỉ cần 13-15 đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ để giữ khoảng 800 tàu Trung Quốc xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cảng ở eo biển Malacca. Ông Hamas cho biết đây là biện pháp hữu hiệu có thể “bóp cổ” Trung Quốc mà không làm chính quyền Bắc Kinh cảm thấy mất mặt vì bị chèn ép.
Một số chuyên gia khác lập luận nếu áp dụng biện pháp của ông Hamas, các nước láng giềng Trung Quốc trong khu vực bị chặn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giới phân tích dự đoán bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có nguy cơ xảy ra mà không thể nào đoán trước được.
----------------------
Mỹ và Ấn Độ tăng cường an ninh hàng hải
Ngày 30-9 (giờ địa phương), trong chuyến công du đến Mỹ trong bốn ngày từ ngày 26-9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hội đàm với Tổng thống Obama .
Hai bên thông báo đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải nhằm bảo đảm tự do lưu thông và hoạt động thương mại trên biển theo luật pháp quốc tế. Hai bên sẽ kéo dài thời hạn hợp tác quốc phòng (hết hạn vào cuối năm 2014) thêm 10 năm và tăng cường hợp tác chống khủng bố. Ấn Độ cho biết sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.
Reuters nhận định Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải nhằm đối phó với Trung Quốc. Báo Washington Post (Mỹ) ngày 30-9 đã đăng bài viết chung của Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi cam kết tiếp tục nỗ lực nối kết và hợp tác giữa Ấn Độ với Trung Á và Đông Nam Á. Báo Economic Times (Ấn Độ) nhận định bài viết trên nhắm thẳng vào thái độ lộng hành của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Trên báo USA Today, GS Nicholas Burns, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nhận định Tổng thống Obama khẳng định ủng hộ Ấn Độ vào Hội đồng Bảo an LHQ và ủng hộ vai trò của Ấn Độ trong các thể chế tài chính quốc tế là dấu hiệu phản ánh mục tiêu lâu dài của Mỹ nhằm xây dựng Ấn Độ trở thành đối trọng quân sự và kinh tế với Trung Quốc.
-----------------------
Nghị sĩ UKraina bị đánh đập dã man chấn động não
Một nghị sĩ Ukraina đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ tình trạng khẩn cấp của nước này bị tấn công và đánh đập bởi một nhóm dân tộc cực đoan tại thành phố cảng Odessa hôm 30.9.
Trước khi vụ việc xảy ra, nhà lãnh đạo của Ukraina này đã tham gia một cuộc họp báo trước cuộc bầu cử Quốc hội của đất nước.
Theo báo cáo từ văn phòng khu vực của Bộ Nội vụ Ukraina, ông Nestor Shufrych được chẩn đoán bị chấn động não sau khi bị những dân tộc cực ở Odessa, nhóm AutoMaidan và các nhóm chính trị cánh hữu khác tấn công.
Ông Shufrych cho biết, ông đã biết kế hoạch của những nhóm cực đoan này. “Họ muốn lặp lại màn trình diễn với những chiếc thùng rác và chất tẩy uế màu xanh lá cây”. Tuy nhiên ông Shufrych khẳng định, những người này sẽ không có cách nào để làm điều đó.
“Họ muốn ném tôi vào thùng rác, nhưng cách duy nhất họ có thể làm điều này là bước qua xác tôi”, cựu Bộ trưởng Ukraina nói khi nhắc lại vụ việc xảy ra với ông Vitaly Zhuravsky, cựu thành viên đảng Các khu vực của Tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Một nhóm khoảng 30 người bao vây ông Shufrych trong tòa nhà cùng với cựu Chủ tịch Hội đồng khu vực Nikolay Skoryk. Những người này nói rằng cần hỏi cựu Bộ trưởng Bộ tình trạng khẩn cấp một số câu hỏi. Sau đó những người đeo mặt nạ và ngụy trang xô ông Shufrych ra đường để dễ dàng đánh đập ông.
Những vệ sĩ của ông Shufrych đã bắn chỉ thiên để giải tán đám đông phẫn nộ nhưng không thành công. Sau đó, họ phải kéo nhà lãnh đạo của mình ra khỏi cuộc ẩu đả và đưa ông này vào một chiếc xe rồi lập tức rời đi.
Cảnh sát không hề có phản ứng nhanh chóng khi vụ việc xảy ra. Phát biểu với báo giới tại bệnh viện, ông Shufrych cho biết ông sẽ quay trở lại Odessa.
“Hãy tin tôi, chúng tôi sẽ sớm chấm dứt tình trạng vô luật pháp này. Và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để xóa sạch những linh hồn ma quỷ khỏi thành phố này”, ông Shufrych nói.