3.000 người London biểu tình ủng hộ Hong Kong
Hàng nghìn người hôm qua tập trung bên ngoài sứ quán Trung Quốc ở London để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào biểu tình tại Hong Kong, trong khi các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Các nhà tổ chức cho hay 3.000 người, hầu hết là thanh niên, đã tụ tập để cho những người biểu tình ở Hong Kong thấy rằng "họ không đơn độc".
Theo BBC, nhiều người mang theo ô, biểu tượng của chiến dịch biểu tình tại đặc khu từng là thuộc địa của Anh, bên cạnh các biểu ngữ, băng rôn yêu cầu "Dân chủ năm vào 2017". Đây là năm dự kiến diễn ra cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong tiếp theo.
"Chúng tôi ở đây để để nói với mọi người ở Hong Kong rằng họ không đơn độc. Có rất nhiều người đang đứng bên các bạn trên khắp thế giới", Desmond Sham, một trong các nhà tổ chức, nói.
Nghiên cứu sinh của Liên minh Hong Kong Hải ngoại nói thêm rằng: "Chúng ta làm một trong những hành động đoàn kết toàn cầu".
Trong đoàn biểu tình cũng có nhiều người là người Hong Kong sang London du học. Một người biểu tình kể các thành viên trong gia đình của anh ở quê nhà đều xuống đường. Một người khác cho hay đây là đêm cuối cùng cô ở London trước khi trở về Hong Kong để hòa vào dòng người biểu tình.
"Tôi muốn họ biết mọi người ở Đài Loan ủng hộ họ", Yao Liao, người Đài Loan nhưng đang sống ở London, cũng nói khi đứng trước sứ quán Trung Quốc.
-----------------------
Hong Kong 2-10: Văn phòng đặc khu trưởng Hồng Kông bị bao vây
Sáng sớm 2-10, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông Alex Chow Yong-kang kêu gọi người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, phong tỏa lối ra vào trụ sở chính.
Khu Kim Chung (Admiralty) sáng sớm 2-10 đã có rất đông người biểu tình tụ tập. Alex Chow Yong-kang kêu gọi mọi người tiếp tục phong tỏa các lối ra vào chính và lối thoát hiểm bên ngoài văn phòng đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh cho tới ngày 3-10 để gây áp lực buộc ông Lương từ chức.
Chow cho biết thêm sinh viên sẽ bao vây các tòa nhà chính quyền thành phố nhằm leo thang phong trào “bất tuân dân sự”.
Một nhân viên ngân hàng tên Ranny Law cho biết: “Chúng tôi sẽ ở lại các địa điểm biểu tình cho tới khi chính quyền giải quyết mọi khúc mắc. Ngày 3-10 tôi phải đi làm nhưng chắc chắn cuối tuần sẽ quay trở lại”.
Ở khu mua sắm vịnh Đồng La (Causeway Bay) còn có khoảng 300 người biểu tình đóng trại và không thấy bóng dáng cảnh sát trong khu vực.
Cũng trong sáng 2-10, có đến hơn 3.000 người biểu tình án ngữ bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại London – Anh để ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Họ đưa ra bản danh sách yêu cầu chính quyền Hồng Kông thực hiện, trong đó điều đầu tiên cũng là buộc ông Lương Chấn Anh phải từ chức.
Avery Ng Man-yuen, Phó Chủ tịch Liên đoàn các đảng dân chủ xã hội Hồng Kông, đang có mặt ở London cho biết ông bất ngờ vì số lượng người biểu tình phản đối trước đại sứ quán Trung Quốc. Trong ngày 27-9 trước đó, chỉ có 300 người biểu tình tập trung bên ngoài Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại London trong giai đoạn ủng hộ dân chủ đầu tiên.
Giáo sư Joseph Lian Zheng Yi, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Trung ương Hồng Kông, cho rằng giải pháp phá vỡ bế tắc hiện nay là Bắc Kinh phải thỏa hiệp nhưng ông không đồng ý với lời kêu gọi của người biểu tình đòi khởi động lại quá trình 5 bước theo yêu cầu của cơ quan lập pháp nhằm cải cách chính trị ở đặc khu.
Trước đó, vào chiều 1-10, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) Lester Shum (Sầm Ngao Huy) cho biết hành động "Chiếm lĩnh Trung tâm" đã lan ra 5 khu vực, có quy mô lớn hơn dự đoán với hơn 100.000 người tham gia.
Theo Sầm Ngao Huy, HKFS đã phát động phong trào bãi khóa vô thời hạn và yêu cầu ông Lương Chấn Anh trong ngày 1 hoặc 2-10 phải từ chức nếu không hoạt động của người biểu tình sẽ được tăng cường, bao gồm việc bao vây, chiếm lĩnh các cơ quan chính quyền khác nhau.
----------------------
Hồng Kông truyền ‘cảm hứng’ cho người Duy Ngô Nhĩ
Thủ lĩnh đang sống lưu vong của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc tin rằng các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đang truyền cảm hứng cho người dân ở quê nhà, khu tự trị Tân Cương.
Bà Rebiya Kadeer nói với tạp chí Foreign Policy rằng cách thức các cuộc biểu tình Hồng Kông diễn ra có thể tạo ra các gợi ý cho người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Biểu tình Hồng Kông “đầy cảm hứng" đối với người Duy Ngô Nhĩ, bà Kadeer, thủ lĩnh Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Foreign Policy.
Hàng chục ngàn người Hồng Kông đã đổ xô xuống đường để tiến hành các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm kêu gọi Bắc Kinh cho phép người dân đặc khu này được tự chọn lãnh đạo.
Nữ thủ lĩnh Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới còn nói thêm bà tin rằng sự chú ý của quốc tế đối với tình hình tại Hồng Kông sẽ khiến các cuộc biểu tình khó có khả năng đi đến một kết cục bạo lực.
“Người dân Hồng Kông đang đấu tranh theo một cách thức rất ôn hòa. Chính phủ Trung Quốc không thể đàn áp họ bằng vũ lực”, bà Kadeer cho hay.
Thủ lĩnh Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới này năm nay 67 tuổi và đã phải trải qua 11 năm sống trong tù ở Trung Quốc trước khi được phép sang sống lưu vong tại Mỹ hồi năm 2005.
Tân Cương là quê hương của khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ, phần lớn là các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni.
Bạo động gia tăng mạnh tại khu tự trị này trong một năm vừa qua, theo AFP. Trung Quốc cáo buộc các phần tử khủng bố có tổ chức bị ảnh hưởng các tổ chức ở nước ngoài gây ra tình trạng bất ổn tại Tân Cương.
-----------------------
Người biểu tình Hồng Kông dọa chiếm trụ sở chính quyền
Ngày 1.10, hàng ngàn người biểu tình đã đổ về quảng trường Golden Bauhinia, nơi diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ 65 Quốc khánh Trung Quốc. Do nhiều con đường lớn bị sinh viên và những người ủng hộ nhóm Occupy Central (OC) phong tỏa nên các quan chức phải đến Trung tâm hội nghị và triển lãm ở khu Wanchai để dự lễ bằng phà. Khi buổi lễ bắt đầu, đám đông đã vây kín bên ngoài khu vực la ó phản đối và đòi Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức. Thậm chí, một số người đã quay lưng lại khi lễ thượng cờ diễn ra, theo báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP). Các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố nếu ông Lương không từ chức trong ngày 2.10, họ sẽ đẩy mạnh hoạt động, bao gồm cả chiếm giữ trụ sở của các cơ quan chính quyền quan trọng.
----------------------
"Chiến lược mới" của ông Lương Chấn Anh
Một nguồn tin tiết lộ ông Lương Chấn Anh, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, đã thực hiện một chiến lược mới nhằm đối phó với cuộc biểu tình đòi dân chủ đang diễn ra rầm rộ.
Theo đó, một chuyên gia cho biết chính quyền Hồng Kông sẽ cho phép cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra đến khi những người tham gia đuối sức dần hoặc sẽ mất dần sự ủng hộ từ cộng đồng. Người này nói thêm rằng giải pháp hòa bình đối với bế tắc này sẽ giúp giải tán được đám đông biểu tình khỏi các quận đông đúc ở Hồng Kông. Theo báo The Australian hôm 2-10, nguồn tin cho rằng: “Bắc Kinh đã gửi thông điệp đến ông Lương. Chúng ta không thể châm ngòi nhưng phải ngăn chặn cuộc biểu tình theo cách hòa bình”.
Mặc khác, một quan chức cấp cao Hồng Kông cho biết chính quyền đặc khu này đã nhất trí mở cuộc họp với những người tổ chức phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” nhưng chỉ khi nhóm này đồng ý thay đổi yêu cầu của mình. Quan chức này nói: “Nếu những người biểu tình vẫn kiên quyết đòi ông Lương Chấn Anh từ chức thì cơ hội của cuộc gặp mặt là rất thấp”. Trong khi đó, những thủ lĩnh của phong trào này đe dọa cuộc biểu tình sẽ tiếp tục leo thang nếu trưởng đặc khu này vẫn không từ chức. Tuy nhiên, một quan chức khác trong chính quyền nói rằng ông Lương sẽ không từ chức.
Một quan chức tại Cục An ninh Hồng Kông nói rằng ông Lương không có nhiều lựa chọn trong việc đối đầu với những người biểu tình vì họ quá đông. Sau khi thất bại trong hành động giải tán đám đông bằng hơi cay, cảnh sát vẫn chưa có bất kỳ lựa chọn nào hiệu quả hơn cho đến thời điểm này. Nhưng người này cho rằng tình hình có thể sẽ thay đổi nếu Hồng Kông vẫn tiếp tục hỗn loạn trong tuần tới. Bên cạnh đó, một số người biểu tình đã trải qua nhiều ngày trên đường phố chia sẻ họ đang chuẩn bị quay trở lại với cuộc sống thường ngày.