'Hồng Kông đang bị hủy hoại'
Cách thức chính quyền Hồng Kông đang sử dụng để đối phó với những người biểu tình chỉ “hủy hoại tương lai và hệ thống tư pháp của Hồng Kông”, South China Morning Post ngày 30.11 dẫn lời một cựu quan chức đặc khu này nhận định.
Steve Vickers là cố vấn rủi ro an ninh, từng đứng đầu đơn vị tình báo tội phạm và có mối liên hệ mật thiết với nhiều người trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Vickers cũng chỉ trích người biểu tình, cố vấn này nói rằng đã đến lúc những người biểu tình rời khỏi đường phố và tìm cách chấm dứt tình trạng “đã trở nên rất bừa bãi” này.
Steven Vickers nói rằng chính phủ phải có động thái về mặt chính trị mang tính quyết định để chấm dứt sự bế tắc hiện nay.
“Đây là một vấn đề chính trị và không thể dùng vũ lực để giải quyết. Thay vì đó, việc sử dụng vũ lực chỉ làm tốn kém nguồn lực và không hiệu quả ”, South China Morning Post dẫn lời cố vấn này.
Theo Vickers, cách tiếp cận “được cho là bằng tư pháp và cảnh sát” của chính quyền hiện nay vừa không hiệu quả, lại hủy hoại cả tương lai của Hồng Kông, và làm ô danh ngành tư pháp ở đây.
Nhận định của cố vấn Vickers cũng tương đồng với các chỉ trích từ lãnh đạo biểu tình và nhà hoạt động sinh viên rằng Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã không thể xích lại gần những người biểu tình.
Benny Tai (Đới Diệu Đình), người sáng lập tổ chức Chiếm Trung Hoàn, ngày 29.11 đã cáo buộc cảnh sát giải tỏa khu biểu tình tại Vượng Giác (Mong Kok) bằng sự hợp pháp mà họ “ăn cắp từ tòa án”.
Ông cũng cảnh báo cảnh sát có thể dùng biện pháp tương tự để giải tán khu biểu tình tại Kim Chung (Admiralty) và Vịnh Đồng La (Causeway Bay); tuy nhiên việc giải tán chiếm đóng sẽ không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi mà những người biểu tình đưa ra.
Đêm 29.11, Mong Kok trải qua buổi tối đầu tiên bình yên sau một vài ngày hỗn loạn kể từ khi người thi hành án và sau đó là cảnh sát giải tán người biểu tình khỏi các lều trại. Những cuộc xô xát đã kéo theo bạo lực và nhiều vụ bắt bớ.
Trong khi đó, cuộc biểu tình yêu cầu chính quyền trung ương Trung Quốc rút lại quy định “sàn lọc” ứng viên bầu cử ở Hồng Kông đã bước sang tháng thứ ba.
-------------------------
Bị đàn áp, người biểu tình Hồng Kông xung đột dữ dội với cảnh sát
Hàng ngàn người biểu tình Hồng Kông đã xung đột với cảnh sát và gây ra hàng loạt vụ ẩu đả tại khu Vượng Giác từ sáng sớm 29-11 nhằm giành lại quyền kiểm soát một trong những khu vực biểu tình lớn nhất tại thành phố này.
Sau nhiều giờ căng thẳng và bế tắc, những vụ hỗn loạn bắt đầu nổ ra khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động dùng khiên, dùi cui và hơi cay trấn áp những người biểu tình và vật ngã nhiều người xuống đất. Tuy nhiên, hành động đàn áp của cảnh sát đã làm những người biểu tình thêm phẫn nộ và hàng trăm người đã tuần hành đòi dân chủ trong suốt 3 giờ liền, khiến lực lượng cảnh sát 28.000 người của Hồng Kông thêm vất vả.
Đôi lúc, những người biểu tình còn ném trứng, chai nước và những tấm bản gỗ về phía cảnh sát, còn cảnh sát thì vung dùi cui cố gắng đẩy lùi đám đông, một vài cảnh sát trong số đó cũng bị xây xát chảy máu.
Những căng thẳng mới xảy ra trong bối cảnh chính quyền vẫn đang chật vật tìm giải pháp cho một trong những cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Hồng Kông kể từ khi thành phố từng là thuộc đia Anh này được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trước đó, tình hình bất ổn cũng đã âm ỉ trong 3 đêm liên tiếp kể từ khi cảnh sát Hồng Kông tiến hành dọn dẹp lều trại của người biểu tình hồi tháng 4 và bắt giữ hàng trăm người biểu tình, trong đó có thủ lĩnh của nhóm Scholarism Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và thành viên Lester Shum (Sầm Ngao Huy) của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS).
Tổ chức Ân xá quốc tế hôm 28-11 đã cảnh báo cảnh sát Hồng Kông về việc dùng vũ lực với người biểu tình khi cả Wong và Shum sau khi bị bắt giữ đều lên tiếng cáo buộc cảnh sát đã đánh đập họ. Một số phóng viên cũng đã bị hành hung thô bạo, khiến Hội Nhà báo Hồng Kông nộp đơn khiếu nại chính thức và dự định cũng sẽ tiến hành biểu tình trong hôm nay 29-11.
Wong Ching-san - một người biểu tình trẻ tuổi mặc áo khoác đen - tỏ ra bức xúc: “Họ đâu cần phải dùng bạo lực mạnh tay đến vậy để đánh chúng tôi. Chúng tôi không muốn bạo lực nhưng họ đã tấn công thì chúng tôi phải đáp trả”. Những nhân viên y tế tình nguyện sơ cứu tại hiện trường đã phải điều trị rất nhiều trường hợp sinh viên biểu tình bị chấn thương vùng đầu hoặc bị xịt hơi cay thẳng vào mắt.
Ông Leung Yiu-chung, một nhà làm luật ủng hộ dân chủ khi quan sát những vụ ẩu đả đã phê phán cảnh sát Hồng Kông là thiếu kiềm chế. Ông khẳng định: “Một vài người trong số họ đã cố tình kích động người dân”.
Đã 2 tháng trôi qua kể từ lần đầu tiên cảnh sát Hồng Kông dùng hơi cay trấn áp người biểu tình tại khu vực cạnh các văn phòng chính phủ ở trung tâm tài chính châu Á. Cuộc biểu tình đã kéo dài ngoài sức tưởng tượng của dư luận thế giới, thu hút đến hơn 100.000 người xuống đường biểu tình đòi dân chủ vào lúc cao điểm nhất.
Một phát ngôn viên cảnh sát hôm 28-11 cũng cho biết họ đang rất lo ngại về những báo cáo rằng cảnh sát dùng bạo lực quá mức trong thời gian gần đây và sẽ tiến hành điều tra.
-------------------------
“Chiến tranh du kích đường phố” ở Hồng Kông?
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn tin từ tờ Minh báo (Hồng Kông) cho rằng người biểu tình ở đặc khu sẽ chuyển sang hình thức “chiến tranh du kích đường phố”, thậm chí kêu gọi đấu tranh vũ trang nếu cần.
Trên mạng xã hội Facebook, fanpage mang tên “Nhóm ma quỷ Hồng Kông” đề nghị người biểu tình đội mũ bảo hiểm, lận lưng các vật dụng có thể chống lại cảnh sát và dùng vũ lực để tái chiếm khu Vượng Giác (Mong Kok). Trong khi đó, cảnh sát tuyên bố sẽ truy tìm thủ phạm gây kích động trên mạng xã hội và thắt chặt an ninh ở Vượng Giác thêm 2 tuần.
Sáng 29-11, tại Vượng Giác lại xảy ra đụng độ khi người biểu tình muốn giành lại nơi này. Cảnh sát mất bình tĩnh sau khi người biểu tình xướng nhạc lúc nửa đêm giữa tiếng còi báo động gầm rú. Đôi khi họ còn ném trứng, chai nước, các tấm gỗ về phía hàng rào an ninh, khiến một số cảnh sát bị thương và phải dùng dùi cui để ngăn cản đám đông.
----------------------------------
Người biểu tình Hồng Kông gắng gượng
Chính quyền Hồng Kông đang bẻ từng chiếc đũa khi chọn khu Vượng Giác (Mong Kok) làm nơi dọn dẹp trước. Người biểu tình Hồng Kông hiểu họ sẽ phải làm gì nếu muốn duy trì yêu sách của mình lên chính quyền.
Cho đến trưa 26.11 cảnh sát Hồng Kông đã thành công trong việc dỡ bỏ lều trại, chướng ngại vật của người biểu tình trên đoạn đường Nathan ở khu Mong Kok (Vượng Giác), con đường chính của bán đảo Cửu Long đã thông xe trở lại.
Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ 86 người, trong đó có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) lãnh đạo nhóm Học Dân Tư Triều (Scholarism) và Lester Shum thuộc nhóm lãnh đạo Liên đoàn sinh viên Hồng Kông (HKFS). Tuy nhiên cho đến giờ này phía cảnh sát vẫn chưa cho biết là những người này bị buộc tội gì.
Việc dọn dẹp chướng ngại vật ở khu Mong Kok của cảnh sát Hồng Kông vào ban ngày nhằm tận dụng thời điểm phần lớn những người biểu tình rời bỏ vị trí để đi học hay đi làm. Hai khu biểu tình Admiratly (Kim Chung) và Mong Kok đông đúc hơn vào buổi tối khi mọi người xong công việc, và thời tiết dịu mát dễ chịu hơn cho người biểu tình.
Cảnh sát đã không gặp nhiều kháng cự khi dỡ bỏ chướng ngại vật trên đường. Tuy nhiên, báo chí địa phương cho biết vào buổi chiều 26.11 cảnh sát đã xịt hơi cay (pepper spray) giải tán người biểu tình còn tụ tập trên các con đường nhỏ xung quanh Nathan.
Khi tôi quay trở lại vào khoảng gần 11 giờ tối ngày 26.11, cảnh sát vẫn còn đứng đầy khu vực đường Nathan và các con đường nhỏ lân cận. Ước lượng cảnh sát ở khu vực này phải lên tới vài ngàn người.
Khi tôi dừng lại trên vỉa hè ở đường Nathan để chụp ảnh, một anh cảnh sát tiến lại và nói rằng tôi không nên đứng đây lâu. Tuy nhiên anh ta lịch sự cho phép tôi chụp hình, và khi tôi mở lời đề nghị phỏng vấn, anh từ chối. Người biểu tình đứng sát vỉa hè rất nhiều, như đang kiếm cơ hội để chiếm lại khu Mong Kok.
Cảnh sát Hồng Kông chắc không quên bài học vào ngày 17.10. Khi cảnh sát dọn dẹp khu biểu tình ở Mong Kok thì ngày hôm sau người biểu tình chiếm lại khu vực đó.
Ngay trên con đường chính Nathan, cảnh sát đứng dầy đặc hơn cả. Có cảnh sát đứng trên vỉa hè để hướng dẫn người đi đường di chuyển không cho dừng lại, và cảnh sát đặc nhiệm đứng ngay cả trên con lươn.
Cho đến khi tôi rời khu Mong Kok vào lúc 11 giờ 30 tối, tôi vẫn thấy cảnh sát và người dân vẫn đang canh chừng vị trí nhau. Tôi không rõ liệu cảnh sát và người biểu tình có thể duy trì tình trạng này đến khi nào. Chắc có lẽ nguyên tối nay nhiều người sẽ không ngủ và có lẽ thêm nhiều đêm nữa.
Tôi đi ngang qua một nhóm nhỏ đứng hô to khẩu hiệu bằng tiếng Quảng “Ngo yiu mai ye” có nghĩa là “Tôi muốn đi mua sắm”. Một bộ phận dân Hồng Kông chắc cũng không vui vẻ gì khi cuộc biểu tình kéo quá dài.
Tuy nhiên, ở khu biểu tình Admiralty, lều trại của người biểu tình vẫn bình thường. Có lẽ chính quyền Hồng Kông đang bẻ từng chiếc đũa khi chọn khu Mong Kok làm nơi dọn dẹp trước. Người biểu tình hiểu họ sẽ phải làm gì nếu muốn duy trì yêu sách của mình lên chính quyền.
-------------------------