Trung Quốc bãi miễn thủ lĩnh Đảng Tự do Hồng Kông
y viên Chính hiệp Hồng Kông Điền Bắc Tuấn thông báo từ chức hôm 29-10, chỉ vài giờ sau khi bị cơ quan tư vấn quốc hội hàng đầu Trung Quốc bãi miễn chức vụ.
Trong ngày 29-10, Thường vụ Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc (CPPCC) đã có buổi làm việc về quyết định sa thải ông Điền Bắc Tuấn, hiện là Chủ tịch Đảng Tự do Hồng Kông, sau khi ông này kêu gọi đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức hôm 24-10.
Đây là lần đầu tiên CPPCC sa thải một đại biểu do “vi phạm nghiêm trọng” các quy tắc được ban hành.
Sau khi công bố quyết định từ chức, ông Điền phát biểu trước báo giới: “Trong hoàn cảnh ở CPPCC, tiếng nói của tôi không có trọng lượng. Nếu tôi muốn đại diện cho người dân Hồng Kông để giúp họ có tiếng nói riêng… việc tôi từ chức (Chủ tịch Đảng Tự do) sẽ cho phép tôi phục vụ người dân Hồng Kông tốt hơn là một nhà lập pháp”.
Quyết định sa thải Ủy viên Điền Bắc Tuấn của CPPCC có thể làm kích động thêm cuộc biểu tình đòi bầu cử dân chủ đang diễn ra căng thẳng tại Hồng Kông.
Trước đó, ông Điền cũng từng rút lui khỏi hội đồng lập pháp Hồng Kông sau cuộc tuần hành phản đối dự luật an ninh gây tranh cãi ngày 1-7-2003, khiến đặc khu trưởng Hồng Kông lúc đó là Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) phải hủy bỏ dự luật.
-------------------------
Sinh viên Hồng Kông muốn gặp thủ tướng Trung Quốc
Trong thư gửi Tổng Thư ký quản trị Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 28-10, Hiệp hội Sinh viên Hồng Kông (HKFS), một trong 3 nhóm biểu tình chính, đưa ra các điều kiện để nối lại đàm phán.
Tổng Thư ký HKFS Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) yêu cầu hai bên phải đặt mục tiêu đạt thành quả đối thoại thực chất nếu muốn triển khai vòng đối thoại tiếp theo. Chính quyền cần báo cáo chính quyền Bắc Kinh về ý kiến của người dân Hồng Kông đối với những cải cách chính trị.
Ngoài ra, sinh viên cũng đề nghị chính quyền đặc khu sắp xếp đối thoại trực tiếp “để giải thích tình hình thực tế ở Hồng Kông” với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng như quan chức trung ương phụ trách vấn đề Hồng Kông - Ma Cau.
Chu Vĩnh Khang cũng kêu gọi chính quyền đặc khu trực tiếp đối thoại với người biểu tình và các đoàn thể liên quan ở khu vực chiếm đóng. “Không có chỗ cho đàm phán nữa nếu chính phủ không đồng ý với các điều kiện, trừ khi họ đưa ra giải pháp chấp nhận được” - Chu Vĩnh Khang nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cùng ngày, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ ngăn chặn “các thế lực bên ngoài” can thiệp vào Hồng Kông và Ma Cao, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền đặc khu cũng như người đứng đầu Lương Chấn Anh.
Trong một diễn biến khác, tờ Minh báo đưa tin một trong những nội dung làm việc trong ngày 29-10 của Thường vụ Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc là bãi miễn chức vụ Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc của ông Điền Bắc Tuấn, người trước đó đã kêu gọi ông Lương Chấn Anh từ chức.
Theo một cuộc khảo sát không chính thức của Reuters hôm 28-10, cứ 10 người biểu tình Hồng Kông được hỏi thì đến 9 người khẳng định sẵn sàng trụ lại đường phố hơn 1 năm để thúc đẩy cải cách dân chủ. Ngoài ra, 93% ý kiến quả quyết dù có bị cảnh sát giải tán bằng vũ lực, họ vẫn quay lại biểu tình.
-------------------------
Người biểu tình Hồng Kông sẵn sàng xuống đường cả năm đòi dân chủ
Trong số 10 người thì có tới 9 người biểu tình Hồng Kông nói rằng, họ sẵn sàng ở lại trên đường phố trong hơn 1 năm nữa để thúc đẩy nền dân chủ toàn diện, theo khảo sát của hãng thông tấn Reuters hôm 28.10.
Khảo sát được tiến hành tại 2 điểm biểu tình lớn vào ngày kỷ niệm 1 tháng bắt đầu phong trào “Chiếm trung tâm”. Đại đa số các thủ lĩnh biểu tình sinh viên trả lời khảo sát của Reuters vẫn tỏ ra đầy thách thức.
Kết quả thăm dò cho thấy, 87% người biểu tình nói rằng, họ sẵn sàng theo đuổi chiến dịch chiếm đóng này trong hơn 1 năm, trong khi đó, 93% cho biết, thậm chí nếu bị cảnh sát xóa sạch họ cũng sẽ tập hợp lại và khởi động phong trào chiếm đóng trên các đường phố khác.
Phong trào biểu tình một phần được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự lũng đoạn ngày càng tăng của các nhà tư bản Hồng Kông. Minh chứng cho điều này là 38% trong số 121 người biểu tình trả lời khảo sát của Reuters cho hay, “sự bất bình đẳng giàu nghèo” là một yếu tố quan trọng thúc đẩy khát vọng dân chủ của họ.
Trong suốt 1 tháng qua, các con đường chính dẫn vào 3 quận trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng của Hồng Kông đều bị ngăn chặn bằng gỗ và thép của hàng nghìn người biểu tình. Những người này cũng thiết lập một khu vực chiếm đóng bán kiên cố giữa cả biển lều trại.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh đã lặp lại hồi cuối tuần qua rằng, ông sẽ không từ chức bất chấp việc ông James Tien, chính khách đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp, nói ông Lương nên xem xét khả năng này.
-------------------------
Hồng Kông: Phe nơ xanh trút giận vào các nhà báo tại hiện trường
Ba nhà báo bị tấn công ở Hồng Kông vào tối tngày 25.10 sau khi đụng chạm với những người ủng hộ chính quyền đang tuần hành phản đối cuộc biểu tình đòi dân chủ vốn đã chiếm giữ nhiều địa điểm ở Hồng Kông trong bốn tuần qua.
Đặc khu hành chính của Trung Quốc này đang đối mặt với cuộc biểu tình đòi dân chủ với sự tham gia của đông đảo học sinh sinh viên từ cuối tháng trước, hãng tin Reuters cho biết
Tuy nhiên, cuộc biểu tình này cũng gặp sự chống đối từ những nhóm bất bình và những thành phần xã hội lên án việc đình trệ giao thông và mua bán, trong số đó có nhiều công nhân lao động như tài xế taxi và tài xế xe tải.
Tối ngày 25.10, hơn 1.000 người ủng hộ phong trào chống biểu tình đã tập hợp để lên án những người biểu tình đòi dân chủ gần bến tàu Star Ferry. Nhiều người hô các khẩu hiệu như "Trả Hồng Kông lại cho tôi" và "Hãy dọn khỏi đường phố ngay lập tức".
Mặc dù hai nhóm biểu tình đối đầu nhau không xảy ra xung đột nhưng những nhóm nhỏ người phản biểu tình đeo dải ruy băng xanh đã trút sự tức giận của họ vào các nhà báo đang làm việc tại hiện trường.
Trong lúc hai bên lời qua tiếng lại, một quay phim cùng một phóng viên của Đài TVB bị đám đông vây quanh và quấy nhiễu.
Một số người xô đẩy các nhà báo, xé cà vạt của một phóng viên và giật mắt kính của một quay phim trong khi la hét và chửi rủi.
Sau đó, cảnh sát đã phải hộ tống các nhà báo này ra khỏi đám đông đang giận dữ.
Người biểu tình Hồng Kông vẫn bám trụ trên đường phố.
Một nữ phóng viên của Đài RTHK cũng bị những người biểu tình đeo nơ xanh đá vào chân và vào thân sau khi bị xô xuống đất. Nữ phóng viên này đã được đưa đến bệnh viện.
Đài RTHK và công đoàn của đài đã lên án vụ tấn công. Phát ngôn nhân của đài nói họ sẽ có hành động pháp lý.
Trong tháng qua, các lãnh đạo của nhóm nơ xanh đã công khai đe dọa những người biểu tình ủng hộ dân chủ đeo ruy băng vàng.
Sau đó, đã xảy ra một số vụ những người giận dữ dọn rào chắn trên đường và đánh nhau trên đường phố ở quận Mong Kok – nơi chứng kiến những hành động bạo lực tồi tệ nhất giữa hai phía.
Cảnh sát Hồng Kông nói rằng những cuộc tấn công vào người biểu tình này là có sự phối hợp và có dính líu đến Hội Tam Hoàng, một băng đảng xã hội đen khét tiếng ở Hồng Kông.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh đã lặp lại hồi cuối tuần qua rằng ông sẽ không từ chức bất chấp việc ông James Tien, chính khách đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp, nói ông Lương nên xem xét khả năng này.
Hàng ngàn người biểu tình vẫn cắm trại trên một tuyến đường chính gần trụ sở chính quyền ở khu Admiralty và ở các điểm khác ở Causeway Bay và Mong Kok nhưng với ít người hơn.
-------------------------
Cuộc trưng cầu ý kiến tại Hồng Kông bị trì hoãn
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã trì hoãn cuộc trưng cầu theo kế hoạch, vì những ý kiến trái chiều về các vấn đề được biểu quyết và cách thức bỏ phiếu.
Các lãnh đạo biểu tình dự định tổ chức cuộc thăm dò dư luận vào ngày 26 và 27-10. Các vấn đề chính của cuộc thăm dò bao gồm việc yêu cầu chính quyền Hồng Kông đề nghị Trung Quốc xem lại cải cách bầu cử được ban hành ngày 31-8, cũng như kêu gọi một cơ quan quyền lực bên ngoài chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử hội đồng lập pháp vào năm 2016 và trưởng đặc khu Hồng Kông vào năm 2017.
Những người biểu tình tuyên bố kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý trên sau khi các cuộc đàm phán giải quyết bế tắc với chính quyền Hồng Kông hôm 21-10 thất bại. Chính quyền Hồng Kông khi đó đề nghị gửi một văn bản đến Trung Quốc trình bày sự bất mãn của những người biểu tình về cải cách bầu cử Hồng Kông. Đồng thời giới chức đặc khu này cũng yêu cầu tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên với những người biểu tình về vấn đề cải cách dân chủ với điều kiện người biểu tình chấm dứt việc chiếm đóng đường phố. Tuy nhiên, các lãnh đạo biểu tình đã bác bỏ những điều kiện trên của chính quyền Hồng Kông.
Quyết định trì hoãn được đưa ra chỉ vài giờ trước khi cuộc thăm dò được tiến hành. Hiện vẫn chưa rõ lực lượng biểu tình có tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào một ngày khác hay không.
Ông Betty Yung, 65 tuổi, một hiệu trưởng đã nghỉ hưu, tỏ ra không hài lòng về cách biểu tình của sinh viên: “Chúng ta có thể không đồng ý nhưng cũng không thể ngồi giữa đường. Đây không phải là cách làm đúng. Điều gì sẽ xảy ra nếu xe cứu thương đưa tôi đến bệnh viện nhưng lại bị mắc kẹt vì những sinh viên đã chặn đường?”.
Cùng ngày cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ hai kẻ tình nghi, gồm một nam 60 tuổi và một nữ, 43 tuổi, sau vụ 3 phóng viên của truyền hình TVB và RTHK bị những người ủng hộ chính quyền tấn công tối 25-10.
-------------------------