Giảm án cho người vợ giết chồng
Ngày 29.10, TAND Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên phạt Trương Thị Bài (54 tuổi, trú xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) 3 năm tù về tội giết người.
Theo cáo trạng, ngày 21.1, ông Đặng Công Toàn (chồng bị cáo Bài) đi uống rượu về la hét chửi bới vợ con, yêu cầu vợ phải đi làm cả ngày 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán, nếu nghỉ sẽ bị chém.
Thấy vợ không bằng lòng, ông đuổi đánh, bắt cùng con trai út 11 tuổi ra ngủ tại khu nhốt gà.
Sáng sớm hôm sau, bà Bài dẫn con vào nhà, rang cơm ăn để đi học thì bất ngờ bị chồng túm cổ áo, đánh đập.
Bà vùng chạy thoát ra khỏi nhà, sau đó quay về thì bị chồng tiếp tục khống chế.
Trong khi giằng co, bà vớ con dao ở đầu giường chém vào đầu chồng khiến ông Toàn tử vong. Bà Bài sau đó đã tới cơ quan công an đầu thú.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bài liên tục ngã quỵ trước vành móng ngựa, 5 người con của bị cáo đồng loạt xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho mẹ.
Tòa sơ thẩm nhận định, bị cáo bị bạo hành suốt 10 năm, gây án khi bị dồn vào bước đường cùng nên cho hưởng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt 4 năm tù.
Cho rằng mức án quá thấp, phía gia đình ông Toàn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt.
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, nhận định bị cáo phạm tội do thường xuyên bị bạo hành, gây án trong lúc tinh thần bị kích động mạnh, nên đã tuyên giảm án cho bị cáo xuống còn 3 năm tù.
Không đồng ý với bản án phúc thẩm, người thân gồm em trai, chị của bị hại đã có những hành động gây rối, văng tục tại tòa.
-------------------------
Dùng heo thối sản xuất mỡ ăn
Ngày 29.10, Trạm thú y Bình Chánh phối hợp Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế H.Bình Chánh kiểm tra nhà số D20A/28L Võ Văn Vân, ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, phát hiện 486 kg mỡ heo bỏ trên nền nhà dơ bẩn, 200 kg phụ phẩm bỏ trong 5 thùng xốp bốc mùi hôi thối, 7 can mỡ (loại can 25 lít) và 600 kg tóp mỡ (ép thành bánh), tất cả đều không có giấy kiểm dịch.
Chủ cơ sở là ông Phan Văn Nghịch (29 tuổi, quê Phú Yên) không xuất trình được giấy phép kinh doanh.
Ông Nghịch khai tất cả số mỡ heo, phụ phẩm thu mua từ chợ Tân Xuân (H.Hóc Môn) với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, mang về nấu làm mỡ ăn, phần tóp mỡ được ép thành bánh lớn, sau đó cung cấp cho một công ty thủy sản ở Đồng Tháp. Mỗi ngày, cơ sở nấu ra khoảng 100 lít mỡ thành phẩm.
* Sáng 28.10, đoàn kiểm tra liên ngành của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương kiểm tra đột xuất Công ty TNHH TM DV Phú Thành Quốc (KP.Châu Thới, P.Bình An, TX.Dĩ An), do nghi ngờ chế biến “thịt thối” cho suất ăn của học sinh.
Trước đó, một số hình ảnh và clip được tung lên mạng cho rằng những miếng thịt heo tím tái nhợt nhạt, rỉ nước vàng... do công ty mua về để chế biến thức ăn, sau đó cung cấp cho học sinh Trường tiểu học Hiệp Bình Chánh và Trường THCS Linh Đông (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Dương Trường Thành, Giám đốc Công ty Phú Thành Quốc, thừa nhận đoạn clip đăng trên mạng được quay lúc đơn vị bán hàng mang thực phẩm đến giao cho công ty vào khoảng tháng 9.2014. Số “thịt thối” do đơn vị bán hàng ở Q.Gò Vấp bán, nhưng khi kiểm tra thấy không đạt tiêu chuẩn nên công ty đã trả lại đơn vị bán hàng. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu chứng minh việc trả lại số thịt không đạt tiêu chuẩn thì ông Thành nói do không mua số thịt này nên không có hóa đơn, chứng từ.
Theo ông Thành, mỗi ngày công ty cung cấp cho Trường tiểu học Hiệp Bình Chánh khoảng 380 suất ăn trưa với giá 18.000 đồng/suất, Trường THCS Linh Đông khoảng 390 suất ăn trưa với giá 20.000 đồng/suất.
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thịt heo, dầu ăn còn lưu lại ở công ty để đưa đi xét nghiệm.
-------------------------
Xóa bỏ tà đạo 'Hà Mòn' trên Cao nguyên
Các tỉnh Tây Nguyên đã giáo dục, cảm hóa 238 đối tượng, đưa 124 đối tượng ra kiểm điểm trước dân; vận động 3 đối tượng lẩn trốn, ra trình diện; rà soát, phân loại và quản lý tại cộng đồng hơn 200 đối tượng; bóc gỡ 112 đối tượng cầm đầu và xóa bỏ 8 điểm nhóm hoạt động tà đạo “Hà Mòn”.
Ngày 28/10, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn Tây Nguyên. Các đồng chí: Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trung tướng Võ Hoài Việt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II chủ trì.
Hội nghị nhận định, trước tình hình hoạt động có diễn biến phức tạp của tà đạo “Hà Mòn” từ tháng 3/2014 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương, tập trung lực lượng đấu tranh truy bắt các đối tượng Phun-rô lợi dụng hoạt động tà đạo “Hà Mòn” để chống phá; chủ động ngăn chặn hoạt động móc nối liên lạc của số đối tượng “Tin lành Đêga” với số cầm đầu, cốt cán tà đạo “Hà Mòn”.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lực lượng xuống cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng, tích cực đấu tranh vạch trần luận điệu xuyên tạc, lừa mị của các đối tượng, làm cho nhân dân hiểu rõ bản chất của tà đạo “Hà Mòn” và việc lợi dụng của bọn phản động Phun-rô.
Cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên tổ chức 6 tổ công tác tăng cường tại các xã trọng điểm, tổ chức 21 buổi phát động quần chúng, tranh thủ 257 lượt người có uy tín trong cộng đồng và 32 lượt chức sắc tôn giáo nhằm tuyên truyền vận động quần chúng, ngăn chặn hoạt động trái phép của tà đạo “Hà Mòn”.
Kết quả, các tỉnh Tây Nguyên đã giáo dục, cảm hóa 238 đối tượng, đưa 124 đối tượng ra kiểm điểm trước dân; vận động 3 đối tượng lẩn trốn, ra trình diện; rà soát, phân loại và quản lý tại cộng đồng hơn 200 đối tượng; bóc gỡ 112 đối tượng cầm đầu và xóa bỏ 8 điểm nhóm hoạt động tà đạo “Hà Mòn”.
Cục An ninh Tây Nguyên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các địa phương đấu tranh cảm hóa một số đối tượng cốt cán, cầm đầu tà đạo “Hà Mòn”. Nhờ vậy, đến nay so với thời điểm tháng 8/2013, tình hình hoạt động của tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc giảm 718 người, xóa các điểm nhóm hoạt động tà đạo “Hà Mòn” tại 2 làng, 3 xã và 1 huyện.
Hội nghị tập trung thảo luận, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình hình diễn biến phức tạp của tà đạo “Hà Mòn” thời gian gần đây và thống nhất biện pháp phối hợp đẩy mạnh đấu tranh giữa các lực lượng, các địa phương nhằm xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần chăm lo giải quyết tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và tín ngưỡng tôn giáo cho đồng bào các dân tộc, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng.
-------------------------
Bắt nguyên giám đốc Công ty XSKT Lâm Đồng
Sáng 29-10, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Thái Khắc Ngọ (58 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng (Công ty XSKT Lâm Đồng), do có hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị bắt tạm giam với ông Ngọ còn có ông Lương Hữu Đức (44 tuổi), kế toán trưởng Công ty XSKT Lâm Đồng; Trần Kim Nghĩa (56 tuổi), nguyên Giám đốc điều hành CLB Bóng đá XSKT Lâm Đồng, hiện công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, giữ chức Tổng Thư ký LĐBĐ Lâm Đồng.
Theo cáo buộc từ CQĐT, ông Thái Khắc Ngọ và các đồng phạm gây thiệt hại nghiêm trọng ngân sách nhà nước. Năm 2011 và 2012, Công ty XSKT Lâm Đồng đã chi sai 30 tỉ đồng, đầu tư trái ngành vào việc xây dựng sân bóng và chi hơn 32 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Thể thao XSKT Lâm Đồng nhưng hoạt động thua lỗ.
Trước đó, dù được lên hạng nhất vào năm 2013 nhưng do những khoản chi tiêu không rõ ràng và bị thua lỗ, đội bóng đá XSKT Lâm Đồng phải giải thể vào tháng 12-2012. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty XSKT Lâm Đồng sẽ đầu tư cho đội bóng 23 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và xây dựng sân bóng, nhiều khoản chi phát sinh khiến ngân quỹ đội bóng thường xuyên lâm vào khủng hoảng.
Tháng 5-2014, ông Ngọ đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng tạm đình chỉ chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty XSKT Lâm Đồng.
-------------------------
Hà Nội: Thu giữ hàng trăm máy lọc nước giả
Chiều 27/10, lực lượng cảnh sát kinh tế Đội 4 Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh máy lọc nước tại địa chỉ 137 phố Định Công, quận Hoàng Mai và phát hiện cơ sở này bày bán hàng trăm máy lọc nước hiệu Kangaroo và nhiều dụng cụ, thiết bị kh ác nghi là hàng giả.
Tại thời điểm kiểm tra tổ công tác phát hiện cơ sở này bày bán hàng trăm máy lọc nước hiệu Kangaroo và nhiều dụng cụ, thiết bị kh ác nghi là hàng giả.
Cơ quan công an yêu cầu chủ hàng xuất trình giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hàng hóa nhưng Trần Văn Phương đã không có bất cứ chứng từ nào.
Ngay lập tức Trần Văn Phương được mời về trụ sở Công an để phục vụ công tác điều tra. Tại đây, đối tượng Trần Văn Phương khai nhận đã mua vỏ máy, nhãn mác, cùng nhiều thiết bị lọc nước "xịn" của hãng Kangaroo để làm mẫu mã.
Sau khi ký hợp đồng với một xưởng sản xuất thuộc Công ty cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Đào Thịnh có địa chỉ tại ngõ 15 tổ 1 Định Công, Thịnh Liệt, để “liên kết” làm giả các thiết bị nói trên, Phương đã đưa phôi cùng nhiều thiết bị gần giống máy lọc nước xịn của nhãn hiệu Kangaroo cho cơ sở này làm giả các thiết bị nói trên. Cùng với cửa hàng tại Định Công, cơ quan công an còn phát hiện một cửa hàng tại Hà Đông cũng giới thiệu sản phẩm và bày bán nhiều loại máy lọc nước xuất xứ tại đây.
Ngay trong ngày 27/10, cơ quan công an đã tiến hành khám xét với cơ sở sản xuất thuộc Công ty cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Đào Thịnh.
Tại đây, cơ quan công an bắt quả tang nhân viên của Công ty đang thực hiện cắt tiện nhiều lõi lọc nước giả nhãn hiệu Kangaroo. Bước đầu, nhân viên khai nhận, chỉ với chiếc máy tiện cắt chữ vi tính, mỗi ngày cơ sở này cho tung ra hàng trăm lõi lọc nước, cùng nhiều thiết bị khác để “dựng” thành máy lọc nước Kangaroo giả. Sau khi hoàn tất thành phẩm, nhân viên dán nhãn mác in chữ Kangaroo vào để giao cho Trần Văn Phương bán.
Cơ quan Công an đã tạm giữ niêm phong gần 1.000 thiết bị, máy lọc nước in nhãn hiệu Kangaroo giả và hệ thống máy móc làm giả các thiết bị nói trên; đồng thời niêm phong hệ thống máy móc, nhà xưởng sản xuất các thiết bị, dụng cụ máy lọc nước giả nhãn mác này. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
-------------------------