Các phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria đã sát hại ít nhất 30 tay súng ủng hộ chính phủ và các nhân viên an ninh trong một cuộc tấn công nhằm vào một mỏ dầu và khí đốt quan trọng ở miền trung Syria.
IS đã chiếm mỏ dầu Sha'ar tại Shaer ở tỉnh Homs hồi tháng 7, cướp đi sinh mạng của 350 binh sĩ chính phủ, các dân quân đồng minh, các nhân viên an ninh và đội ngũ nhân viên, theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh. Hầu hết những người thiệt mạng được cho là đã bị hành quyết sau khi bị bắt làm tù binh.
Các lực lượng chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát mỏ dầu vào cuối tháng 7.
Trong một đợt giao tranh mới bùng phát ngày 28/10, IS đã chiếm 3 giếng dầu và sát hại ít nhất 30 tay súng chính phủ và thân chính phủ, SOHR, vốn giám sát bạo lực tại Syria thông qua một mạng lưới các nguồi tin, xác nhận.
“IS đã cố gắng kiểm soát các khu vực của mỏ dầu”, SOHR cho hay.
Các phần tử thánh chiến cũng bị tiêu diệt nhưng chưa rõ con số cụ thể, giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman nói.
Giao tranh vẫn tiếp diễn vào đêm qua, theo SOHR.
Các vụ giao tranh quy mô lớn giữa chính phủ Syria và IS ít khi xảy ra cho tới mùa hè năm nay, khi IS bắt đầu chiếm các vị trí của chính phủ, trong đó có một loạt các căn cứ quân sự ở tỉnh Raqqa thuộc miền bắc Syria.
Các cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp diễn kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu ném bom IS tại Syria hồi tháng trước. Mỹ tuyên bố không hợp tác với lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
IS đã nhắm vào các mỏ dầu và khí đốt tại Syria và Iraq trong bối cảnh nhóm này tìm kiếm các nguồn quỹ phục vụ cuộc chiến đấu nhằm giành lãnh thổ cho một “vương quốc” Hồi giáo tự xưng.
Những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga mới chỉ bắt đầu phát huy tác dụng. Trong khi đó, thế mạnh chiến lược của TT Nga Vladimir Putin đã từng giúp Nga lấn lướt trên các bàn đàm phán đang bị suy giảm và ảnh hưởng tới các quyết định của ông chủ Điện Kremlin.
Gió đổi chiều
Ngày 27/10, cổ phiếu ngành năng lượng trên TTCK Mỹ tiếp tục giảm mạnh và kìm hãm sự đi lên của chỉ số S&P 500 sau khi giá dầu thô thế giới lại đe dọa xuyên thủng ngưỡng 80 USD/thùng.
Dầu thô chưa thể bật lên trước ngưỡng hỗ trợ rất mạnh 80 USD/thùng cho thấy mặt hàng này vẫn đang yếu thế. Nguồn cung lớn, kinh tế thế giới còn khó khăn và các yếu tố chính trị khác đang kìm hãm sự hồi phục của giá dầu.
Theo số liệu của Bloomberg, từ tháng 6 tới nay, giá dầu thô đã giảm khoảng 27%, từ mức 115 USD/thùng, xuống chỉ còn khoảng 80-81 USD/thùng. Đây cũng là mức thấp trong gần 2 năm rưỡi qua.
Dầu thô giảm giá quá nhanh và đầy bất ngờ. Mặt hàng này có giá khá ổn định trong suốt 4 năm trước đó, ở mức trung bình 110 USD/thùng, trước khi tụt xuống ngưỡng 80 USD/thùng trong vòng 4 tháng qua. Mức giá cao kỷ lục trên 140 USD/thùng hồi giữa năm 2008 giờ đây giống như một câu chuyện cổ tích xa xưa.
Gần đây, Goldman Sachs cũng đã hạ dự báo về giá dầu. Ngân hàng đầu tư này cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang mất dần quyền định đoạt giá dầu khi sản lượng chiết xuất dầu từ đá phiến sét của Mỹ liên tục tăng. Theo dự báo mới của Goldman, giá dầu ngọt nhẹ WTI trong quý I/2015 trung bình sẽ chỉ còn 75 USD/thùng, so với mức 90 USD/thùng trong dự báo trước đó.
Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu trên thế giới đang giảm mạnh và có thể duy trì mức thấp trong một năm hoặc lâu hơn.
Ông Michael Lynch, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng ở Winchester, Massachusetts nói trên trang chuyên ngành HSN cho rằng, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với chi phí năng lượng thấp hơn.
Theo WB, giá dầu giảm hay chi phí năng lượng thấp có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng đồng thời cũng có thể tạo căng thẳng chính trị. Áp lực lên nhiều nền kinh tế và nhiều chính quyền là rất lớn. Giá dầu thấp có thể làm suy yếu những nền kinh tế cũng như quyền lực chính trị của các nước xuất khẩu dầu trong đó có Nga, trong bối cảnh nước này phải chống đỡ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Thế mạnh thành nỗi lo?
Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Putin cho rằng, giá dầu giảm không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Nga bởi ông tin mặt hàng này sẽ nhanh chóng tăng giá trở lại.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh báo chí trong và ngoài nước nêu ra rất nhiều kịch bản tồi tệ đối với nền kinh tế Nga khi mà dầu đứng ở mức thấp. Dầu khí - quân bài chiến lược giúp ông Putin lấn lướt trên nhiều bàn đàm phán trong các năm qua giờ dường như đang trở thành nỗi lo của ông chủ Điện Kremlin và chính phủ nước này.
Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, trong vài tháng gần đây, giá trị xuất khẩu của Nga liên tục giảm và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn do giá dầu thấp và ảnh hưởng của các lệnh cấm vận của Mỹ, EU...
Những lo lắng nói trên là có cơ sở bởi dầu khí chiếm khoảng 50% ngân sách cũng như giá trị xuất khẩu của Nga. Giá dầu đứng ở mức gần 110 USD/thùng trong tháng 6 và giờ đây chỉ còn khoảng 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 100 USD/thùng mà chính quyền Nga hoạch định cho năm nay.
Trong giai đoạnh 2015-2017, Nga cũng đã giả định giá dầu ở mức 100 USD/thùng để hoạch định kế hoạch phát triển. Với dự báo dầu còn ở mức thấp kéo dài, nền kinh tế Nga có lẽ sẽ lâm vào tình thế khó khăn.
Theo tờ FT, Nga không gặp nhiều khó khăn trong đợt giá dầu sụt giảm trong vài tháng qua. Tuy nhiên, Nga không thể trụ quá 2 năm nếu giá dầu ở mức thấp 80-90 USD/thùng và phương Tây duy trì các lệnh trừng phạt. Chính quyền Nga sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế điều mà Chính phủ trước này không mong muốn.
Theo Bloomberg, ông Putin đang mất đi người bạn thân nhất: dầu giá cao. Nền kinh tế nước này rỉ máu khi vàng đen rớt giá. Theo hãng tin này, dầu là con át chủ bài giúp Putin nắm giữ quyền lực kể từ khi tiếp quản nước Nga từ Boris Yeltsin năm 2000. Dầu khí đã giúp nền kinh tế Nga tăng 7%/năm trong giai đoạn 2000-2008.
Giờ đây, tăng trưởng kinh tế đang tụt xuống sát 0%. Sự phụ thuộc lớn vào dầu khiến khi giá tụt giảm Nga sẽ vất vả chống đỡ trong bối cảnh đông rúp cũng ở mức thấp kỷ lục. Nga đang mất mất hàng tỷ USD thuế xuất khẩu dầu do giá giảm. Ngân sách Nga mất khoảng 2 tỷ USD nếu dầu giảm 1 USD/thùng. Theo Sberbank CIB, ngân sách nước Nga sẽ thâm thủng trong năm tới nếu dầu dưới 104 USD/thùng. Ở mức 90 USD/thùng, GDP của Nga sẽ giảm 1,2%. Với mức giá dầu 80 USD/thùng như hiện tại, theo Bloomberg, nền kinh tế Nga sẽ giảm 1,7% trong năm 2015.
Gánh nặng không chỉ ở sự mất tiền, hao hụt đồng tiền mà còn là môi trường đầu tư bị xói mòn và vị thế của các nhà lãnh đạo Nga... Ở chiều ngược lại, Tổng thống Nga Putin vẫn có nhiều phát biểu tự tin, trấn an DN trong nước.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá dầu khó xuống dưới 75 USD/thùng do đây là ngưỡng có thể khiến hàng loạt các DN Mỹ khai thác dầu theo công nghệ vỡ nứt thủy lực đá phiến đóng cửa. Bên cạnh đó, ông Putin cũng như nước Nga vẫn còn thế mạnh về quân sự và đang nắm giữ nguồn khí đốt sưởi ấm 1/3 châu Âu.
----------------------
100.000 người tuần hành chống chính phủ tại Hungary
Tối 28/10 theo giờ địa phương, khoảng 100.000 người Hungary đã xuống đường để phản đối kế hoạch đánh thuế internet của chính phủ, cũng như các chính sách bị xem là làm suy yếu nền dân chủ của chính quyền thủ tướng Viktor Orban.
Đây được xem như cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau khi chính phủ theo đường lối trung hữu lên nắm quyền tại nước này năm 2010, và theo đuổi những bước đi nhằm tái xác lập nhiều lĩnh vực trong đời sống người dân. Dù vậy các chính sách này lại khiến chính phủ bị cáo buộc thực thi chủ nghĩa độc tài, cho dù mới đầu năm nay họ đã lần thứ hai thắng cử với cách biệt lớn.
Chính phủ của thủ tướng Viktor Orban đã áp đặt nhiều sắc thuế đặc biệt trong các ngành ngân hàng, bán lẻ, năng lượng và viễn thông, nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách nhưng lại gây tổn hại cho một số bộ phận trong nền kinh tế và khiến giới đầu tư quốc tế e ngại.
Ý tưởng về thuế dữ liệu Internet lần đầu được đưa vào luật thuế 2015 trình lên quốc hội nước này hồi tuần trước, đã vấp phải sự phản đối từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng như người dùng, bởi họ xem đây là hành động chống dân chủ.
Đám đông biểu tình, được tổ chức bởi một mạng xã hội hoạt động trên Facebook, và dường như chủ yếu thu hút những người có thu nhập cao, đã tuần hành qua trung tâm Budapest, yêu cầu rút lại kế hoạch triển khai luật thuế này và thủ tướng Orban phải từ chức.
Nhiều người biểu tình mang theo những biểu ngữ mang dòng chữ “Sai lầm!” và “Các người còn muốn lột da chúng tôi bao nhiều lần nữa?”
Theo kế hoạch, chính phủ Hungary sẽ đánh thuế vào lượng dữ liệu Internet được truyền dẫn, với mức 150 forint/GB (khoảng 0,6 USD/GB).
Sau khi các nhà phân tích chỉ ra rằng, mức thuế trên sẽ cao hơn cả doanh thu hàng năm của toàn ngành này, và một cuộc biểu tình nổ ra hôm Chủ nhật để phản đối, một điều chính đối với dự thảo luật được đưa ra, với mức trần thuế mỗi cá nhân phải nộp là 700 forint/người/tháng (2,84 USD) và 5000 forint/doanh nghiệp/tháng (20,3 USD).
Dù vậy điều chỉnh này không khiến người biểu tình hạ nhiệt.
“Tôi là một sinh viên. Cha mẹ tôi không giàu có gì và tôi cũng vậy. Tôi phải làm việc vất vả”, Ildiko Pirk, một nữ sinh viên 22 tuổi học ngành y tá cho biết. “Tôi nghi ngờ các công ty Internet sẽ tính mức thuế này vào giá dịch vụ. Tôi có một máy tính, một điện thoại thông minh và mẹ tôi cùng 4 anh chị em của tôi cũng vậy…Cứ cộng những con số đó lại xem”.
Pirk khẳng định Internet có vai trò thiết yếu với việc học của mình bởi đó là nơi chị tìm đọc sách, tài liệu, và cũng là nguồn cung cấp tin tức không bị kiểm duyệt bởi những người cầm quyền tại Hungary.
Ủy ban châu Âu cũng đã lên tiếng chỉ trích dự luật thuế nêu trên của chính phủ ông Orban.
“Đó là một dạng hành động sẽ gây hạn chế sự tự do hoặc tìm cách thu được tiền mà không đạt được những lợi ích kinh tế hoặc xã hội rộng lớn hơn”, Ryan Heath, người phát ngôn của phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Neelie Kroes nói.
---------------------