Một số chính sách có hiệu lực thi hành trong tháng 12.2014
Phạt ngân hàng để máy ATM hết tiền
Cụ thể, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, từ ngày 12.12 hành vi không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 500 - 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt 400 - 450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật...
Tạo thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch VN
Có hiệu lực ngay từ 1.12 là Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22.9.2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Quốc tịch VN, trong đó quy định đăng ký để được xác định quốc tịch VN và cấp hộ chiếu VN. Cụ thể, người VN định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch VN theo pháp luật VN trước ngày 1.7.2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch VN, nếu có yêu cầu thì đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch VN và cấp hộ chiếu VN theo trình tự, thủ tục quy định (gọi là người yêu cầu xác định quốc tịch). Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của VN ở nước ngoài (cơ quan đại diện), nơi người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu VN.
Thay đổi khung giá đất
Một trong những chính sách đáng quan tâm là Nghị định số 104/2014/NĐ-CP về khung giá đất, quy định mức giá tối đa đối với đất ở tại các đô thị là 162 triệu đồng/m2, áp dụng cho đô thị loại đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ. Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xây dựng bảng giá đất, điều chỉnh bảng giá đất. Nghị định này có hiệu lực từ 29.12.
3 tiêu chí xác định hỗ trợ tiền điện
Kể từ ngày 15.12, Quyết định 60/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ có hiệu lực. Theo đó, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện là hộ đáp ứng một trong 3 tiêu chí sau: có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới; có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới; đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.
Quyết định nêu rõ, trường hợp hộ có nhiều thành viên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc thuộc diện được hỗ trợ tiền điện theo các chính sách khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất.
Thay đổi mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai
Một chính sách mới đáng quan tâm khác là Nghị định số 94/2014/NĐ quy định về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; trong đó quy định mức đóng góp vào quỹ thay cho mức cũ đã được áp dụng từ cách đây nhiều năm. Theo nghị định này, đối với các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập mức đóng góp bắt buộc 1 năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại VN theo báo cáo tài chính hằng năm nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Còn người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Người lao động khác thì đóng 15.000 đồng/người/năm. Nghị định này có hiệu lực từ 8.12.2014.
Kéo dài thời hạn giấy phép lái xe
Bộ GTVT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2013/TT-BGTVT ngày 24.10.2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 7.11.2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Theo đó, giấy phép lái xe ô tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31.12.2015; thay vì trước ngày 31.12.2014 như quy định trước đó. Chính sách này có hiệu lực từ 31.12.
Trong khi đó, theo Thông tư 48/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT (có hiệu lực từ 1.12.2014), giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho người lái xe có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam; trong trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam, giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
-------------------------
Hai công ty lâm nghiệp để mất hơn 3.000 ha rừng
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk vừa kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh do để gần 2.470 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép từ năm 2010 - 2014, thiếu 415 hồ sơ vi phạm phá rừng so với thống kê, 222 vụ phá rừng có lập biên bản nhưng không báo cáo.
Tương tự, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Hleo để mất hơn 567 ha rừng, 40 hồ sơ vi phạm về khai thác rừng trái phép chưa chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Đoàn liên ngành cũng yêu cầu công ty này nộp nhiều tỉ đồng tiền nợ thuế và giải trình những sai phạm trong thực hiện 2 dự án liên kết khai thác đá tại xã Ea Sol, H.Ea Hleo, do chưa thực hiện đủ các thủ tục liên quan.
-------------------------
Cây xăng gắn IC để ăn cắp xăng dầu
Chiều 29.11, đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An, cho biết đã khởi tố bị can Nguyễn Anh Tuấn (34 tuổi, ngụ H.Quỳnh Lưu) và Bùi Thế Ái (45 tuổi, ngụ TP.Vinh) để điều tra về hành vi truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác.
Qua điều tra, PC46 xác định Tuấn và Ái là hai cộng sự đắc lực của đường dây sản xuất, bán chíp điện tử (IC) giả để gian lận trong kinh doanh xăng dầu do Trần Lê Đức (35 tuổi, ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) cầm đầu. Trước đó, Đức cũng đã bị khởi tố về cùng tội danh nói trên.
Như Thanh Niên đã thông tin, từ 2.10 đến giữa tháng 11.2014, PC46 phối hợp Sở KH-CN Nghệ An kiểm tra, phát hiện 12/49 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Nghệ An sử dụng IC để gian lận xăng dầu của khách hàng với mức từ 4 - 11%. Các IC này do Đức cài đặt, sau đó bán cho 2 bị can nói trên để bán lại cho các chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu. 12 cửa hàng sử dụng IC để gian lận đã bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng và bị rút giấy phép kinh doanh 1 tháng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chánh thanh tra Sở KH-CN Nghệ An, cho biết so với lần phát hiện hàng loạt cây xăng ở Nghệ An sử dụng IC để ăn gian xăng dầu của khách hàng vào năm 2008, lần này thủ đoạn sử dụng IC tinh vi hơn nhiều. Năm 2008, IC trong cột bơm được lắp bằng một mạch phụ nên rất dễ phát hiện.
Lần này, trong các cột bơm xăng dầu đều có một IC được lập trình sẵn các thông số hiển thị trên màn hình cột bơm. Kẻ làm giả IC đã mua IC của các hãng sản xuất, sau đó về cài chồng lên thêm một lập trình để làm sai số có lợi cho chủ cây xăng. “IC này được lắp đặt bằng cách gỡ bàn phím cột bơm ra rồi lắp IC giả vào mà không cần tháo kẹp chì, sau đó họ nối vi mạch IC với bàn phím trên cột bơm để cài mật khẩu.
Khi gặp người mua xăng, dầu bằng chai, can hoặc nghi ngờ có thanh tra, người bán xăng sẽ bấm nút trên bàn phím hoặc ngắt cầu dao nguồn điện trong vài giây, IC sẽ trở lại với lập trình đúng trước khi bơm. Vì thế, khi kiểm tra, có những cửa hàng có đến 4 - 5 cầu dao nguồn điện lắp ở nhiều vị trí khác nhau nhằm dễ bề phi tang”, ông Hà giải thích.
Theo lời khai của các chủ cửa hàng gian lận, mỗi con IC được mua từ 3 - 5 triệu đồng và mới sử dụng từ 1 - 2 tháng nay. Tuy nhiên, theo ông Hà, có khả năng các cửa hàng này đã sử dụng từ rất nhiều tháng trước đó.
-------------------------
Lén lút vận chuyển nội tạng thối
Sáng 30-11, lực lượng CSGT của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện xe ô tô khách BKS 75B- 007.57 đang lưu thông trên đường Quốc lộ 1A theo hướng Bắc- Nam, đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, có nhiều nghi vấn.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chứa 5 thùng xốp chứa nội tạng động vật, mỗi thùng xốp nặng khoảng 50kg. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Lê Huy (trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ giấy tờ kiểm dịch để chứng minh nguồn gốc số hàng hóa trên.
Mỗi thùng xốp được bao bọc rất kỹ bằng băng dính. Khi mở ra, bên trong là những số lượng lớn nội tạng trâu, bò đông lạnh…đã bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 9 bao tải chứa đựng hơn 700kg áo quần, giày dép các loại.
Theo tài xế, toàn bộ số hàng trên là của Nguyễn Thị Hà (SN 1977, trú tại số 5, đường Mang Cá, TP Huế), thu mua và vận chuyển từ Hải Phòng về Thừa Thiên Huế tiêu thụ.
Được biết, xe ô tô khách 75B - 00757 là của HTX ô tô TP Huế ở số 7 Nguyễn Thái Học TP Huế tỉnh TT Huế.
Hiện, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã lập biên bản vi phạm đối với lái xe và chủ xe khách đồng thời thu giữ tang vật, bàn giao cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra xử lý theo luật định.
-------------------------