Nga “thương lượng” để dỡ bỏ lệnh trừng phạt
Nga kêu gọi liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga. Đổi lại, Moscow sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm của EU. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của EU cho rằng điều này khó xảy ra trừ khi Nga có động thái tích cực nhằm ổn định tình hình ở Ukraine.
EU và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt về kinh tế chống lại Nga từ cuối tháng 7 nhằm vào lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, quốc phòng của Nga. Hành động này được thực hiện với các cáo buộc Nga đã ủng hộ phe ly khai, khiến tình hình tại Ukraine trở nên leo thang. Đáp lại, Nga cũng cấm vận hầu hết các thực phẩm nhập khẩu từ phương Tây có trị giá 9 tỉ USD một năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Meshkov cho biết Nga không hy vọng nhiều từ các đối tác của Nga ở châu Âu. Điều duy nhất nước này mong đợi là châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vô nghĩa nhằm vào Moscow cũng như dỡ bỏ lệnh cấm đối với các cá nhân, tổ chức thuộc “danh sách đen”. Nếu EU làm thế, Nga cũng sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với thực phẩm.
Jean-Claude Juncker, tân chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết việc Nga sát nhập khu vực Crimea của Ukraine vào tháng Nga đã buộc châu Âu đi đến hai chọn lựa: chiến tranh với Nga hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nếu không muốn chiến tranh chỉ còn giải pháp áp đặt các lệnh cấm vận và phải chọn lựa các lệnh cấm nào mang đến tác động lớn nhất. Jean-Claude Juncker nhấn mạnh EU sẽ duy trì trừng phạt đến khi nào Nga có động thái tích cực để cải thiện tình hình Ukraine. Xem ra, lời kêu gọi từ Nga khó được thực hiện.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết do giá dầu giảm cộng với các biện pháp trừng phạt tài chính từ phương Tây sẽ khiến Nga thiệt hại khoảng 130 tỉ USD - 140 tỉ USD một năm, chúng bằng khoảng 7% nền kinh tế nước này.
-------------------------
Nga rơi vào “thứ sáu đen tối”
Moscow cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về hiện đại hóa quân đội với các nước châu Á - Thái Bình Dương
Ngay sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng dầu ở mức 30 triệu thùng/ngày, ngày “thứ sáu đen tối” đã ập đến với Nga.
Khi giá dầu tại thị trường New York - Mỹ giảm xuống dưới mức 70 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua, giá trị đồng rúp chạm đáy mới (1 USD = 49,6 rúp, 1 euro = 62 rúp) trong khi thị trường chứng khoán Nga lao đao.
Đài RT dẫn lời một số chuyên gia nhận định giá dầu vẫn sẽ dưới 80 USD/thùng trong những tháng tới, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế một số nước, trong đó có Nga, cũng như hoạt động sản xuất dầu khí đá phiến ở Mỹ.
Phát biểu sau cuộc gặp của OPEC hôm 27-11, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng Moscow cần xem lại ngân sách nhà nước với giả thuyết giá dầu ở mức 80 USD/thùng chứ không phải 100 USD/thùng trong vài năm tới.
Ông Maksim Oreshkin, Giám đốc bộ phận hoạch định chiến lược của Bộ Tài chính Nga, thừa nhận ngân sách Nga cần được điều chỉnh để “sống” với mức giá dầu thấp hơn trong thời gian dài, đồng nghĩa với việc phải siết chặt chi tiêu công.
Bi quan hơn, bà Anna Kokoreva - nhà phân tích thị trường của Công ty Alpari (Anh) - nói với trang Rosbalt.ru rằng việc giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Nga bởi đồng rúp gắn kết chặt với giá dầu.
Ngoài nỗi lo kinh tế, Moscow còn đau đầu trước những nguy cơ an ninh. Phát biểu tại cuộc đối thoại đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nam Á và Đông Nam Á ở Sri Lanka hôm 27-11, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov bày tỏ lo ngại những “bất ổn tiềm tàng” ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay - chủ yếu xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ và đối đầu vũ trang - có thể lan đến những nước giáp biên giới với Nga.
Theo ông Antonov, những thách thức an ninh lớn khác của khu vực này thời gian tới là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cướp biển, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức. Vì thế, ông cho là sự tăng cường hợp tác giữa bộ quốc phòng các nước châu Á - Thái Bình Dương dưới hình thức song phương và đa phương là cách đương đầu hữu hiệu.
Quan chức này chỉ ra một trong những lĩnh vực hợp tác chính là các chuyến thăm của tàu chiến một nước đến các nước đối tác. Ngoài ra, ông khẳng định Moscow sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về hiện đại hóa quân đội với các nước châu Á.
Nhận định về tình hình Ukraine, ông Antonov chỉ trích Washington đang đẩy Kiev đến gần nội chiến bằng cách ủng hộ các cuộc biểu tình và hành động đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2.
Ông nói thêm đây là điều Washington không ít lần thực hiện trên thế giới thời gian qua. Cụ thể, ông cáo buộc “Mỹ khơi mào 2/3 xung đột chính trị trên khắp thế giới dưới danh nghĩa dân chủ” trong một thập kỷ qua, như tại Iraq, Afghanistan, Syria…
Nhân dịp này, quan chức Nga không quên nhắc các nước châu Á - Thái Bình Dương về “mối đe dọa nghiêm trọng” của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà Mỹ đang phát triển nhằm hủy hoại an ninh khu vực và quốc tế. Lần này, theo ông, Washington sẽ dùng cái cớ “mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên” để thực thi kế hoạch phòng thủ tên lửa.
Phát biểu của ông Antonov một lần nữa nhấn mạnh sự chuyển hướng của chính sách đối ngoại Nga sang châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và phương Tây nguội lạnh do khủng hoảng Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gần đây khẳng định Moscow xem việc tăng cường quan hệ mọi mặt ở khu vực này là ưu tiên quốc gia.
-------------------------
Ấn Độ cản Trung Quốc ở Nam Á
Tại hội nghị của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) mới kết thúc hôm 27-11, Ấn Độ cam kết thúc đẩy nhiều khoản đầu tư trong khu vực nhằm ngăn cản Trung Quốc xâm nhập sâu hơn vào đây.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết nền kinh tế lớn nhất Nam Á sẽ tài trợ cơ sở hạ tầng, hạng mục y tế và thậm chí một vệ tinh thông tin liên lạc trong vùng. Ngoài ra, ông Modi hứa hẹn mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu của các nước láng giềng. Hồi đầu tuần, Ấn Độ bác đề nghị của một số quốc gia thành viên SAARC về việc cho phép Trung Quốc và một số nước quan sát viên khác có vai trò lớn hơn trong hiệp hội. Trước đây, Thủ tướng Modi từng nhấn mạnh gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực là ưu tiên trong chiến lược của chính phủ ông.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 27-11 bác thông tin Bắc Kinh xây dựng 18 căn cứ hải quân ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và một số nước ở Tây Nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, trong động thái có thể gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo kế hoạch phát triển 9 mỏ dầu lớn trên vùng biển Bột Hải và biển Đông để “bảo đảm các nguồn năng lượng” trong giai đoạn 2014-2020. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đề xuất phát triển các mỏ dầu lớn ở biển Đông.
-------------------------
Moldova: Phép thử “EU – Nga” trong bầu cử quốc hội
Hôm nay tại Moldova diễn ra cuộc bầu cử quốc hội được xem như một phép thử giữa các đảng thân EU với các đảng ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Các điểm bỏ phiếu ở Moldova mở cửa lúc 7h sáng giờ địa phương (12h giờ Hà Nội). 2,7 triệu người sẽ đi bỏ phiếu để chọ ra quốc hội 101 ghế. Tuy nhiên cư dân vùng ly khai Trans-Dniester sẽ không tham gia bầu cử.
Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Iurie Leanca mong muốn Moldova trở thành ứng cử viên gia nhập EU vào 2017 và trở thành thành viên đầy đủ vào 2020. Đối tác liên minh của đảng này – đảng Dân chủ, theo xu hướng ủng hộ Châu Âu ôn hòa hơn.
Đảng ủng hộ EU và NATO mạnh nhất – đảng Tự do, đã rời khỏi liên minh cầm quyền và trở thành đảng đối lập từ năm ngoái.
Thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, các đảng EU dẫn trước với khoảng 43% phiếu, song người ta dự đoán sẽ có mặc cả quyết liệt sau bầu cử.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu, đảng Tổ Quốc - một đảng thân Nga đã bị cấm tham gia tranh cử, với lý do đảng này nhận tài trợ bất hợp pháp từ nước ngoài. Động thái cấm đảng Tổ Quốc đã bị Nga phê phán.
Đảng đối lập lớn nhất là đảng Cộng sản cũng tham gia tranh cử.
Một đảng thân Nga khác là đảng Xã hội gần đây đã gia tăng được sự ủng hộ của dân chúng trong chiến dịch tranh cử.
Cuộc bầu cử được chú ý bởi nó diễn ra trong bối cảnh xung đột đổ máu ở láng giềng Ukraina, nơi các nhà lãnh đạo cũ đã từ chối ký thỏa thuận thương mại tự do và liên kết với EU vào phút cuối. Moldova cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với EU và Nga cũng đang gây sức ép để Moldova từ bỏ thỏa thuận này.
-------------------------