Hồng Kông bắt nhóm xã hội đen tấn công người biểu tình
Cảnh sát Hồng Kông hôm qua cho biết đã bắt giữ 19 người, trong đó có 8 nghi can là thành viên của Hội Tam hoàng với cáo buộc tấn công người biểu tình, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Trong cuộc họp báo sáng 4.10, giới chức cảnh sát Hồng Kông cũng đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ thỏa hiệp với những kẻ tấn công vào đám đông biểu tình, đồng thời cho biết trong số 18 người bị thương có 6 viên cảnh sát. Lý giải vì sao cảnh sát không bắn hơi cay nhằm giải tán đám đông ở khu Vượng Giác vào đêm 3.10 như từng làm cách đây một tuần, ông Lai Tung-kwok, phụ trách an ninh ở Hồng Kông cho hay do khu vực này quá nhỏ hẹp nên việc bắn hơi cay sẽ gây nguy hiểm cho đám đông. Ông Lai nhấn mạnh cảnh sát đã làm việc hết sức công tâm. “Những cáo buộc nhằm vào cảnh sát là bịa đặt, bất hợp lý và không công bằng”, ông Lai nói.
Cũng theo ông Lai, cảnh sát đang điều tra xem liệu vụ đụng độ giữa người biểu tình với những người phản đối chiến dịch phong tỏa trung tâm vào tối 3.10 có được lên kế hoạch từ trước hay không. Cuộc ẩu đả đã khiến các thủ lĩnh biểu tình hủy bỏ đàm phán với chính quyền vì cho rằng cảnh sát bỏ mặc họ, phớt lờ vụ tấn công, theo SCMP. Trong khi đó, Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đưa ra tuyên bố cứng rắn rằng cần làm thông thoáng mọi con đường dẫn vào các trụ sở chính quyền cũng như trường học để những nơi này tiếp tục hoạt động vào ngày 6.10, theo SCMP. Cũng trong ngày 4.10, một bài xã luận đăng trên trang nhất tờ Nhân dân nhật báo đã khen ngợi cảnh sát Hồng Kông vì biết kiềm chế khi đối mặt với các cuộc biểu tình “trái phép”.
-----------------------
Hong Kong : SV tố hội Tam hoàng gây ẩu đả
Trong tuyên bố, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong khẳng định không có lựa chọn nào khác ngoài hủy bỏ đàm phán vì chính quyền và cảnh sát đã làm ngơ trước hành động bạo lực của bọn xã hội đen thuộc hội Tam hoàng đối với người biểu tình.
Khuya 3-10, văn phòng đặc khu trưởng Hong Kong ra tuyên bố kêu gọi khẩn cấp của đặc khu trưởng Lương Chấn Anh. Ông Lương Chấn Anh kêu gọi mọi người dân dù có thái độ như thế nào đối với hoạt động của phong trào Chiếm trung tâm đều phải bình tĩnh và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên sử dụng bạo lực hoặc phá hoại trật tự xã hội.
Ông kêu gọi các thanh niên trẻ lập tức rời khỏi hiện trường vì không muốn thấy họ bị thương trong xung đột. Ông yêu cầu cảnh sát nỗ lực cao nhất để khôi phục trật tự, bảo đảm an toàn cho mọi người, đồng thời kêu gọi người dân toàn lực phối hợp với hành động sơ tán của cảnh sát.
-----------------------
Chính quyền Hồng Kông bác bỏ cáo buộc cấu kết Hội Tam Hoàng
Quan chức an ninh Hồng Kông Lê Đống Quốc (Lai Tung-kwok) ngày 4-10 đã bác bỏ cáo buộc chính quyền dung túng Hội Tam Hoàng gây ra các vụ bạo lực nhằm vào người biểu tình đòi cải cách bầu cử ở khu mua sắm Vượng Giác (Mong Kok) tối trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lê khẳng định cảnh sát đã “xử lý công bằng”. Ông nói: “Chúng tôi không chấp nhận bạo lực. Mọi công dân Hồng Kông nên tuân thủ pháp luật. Không ai muốn chứng kiến cảnh tượng diễn ra như hôm 3-10”.
Trong một cuộc họp báo khác, trợ lý ủy viên cảnh sát Hồng Kông Trương Đức Cường (Cheung Tak-keung) cũng phủ nhận tương tự.
Cảnh sát Hồng Kông đang bị chỉ trích từ nhiều phía vì không bảo vệ được người biểu tình ôn hòa trước làn sóng tấn công của những người phản đối phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” liên tục trong 2 ngày 3 và 4-10.
Hiện chưa rõ các cuộc ẩu đả là tự phát hay được sắp đặt song nhiều nhân chứng tố cáo nhóm “chống chiếm đóng” hành hung cả phụ nữ và nữ sinh, thậm chí quấy rối tình dục họ.
---------------------
Singapore kêu gọi bên ngoài không can dự tình hình Hong Kong
Thủ tướng Singapore hôm qua cho rằng trách nhiệm làm cho mô hình một đất nước, hai chế độ hoạt động hiệu quả, thuộc về Hong Kong và Bắc Kinh, và các bên khác sẽ không giúp ích được gì nếu can dự.
"Chỗ nào chính xác là điểm kết thúc của một đất nước, và là điểm bắt đầu của hai chế độ? Vì vậy người Hong Kong cũng như chính quyền trung ương ở Bắc Kinh phải làm việc cùng nhau. Tình thế này rất mong manh", ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore hôm qua nói khi được hỏi về các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Theo Straits Times, ông Lý cho rằng mô hình một đất nước hai chế độ đã "tạo ra một khoảng trống cần diễn giải", vì việc vẽ ra những ranh giới là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, thủ tướng Singapore cảnh báo nếu các bên khác tham gia và sử dụng tình hình để "gây sức ép hay thay đổi" Trung Quốc, tình hình có thể trở nên phức tạp.
Ông Lý nhấn mạnh "thực tế địa chính trị là Hong Kong hiện là một phần của Trung Quốc", và Trung Quốc đang sẵn sàng để "đi rất xa" nhằm giúp Hong Kong thành công. Tuy nhiên, theo thủ tướng Singapore, Bắc Kinh không muốn Hong Kong "trở thành một vấn đề bên kia sông Thâm Quyến".
Sông Thâm Quyến là ranh giới giữa thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và đặc khu hành chính Hong Kong.
Hàng chục nghìn người t tuần trước đã đổ ra đường phố Hong Kong, kêu gọi phổ thông đầu phiếu. Họ phản đối những hạn chế bầu cử, trong đó Bắc Kinh sẽ xét duyệt trước các ứng viên trong cuộc bầu chọn ra người giữ chức trưởng đặc khu Hong Kong.
Chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với chính quyền Hong Kong trong việc xử lý các cuộc biểu tình và kêu gọi Mỹ cùng các nước khác không can dự vào tình hình nội bộ của Trung Quốc.
-----------------------
Ngoại trưởng Singapore 'bắt mạch' chính trị Trung Quốc
Ông Shanmugam trong cuộc phỏng vấn với nhật báo tiếng Hoa Lianhe Zaobao xuất bản ngày 4.10 tại quốc đảo sư tử Singapore nói rằng nếu Bắc Kinh chấp nhận yêu cầu của người biểu tình ở Hồng Kông, điều đó “sẽ ảnh hưởng lên sự ổn định của quốc gia”.
“Điều gì Bắc Kinh cho phép ở Hồng Kông sẽ có tác động lên các vùng còn lại của Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ hết sức thận trọng. Lập trường đó là hoàn toàn có thể hiểu được”, vị Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Luật pháp Singapore phát biểu.
Ông Shanmugam giải thích, theo góc nhìn của Bắc Kinh, Trung Quốc cần sự thống nhất, tiến bộ và cuộc sống tốt đẹp hơn cho 1,3 tỉ dân của họ. Để đạt được như vậy, yêu cầu đầu tiên là tầm quản lý nhà nước.
Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng hệ thống bầu cử đa đảng hoàn chỉnh ở giai đoạn này sẽ kéo lùi quá trình đạt được các mục tiêu nói trên, ông Shanmugam nhận định.
Vị Ngoại trưởng quốc gia với hơn 70% dân số là người gốc Hoa cũng nói thêm rằng Trung Quốc sẽ nhìn vào Mỹ và Liên bang Xô Viết trước đây để khẳng định rằng dân chủ không phải là con đường đúng đắn đối với Trung Quốc vào thời điểm này.
“Vậy nên, Trung Quốc sẽ kiên quyết. Sẽ không có một thay đổi chính trị đáng kể nào theo hướng sao chép các mô hình dân chủ phương Tây trong tương lai ngắn hạn. Giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ là thảm họa cho quốc gia và gây tổn hại cho nhân dân”, ông bình luận.
Theo ông, hiện tại GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 6.800 USD. Và các lãnh đạo Bắc Kinh mong muốn đưa Trung Quốc lên hàng các quốc gia “tương đối thịnh vượng” trước khi nhắm tới một động thái dân chủ hóa nào.