Hong Kong phủ nhận dùng Hội Tam Hoàng để giải tán biểu tình
Theo AFP, người đứng đầu lực lượng an ninh Hong Kong, ông Lai Tung-kwok, ngày 4/10 đã kiên quyết phủ nhận việc chính quyền sử dụng băng đảng tội phạm Hội Tam Hoàng để chống lại những người biểu tình, sau khi có cáo buộc các phần tử tội phạm đã được thuê để kích động bạo lực tại các cuộc biểu tình.
Ông Lai Tung-kwok nói: "Tôi nhận được thông tin cho rằng có người nói chính quyền đã nhắm mắt làm ngơ cho những tên tội phạm và thậm chí là hợp tác với Hội Tam Hoàng. Những cáo buộc như vậy là bịa đặt và thổi phồng quá mức."
Theo cảnh sát Hong Kong, 8 trong số 19 người biểu tình bị bắt giữ trong các cuộc đụng độ hôm 3/10 bị tình nghi có liên quan tới các băng đảng tội phạm.
-----------------------
Phụ nữ tham gia biểu tình ở Hong Kong tố bị tấn công tình dục
Tổ chức Ân xá quốc tế đã cáo buộc cảnh sát Hong Kong "không hoàn thành nhiệm vụ" bảo vệ người biểu tình trong buổi tối ngày thứ Sáu, đồng thời cho biết một số cảnh sát đã "đứng nhìn, không làm gì" khi một số kẻ tình nghi là thành viên băng đảng xã hội đen tấn công người biểu tình ở phố Mongkok và Causeway Bay.
"Phụ nữ và các cô gái là mục tiêu, gồm cả một số vụ tấn công tình dục, lạm dụng cùng những hành vi không đúng mực" Ân xá quốc tế nói trong một tuyên bố.
Một phóng viên AFP đã nói chuyện với một phụ nữ trẻ tham gia biểu tình ở Causeway Bay. Cô này cho biết ba người bạn của cô đã bị một người đàn ông phản đối phong trào "Chiếm khu trung tâm" tấn công tình dục.
Cô này cho biết ba người phụ nữ trên đều khóc khi được đưa lên một chiếc xe cảnh sát, trong khi một quan chức an ninh xác nhận với AFP rằng họ được đưa về đồn "để lấy lời khai về vụ tấn công."
Theo ghi nhận của AFP, căng thẳng tại ba khu biểu tình chính vẫn tăng cao khi lán trại do người biểu tình dựng lên bị những người phản-biểu-tình phá dỡ.
Một phóng viên AFP có mặt ở khu Mongkok cho biết trong chiều ngày 4/10 rằng đã nghe thấy tiếng của một phụ nữ nói giọng Quảng Đông rằng "phụ nữ phải phục vụ đàn ông."
Ân xá quốc tế cũng nói một phụ nữ đã bị tấn công tại Mongkok trong ngày thứ Sáu.
"Một người đàn ông đã sờ ngực cô gái khi cô đứng cạnh những người biểu tình khác lúc 16 giờ," Ân xá quốc tế cho biết. "Cô gái cũng nhìn thấy chính gã đàn ông trên đã sờ vào háng hai người phụ nữ khác."
----------------------
Phóng viên đưa tin biểu tình Hồng Kông bị tấn công
Nhiều phóng viên và phụ nữ bị tấn công, thậm chí bị quấy rối tình dục khi người biểu tình tại Hồng Kông xô xát với nhóm phản đối, cảnh sát bị cáo buộc đã không hoàn thành nhiệm vụ.
South China Morning Post (SCMP) ngày 4.10 dẫn thông cáo từ Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông cảnh báo về những vụ tấn công nhằm vào phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực Mong Kok (Vượng Giáp).
"Vài vụ tấn công đã được ghi nhận đối với các nhà báo đang tường thuật vụ ẩu đả tại Mong Kok. Trong một trường hợp, một nữ phóng viên bị một người đàn ông dùng vật cứng đánh vào đầu", theo thông cáo của hiệp hội này.
Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hồng Kông cũng ra thông cáo chỉ trích cảnh sát Hồng Kông không thể bảo vệ được những người biểu tình ôn hòa trước nhóm chống đối, một số phụ nữ thậm chí đã bị quấy rối tình dục.
"Phụ nữ cũng nằm trong số đối tượng bị tấn công, bao gồm các hành động dọa dẫm và quấy rối tình dục, khi xô xát xảy ra giữa những người biểu tình và nhóm phản đối. Việc thiếu động thái của cảnh sát trong đêm nay (3.10) thật đáng xấu hổ.
"Chính quyền đã không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ những người biểu tình ôn hòa đang bị tấn công. Vào tuần trước, cảnh sát luôn hiện diện dày đặc. Nhưng sự thất bại của họ đêm 3.10 làm tăng thêm nguy cơ cho tình hình hiện nay", SCMP dẫn thông cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Trong khi đó, theo ABC News ngày 4.10, cảnh sát Hồng Kông cho biết họ đã bắt giữ 19 người trong các cuộc xô xát xảy ra tại khu vực biểu tình giữa những người chiếm đóng đường phố để phản đối chính quyền Hồng Kông, đòi quyền bầu cử tự do, và những người phản đối họ. Một số người bị bắt giữ được cho thuộc những băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Hiện vẫn chưa rõ các cuộc ẩu đả là tự phát, hay đã được sắp đặt trước, dù một số người tấn công mang ruy-băng xanh tỏ dấu hiệu họ ủng hộ chính quyền, trong khi những người biểu tình thắt ruy-băng vàng.
Trước đó, Liên hội Sinh viên Hồng Kông tuyên bố rằng họ quyết định ngưng đàm phán với chính quyền đặc khu, cáo buộc cảnh sát đã cho phép nhóm phản đối dùng bạo lực đối với người biểu tình, theo Wall Street Journal tối 3.10.
“Chính phủ và cảnh sát đã cho phép các băng nhóm và lực lượng sử dụng bạo lực lên người biểu tình ôn hòa, từ đó đặt dấu chấm hết cho hoạt động đàm phán. Họ cần chịu trách nhiệm về việc này”, theo thông cáo được đăng tải trên Facebook của Liên hội Sinh viên Hồng Kông.
Ngày 3.10, các nhóm phản đối đã tập trung tại hai khu vực người biểu tình chiếm đóng gồm Mong Kok và Causeway Bay.
Theo SCMP, một thanh niên cho biết anh ta bị một nhóm người phản đối biểu tình đánh và cảnh sát đã không can thiệp. “Tôi sẽ khiếu nại”, thanh niên này cho biết.
Ian Mo, một nhà khoa học 28 tuổi, cho biết khi đi ngang qua Mong Kok, anh ta thấy cảnh sát mặc đồng phục đang có mặt tại khu vực xảy ra xô xát, nhưng “họ đứng ngay cạnh đám người và đơn thuần là chẳng làm gì cả”, Mo kể.
Tại Mong Kok, xô xát xảy ra sau khi các nhóm phản đối biểu tình cố tìm cách giật lều chứa đồ tiếp tế và hàng rào chắn đường của phe biểu tình trong khu vực. Các nhân chứng cho biết một vài người đã bị thương, nhưng không xác định được chính xác con số.
SCMP cho biết một nhóm khoảng 20 người đeo khẩu trang đã đến Causeway Bay, dở bỏ hàng rào chắn, yêu cầu người biểu tình rời đi.
Trước đó, các sinh viên và người biểu tình đã ra tối hậu thư yêu cầu ông Lương Chấn Anh từ chức, và cho người Hồng Kông toàn quyền bầu cử chức vụ đặc khu trưởng.
-----------------------
Tường thuật từ Hồng Kông: Sinh viên mệt mỏi bám trụ
Ngày 4.10, các cuộc biểu tình trên đường phố Hồng Kông ở các khu Admiralty, Central, Causeway Bay (bên đảo Hồng Kông) và khu Mong Kok (bên bán đảo Cửu Long) đã bước sang ngày thứ bảy. Lượng người biểu tình giảm nhiều, đặc biệt, khu vực quanh tòa nhà chính quyền Hồng Kông vắng hơn các hôm trước rất nhiều.
Có lẽ cuộc biểu tình dài ngày trên đường phố đã làm nhiều người mỏi mệt. Những người còn bám trụ phần lớn là học sinh, sinh viên. Số lượng các bạn trẻ có việc làm tham gia biểu tình giảm rõ rệt. Một số bạn trẻ mà tôi gặp tin rằng cuộc biểu tình có thể kết thúc trong tuần tới. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn mang biểu ngữ động viên mọi người vững tin, tiếp tục bám trụ.
Ba sinh viên mà tôi gặp sáng nay, 4.10, trước tòa nhà chính quyền Hồng Kông cho biết nhiệm vụ của họ là canh chừng các cảnh sát. Họ cho rằng cảnh sát sẽ tái chiếm các con đường khi số lượng người biểu tình đang giảm xuống một cách rõ rệt.
Zachary Leung, 22 tuổi, từng bị cảnh sát bắn hơi cay vào đêm 28.9, cho biết bạn quyết tâm bám trụ với mục tiêu của mình khi xuống đường mỗi ngày. Còn Ivan Lau, 19 tuổi, cho biết bạn xuống đường vì tin rằng người trẻ phải dũng cảm thể hiện quan điểm.
Trong khi đó, Julia Lai, 19 tuổi, nói: “Chúng ta sẽ không biết chúng ta có thể làm gì, nếu chúng ta không bao giờ thử. Đấu tranh lý tưởng của mình, mặc dù biết không có nhiều thành công, cũng là một hành động đáng thử”.
Khi tôi hỏi cảm nghĩ của các bạn như thế nào về những người bạn khác không tham gia xuống đường cùng với họ nữa, cả ba đều trả lời: “Chúng tôi tôn trọng họ. Mỗi người được tự do lựa chọn quyết định của mình”.
Tôi tin rằng các câu trả lời của các bạn đã giải thích tại sao cuộc biểu tình đòi tự do bầu cử của giới trẻ ở Hồng Kông mặc dù thiếu sự lãnh đạo thống nhất nhưng lại thu hút được nhiều người tham gia đến như vậy, bởi vì mỗi người đều tự ý thức mình phải làm gì.
Tuy nhiên, tình hình ở khu Mong Kok lại không yên ắng như khu trung tâm hành chính Admiralty bên đảo Hồng Kông. Mong Kok là một khu vực thương mại nhộn nhịp, có mật độ dân cư đông nhất thế giới với 130 ngàn người/km2.
Đối với nhiều khách du lịch từ Việt Nam, khu Mong Kok nối tiếng với Chợ Đàn Bà (Ladies’ Market), nơi buôn bán quần áo, mỹ phẩm giá rẻ. Nguồn thu chính của khu vực này hầu như lệ thuộc chính vào nguồn du khách Trung Quốc tới mua sắm.
Chính vì vậy, chiều tối 3.10 đã xảy ra cuộc xô xát giữa những người biểu tình và những người được cho là cư dân, người buôn bán ở địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong một tuần qua. Những người phản đối nhóm biểu tình, đeo ruy băng xanh, phàn nàn các vụ chiếm giữ đường phố quanh khu Mong Kok ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày và hoạt động kinh doanh buôn bán của họ. Vì vậy, họ đã cố gắng giật sập lều, tháo gỡ các chướng ngại vật trên đường, thậm chí tấn công người biểu tình.
Những người biểu tình đã cáo buộc cảnh sát và chính quyền không làm tròn nhiệm vụ trong việc bảo vệ an toàn cho những người biểu tình, khiến Tổng hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) tuyên bố cắt đứt đàm phán với bà Carrie Lam chỉ trong vòng chưa tới 20 giờ sau khi chính quyền Hồng Kông đồng ý thương lượng.
Một số người biểu tình mà tôi gặp lại cáo buộc Đảng Liên minh Dân chủ vì sự tiến bộ của Hồng Kông (DAB) thân Trung Quốc, đảng chính trị lớn nhất ở Hồng Kông với 13 ghế trong tổng số 70 ghế ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, với nguồn tài chính dồi dào từ giới kinh doanh và Bắc Kinh, đứng đằng sau các vụ tấn công và khiêu khích người biểu tình.
Sinh viên Samuel Chan, đến từ trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hồng Kông (HKUST), đang đứng bảo vệ lều của người biểu tình, cho biết mặc dù bạn hơi sợ các hành động quá khích nhưng luôn vững vàng với niềm tin của mình. Mấy ngày trước, Samuel Chan có mặt ở khu vực Admiralty và Causeway Bay, nhưng hôm nay bạn xem thông tin trên Facebook thấy khu vực Mong Kok đang cần thêm người, thế là bạn có mặt ở ngay khu vực “nóng hổi” này.
Samuel có dáng người gầy gò với đôi mắt cương nghị, không sợ hiểm nguy, bạn tin rằng: “Chúng tôi xứng đáng được hưởng nền dân chủ. Chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc phải nhận thức được điều này”. Khi được hỏi bạn có sẵn lòng xuống đường tiếp tục vào tuần tới. Samuel gật đầu không chút do dự.
Chiến thuật “câu giờ”, kéo dài thời gian của chính quyền Hồng Kông đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nhiều học sinh, sinh viên tham gia biểu tình tỏ ra mệt mỏi. Mâu thuẫn giữa những người ủng hộ và phản đối phong trào Chiếm Lĩnh Trung Hoàn và Chiếm Lĩnh Mong Kok bắt đầu xảy ra.
Tuần sau chắc nhiều học sinh, sinh viên phải quay trở lại trường học sau 2 tuần bãi khóa và có lẽ cuộc kháng nghị trên đường phố sẽ dần dần xẹp xuống. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ lời cô sinh viên Julia Lai: “Dù cho có kết quả thế nào đi nữa, thì chúng tôi cũng vui vẻ vì đã trở thành một phần của lịch sử đòi dân chủ của giới trẻ ở Hồng Kông”.
Nguyễn Thành Trung (phóng viên báo Thanh Niên từ Hồng Kông)
-----------------------
Nhật kêu gọi Hồng Kông giữ chế độ ‘tự do và cởi mở’
Nhật Bản đang theo dõi tình hình biểu tình ở Hồng Kông và kêu gọi chế độ "tự do và cởi mở" của Hồng Kông không nên bị thay đổi.
“Nhật Bản kỳ vọng chế độ tự do và cởi mở của Hồng Kông sẽ được gìn giữ theo nguyên tắc một quốc gia hai chế độ để quan hệ giữa Nhật Bản và Hồng Kông sẽ được duy trì”, AFP dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga ngày 3.10 cho biết.
“Nhật Bản có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Hồng Kông và tương lai của Hồng Kông là mối quan tâm lớn đối với Nhật Bản”, ông Suga nói.
“Sự thịnh vượng của Hồng Kông đóng vai trò quan trọng cho thịnh vượng và ổn định không chỉ cho Trung Quốc mà còn cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản”, ông Suga cho biết.
Ông Suga nói Tokyo đang theo dõi tình hình Hồng Kông và “tốt nhất là Hồng Kông nên giải quyết vấn đề của Hồng Kông một cách dân chủ”.
Bộ Ngoại giao Nhật cho biết có trên 1.200 công ty Nhật đặt cơ sở tại Hồng Kông và Nhật Bản là đối tác lớn hàng thứ ba của Hồng Kông sau Trung Quốc, Mỹ.
Nhật Bản bình luận về vấn đề Hồng Kông có thể chọc giận Trung Quốc vì quan hệ Bắc Kinh và Tokyo căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, theo AFP.
----------------------
Hồng Kông: Tấn công người biểu tình, 19 người bị bắt
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 19 người bị cáo buộc tấn công người biểu tình, trong đó có vài người bị nghi là thành viên của băng nhóm tội phạm khét tiếng "Hội tam hoàng", sau các vụ xô xát khiến nhiều người biểu tình bị thương vào hôm qua.
Các vụ xô xát đã xảy ra ngày 3/10 khi một đám đông phản đối chiến dịch "Chiếm trung tâm" tấn công những người biểu tình phản đối các quy định bầu cử mới của Bắc Kinh.
Vào đêm qua 4/10, cảnh sát Hồng Kông tuyên bố đã bắt giữ 19 nam giới tham gia các vụ xô xát trước đó, trong đó có 8 người được tin là có liên hệ với các nhóm tội phạm khét tiếng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi những người biểu tình hoãn đối thoại với chính quyền với lý do cảnh sát thất bại nhằm chặn các cuộc tấn công nhằm vào người biểu tình.
Liên đoàn sinh viên chủ chốt của Hồng Kông tuyên bố không tham gia các cuộc đàm phán sau khi cảnh sát dường như phớt lờ điều mà họ gọi là các hành động bạo lực có sự dàn xếp do những kẻ côn đồ được trả tiền gây ra. Liên minh này cáo buộc giới chức đã sử dụng các phần tử này để khuấy động rắc rối, với mục đích làm mất uy tín của những người biểu tình.
"Không có lựa chọn nào khác là hủy đối thoại", Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, một trong vài nhóm đi đầu trong chiến dịch kêu gọi bầu cử cử do vốn thu hút hàng chục nghìn người xuống đường trong 1 tuần qua, tuyên bố.
"Chính phủ và cảnh sát đã làm ngơ trước những hành động bạo lực của các thành viên Hội tam hoàng nhằm vào người biểu tình hòa bình", liên đoàn nói.
Trong cuộc họp báo vào đêm qua, cảnh sát đã bác bỏ việc thông đồng với những kẻ sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình, nói rằng 12 người đã bị thương trong các vụ xô xát, trong đó có 6 cảnh sát.
Tuy nhiên, những người biểu tình đã so sánh sự làm ngơ của cảnh sát hôm qua với các hành động của họ hôm 28/9, khi cảnh xịt hơi tay vào các đám đông biểu tình hòa bình.
"Cảnh sát không công bằng. Những người đó tấn công chúng tôi nhưng cảnh sát không làm gì cả", Jenny Cheung, một người biểu tình tuyên bố.
"Chúng tôi biểu tình hòa bình và cảnh sát sử dụng hơi cay. Nhưng khi chúng tôi bị tấn công thì cảnh sát không hành động gì".
Các cuộc biểu tình đã tiếp diễn tại Hồng Kông suốt tuần qua để phản đối các kế hoạch của chính phủ trung ương Trung Quốc nhằm siết chặt các ứng viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính vào năm 2017.
Các đám đông biểu tình đã chiếm các khu vực ở trung tâm Hồng Kông, khiến giao thông bị tê liệt và gây xáo trộn các hoạt động tại đặc khu này.
Lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh đã đề nghị đối thoại để giảm căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi quyết định hoãn đối thoại với chính quyền, chưa rõ phe biểu tình sẽ có hành động gì tiếp theo.