Trung, Mỹ và cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình trên tàu sân bay
Trung Quốc và Mỹ có lẽ đang bên bờ vực của một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi cả hai quốc gia này tìm cách phát triển máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên có thể hoạt động trên các tàu sân bay, trang tin Bussiness Insider mới đây cho biết.
David Axe, một phóng viên chuyên về quốc phòng người Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã đầu tư phát triển máy bay tàng hình J-31 hoạt động trên tàu sân bay duy nhất hiện nay của nước này. Bắc Kinh thường xuyên thử nghiệm các loại vũ khí mới nhằm bổ sung vào kho vũ khí của mình bằng cách xây dựng các loại mô hình nguyên mẫu đầu tiên.
Nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu J-31 trên tàu sân bay Liêu Ninh,,đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với máy bay chiến đấu tàng hình F-35C vốn được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay của Mỹ và đang gặp một số vấn đề. Máy bay F-35C, dự kiến được triển khai cho hạm đội tàu sân bay của Mỹ vào năm 2018, sẽ là máy bay tàng hình đầu tiên có thể được triển khai từ biển.
Khát vọng của Trung Quốc đối với những khả năng quân sự tiên tiến như trên xuất hiện vào một thời điểm mà Mỹ đang nỗ lực "xoay trục" trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc cho rằng họ có thể tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực này ở châu Á, do đó Bắc Kinh đang tìm cách đối trọng với bất kỳ sự gia tăng ảnh hưởng nào của Washington ở khu vực sân sau của mình.
Khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên vùng biển mở sẽ là một lợi thế rất lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc, và đó là một khả năng mà có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương. Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng gia tăng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 được phóng từ tàu sân bay có thể cung cấp cho Trung Quốc lợi thế tấn công trước trong trường hợp có chiến tranh.
Cùng với J-31, Trung Quốc hiện đang trong quá trình lắp đặt thêm các tàu sân bay. Một trong số chúng có thể sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và lớn bằng siêu tàu sân bay của Mỹ.
Trung Quốc cũng đang phát triển một loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 khác được gọi là J-20. Trong khi J-20 chủ yếu được coi như là một bản sao của máy bay Mỹ, J-31 lại có kiểu dáng nhỏ hơn, đẹp hơn. Vladimir Barkovsky, Trưởng phòng thiết kế máy bay MiG của Nga, đã gọi J-31 là một "thiết kế bản địa tốt".
J-31 có kích thước tương tự như F-35. Tuy nhiên, loại máy bay này của Trung Quốc có động cơ nhỏ hơn và thân máy bay bằng phẳng hơn, tập trung vào chiến đấu không đối không. Thiết kế này cũng có nghĩa là J-31 sẽ có một khoang vũ khí nhỏ hơn so với F-35, nhưng nó sẽ cải thiện được vấn đề nhiên liệu và tốc độ cao hơn do giảm được lực ma sát.
Có thể là Trung Quốc đang phát triển J-31 để cuối cùng sẽ bay cùng với J-20. Điều này sẽ tương tự như việc Mỹ sử dụng F-22 và F-35. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể phát triển J-31 chỉ để xuất khẩu và trở thành một đối thủ cạnh tranh với F-35. Nếu trường hợp này là đúng, Trung Quốc coi mình như là một nhà cung cấp vũ khí cho các quốc gia trên thế giới trong tương lai, những nước mà Mỹ còn cân nhắc trong vấn đề chuyển giao F-35C.
Một ứng cử viên có khả năng mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc là Pakistan. Hai quốc gia này trước đây đã cùng nhau phát triển một máy bay chiến đấu tiên tiến và 54 % số vũ khí hiện nay của Pakistan là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhưng việc Trung Quốc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Pakistan có thể khiến cho căng thẳng trong khu vực tăng lên vì Ấn Độ - đối thủ địa chính trị lớn của Pakistan hiện đang phối hợp phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với Nga.
-----------------------
Chuyện gì xảy ra ở Triều Tiên?
Không ai dám chắc về những diễn biến tại Triều Tiên nhưng nhiều người tin rằng ông Kim Jong-un đã mất quyền lực
Trong trang phục nhà binh, người được cho là nhân vật quyền lực số 2 Triều Tiên - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Hwang Pyong-so - bất ngờ tới Hàn Quốc ngày 4-10 để dự lễ bế mạc Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) tại Incheon.
Nối lại đàm phán cấp cao
Chuyến thăm này gây sửng sốt vì Bình Nhưỡng vừa công kích Hàn Quốc và Tổng thống Park Geun-hye về việc bà kêu gọi Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí và cải thiện các điều kiện nhân quyền.
Đi cùng ông Hwang còn có 2 nhân vật nổi tiếng khác là Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae và Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang-gon.
Ông John Delury, chuyên gia về châu Á tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc), gọi đây là “cơ hội vàng” để Tổng thống Park kiểm tra thiện chí của Triều Tiên.
Tuy bà Park và phái đoàn Triều Tiên không gặp nhau nhưng Bộ Thống nhất Hàn Quốc chiều cùng ngày thông báo 2 miền đã nhất trí nối lại hội đàm chính thức cấp cao vốn bị đình chỉ từ tháng 2 năm nay. Thời điểm tái khởi động đối thoại có thể vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.
Trước đó, tuyên bố ngày 2-10 của Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc So Se-pyong cũng báo hiệu thái độ cởi mở khác thường. Một mặt khẳng định nước này không định thử tên lửa hay hạt nhân như đồn đoán, mặt khác ông So nói Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân.
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”
Chuyện bên trong Triều Tiên càng gây tò mò hơn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 3-9 và lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên thừa nhận ông bị “suy nhược cơ thể”. Tuy nhiên, nhiều thuyết âm mưu tin rằng ông Kim đã bị đảo chính.
Báo Anh Daily Mail dẫn lời ông Jang Jin-sung, sĩ quan phản gián dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, cho rằng ông Kim Jong-un bị lật đổ hồi năm 2013 và quyền lực hiện nằm trong tay Cục Tổ chức - Hướng dẫn (OGD). Theo ông Jang, Triều Tiên đang sôi sục vì đấu đá quyền lực và ông Kim Jong-un có thể bị thay bằng người khác, trong đó người anh trai Kim Jong-nam là một ứng viên.
Củng cố cho những tuyên bố này, trang tin New Focus International dẫn các nguồn tin Triều Tiên cho hay Bình Nhưỡng đã có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 27-9, tức chỉ 2 hôm sau phiên họp quốc hội mà ông Kim vắng mặt bất thường. Cũng trong phiên họp này, ông Hwang Pyong-so được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thay ông Choe Ryong-hae.
GS Toshimitsu Shigemura của Trường ĐH Waseda (Nhật Bản) nói với tờ Telegraph: “Có thể đã có đảo chính hoặc chính quyền phát hiện những âm mưu chống lại lãnh đạo. Nếu là cuộc đảo chính có sự ủng hộ của quân đội thì tình hình ở Bình Nhưỡng rất nguy hiểm. Tôi còn nghe tin ông Kim Jong-un đã bị đưa ra khỏi Bình Nhưỡng. Một lý do khác là có thể một số quan chức cấp cao toan đào tẩu nên chính quyền đóng tất cả đường thoát như sân bay và biên giới”.
Một giả thuyết nữa là đang có thanh trừng ở Bình Nhưỡng dù không dữ dội như đợt xử tử ông Jang Song-thaek, dượng của ông Kim Jong-un, vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, tạp chí Time của Mỹ dẫn lời những chuyên gia khác cho rằng tin đồn đảo chính hay thay đổi quyền lực ở Triều Tiên là không có cơ sở. Chuyên gia Andrei Lankov, người từng học ở Bình Nhưỡng trong những năm 1980 và nay dạy học tại Hàn Quốc, nói ông Kim có thể đang được điều trị và chắc chắn vẫn nắm quyền quyết định mọi chuyện.
Còn chuyên gia Delury lập luận nếu quả thực tình hình đang nước sôi lửa bỏng thì các quan chức ngoại giao Triều Tiên không thể tăng cường hoạt động trong những tuần qua.
Câu trả lời đang được các nước láng giềng chờ đợi tại lễ kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10-10 tới. Việc ông Kim Jong-un xuất hiện hay không sẽ dập tắt hoặc tiếp tục thổi bùng tin đồn.
-----------------------
Hàng trăm sinh viên Harvard nhận thư đe dọa thảm sát
Hàng trăm sinh viên và nhân viên tại Đại học Harvard, Mỹ ngày 3/10 đã nhận được email từ cùng một người gửi, đe dọa sẽ tới ngôi trường vào "ngày mai" và bắt họ.
Cảnh sát Đại học Harvard cho hay họ chưa kiểm chứng được liệu lời đe dọa có thật hay không nhưng cho biết sẽ tăng cường an ninh quanh khuôn viên của trường vào dịp cuối tuần.
Cảnh sát đã cảnh báo Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và cơ quan thực thi pháp luật địa phương.
Đại học Harvard toạ lạc ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, ngay ngoại ô thành phố Boston.
Người dân tại khu vực Boston đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ kể từ vụ đánh bom giải marathon tại Boston vào tháng 4/2013, khiến 3 người chết và 260 người bị thương.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Đại học Harvard cũng nhận được một lời đe dọa đánh bom, khiến các khu vực trong trường phải sơ tán. Nghi phạm gửi thư đe dọa sau đó được xác định là một sinh viên đang cố gắng vượt qua kỳ thi cuối cùng.
Sinh viên đó đã bị bắt và sẽ đối mặt với các cáo buộc liên bang về việc tung đe dọa đánh bom giả.
----------------------
"Nhân vật số 2" Triều Tiên nhất trí nối lại đàm phán cấp cao với Hàn Quốc
Ngày 4/10, Triều Tiên và Hàn Quốc đã chấp thuận nối lại đàm phán chính thức cấp cao, vốn đã bị đình trệ từ lâu. Quyết định được đưa ra sau khi một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao Triều Tiên tới Seoul dự lễ bế mạc Á vận hội 2014.
Thông tin trên được Bộ thống nhất Hàn Quốc đưa ra trong một thông báo. Theo đó dự kiến hai bên sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên trong vòng vài tuần tới.
Thỏa thuận trên đạt được sau khi 3 lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên có chuyến công du bất ngờ tới Seoul trong ngày 4/10 để dự lễ bế mạc Á vận hội 2014, và có những cuộc đối thoại đầu tiên sau nhiều năm với nước chủ nhà.
Phái đoàn gồm có tân phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Triều Tiên Hwang Pyong-so, người cũng được biết đến như nhân vật quyền lực số hai tại nước này chỉ sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đi cùng ông Hwang còn có một nhân vật thân cận của ông kim khác là Choe Ryong-hae và Kim Yang-gon, lãnh đạo Vụ mặt trận thống nhất của đảng Lao động Triều Tiên phụ trách các vấn đề với Hàn Quốc.
Tham dự cuộc họp, về phía nước chủ nhà có Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae và cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ông Kim Kwan-jin. Đây được xem như một sự chuyển hướng ngoạn mục sau nhiều tháng căng thẳng quân sự giữa hai nước.
“Đây là một chuyện hệ trọng”, John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Yonsei ở Seoul nhận định. “Nếu bạn là Tổng thống Park Geun-hye và muốn có một kênh đối thoại đáng tin cậy với Bình Nhưỡng, thì đây chính là đội hình trong mơ”, Delury nói.
Bộ thống nhất Hàn Quốc cho biết họ chỉ được thông báo về chuyến thăm trong tối muộn ngày thứ Sáu, và bà Park không có kế hoạch gặp các quan chức Triều Tiên. Bà cũng không có kế hoạch dự khán lễ bế mạc Asiad.
Trong các cuộc đối thoại kéo dài vài giờ, Choe đã cảm ơn phía Hàn Quốc về sự mến khách dành cho phái đoàn vận động viên Triều Tiên tại Incheon. “Tôi tự hào rằng trong nỗ lực nhằm tái thống nhất, thể thao đang dẫn đường”, Choe, lãnh đạo ủy ban thể thao quốc gia của Triều Tiên nói.
Triều Tiên đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu huy chương tại giải đấu trên, nhưng lãnh đạo nước này khẳng định thành tích không phải mục tiêu chính. “Chúng tôi đã tới đây với hy vọng rằng đây là cơ hội để hai miền Nam – Bắc củng cố mối quan hệ”, Kim Yang-gon nói.
-----------------------
Ít nhất 35 phần tử IS bị tiêu diệt trong các cuộc không kích
Theo AFP và Reuters, ngày 4/10, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các cuộc không kích đêm 3/10 của liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt ít nhất 35 phần tử thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
SOHR cho biết 30 phần tử thánh chiến bị tiêu diệt ở khu vực xung quanh thị trấn Shadadi, phía Đông Bắc tỉnh Hasakeh, và năm tên bị tiêu diệt ở thị trấn Kobane, phía Bắc thành phố Aleppo, giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông sẽ sử dụng "tất cả tài sản mà chúng ta có" để tìm kiếm những con tin bị IS bắt giữ và đánh bại nhóm phiến quân này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp của ông Cameron với lãnh đạo các lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo Anh.