Thủ tướng: Trung Quốc bồi lấp đảo ở biển Đông là vi phạm DOC
Trong 2 giờ đồng hồ chiều nay (19/11) báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, việc Trung Quốc bồi lấp đảo trên Biển Đông là vi phạm Điều 5 của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trả lời ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về chủ trương của Đảng, Nhà nước sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển nước ta, Thủ tướng cho biết, đối với Trung Quốc và tất cả các nước, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán đã nêu trong Điều 12, Hiến pháp. Đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Dù mưa nắng, bão lũ Việt Nam-Trung Quốc vẫn là láng giềng, Việt Nam mãi mãi mong muốn hai nước Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng có lợi, thể hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ, 4 tốt.
Chân thành hợp tác để giải quyết bất đồng giữa 2 nước về biên giới trên biển; giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn khác nhau. Để nói một câu ngắn nhất, đầy đủ nhất, dễ nhớ, dễ hiểu về mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc như ý hỏi của ĐB Quyết, Thủ tướng đưa ra 6 chữ “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Theo Thủ tướng, đây là phương châm của chúng ta không chỉ với Trung Quốc mà đối với tất cả các nước. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hòa bình, hữu nghị, bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi, ngay khi gian khoan Hải Dương 981 rút đi, Trung Quốc đã cho xây dựng sân bay trên một số đảo ở Biển Đông. Ông Nam nhận định, đây là kế sách “không đánh mà thắng” nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và chất vấn: “vậy Chính phủ đã có kế sách gì để bảo vệ Biển Đông?”
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, một số đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, Việt Nam và ASEAN đã ký với Trung Quốc Tuyên bố DOC, trong đó yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nếu Trung Quốc bồi lấp đảo Chữ thập trên Biển Đông là vi phạm Điều 5 của Tuyên bố DOC. Do vậy, Việt Nam phản đối hành động này của Trung Quốc. Thủ tướng cho biết, tại hội nghị cấp sao ASEAN và cấp cao ASEAN với các đối tác, Thủ tướng đã phát biểu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề này.
Cũng liên quan đến Biển Đông, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn, chúng ta đã có bước đầu tư gì để phát triển kinh tế biển, có cần giảm bớt đầu tư công trong bờ để dành nguồn lực đầu tư kinh tế biển, có nên lập Bộ Kinh tế biển?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau khi có Chiến lược biển của Trung ương, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, thực hiện đạt được nhiều kết quả, nhưng so với yêu cầu thì cần nỗ lực, làm tốt hơn nữa, trong đó có đầu tư phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Căn cứ ngân sách quốc gia và tình hình nợ công Chính phủ sẽ dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển. Thủ tướng cho rằng, khó phân biệt rạch ròi đầu tư trên bờ và trên biển bởi có những công trình đầu tư trên bộ mà phục vụ cho biển, đầu tư để khai thác hiệu quả kinh tế biển.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Đương về lập Bộ Kinh tế biển, nhưng Thủ tướng cho rằng, việc lập một bộ để quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến biển, gồm kinh tế biển, an ninh, quốc phòng, chủ quyền, khai thác thủy sản, dầu khí, vận tải, du lịch biển… là khó. Hiện nay, trong phân công nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ TN&MT quản lý tài nguyên biển, còn các lĩnh vực cụ thể khác giao các bộ. Như vận tải biển là Bộ GTVT, dầu khí là Bộ Công Thương, thủy sản là Bộ NN&PTNT.
“Quan điểm của Chính phủ là làm sao các lĩnh vực đều có bộ chủ trì quản lý và bộ phối hợp để các lĩnh vực đều được quản lý”, Thủ tướng nói và cho rằng, có lập Bộ Kinh tế biển không sẽ nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau.
-------------------------
Bộ Quốc phòng không đồng ý triển khai dự án xây khách sạn ở đèo Hải Vân
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 19.11, Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN - khẳng định dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm ở vị trí chiến lược và chắc chắn Bộ Quốc phòng sẽ không đồng ý cho triển khai.
* Quan điểm của ông về việc Thừa Thiên Huế cấp phép cho một doanh nghiệp nước ngoài xây dựng khu nghỉ dưỡng tại khu vực đèo Hải Vân - một địa điểm được đánh giá là trọng yếu về an ninh - quốc phòng?
Nơi đó có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, an ninh. Ở những vị trí như thế, những dự án phát triển kinh tế, nhất là với những dự án có yếu tố nước ngoài, Chính phủ cũng đã có quy chế là phải có thẩm định của các cơ quan hữu quan. Do vậy, khi mà hai cơ quan quân sự, công an ở cấp cơ sở thẩm định và không đồng ý thì có lẽ là sẽ không thực hiện được dự án này.
Quan điểm của Bộ Quốc phòng cũng là hết sức ủng hộ các địa phương phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh, nhưng với những dự án ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, ở những khu vực chiến lược như vậy thì tuyệt đối không được làm.
* Vậy Bộ Quốc phòng đã nhận được ý kiến hay báo cáo từ địa phương về dự án này chưa?
Hiện nay Bộ chưa nhận được báo cáo của địa phương về dự án này. Hỏi ý kiến chính thức thì chưa, nhưng nếu có hỏi thì chắc chắn chúng tôi sẽ không đồng ý. Một khu du lịch nghỉ dưỡng có yếu tố nước ngoài mà lại nằm ở vị trí chiến lược như vậy thì không thể cấp phép cho làm được.
* Nhưng trong trường hợp địa phương, mà cụ thể ở đây là UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn quyết tâm làm thì sao thưa ông?
Nếu cấp nào quyết định thì cấp ấy sẽ sai. Trong trường hợp nếu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn quyết tâm làm thì chắc chắn Bộ Quốc phòng sẽ có ý kiến phản đối.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao động)
-------------------------
Chất vấn nóng về tàu ngầm do nhà nông sản xuất
Sáng nay (19/11), tại phiên chất ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đã nêu câu hỏi về triển vọng tàu ngầm sản xuất tại Việt Nam với Bộ trưởng Khoa học và công nghệ.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Vừa rồi có một số doanh nhân cũng như một số nhà nông dân làm các tàu lặn rất hiệu quả, trong đó có tàu lặn được mang tên Yết Kiêu, Hòa Bình, Trường Sa. Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Quân đã xuống tàu lặn Hòa Bình và Bộ trưởng Quân đánh giá rất cao về tàu lặn này. “Vậy tôi muốn hỏi Bộ trưởng qua đánh giá, qua thực tế Bộ trưởng có nhận xét gì và hướng gì cho phát triển trong ngành?” – Ông Bảo hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời: Các đại biểu Quốc hội có trao đổi, tức là thái độ của ngành khoa học, công nghệ đối với những sáng kiến cải tiến của người dân, ví dụ cụ thể là các tàu ngầm do người dân tự nghiên cứu, tự chế tạo trong thời gian vừa qua.
“Báo cáo Quốc hội, riêng về tàu ngầm và tàu lặn trong thời gian vừa rồi có 3 địa chỉ được báo chí cũng như được người dân quan tâm: Một là tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình; Hai là tàu ngầm của ông Phan Bội Trân ở Thành phố Hồ Chí Minh; Ba là tàu ngầm Hòa Bình của một số nhà khoa học và doanh nhân thuộc Tập đoàn Vinashin” – Ông Quân cho hay.
Tàu ngầm nhà nông sản xuất
Bộ Trưởng Nguyễn Quân nói tiếp, Đảng và Nhà nước cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ luôn luôn trân trọng tất cả những sáng kiến cải tiến của người dân nếu nó đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ cho xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI được hơn 10 năm, chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng cho nên chúng ta thấy mọi sản phẩm cung ứng cho xã hội cũng phải có giá trị nhất định và phải được xã hội chấp nhận, vấn đề là thị trường phải chấp nhận được những sản phẩm này. Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ cho những người dân có sáng kiến thông qua các chợ công nghệ thiết bị, chúng ta thường gọi là Techmart hàng năm. Chúng tôi mời những người nông dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đến để giới thiệu sản phẩm của họ với cộng đồng và để cho xã hội có thể tiếp cận, các doanh nghiệp tiếp cận và cùng với họ đầu tư và có rất nhiều nông dân đã có sản phẩm ứng dụng rộng rãi, thậm chí họ đã trở thành những doanh nghiệp cũng rất thành đạt.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tàu ngầm cũng như máy bay, báo cáo Quốc hội đây là những phương tiện mà chúng ta có thể coi là mức độ thấp ở phương tiện giao thông, ở mức độ cao đây là những sản phẩm liên quan đến an ninh, quốc phòng, cho nên việc chế tạo, sử dụng nó phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã cử cán bộ đến làm việc với những người nông dân, những người có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhưng rất tiếc, trong quá trình đó cũng có những bác nông dân rất hợp tác cùng các nhà khoa học, trao đổi, hỗ trợ trong việc thiết kế, chế tạo.
Nhưng cũng có một số trường hợp thì bà con cứ lặng lẽ làm mà cơ quan quản lý không được biết, đến khi đưa ra để thử nghiệm thì lúc ấy cơ quan quản lý vào cũng không xử lý được, bởi vì thiết kế thì đã làm rồi, chế tạo cũng đã làm rồi, không thể thay đổi được nữa.
Chính sách chưa phù hợp, khó quyết toán
Về tàu lặn Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, một nhóm các nhà khoa học của Vinashin, sau khi gặp những khó khăn cũng gần như không có việc làm, nhưng với sự đam mê cùng với một số nhà khoa học khác ở bên ngoài đã phối hợp với nhau, tự bỏ vốn chế tạo, thiết kế, chế tạo một tàu lặn có thể có tính năng rất tốt, có thể chở được 4 người, lặn có thể tối đa 2 ngày, ở độ sâu tối đa là 50m. Cũng rất bài bản, mời các cơ quan, kể cả các cơ quan đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan khoa học ở trong nước, mời đại diện Bộ Quốc phòng cùng tham gia, kết quả đã thành công. Đăng kiểm của Đức cũng đã tham gia vào ngay từ khâu thiết kế. Sau khi thử nghiệm thành công sẽ làm thủ tục để cơ quan đăng kiểm Cộng hòa Liên bang Đức có thể cấp đăng kiểm, có thể hoạt động được và có thể thương mại hóa nó để trở thành sản phẩm kiểm tra các chân đế giàn khoan, phục vụ cho du lịch ở các vùng biển, cứu hộ, cứu nạn ở những vùng nước không sâu.
“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực này của những nhà khoa học và Bộ khoa học công nghệ cũng hỗ trợ họ. Một tàu lặn như thế của họ cũng bỏ vốn ra hơn 28 tỷ đồng, Bộ công nghệ cũng hỗ trợ họ khoảng hơn 5 tỷ đồng. Từ những dự án sản xuất thử nghiệm nhưng do hệ thống chính sách chúng ta chưa phù hợp, cho nên rất nhiều chứng từ không thanh toán được. Chúng tôi cuối cùng chỉ quyết toán được khoảng chưa đến 3 tỷ đồng, khoảng 10% giá trị của con tàu” – Ông Quân cho biết.
Theo Bộ trưởng KH và CN, con tàu này có giá thành chưa đến 1 triệu rưỡi USD Mỹ, trong khi những con tàu lặn chúng ta mua của nước ngoài đều từ 5 đến 7 triệu USD. Ngay cả thuê những tàu lặn này để kiểm tra các giàn khoan ở ngoài biển thì giá thuê trong vòng 3 năm còn đắt hơn giá chúng ta mua con tàu này của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi thấy đây là một hướng đi rất có triển vọng.
Tôi tin vào trình độ anh em
“Nhiều người có hỏi rằng vì sao tôi lại dám ngồi vào tàu ngầm đó”- Bộ trưởng Quân nhắc lại vấn đề. “Báo cáo Quốc hội, tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ, năng lực của những người làm khoa học với những bảo lãnh ở cơ quan đăng kiểm của nước ngoài. Tôi đã cùng với anh em thiết kế ngồi vào con tàu đó và trong quá trình chạy thử nghiệm ở Cam Ranh, kiểm tra đạt tất cả những thông số thiết kế, thậm chí có nhiều thông số còn tốt hơn cả thiết kế” – Ông Quân chia sẻ
Chúng tôi mong muốn những người dân khác có ý tưởng sáng tạo và có năng lực thì hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khoa học, với các cơ quan quản lý để sản phẩm của họ khi làm ra được đánh giá tốt, được phép lưu hành và được cơ quan Nhà nước hỗ trợ trong việc thương mại hóa.
“Nếu không họ sẽ theo đuổi những ý tưởng ấy mà không được sự hỗ trợ và được sự cho phép thì những sản phẩm của họ sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra thị trường” – Ông Quân nói.
-------------------------
Việc người Việt làm được thì không để nước ngoài làm
Chốt phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH chiều nay (19/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Những công việc lao động trong nước có thể làm được thì không để lao động nước ngoài vào làm. Lao động chuyên nghiệp, thường xuyên, lâu dài phải là người Việt Nam“.
Chủ tịch QH yêu nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài đến Việt Nam, vừa tạo cơ chế thuận lợi nhưng phải chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với yêu cầu, ưu tiên giải quyết việc làm trong nước. Đồng thời, cần hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng bảo hiểm và nợ bảo hiểm. Những vi phạm trong lĩnh vực này bộ cần kiến nghị xử lý kiên quyết.
Chỉ chấp nhận lao động có tay nghề
Trước đó, trả lời chất vấn thực trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam, Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trong 78.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, có nhiều lao động phổ thông là người Trung Quốc.
Gửi tới Bộ trưởng mối quan tâm lo ngại của cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết: Trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước bị phá sản, dừng hoạt động, làm cho người lao động mất việc; hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, lại có tình trạng lao động nước ngoài không phép tiếp tục gia tăng.
“Đáng chú ý là tỷ lệ người lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có cả những trường hợp vi phạm pháp luật của nước sở tại nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau, kể cả đường mòn lối mở, chưa quản lý được” – ĐB Hoàng hỏi.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền luận giải, Chính phủ có quy định rất rõ đối tượng được vào lao động ở Việt Nam là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phù hợp yêu cầu công việc. Nhưng thực chất có lao động không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn có một số doanh nghiệp sử dụng được. Số này phần đông là họ đi theo con đường du lịch và họ chỉ tham gia được giai đoạn đầu, tức là giai đoạn đầu tư xây dựng, phần đông là lao động Trung Quốc.
“Chúng ta cũng phải giữ một nguyên tắc là chúng ta có nhiều lao động, chỉ đồng ý cho lao động chuyên môn, kỹ thuật vào mà không có, hoặc các chuyên gia mà chúng ta chưa đáp ứng thôi” – Bà Chuyền nhấn mạnh.
Trách nhiệm chung
Về tình trạng để người lao động vào Việt Nam trái quy định, Bộ trưởng Chuyền giải thích: Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với ngành công an để thực hiện việc kiểm tra các đối tượng này và phát hiện những đối tượng khai gian để xử lý, trục xuất theo đúng theo đúng quy định.
Theo Bộ trưởng, việc người lao động đó có vào được hay không thì ngành công an thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh. Ngoài ra có trách nhiệm của chính quyền địa phương quyết định cho phép lao động ấy có được vào địa phương của mình trên cơ sở các dự án cụ thể tại địa phương hay không. Đồng thời phải quản lý trực tiếp những đối tượng lao động này, nhất là quản lý tạm vắng, tạm trú.
-------------------------