Atomex Asia 2014: quan hệ Việt-Nga trong phát triển hạt nhân
Diễn đàn Atomex Asia 2014 khai mạc tại TP.HCM sáng 19-11 toạ đàm chuyên sâu về quan hệ Nga và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Atomex Asia 2014 là Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân khu vực châu Á do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom tổ chức.
Trong ngày đầu của diễn đàn, các chuyên gia thảo luận xoay quanh triển vọng phát triển của năng lượng hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á, công nghệ và an toàn lò phản ứng hạt nhân của Nga, yêu cầu đối với các nhà thầu và khả năng nội địa hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân, đào tạo cán bộ, xây dựng nhận thức công chúng.
Theo ông Maksim Golikov - Trưởng phái đoàn thương mại Nga tại Việt Nam - dự án nhà máy điện hạt nhân sắp tới là dự án lớn nhất của Nga tại VN.
Ông Nguyễn Cường Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN - chủ đầu tư dự án điện hạt nhân) cho biết trong khuôn khổ hợp tác chiến lược toàn diện giữa VN và Nga, Chính phủ đã quyết định lựa chọn Nga là đối tác hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam tại Ninh Thuận.
Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam là là chiến lược dài hạn của quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường từ nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng...
ông Nikolay Drozdov - Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom - cho biết tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 30-40%, với nguyên tắc không hạn chế doanh nghiệp tại nước sở tại tham gia.
Tuy vậy, có một số thiết bị mà Rosatom sẽ cung cấp có vai trò đặc biệt quan trọng, chiếm khoảng 25% dự án.
Theo ông Nikolay Drozdov, phía Rosatom đã bàn giao tài liệu khả thi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cho chủ đầu tư, và đang được EVN nghiên cứu, sau đó trình hội đồng thẩm định nhà nước. Sau khi được thẩm định và phê duyệt, Rosatom sẽ đưa vào thiết kế và thực hiện.
Hiện có khoảng 340 sinh viên Việt Nam đang theo học ngành năng lượng hạt nhân tại Nga theo học bổng của Chính phủ Nga, và tương lai sẽ tăng đến 1.000 sinh viên.
Ngoài việc cấp học bổng mỗi năm cho 70 sinh viên Việt Nam theo học tại Nga thì ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang nâng cấp và xây dựng ngành học này cho bảy trường đại học trong nước.
Theo kinh nghiệm triển khai dự án ở nhiều quốc gia, cứ mỗi người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra việc làm cho năm người khác trong những công việc có liên quan.
TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết Đà Lạt, Ninh Thuận và Đồng Nai là ba địa điểm đang được xem xét, lựa chọn xây dựng trung tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân với tổng đầu tư dự án khoảng 500 triệu USD.
-------------------------
Hải quân hoàng gia Brunei đón biên đội chiến hạm Việt Nam
Trưa 19.11, tại căn cứ Hải quân Muara, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Brunei - Chuẩn đô đốc Daito Seri Pahlawan Abdul Azizbin Haji Mohd Tamit và các sĩ quan, binh sĩ đã nồng nhiệt đón Biên đội tàu Hải quân Việt Nam.
Đoàn Hải quân Việt Nam do Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Kiệm - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân dẫn đầu, cập cảng bắt đầu chuyến thăm và giao lưu giữa Hải quân và lực lượng vũ trang 2 nước trong 3 ngày.
Đón đoàn, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Brunei hào hứng kể lại những kỷ niệm trong chuyến thăm TP.Hải Phòng của sĩ quan, binh sĩ 2 chiến hạm Brunei đầu năm nay và nhấn mạnh: "Mỗi chuyến thăm nhau của Hải quân 2 nước cùng thắt chặt thêm tình đoàn kết".
Ngay sau khi đón Biên đội tàu Việt Nam, Tư lệnh Hải quân Brunei đã mời Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Kiệm và đoàn tùy tùng cùng dự bữa cơm thân mật, ngay tại căn cứ.
-------------------------
Đài Loan tung tin đồn nông sản VN nhiễm dioxin
Bình luận viên thời sự Chu Ngọc Khấu đã tung tin trà VN có chứa chất độc dioxin lên Facebook. Chu nói hàng chục ngàn tấn trà đang bị niêm phong để kiểm tra.
Ngày 6-11, theo trang mạng ETtoday của Đài Loan, bình luận viên thời sự Chu Ngọc Khấu đã tung tin trà VN có chứa chất độc dioxin lên Facebook.
Chu cho biết hiện tại hàng chục ngàn tấn trà đang bị niêm phong để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người dân Đài Loan đừng dùng các loại trà này.
Tuy nhiên, người đại diện Công ty trà Lý Vương, ông Đồ Trung Chính, đã bác bỏ mọi tin đồn và khẳng định trà có xuất xứ VN do công ty này nhập khẩu đạt các tiêu chuẩn an toàn.
Đến ngày 11-11, trên mạng tiếp tục xuất hiện tin đồn cho rằng Công ty trà Lý Vương đã cho thu hồi toàn bộ sản phẩm trà có xuất xứ VN.
Ông Đồ Trung Chính một lần nữa khẳng định đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt.
Trước đó ngày 4-11, mạng Tin Tức Liên Hiệp Đài Loan (http://udn.com/) cho rằng các sản phẩm dầu động thực vật nhập khẩu từ VN cũng có thể nhiễm dioxin (?), đồng thời cho biết các chuyên gia đã đề nghị nhà chức trách Đài Loan kiểm tra chất độc dioxin đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ VN.
Thậm chí, trang mạng Đài Loan Trung Quốc (có cơ quan chủ quản là Văn phòng các sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc) còn viết rằng “người VN đều biết các loại dầu dành cho gia súc từ khu vực miền Trung và miền Nam chẳng những người không thể dùng được mà ngay cả cho heo ăn cũng sẽ bị ung thư” (?).
Tuy nhiên, trang mạng Tin Tức Liên Hiệp Đài Loan dẫn lời bà Khương Úc Mỹ - quyền cục trưởng Cục Thực phẩm và dược phẩm Đài Loan - cho biết dioxin chủ yếu tồn tại trên các loại thịt, trứng, dầu ăn. Đối với các loại thực vật như gạo, trà, khả năng này không cao.
Theo bà Khương, sắp tới Đài Loan sẽ kiểm tra định kỳ dioxin các loại thịt, sữa, dầu ăn nhập khẩu từ VN.
Trang mạng ETtoday dẫn lời chủ nhiệm Văn phòng kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội Hoàng Chí Bằng cũng cho biết trà xuất khẩu của VN sang Đài Loan không nhiễm dioxin, nhưng do tính chất nghiêm trọng của sự việc, văn phòng đã đề nghị phía VN kiểm tra trà xuất khẩu sang Đài Loan.
Theo thống kê của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, năm 2013 VN xếp thứ 11 trong các nước xuất khẩu nông sản vào Đài Loan, với 606.806 tấn sản phẩm nông lâm ngư nghiệp.
Tổng kim ngạch vào khoảng 408.637.000 USD. Sản phẩm chủ yếu bao gồm các loại khoai, gạo, trà, cá, các sản phẩm chế biến từ cá, dầu cá, gỗ...
-------------------------
Phản ứng quyết định điều chuyển, trả chức chánh văn phòng
Đó là trường hợp của bà Kim Thị Lan Hương, nguyên Trưởng phòng ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Thông tin- truyền thông (TT-TT) Hà Nội.
Phản ánh với Tuổi Trẻ, bà Hương cho biết, trước đó, tháng 6-2014, giám đốc Sở TT-TT Hà Nội ban hành quyết định điều chuyển bà về nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo chương trình công nghệ thông tin TP.Hà Nội.
Cho rằng quyết định trên bất hợp lý nên bà Hương từ chối trả lại chức danh trên, đồng thời muốn được quay về chức vụ cũ.
Theo bà Hương, quyết định của giám đốc sở có “ba cái sai”.
Thứ nhất, bổ nhiệm chức danh sai. Theo đó, quy định của UBND TP. Hà Nội về Văn phòng Ban Chỉ đạo thuộc Ban Chỉ đạo chương trình công nghệ thông tin TP không đề cập tới chức danh của người đứng đầu văn phòng. Do vậy chức danh mà bà vừa được bổ nhiệm là “không có thật”.
Thứ hai, việc giám đốc sở bổ nhiệm chức danh cho một Ban Chỉ đạo trực thuộc TP là sai thẩm quyền. Chức danh này phải do Chủ tịch UBND TP. hoặc phó chủ tịch TP được chủ tịch ủy quyền bổ nhiệm.
Thứ ba, bà Hương cho rằng quyết định bổ nhiệm căn cứ vào thông báo của Đảng ủy Sở TT-TT là sai căn cứ pháp lý.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội lại khẳng định những phản ánh của bà Hương là không đúng.
Bà Tú cho biết khi nhận được khiếu nại của bà Hương về quyết định bổ nhiệm, sở đã mời Thanh tra TP, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp xem xét. Đại diện các cơ quan tham dự cuộc họp thống nhất ý kiến là quyết định trên đã được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với Luật Công chức cũng như các văn bản liên quan khác.
“Chức danh chánh văn phòng không phải tôi tự nghĩ ra mà văn phòng của Ban Chỉ đạo đã được thành lập trước đó rồi, cần phải kiện toàn, có cán bộ của sở hoạt động theo chế độ chuyên trách. Sau khi xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo, tôi với tư cách là Giám đốc sở kiêm Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo đã ra quyết định giao nhiệm vụ với đồng chí Hương làm Chánh Văn phòng”, bà Tú nói.
Bà Tú cho hay, hiện Sở TT-TT Hà Nội cũng đang phối hợp với các sở ngành khách tham mưu thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến hoạt động của BCĐ.
(Theo Tuổi Trẻ)
-------------------------
Thép dây cuộn Trung Quốc ồ ạt nhập vào VN
Theo thống kê của Hiệp hội Thép VN, 10 tháng năm 2014, tổng lượng thép dây cuộn chứa nguyên tố Bo đã lên đến khoảng 476.000 tấn. Từ các số liệu này, Hiệp hội Thép VN đã phát hiện ra một số dấu hiệu bất thường.
Theo Hiệp hội Thép VN, lượng nhập khẩu thép hợp kim chứa Bo đã vượt quá gấp nhiều lần nhu cầu thật của ngành sản xuất trong nước. Trong những tháng cuối năm 2014, lượng thép cuộn chứa Bo từ Trung Quốc không những không giảm mà còn có sự gia tăng đột biến. Nếu theo tình hình nhập khẩu như hiện nay, ước cả năm 2014 có thể đạt tới 550.000-600.000 tấn.
Giá cả của loại thép này cũng không bình thường. Mặc dù là thép hợp kim nhưng giá lại thấp hơn giá của thép các bon xây dựng thông thường. Điều này là bất hợp lý. Với chính sách của Chính phủ Trung Quốc về hoàn thuế VAT của mặt hàng thép hợp kim xuất khẩu (từ 7-13%), có khả năng lượng thép dây cuộn chứa Bo nhập về VN vẫn sẽ tăng trong những năm tới.
Vì vậy, Hiệp hội Thép VN đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Tài chính có những biện pháp kiểm tra và hậu kiểm hữu hiệu để thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, nhất là đối với thép hợp kim chứa Bo, nhằm ngăn chặn sự tràn ngập thép Trung Quốc giá rẻ, chất lượng không đảm bảo dẫn đến gian lận thương mại làm thiệt hại đến các nhà sản xuất thép trong nước và thất thu thuế của Nhà nước.
-------------------------