Là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ lẽ ra ông Truyền phải gương mẫu, trong sạch nhất
Ngày 21/11, trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Trường hợp ông Truyền có cái đặc biệt – đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật, chống tham nhũng. Lẽ ra ông ấy phải gương mẫu nhất, trong sạch nhất”.
“Là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ (TTCP), ông ấy càng cần phải gương mẫu vì đó là tấm gương để mọi người soi” – Ông Tiến nhấn mạnh.
Những sai phạm của ông Truyền về tài sản nhà đất, bổ nhiệm cán bộ có nghiêm trọng không thưa ông?
Có 2 vấn đề nổi lên: Một là không minh bạch về tài sản. Có những tài sản không thuộc về phạm vi, chế độ, tiêu chuẩn của mình nhưng ông Truyền vẫn xin mua, xin thuê. Sau khi nghỉ hưu 3 năm ở quê rồi mới trả lại nhà công vụ. Nhà ở quê thì nói là do con cái đầu tư nhưng tôi cho rằng thực chất có thể cũng là tài sản của ông Truyền. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ cho thấy ông Truyền có tới 6 trường hợp về nhà, đất thì là quá nhiều so với những cán bộ thông thường, so với các bộ cao cấp khác cũng là cao hơn nhiều.
Thứ hai là, trước khi về hưu đã bổ nhiệm ồ ạt tới 60 cán bộ cấp vụ, phòng ở TTCP. Trong số đó có nhiều người không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, và bây giờ thì lại cái “họa”. Cán bộ đó không đủ tiêu chuẩn, không có uy tín để làm việc.
“Nếu không xử nghiêm vụ này thì chúng ta không bao giờ xóa được hoài nghi của dân là chống tham nhũng, chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống” – Ông Lê Như Tiến.
Chuyện nhà đất lẫn chuyện bổ nhiệm cán bộ ồ ạt chắc chắn có dấu hiệu trục lợi đằng sau, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác PCTN, về công tác bổ nhiệm cán bộ.
Được cấp/cho thuê nhiều nhà đất như ông Truyền còn do các cơ quan chức năng ở Bến Tre, TPHCM nể nang ông ấy?
“Nể nang” mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền là rất đáng xem xét. Nếu như địa phương nào cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì luật pháp có còn được thực thi hay không. Cứ nể nang, xã hội sẽ bị rối loạn.
Chắc chắn phải xử nghiêm
Kết luận nêu ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Sau khi được mua lại để cho người khác ở, kinh doanh?
Như thế không phải là nể nang mà là làm sai, vi phạm pháp luật. Liệu có đi có lại hay không? Tôi hóa giá cho anh một căn nhà thì anh tạo điều kiện cho tôi việc gì đó. Đây là lỗi cả 2 phía, cả cơ quan Nhà nước và bản thân ông Truyền. Hơn ai hết ông Truyền phải là người am hiểu pháp luật. Ông ấy không thể nói là do khó khăn về nhà ở để xin thuê, mua nhà. Cán bộ chỉ cần có 1 ngôi nhà để ở, không thể nào cần tới 5-6 căn nhà như vậy, nhất là ông Truyền lại là người đứng đầu cơ quan TTCP. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Tiếp theo, các cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào vấn đề của ông Truyền vì ở đây không chỉ có vấn đề tài sản?
Chắn chắc các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan PCTN sẽ phải vào cuộc. Tôi cũng đã từng phát biểu trên Quốc hội, căn bệnh tham nhũng biệt thự và nhà công vụ là vấn đề hết sức lớn hiện nay. Trong khi cán bộ công chức nào đó nhận phong bì vài trăm ngàn thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai.
-------------------------
Vụ ông Truyền thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước
Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra tài sản, bất động sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, bên lề phiên họp Quốc hội chiều 21.11, nhiều ĐB Quốc hội đã chia sẻ với Lao Động và khẳng định đây là minh chứng thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước
Theo ĐB Nguyễn Sĩ Cương, kết quả xử lý vụ việc liên quan ông Trần Văn Truyền là một trong những minh chứng rõ ràng nhất trong quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. ĐB Cương đánh giá cao việc làm đầy trách nhiệm của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để sớm có kết luận về những sai phạm của ông Trần Văn Truyền.
Đây là việc làm minh chứng rõ nhất cho cam kết không có vùng cấm trong công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm bất cứ ai, dù đương chức hay đã nghỉ hưu. “Điều mà tôi thấy tiếc là cán bộ cao cấp như ông Trần Văn Truyền, được Đảng và Nhà nước giao trọng trách tham mưu Nhà nước chống tham nhũng nhưng lại mắc vào sai phạm như vậy. Điều này làm ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta”.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương cũng khẳng định, kết quả kiểm tra của UB Kiểm tra Trung ương mới là thông báo bước đầu, việc xem xét xử lý cụ thể sẽ được tiếp tục tiến hành. Kết quả này thể hiện sự trách nhiệm và đáp ứng được sự mong đợi của Đảng và Nhà nước. Ông nhìn nhận: “Bấy lâu nay dư luận cho rằng có nhiều vi phạm như vậy nhưng không bị xử lý, không bị sao cả. Đến bây giờ có việc xử lý như vậy tôi nghĩ người dân rất vui và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước”.
Để tránh lặp lại các sự việc tương tự, theo ĐB Nguyễn Sĩ Cương, đây là một trong những việc khiến các cơ quan quản lý cán bộ là phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa trong suốt quá trình khi các cán bộ còn đương chức để có thể kịp thời phát hiện, xử lý. ”Trường hợp ông Truyền nếu không bắt đầu việc xây biệt thự khiến báo chí nêu lên thì không phát hiện được, đây là điều cũng rất tiếc. Cơ quan tổ chức chưa mạnh mẽ, điều quan trọng nữa là giải pháp cũng thể hiện chưa phát huy được tốt, không làm triệt để. Nếu việc kê khai tài sản thực hiện theo đúng thực chất và làm một cách triệt để thì những sai phạm đó được phát hiện từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ” – ông nói.
Còn theo ĐBQH Lê Như Tiến, nếu như những cán bộ có thẩm quyền, có trách nhiệm ở TP.HCM và Bến Tre liên quan đến việc cấp đất, bán nhà cho ông Truyền mà lại do “nể nang” thì ta thấy rằng nếu ở tỉnh nào, cơ quan nào cũng “nể nang” như vậy thì có còn pháp luật được thực thi hay không? Và như vậy thì xã hội sẽ ra sao? “Ông Truyền từng là Tổng thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm tham mưu phòng chống tham nhũng thì việc làm như vậy không thể chấp nhận được. Chắc chắn cơ quan chức năng chống tham nhũng phải vào cuộc chứ không chỉ dừng lại ở kết luận đó” – theo ĐB Tiến.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá cao kết quả của Ủy ban Kiểm tra trung ương. “Có thể nói đây là một bản thông báo rất nghiêm túc. Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về kết quả thực hiện chất vấn, nhiều đại biểu QH yêu cầu làm rõ việc này. Như vậy thông báo đã đưa ra rất nhanh, tôn trọng ý kiến cử tri, thể hiện tinh thần nghiêm túc trước đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần trách nhiệm đáng hoan nghênh của cơ quan có trách nhiệm. Kết quả bước đầu cho thấy cử tri rất tin tưởng ở chỉ đạo quyết liệt của Trung ương” – ông nói.
-------------------------
Cần quy định cứng số lượng thứ trưởng vào trong luật
Chiều 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần quy định cứng số lượng thứ trưởng vào trong luật.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh cần quy định số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vào trong luật. Đồng thời, Chính phủ khi nghe ý kiến tham mưu của bộ quản lý thì bộ đó có giá trị cao nhất. "Ví dụ Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về lĩnh vực giáo dục thì nghe ý kiến tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục; hay Bộ Y tế thì nghe ý kiến tham mưu về y tế chứ không nên lấy ý kiến của các bộ khác để quyết định chính. Như vậy sẽ gây phiền hà trong xây dựng chính sách"-bà An nói.
Liên quan đến vấn đề lạm phát cấp phó trong thời gian qua, bà An đề nghị cần tăng thêm quyền hạn cho Thủ tướng vào trong luật. Bởi nếu giao cho Chính phủ thì sau này giải quyết rất khó khăn. Bà An phân tích: "Vừa qua khi nói về lạm phát cấp phó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập đến là muốn quy định "cứng" số lượng cấp phó, nhưng khi đem ra bỏ phiếu thì đều không quá bán. Vì vậy, nên để Thủ tướng quyết định những vấn đề gay cấn, và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân".
Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) kiến nghị, cần quy định "cứng" số lượng Thứ trưởng vào trong luật để hạn chế quá nhiều cấp phó. Theo ĐB Lò Hải Ươi, nếu bổ sung thêm thứ trưởng thì Chính phủ căn cứ theo chức năng nhiệm vụ và chỉ được bổ sung thêm 1 thứ trưởng. Mô hình này cũng đang được áp dụng tại Nhật Bản.
Còn đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, vấn đề tồn tại lớn nhất trong điều hành hiện nay của Chính phủ là không làm rõ trách nhiệm công vụ. Cái gì là trách nhiệm của Chính phủ? Cái gì là trách nhiệm của địa phương?
Ông Lịch dẫn chứng: "Như vấn đề hàng giả chẳng hạn, khi hàng giả xảy ra tại địa phương, thuộc cấp nào thì chưa làm rõ. Nếu trong công tác chỉ đạo điều hành là trách nhiệm của Chính phủ, còn bày bán hàng giả tràn lan là thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương". Từ đó ông Lịch cho rằng: Nếu luật không làm rõ được trách nhiệm công vụ thì không giải quyết được mọi vấn đề bất cập lâu nay.
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nhấn mạnh vị trí chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, tạo tính chủ động trong thực thi quyền hành pháp. Vì vậy, cần cụ thể hóa chức năng của Chính phủ; đồng thời cần làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc thực hiện Hiến pháp và hoạt động cấp dưới tránh vi phạm Hiến pháp.
-------------------------
Để xảy ra nợ bảo hiểm xã hội: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ doanh nghiệp
Nợ đọng, trốn đóng BHXH đang là vấn đề nhức nhối, gây thiệt thòi quyền lợi cho hàng trăm ngàn NLĐ. Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lê Thành Nhơn (Bình Dương) khẳng định, NLĐ và tổ chức CĐ không có lỗi trong việc này. Ông Nhơn cho biết thêm:
Nhà nước giao quyền cho chủ DN trích trừ tiền lương của NLĐ để giao nộp cho cơ quan BHXH. Sau khi chủ DN trừ tiền lương của NLĐ, NLĐ không có trách nhiệm trong việc chậm đóng BHXH. Do đó, khi NLĐ đủ điều kiện hưởng các trợ cấp BHXH nhưng không được thụ hưởng với lý do chủ DN không nộp hay chưa nộp BHXH là không phù hợp, không bình đẳng đối với NLĐ. Vì thực tế, họ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình.
Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, việc DN trốn đóng, nợ đọng BHXH có trách nhiệm của tổ chức CĐ. Quan điểm của ông như thế nào?
- Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, việc DN trốn đóng, nợ đọng BHXH có một phần trách nhiệm thuộc về tổ chức CĐ, vì CĐ không kịp thời phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền. Tôi cho rằng đây không phải nguyên nhân dẫn tới tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, mà nguyên nhân chính ở đây là do chủ DN không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về BHXH. Thực tế, NLĐ khi lĩnh lương đã bị DN trừ tiền để tham gia BHXH rồi và họ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình. Còn chủ DN thu tiền của NLĐ nhưng không nộp số tiền đó cho cơ quan BHXH, đó là trách nhiệm của chủ DN. Tổ chức CĐ không có thẩm quyền, chức năng để kiểm tra DN đóng BHXH hay chưa. Trong khi đó, lực lượng thanh tra lao động khi phát hiện những trường hợp DN không đóng BHXH cũng không phản ánh trực tiếp tới tổ chức CĐ nên tổ chức CĐ không thể biết được trường hợp nào chưa đóng, trường hợp nào đóng rồi để có hướng tham mưu, xử lý. Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là DN trây ỳ trong đóng BHXH và sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan nhà nước mới dẫn tới tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH.
Vậy theo ông, trong thời gian tới, giải pháp nào là hiệu quả để giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH?
- Theo tôi, ngoài các chính sách quy định trong dự thảo Luật BHXH, một nội dung quan trọng là xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH, bởi hiện nay việc quản lý vẫn đang còn chồng chéo, nên khi xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH thì việc quy trách nhiệm vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý việc trốn đóng, chậm đóng BHXH cũng cần phải mạnh hơn. Đối với những vụ việc nghiêm trọng cần phải chuyển cho cơ quan công an để xử lý hình sự. Tuy nhiên với các giải pháp đó, đến khi NLĐ được hưởng các chế độ trợ cấp BHXH là cả một quá trình gian nan và vất vả.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao Động)
-------------------------