Cấm lạm dụng báo chí trong vận động bầu cử
Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đưa ra quy định không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
Theo dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày trước Quốc hội sáng ngày 5/11, chỉ rõ những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử. Trong đó dự luật quy định không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Các ứng viên cũng không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - trình bày cho biết, thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc cần quy định cụ thể hơn về việc tuyên truyền, vận động bầu cử để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, vừa có thể linh hoạt, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử.
Do vậy, báo cáo thẩm tra chỉ ra rằng, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử của dự án luật chưa thật sự đầy đủ và chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.
Về hình thức vận động bầu cử, ông Lý cho biết có nhiều ý kiến nhất trí với quy định hai hình thức: Người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên cũng còn có ý kiến còn băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có hai hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan khác trong việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt trong công tác tổ chức bầu cử nói chung, nhất là khi các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND lại được tổ chức trong cùng một ngày.
-----------------------------
Đề xuất người tự ứng cử có phiếu thấp phải nộp phạt
Ngày 5/11, thảo luận về dự án Luật Bầu cử, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đối với người ứng cử hoặc tự ứng cử ĐBQH ngay từ khi làm hồ sơ. Thậm chí, quy định người tự ứng cử mà số phiếu đạt thấp quá phải nộp tiền phạt.
Ông Lịch phân tích, bản thân người ứng cử, tự ứng cử phải là người có uy tín, xứng đáng, nhưng tôi thấy quy định chung chung thế này ai nộp đơn cũng được. “Nên có quy định nếu anh tự ứng cử mà không đạt 10% phiếu hay bao nhiêu phần trăm phiếu bầu, thì phải nộp tiền phạt như một số nước đã làm. Chứ để thế này thì dễ dàng quá” – ông Lịch phát biểu.
ĐB Lịch cũng kiến nghị, bên cạnh sức khỏe, người ứng cử phải có lý lịch tư pháp, có bản kê khai tài sản thu nhập rõ ràng và phải cân nhắc xem có minh bạch không. “Tôi thấy kê khai ông nào cũng quá nghèo, nhưng thực tế không phải vậy, lần này phải làm rõ hơn”.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, Luật cần cụ thể tiêu chuẩn ĐBQH đã ghi trong Hiến pháp. Đặc biệt, hồ sơ ứng cử phải có giấy khám sức khỏe, nhưng khám sức khỏe này phải quy định cao hơn chứ không như khám sức khỏe lái xe gọi là cho có. “Nên có trắc nghiệm tâm lý, thần kinh, trình độ. Trắc nghiệm không đạt không ứng cử nữa, chứ không thì hậu quả sẽ rất khó giải quyết, vì nhiệm kỳ QH kéo dài tới 5 năm!” – ĐB Nghĩa nói.
Đi bầu cho cả xóm lấy thành tích
ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị, Luật cần quy định để có thể lựa chọn được ĐB tâm huyết với dân, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước dân. Vì vậy cần quy định rõ tiêu chuẩn ĐB, để nhìn vào đó cử tri biết nên bầu ai. Nếu tới đây nâng số ĐB chuyên trách lên 35% mà không đặt ra tiêu chuẩn phải là chuyên viên cao cấp, có nhiều năm kinh nghiệm thì sẽ khó làm được việc.
“Đồng thời, phải có quy định để không bầu hộ, bầu thay rồi vận động bầu cho người này, không bầu người kia. Bỏ phiếu xong, cần niêm phong số phiếu trắng, giám sát kiểm phiếu, đảm bảo kết quả bỏ phiếu là khách quan” – Ông Đương phát biểu.
Chia sẻ tình trạng này, ĐB Trần Du Lịch cho biết, hiện tượng đi bầu thay để lấy thành tích không thể chấp nhận. Luật không nên để có chuyện đi bầu giùm, cử tri phải có thẻ cử tri và giấy tờ tùy thân mới được bầu cử. “Cũng có phản ánh có tình trạng một người đi bầu cho cả xóm. Kết quả bầu cử đạt chín mươi mấy phần trăm như thế để làm gì? Có gia đình con đi bầu cho cả nhà nhưng về không biết là mình đã bầu ai làm đại biểu” – Ông Lịch nêu thực trạng.
Với quy định mới về Hội đồng bầu cử (HĐBC), ĐB Lịch đề nghị, Luật sửa đổi cần quy định rõ những người đã là thành viên của hội đồng thì không ứng cử, tránh như trước đây người ứng có khi lại chính là Chủ tịch hội đồng, tức là vừa đá bóng vừa thổi còi. Bây giờ HĐBC phải độc lập, phải quy định rõ nếu đã ứng cử thì không tham gia hội đồng, có như thế cử tri mới thấy Luật có điểm mới đáng ghi nhận.
ĐB trung ương gửi - nên đưa hết về Hà Nội
Về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết: Cùng với quy định đặc thù cho thủ đô Hà Nội được bầu một số lượng đại biểu, ví dụ bằng 5 hay 10% tổng số ĐBQH, nên đưa hết ĐB trung ương giới thiệu về Hà Nội để bầu. Lý do ông Nghĩa đưa ra là, nếu đưa về các địa phương khác sẽ rất hình thức, người dân cũng không biết anh làm việc thế nào, tài sản thế nào. “Tín nhiệm của đại biểu không phải ở lúc bầu anh mà là phải qua quá trình anh công tác. Vì thực tế, lúc bầu ví dụ như ở TPHCM cũng chỉ có vài trăm ngàn người bầu anh, còn ở các địa phương khác còn ít hơn” – ĐB Nghĩa phát biểu.
Về quy định vận động bầu cử, ĐB Nguyễn Thị Dung kiến nghị chỉ nên quy định vận động bằng hình thức tuyên truyền thông qua các kênh chính thức, không nên có tranh cử. Đặc biệt, tránh để một số người tự ứng cử hoặc người có điều kiện kinh tế vận động bằng những cách thức khác, dẫn đến không đảm bảo công bằng cho ứng viên khác. Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, nên cấm hình thức sử dụng công nghệ thông tin như lập trang web để vận động bầu cử.
-------------------------
Đại biểu Quốc hội: Cho người Việt vào chơi casino nhưng phải có điều kiện
Theo đại biểu Quốc hội, mở cho người Việt vào chơi casino nhưng phải có điều kiện. Trước mắt, với trình độ quản lý như hiện nay, chúng ta chỉ bó hẹp ở một số đối tượng nhất định, cụ thể ai có thẻ APEC thì cho vào.
Quốc hội vừa thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, trong đó có nội dung đánh thuế thu nhập từ trúng thưởng trong casino. Theo ý kiến của một số đại biểu, cần thiết phải “đánh” thuế thu nhập cá nhân đối với người trúng thưởng casino.
Bởi theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, thu nhập từ trúng thưởng hoặc hình thức cá cược, casino là thu nhập chịu thuế TNCN với thuế suất 10% trên phần thu nhập trúng thưởng vượt trên 10 triệu đồng. Trong thực tế không thể xác định được mức thu nhập từ trúng thưởng của người chơi.
Ngoài ra, do hình thức kinh doanh casino thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt nên mức điều tiết về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là cao hơn so với các ngành kinh doanh khác (thuế VAT 10%, thuế TTĐB 30% , thuế thu nhập doanh nghiệp 22%). So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì Việt Nam đang là nước có mức động viên về thuế (tính chung các sắc thuế VAT, thuế TTĐB, thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với hoạt động casino ở mức cao. Bộ Tài chính dẫn giải, ở Macao, quy định tổng các khoản thu đối với casino khoảng 37% trên doanh thu, trong đó thu vào ngân sách là 35% và thu vào quỹ phúc lợi địa phương là 2%.
Kinh nghiệm của nhiều nước và vùng lãnh thổ cũng cho thấy, các nước không thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng casino (Singapore, Philippinese, Lào, Malaysia, Macao (Trung Quốc) ...). Đồng thời phương thức quản lý đối với đối tượng này cũng đảm bảo chặt chẽ, cơ quan thuế giám sát trực tiếp các hoạt động thu ngân bằng tiền mặt, các máy trò chơi nối mạng trực tuyến (online) với cơ quan thuế; thuế thu đối với doanh nghiệp kinh doanh casino được ấn định cụ thể bằng tỷ lệ % trên doanh thu do trên thực tế khó xác định thu nhập chịu thuế từ casino do không phân định được chi phí liên quan đến thu nhập chịu thuế của hoạt động casino và chi phí liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp.
Để phản ánh đúng bản chất của thuế thu nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ trình Quốc hội xem xét bỏ quy định thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng trong casino, đồng thời điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với kinh doanh casino tăng từ 30% hiện nay lên mức 35% đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Dự án Luật thuế TTĐB thông qua kỳ này và giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan thuế giám sát, quản lý trực tiếp doanh số và quy định về tỷ lệ ấn định tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo giới về đề xuất bỏ thuế thu nhập cá nhân cho người trúng thưởng, ông Trần Quang Chiểu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về việc quản lý thu nhập từ trúng thưởng casino, game và cá cược bóng đá cho hay: Không đánh thuế thu nhập cá nhân nhưng thực chất là đánh thuế thu nhập cao. Hiện, mức thuế đang thu 30% tăng lên 35%, thu thập 5% thì cũng tương đương với khoản mà nếu anh có thu nhập cá nhân đóng vào. Như thế đơn giản, doanh nghiệp thích, cán bộ quản lý cũng thấy dễ mà dân cũng thấy rõ ràng.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy không nước nào áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với casino. Bởi vì nếu anh đánh thua thì sao, vừa đánh thắng một ván ra thì có thu, đánh cả ngày thua thì sao?
Theo dự thảo Nghị định về casino của Bộ Tài chính, người Việt sẽ được vào casino chơi. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Mở cho người Việt vào chơi nhưng phải có điều kiện. Trước mắt, với trình độ quản lý như hiện nay, chúng ta chỉ bó hẹp ở một số đối tượng nhất định, cụ thể ai có thẻ APEC thì cho vào. Còn nói tất cả mọi người, nếu đáp ứng được một số yêu cầu thì được vào chơi, ở mình chưa làm được, do phong tục tập quán và mình chưa có kinh nghiệm trong quản lý, không cẩn thận thì xã hội lại rối lên. Trước mắt, cho phép những người chứng minh được năng lực tài chính, có nhân thân tốt sau đó mở ra dần sau.
Cũng tại dự thảo này, Bộ Tài chính đưa ra tiêu chí, người phải đủ 21 tuổi và có thu nhập 15 triệu đồng/tháng mới được vào chơi ở casino. Tiêu chí này đã đủ để mở cửa cho người Việt vào chơi hay không, thưa ông?
Việc kiểm soát thu nhập rất khó, làm sao biết được thu nhập của anh là 15 triệu đồng/tháng, tài khoản ở ngân hàng là bí mật cá nhân, hoặc người ta mượn tiền nộp vào tài khoản cho đủ rồi sau đó trả lại thì sao? Theo tôi, cứ dùng thẻ APEC thí điểm rồi mở dần.
Tới đây, người Việt sẽ được vào chơi casino và nếu được thông qua, các đối tượng này sẽ không phải nộp thuế khi trúng thưởng. Còn với hoạt động xổ số, hiện nay, chúng ta vẫn thu thuế với những người trúng thưởng, liệu có phải là sự không công bằng không, thưa ông?
Trên thế giới không còn họi là xổ số như mình mà là điện tử cá cược. Ở nhiều tỉnh phía Nam, hiện nay thu từ xổ số đóng trên dưới 30% thu ngân sách của địa phương chứ không ít, cho nên chưa nên bỏ, trong khi những người chơi xổ số không phải là người có thu nhập cao. Hiện nay, chúng ta mới chỉ thu được thuế của những người trúng lớn, còn các giải ba, giải tư chỉ có giá trị vài trăm nghìn thì không thu được.
Vậy còn chuyện cá cược bóng đá, phải có cách quản lý nào đó để tránh những chuyện lộn xộn mỗi khi có mùa giải như hiện nay?
Vừa rồi, trong Nghị định Chính phủ, chúng tôi có tham gia, có nêu vấn đề, nhưng Chính phủ thấy chưa đủ điều kiện, kinh nghiệm nên chưa đưa vào văn bản luật. Theo quan điểm của tôi, trước mắt phải quản lý, thu thuế từ hoạt động cá cược bóng đá, nhưng Chính phủ thấy rằng nên lùi lại, chắc chắn sẽ đưa vào, vấn đề là thời gian.
Nhưng nếu cứ để tự do như hiện nay thì tình trạng “chảy máu ngoại tệ” ngày càng nghiêm trọng?
Đây là vấn đề chính và là vấn đề lớn. Chúng tôivẫn nêu yêu cầu phải đưa cá cược bóng đá vào quản lý, nếu không đưa ngay trong nghị định thì nên có một câu ghi nguyên tắc là đến thời điểm nào thì đưa vào. Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính tiếp thu và cho biết sẽ đưa vào thời gian tới.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần thiết phải đưa cá cược bóng đá vào quản lý, càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, cái chính khó kiểm soát là ở nhà cái quốc tế, cho nên chưa bàn, Chính phủ xin bàn lại. Điển hình như chuyện chơi game định đưa vào nhưng cũng thấy rằng không quản lý được nhà mạng quốc tế nên tạm thời chưa bàn đến. Khó là khó chỗ đó. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng, bằng biện pháp kỹ thuật có thể quản lý được, và mình phải hợp tác với người ta.
Về đánh thuế thu nhập cá nhân đối với người trúng thưởng casino, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách khi đề cập tới thuế (TNCN) đối với người trúng thưởng casino đã không đồng ý bỏ khoản thu này vì cho rằng không phù hợp với nguyên tắc của Luật Thuế TNCN, tạo sự bất bình đẳng với cá nhân khác có nghĩa vụ nộp thuế. Một số đại biểu khác cho rằng casino là loại hình giải trí không khuyến khích, bỏ thuế TNCN là trái quan điểm nói trên và khó giải thích với cử tri.
Đại biểu Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai): “Cần tính mức thuế cao với casino”
Chơi casino, thực chất là đánh bạc. Nước ta không nhiều casino. Lào Cai có 1 cái nhưng do nhà đầu tư nước ngoài làm. Mỗi năm thu thuế từ hoạt động này khoảng 100 tỷ đồng. Ở Tây Ninh, con số này cao hơn gấp nhiều lần.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo cho người Việt Nam vào chơi có điều kiện, đây là nhân tố mới. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc vì phải chứng minh được nguồn tiền. Như ở Lào Cai, toàn đại gia, chân dài, con lãnh đạo vào casino đánh bạc suốt tuần… Nếu mở ra thì phải quản lý được.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, cần đánh thuế người chơi thắng trong casino. Bởi “khi chơi và thắng là có thu nhập bất thường, vậy nên nộp thuế là bình thường”.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cũng bày tỏ thái độ không đồng ý khung thuế với thu nhập cá nhân trúng thưởng trong casino vì như vậy vô hình dung chúng ta khuyến khích đánh bạc trong casino. “Nếu nói rằng không quản lý được thì không đánh thuế chỗ này không đúng. Chúng ta bằng nhiều cách phải thu thuế người trúng thưởng trong casino”, đại biểu nhấn mạnh.
----------------------------
“Bộ nào quản lý đào tạo nghề là do Chính phủ quyết định!”
Đó là khẳng định của ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội xung quanh dự thảo Luật dạy nghề (sửa đổi).
Theo ông Đào Trọng Thi, vấn đề mà nhiều ĐBQH băn khoăn nhất là phân công cơ quan quản lý Nhà nước công tác đào tạo nghề, theo hướng thống nhất cao việc nên quy về cho một bộ quản lý. Việc giao quản lý cho Bộ GDĐT hay Bộ LĐTBXH, theo ông Thi là có hai luồng ý kiến với tỉ lệ 50/50.
“Nhiều ý kiến đồng ý với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó nói rõ là giao việc quản lý cho Bộ LĐTBXH dựa trên đề nghị của Chính phủ. Một bộ phận ý kiến khác là muốn giao cho Bộ GDĐT quản lý. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là nếu luật không chỉ định cụ thể phân công thuộc bộ ngành nào thì trách nhiệm phân công thuộc về Chính phủ” – ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Do nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng trách nhiệm quản lý Nhà nước vấn đề đào tạo nghề nên giao cho Bộ GDDDT – điều này trái với quyết định của Chính phủ là giao cho Bộ LĐTBXH, ông Đào Trọng Thi cho hay, Chính phủ sẽ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ các ý kiến băn khoăn này và tiếp tục giải trình để Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiếp thu giải trình trước khi Quốc hội bấm nút. Nếu Chính phủ giải trình thuyết phục thì tiếp tục trình Quốc hội về việc phân công do Chính phủ quyết định. Còn nếu giải trình chưa thuyết phục thì sẽ tiếp tục giao cho Chính phủ phân công sau, tùy theo tình hình và công tác điều hành của Chính phủ.
Trước đó, liên quan đến phân công quản lý Nhà nước về vấn đề đào tạo nghề, Chính phủ đã họp bàn và lắng nghe các ban, ngành liên quan, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Thủ tướng đã kết luận và có công văn gửi Thường vụ Quốc hội về việc giao đào tạo dạy nghề cho Bộ LĐTBXH. Điều này đã được TVQH thống nhất giải trình tại phiên họp sáng 5.11, tuy nhiên gặp không ít băn khoăn của ĐBQH khi nhiều ý kiến cho rằng nên giao trách nhiệm quản lý này cho Bộ GDĐT.
-------------------------
Tăng thuế - chỉ dân buôn lậu cười sướng
“Một điếu thuốc lá có in hình đầu lâu xương chéo mà có ông còn xơi 2 gói/ngày. Nhưng đằng sau mỗi điếu thuốc là hàng trăm nghìn người trồng thuốc lá” - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ đã phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận về sửa đổi một số luật thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt (sáng 4.11).
Ông đề nghị việc tăng thuế cần có bước đi cụ thể cho phù hợp thu ngân sách, bởi “tăng thuế lên cao chỉ dân buôn lậu cười sướng”.
“Nóng” nhất là câu chuyện liên quan tới điếu thuốc lá và tình trạng buôn lậu biết trước là sẽ bùng phát sau khi thuế TTĐB tăng lên mức 65%. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) có một sự liên tưởng “một cây thuốc bằng 3-4 hộp sữa”. Bà đề nghị phải tăng thuế đối với thuốc lá để mỗi người cha khi hút thuốc phải nhớ đến những đứa con. Theo bà Trang, thuế thuốc lá hiện chỉ 41% là rất thấp so với khu vực. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến VN lọt top 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.
ĐBQH Trần Du Lịch định lượng cụ thể bằng mức thuế suất 200% đối với thuốc lá. Và ông nói rõ rằng, việc tăng thuế này là nhằm giảm tiêu dùng, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, chứ không phải tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên vấn đề mà các vị ĐBQH quan tâm lo lắng nhất là việc chống buôn lậu. Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang thì nhắc đến con số gần 1 tỉ bao thuốc nhập lậu. 8.000 tỉ đồng thất thoát mỗi năm. Ông Trần Du Lịch thì dẫn số liệu của Hiệp hội Thuốc lá cho biết sau khi in hình cảnh báo trên bao thuốc, riêng thuốc nội địa giảm 20% nhưng thuốc lá nhập lậu lại tràn ngập thị trường. Theo ông, việc tăng thuế lần này phải đi kèm với một đề án chống buôn lậu bởi việc tăng thuế sẽ tạo nên vùng trũng, kích thích buôn lậu.
Từ An Giang, địa bàn nóng bỏng về buôn lậu, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết cho biết: Thuế thuốc lá tại Campuchia là 10%, Lào 35%, còn ta thuế tiêu thụ đặc biệt 65-75%. So sánh giữa 3 mức thuế, bà đề nghị cân nhắc việc tăng thuế bởi nguy cơ buôn lậu “không khéo tăng nguồn thu không lớn nhưng hậu quả xử lý rất là nhiều”. Hơn nữa, sau mỗi lẫn tăng thuế đối với thuốc lá cho thấy không giảm được người sử dụng.
-------------------------