Kỳ án vườn mít: Xuất hiện nhân chứng sẵn sàng minh oan cho Lê Bá Mai
Từng đưa kỳ án Lê Bá Mai ra trước Quốc hội, sáng 27.10, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng tiếp tục trở lại vụ kỳ án vườn mít này. Theo ông, việc Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời bị án Lê Bá Mai không còn đơn kêu oan là không đúng. Bị án đã liên tục viết đơn kêu oan. Gia đình bị án cũng liên tục viết đơn kêu oan.
ĐBQH Bùi Mạnh Hùng cũng khẳng định có một nhân chứng sẵn sàng làm chứng về sự vô tội của bị cáo Lê Bá Mai. "Nhân chứng này đang bị đe dọa"- ông nói.
Lê Bá Mai từng bị kết án tử hình sau đó giảm xuống án chung thân trong vụ án giết người, hiếp dâm mà dư luận gọi là “Kỳ án vườn mít”. Trong phiên tòa ngày 4.1.2014, bị cáo Lê Bá Mai khai trước tòa đã bị ép cung và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo vô tội.
-------------------------
Vi phạm bản quyền phần mềm, trị giá 15 tỉ đồng
Ngày 27-10, Liên minh phần mềm (BSA) cho biết Thanh tra Bộ VHTT&DL phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 16 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và Bắc Ninh.
Kết quả đã phát hiện 14 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp nhiều phần mềm không có bản quyền với tổng giá trị ước tính hơn 15 tỉ đồng.
Theo BSA, 14 doanh nghiệp này gồm bốn công ty Hàn Quốc, ba công ty Đài Loan, hai công ty của Mỹ, hai công ty của Nhật Bản và ba công ty còn lại là của Việt Nam, Úc và Thụy Sĩ.
Đoàn đã kiểm tra gần 400 máy tính của các công ty, phát hiện 1.251 phần mềm các loại bị cài đặt trái phép. Các phần mềm vi phạm chủ yếu được tìm thấy là các ứng dụng phần mềm văn phòng phổ biến của Adobe Systems, Autodesk, Lạc Việt, Microsoft và Symantec.
Một trong những công ty vi phạm nghiêm trọng nhất là Công ty TNHH Giấy Chánh Dương của Đài Loan đặt trụ sở tại lô B-2-CN, Đường D15, KCN Mỹ Phước, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với tổng giá trị phần mềm bị sử dụng trái phép lên đến hơn 1 tỉ đồng.
Trong quá trình cơ quan chức năng làm việc, công ty này bất hợp tác, không chịu trách nhiệm về sự việc trên.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí mua phần mềm máy tính có bản quyền chỉ chiếm 5-6% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí rủi ro dành cho việc sử dụng phần mềm không có bản quyền sẽ là con số lớn hơn rất nhiều.
Hơn nữa doanh nghiệp phải đương đầu với nguy cơ mất dữ liệu do phần mềm bị nhiễm virus hay bị kiện tụng, bị phạt khi bị các cơ quan quản lý thanh kiểm tra.
Cuối năm 2013 đã có một doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Việt Nam phải ra hầu tòa vì sử dụng phần mềm không có bản quyền.
-------------------------
Tạm giữ đồ chơi nhãn hiệu Trung Quốc không rõ nguồn gốc
Sáng 27.10, lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) cho hay đã lập biên bản tạm giữ số lượng lớn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ mang nhãn hiệu Trung Quốc.
Trước đó, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 26.10, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận đã tiến hành kiểm tra xe tải BKS 95T-1215, chở hàng gia dụng từ TP.HCM về tỉnh Hậu Giang.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều xe mô hình đồ chơi trẻ em có động cơ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, dán nhãn hiệu và in chữ Trung Quốc trên xe. Khi bị kiểm tra, tài xế xe tải không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định. Sau khi kiểm đếm, lực lượng chức năng cho biết có tổng cộng 12 xe mô hình.
Được biết, chủ lô hàng này là bà Hoàng Thị Liên (42 tuổi, ngụ khu vực 4, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang).
Vụ việc tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ.
----------------------
Tàu cá 95393 của ngư dân Bình Định bị đâm chìm: Đã nhận dạng được chiếc tàu nghi gây tai nạn
Sáng 27.10, Bộ đội Biên phòng đồn Sơn Trà đã tiến hành lấy lời khai 13 ngư dân trên tàu BĐ 95393 (ngư dân Bình Định) bị tàu lạ đâm chìm khi đang đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thuyền viên Võ Văn Bồng (tàu BĐ 95393) kể lại: “Khoảng 12h30 ngày 26.10, khi 13 anh em đang ngủ thì bổng dưng nghe tiếng “đùng”. Bừng tỉnh dậy thì phát hiện bị tàu khác đâm vào mũi trái của tàu. Hốt hoảng, người chạy tới trước mũi, người chạy ra sau lái.
Thấy nước vào nhanh quá, anh em liền thả thúng và nhảy bỏ tàu. Lúc đó chúng tôi ở vị trí 170 độ vĩ bắc, 108 độ 40’ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 70 hải lý. Sau khi lên đên 4h trên biển, chúng tôi gặp được tàu cá của một ngư dân tên Bình ở Bình Định cứu giúp. Đến 5h thì tàu SAR 412 từ đất liền ra đưa chúng tôi vào bờ an toàn. Khoảng 9h tối 26.10, chúng tôi cập cảng Đà Nẵng”.
Theo trình bày của các ngư dân trên tàu BĐ 95393 thì chiếc tàu đâm họ có màu đen, trên tàu có 4 cần cẩu, dài khoảng 150-200m, ống khói màu đỏ in chữ M màu trắng. “Sau khi bị đâm chìm, chúng tôi mất trắng hoàn toàn, ước tính thiệt hại hơn 5 tỷ đồng” - Thuyền trưởng tàu BĐ 95393 Võ Văn Lẫy, nói.
Ông Phan Xuân Sơn - Thuyền trưởng tàu cứu hộ SAR 412 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (MRCC) cho biết: “Khi vớt ngư dân lên thì khoảng 30 phút sau chiếc tàu ngư dân nghi bị đâm quay lại, khi đó chúng tôi có liên lạc với tàu đó và lấy các thông số liên lạc. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có đâm tàu cá Việt Nam không thì họ không trả lời”.
Theo ông Sơn, các thông số do tàu SẢ 412 ghi lại cho thấy, chiếc tàu này mang tên INFINITY, treo cờ Liberia, chạy từ Tieshan (China) đến Singapor.
-------------------------
Đề nghị không lập Tòa sơ thẩm khu vực
Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình tại Quốc hội sáng nay, 27.10.
Theo ông Hiện, việc tổ chức TAND sơ thẩm trong hệ thống TAND đang có hai nhóm ý kiến khác nhau.
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay, trong khi nhóm thứ hai tán thành với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực.
Theo ông Hiện, từ nhiều năm nay, các cơ quan có trách nhiệm đã triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, trong đó đã nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức các Tòa án. TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là TAND cấp huyện) đã được tăng cường hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tăng thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại vụ việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn quan điểm của Ủy ban TVQH cho rằng, thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án. Đồng thời, không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực.
“Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự Luật theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức TAND cấp huyện như quy định của Luật hiện hành”, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Như vậy, hệ thống tổ chức TAND gồm có: TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Tòa án quân sự, như thể hiện tại Điều 3 của dự Luật.
Liên quan đến việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND, Ủy ban TVQH cho biết, theo giải trình trên thì không tổ chức TAND sơ thẩm khu vực mà tiếp tục giữ nguyên tổ chức của TAND cấp huyện như hiện hành.
Do đó, về nguyên tắc, TAND cấp huyện không phân chia thành các Tòa chuyên trách như đã thể hiện tại Điều 33 dự Luật trình Quốc hội tại kỳ họp 7.
Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, đề nghị Quốc hội xem xét cho phép quy định theo hướng mở.
Cụ thể, TAND cấp huyện có thể có các Tòa chuyên trách như: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính.
Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ xét xử, Chánh án TAND tối cao quyết định thành lập Tòa chuyên trách nêu trên tại mỗi TAND cấp huyện.
Việc thành lập Tòa chuyên trách khác tại TAND cấp huyện do Ủy ban TVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao, như thể hiện tại Điều 44 của dự Luật.
-------------------------