Cần 11.000 tỷ để xây dựng khoảng 7.500 cây cầu treo dân sinh trên cả nước
Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết thông tin trên khi trả lời báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 27.10, sau sự việc một người dân vừa tử nạn do đu dây qua sông ở Đắk Lắk.
Ông Đinh La Thăng cho biết, theo phân cấp hiện nay, cầu treo, cầu dân sinh thuộc trách nhiệm địa phương nhưng địa phương không có tiền nên Bộ Giao thông - Vận tải đã chủ động xây dựng phương án giải quyết. Trên địa bàn cả nước đang cần khoảng 7.500 cây cầu treo dân sinh.
“Việc này sẽ được thực hiện theo lộ trình, chỗ nào cấp bách, cần thiết thì làm trước. Tính toán của Bộ cho thấy, có khoảng 186 cây cầu treo, được coi là tiểu dự án đầu tiên, sẽ được hoàn thành từ nay tới tháng 6.2015, với nguồn kinh phí cần khoảng 1.000 tỉ đồng”, Bộ trưởng Thăng cho biết.
Theo ông Thăng, hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các nhà thầu bỏ tiền ứng ra làm trước, đồng thời tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo Chính phủ cấp kinh phí. Tổng số tiền để làm hơn 7.500 cây cầu vào khoảng 11.000 tỉ đồng.
“Phải làm cả dự án, để xử lý về mặt lâu dài. Trong khi chưa có cầu thì chính quyền phải bố trí thuyền, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại”, Bộ trưởng khẳng định.
-------------------------
10 tháng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vượt 10 tỷ USD
Đến 20/10, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tháng 10, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân thêm được hơn 1,2 tỷ USD, số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay. Từ đầu năm, cả nước cũng thu hút được 13,7 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 26/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định không nên quá băn khoăn chuyện vốn FDI giảm bởi đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài phải dựa theo thời kỳ, không thể so sánh năm này với năm kia. Năm 2014, theo vị tư lệnh ngành Đầu tư, Việt Nam có thể thu hút được 15 - 16 tỷ USD vốn FDI, so với hơn 22 tỷ USD năm ngoái.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 9,7 tỷ USD. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với trên 1,2 tỷ USD, tiếp đến là xây dựng với trên một tỷ USD.
Trong 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về tổng vốn đầu tư trong 10 tháng với 3,6 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ hai với 2,6 tỷ USD, tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản...
----------------------------
VEC lên kế hoạch bán 5 tuyến cao tốc tỷ USD
Tổng công ty Đường cao tốc (VEC) đang lên phương án cổ phần hóa, song song với việc thành lập các Công ty cổ phần Dự án để chuyển nhượng 5 tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD.
Kế hoạch nêu trên được VEC chính thức công bố ngày 27/10, sau chỉ đạo mới đây của Bộ Giao thông, cũng như yêu cầu từ cuối năm ngoái của Thủ tướng về việc tái cơ cấu nguồn vốn cho 5 dự án cao tốc. Bản kế hoạch cũng được đưa ra trong bối cảnh một dự án cao tốc tỷ USD khác là Hà Nội - Hải Phòng sắp sửa được chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) bán cho đối tác ngoại.
Theo VEC, sau năm 2018, toàn bộ 5 tuyến cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành sẽ được đưa vào khai thác.
Với tổng tổng mức đầu tư của 5 dự án (tổng cộng 540km) lên đến 125.572 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 71.555 tỷ đồng, tương đương 57%, tự huy động 54.000 tỷ đồng), VEC thừa nhận nếu không tái cơ cấu, đây sẽ là áp lực lớn trong huy động vốn cho các dự án tiếp theo. Dẫu vậy, việc nhượng quyền các "siêu dự án" này là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ nên không thể làm một sớm một chiều.
Bên cạnh đó, do các dự án đều thuộc hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia, nên việc cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng, bán quyền thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như tính pháp lý. Do vậy, doanh nghiệp trước mắt sẽ cùng Bộ Giao thông vận tải rà soát cơ sở pháp lý, tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường; tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động của Tổng công ty.
VEC cũng hé lộ cùng với việc nghiên cứu phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi đầu tư, một trong những phương án đã được tính đến là cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc thành lập các Công ty cổ phần Dự án.
Trong số 5 dự án nói trên đã có 3 công trình đã đi vào khai thác, gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài 320 km. Từ giữa năm 2012 tới nay, 3 tuyến này đã phục vụ hơn 22 triệu lượt xe cơ giới (bình quân mỗi ngày khoảng 40.000 lượt xe) với tốc độ tăng trưởng lưu lượng sát với dự báo, giúp Tổng công ty có dòng doanh thu từ phí ổn định, phục vụ công tác bảo trì; trả lãi và nợ gốc đúng như cam kết.
Dự kiến phần còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ khai thác cuối năm nay, trong khi vào năm 2017 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng đưa vào sử dụng, còn tuyến Bến Lức – Long Thành dự kiến hoàn thành một năm sau đó.
---------------------
Chưa có kết luận vụ 'bôi trơn' để cấp sổ đỏ ở Hà Nội
Trả lời báo giới sáng nay 27.10 về kết quả xử lý vụ bôi trơn sổ đỏ ở chung cư sau chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết đã giao Thanh tra Thành phố giải quyết, 30.11 tới sẽ công bố kết quả thanh tra.
“Tôi đã yêu cầu cơ quan thanh tra trước tiên phải gặp đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương để thu thập thông tin. Tôi cũng chỉ đạo các cán bộ phải lần luợt gặp hơn 40 hộ đã đuợc cấp sổ đỏ và thực hiện phỏng vấn trực tiếp từng người hoặc gửi phiếu, để xem người dân có phải chi tiền để được cấp sổ đỏ hay không? Cơ quan thanh tra sẽ phải làm rõ, nếu chi thì chi cho ai, chi bao nhiêu?”, ông Phạm Quang Nghị nói.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, “với những hộ gia đình đã nộp hồ sơ mà chưa được cấp sổ, cơ quan thanh tra cũng sẽ phải hỏi lý do vì sao chưa được, có phải chưa đưa tiền nên chưa được sổ hay không? Cùng với đó, cũng phải gặp những cơ quan bị tố để hỏi có hay không? Có thì phải nhận. Nếu có mà không nhận, sau này điều tra ra thì còn bị phạt nặng hơn”.
“Cơ quan thanh tra đang làm việc theo quy trình và sẽ công bố kết luận vào ngày 30.11”, ông Nghị cho biết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: "Vì đã tính đến chuyện người dân có tâm lý không tin đơn vị cấp duới, nên ông cũng đã thông báo Bí thư (Thành ủy Hà Nội) sẵn sàng nhận đơn thư tố cáo và trực tiếp tiếp hộ dân ở khu đô thị Mễ Trì Thượng này. Nhưng đến nay, tôi cũng chưa nhận được lá đơn nào, cũng như chưa có người dân nào đăng ký gặp!”.
Theo ông Phạm Quang Nghị, có thể người dân ngại sợ Bí thư bận hoặc ngại không cung cấp thông tin cho cơ quan thanh tra, nhưng vẫn còn một kênh thông tin rất quan trọng là có mấy trăm cơ quan báo chí của T.Ư và Hà Nội, do vậy người dân có thể phản ánh với các cơ quan báo chí này để lãnh đạo thành phố Hà Nội có căn cứ giải quyết.
-------------------------
Việt Nam có hơn 74 triệu thẻ ngân hàng
Số thẻ này được tính đến cuối tháng 8 năm nay, trong khi thiết bị chấp nhận thẻ đạt trên 153.000 máy.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến 31/8, lượng thẻ do 52 tổ chức phát hành đạt trên 74 triệu thẻ với khoảng 490 thương hiệu, hầu hết là thẻ ghi nợ (chiếm gần 92%), còn lại là thẻ tín dụng (chiếm gần 4%) và thẻ trả trước (trên 4%).
Cơ quan này cũng cho biết, hiện đã có trên 16.000 máy giao dịch tự động (ATM) và khoảng 153.200 thiết bị chấp nhận thẻ (P.O.S) được lắp đặt trên toàn quốc. Nếu phân theo phạm vi hoạt động, thẻ nội địa đạt gần 66,5 triệu (chiếm gần 90%), thẻ quốc tế đạt trên 7,5 triệu thẻ (chiếm trên 10%).
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn giai đoạn 2014-2015.
Nhìn chung, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với việc gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, các ngân hàng thương mại đã không ngừng cải tiến cơ sở hạ tầng thanh toán.
Đáng chú ý, hệ thống điểm chấp nhận thẻ (POS) trên toàn quốc cơ bản đã được kết nối liên thông, có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch với giá trị thanh toán hàng nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, thẻ ngân hàng đã trở thành phương tiện thanh toán ngày càng phổ biến và tiện ích cho người sử dụng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo văn phòng Banknet.vn tại TP HCM, tuy số thẻ phát hành khá lớn song đa phần là ảo, số được sử dụng chỉ chiếm khoảng 50%.
-------------------------