Lầu Năm Góc hé lộ chi phí "khủng" hàng ngày chống IS
Lầu Năm Góc ước tính chi phí cho cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria nhằm chống phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) lên tới khoảng 8,3 triệu USD/ngày, cao hơn con số đưa ra trước đó. Tuy nhiên giới phân tích nhận định con số thực thậm chí còn cao hơn nữa.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết kể từ khi Mỹ bắt đầu chiến dịch không kích vào 8/8 đã có khoảng 6.600 lần xuất kích của máy bay Mỹ và máy bay đồng minh, với chi phí khoảng 580 triệu USD.
Trước đó Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra cái giá trung bình hàng ngày cho hoạt động quân sự trên là hơn 7 triệu USD/ngày.
Theo một quan chức quốc phòng giấu tên, con số mới cao hơn trên phản ánh Mỹ đã gia tăng các cuộc không kích nhằm vào IS.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự độc lập cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang đánh giá thấp chi phí thực sự cho cuộc chiến chống IS, vốn bắt đầu vào giữa tháng 6 vừa qua, với việc triển khai hàng trăm binh sỹ Mỹ nhằm đảm bảo an toàn cho sứ quán Mỹ ở Baghdad và nhằm tư vấn cho binh sỹ Iraq.
Một số cựu quan chức ngân sách và các chuyên gia ước tính chi phí cho cuộc chiến này đã vượt một tỷ USD và có thể tăng lên nhiều tỷ USD trong vòng một năm.
Todd Harrison, Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược, cho rằng cuộc chiến chống IS có thể tốn kém từ 2,4 tỷ - 3,8 tỷ USD/năm.
Còn nếu mật độ các vụ không kích được tăng lên, cuộc chiến có thể tiêu tốn tới 4,2-6,8 tỷ USD/năm.
Một trong những hoạt động "rút ruột" ngân sách trong cuộc chiến này là việc Mỹ triển khai một lượng lớn máy bay do thám, với hàng ngàn chuyến bay do thám, tiếp liệu, để phục vụ cho hoạt động không kích.
Chi phí bay các máy bay do thám rơi vào khoảng 1.000 USD/giờ cho máy bay Predator và Reaper, 7.000 USD/giờ cho máy bay tầm cao Global Hawk và thậm chí tới 22.000 USD/giờ cho máy bay tấn công radar mục tiêu do thám E-8 J-STAR.
Chi phí cho cuộc không kích đang phụ trội với ngân sách cho chiến tranh thực sự của Lầu Năm Góc - tức Quỹ Chiến dịch ở nước ngoài (OCO).
Khác với ngân sách cơ bản thường xuyên của Lầu Năm Góc, quỹ OCO thường được xem là "thẻ tín dụng" nhằm trang trải cho chi phí của các cuộc chiến.
Quốc hội Mỹ đã tăng ngân sách OCO lên 85 tỷ USD cho năm tài khóa vào năm ngoái, kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua. Ngân sách cho năm tài khoá 2015 dự kiến giảm xuống 54 tỷ USD.
---------------------------
Nhật Bản bắt thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc
Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị tình nghi khai thác trộm san hô, sau một cuộc rượt đuổi ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật.
Theo AFP, Cảnh sát Biển Nhật Bản hôm nay cho biết chiếc tàu mang số hiệu Zheling Yuyun 622 của Trung Quốc đã bỏ chạy sau khi phớt lờ yêu cầu tấp vào bờ một đảo thuộc quần đảo Ogasawara, cách Tokyo 1.000 km về phía nam.
Theo một thông cáo của Cảnh sát Biển Nhật Bản, sau cuộc rượt đuổi trong vòng 85 phút, lực lượng này đã khống chế tàu cá của Trung Quốc và bắt giữ thuyền trưởng Zeng Yong, 31 tuổi.
Truyền thông Nhật Bản trước đó đưa tin số lượng tàu thuyền đánh cá Trung Quốc bị nghi ngờ tìm kiếm san hô đỏ tại vùng biển ngoài khơi Ogasawaras đã tăng lên kể từ tháng trước. Đây là loại san hô có giá trị cao ở Trung Quốc vì được sử dụng làm đồ trang sức.
Tuần duyên Hàn Quốc hồi đầu tháng bắn chết một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc trong một cuộc truy đuổi ở biển Hoàng Hải, khiến Bắc Kinh vô cùng phẫn nộ.
--------------------------------
Trung Quốc ráo riết 'săn cáo'
Một chiến dịch nhằm điều tra và phong tỏa khoảng 10 tỷ USD tài sản phi pháp mà các quan tham Trung Quốc mang theo khi trốn ra nước ngoài trong thập niên qua đang được tiến hành, với trọng điểm đầu tiên ở Australia
Chiến dịch "săn cáo" do đội Liên hợp cảnh sát quốc tế giữa Trung Quốc và một số nước phương Tây phối hợp thực hiện. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là tài sản của các tham quan đang ẩn trốn ở Australia, Ifeng đưa tin.
Trong số các cựu quan chức đang chạy trốn, đáng chú ý có Cao Nghiêm, cựu bí thư tỉnh Vân Nam. Ông này từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như chủ tịch tỉnh Cát Lâm, thứ trưởng kiêm bí thư đảng ủy Tổng công ty điện lực quốc gia.
Cao Nghiêm bị điều tra năm 2002 và trốn thoát tháng 9 cùng năm. Các nhà điều tra phát hiện số tiền ông này bí mật tích trữ và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài lên tới gần 1 triệu USD.
Ngoài ra còn có Lam Phủ, nguyên phó thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến và Đồng Ngôn Bạch, cựu Cục trưởng Cục quản lý đường bộ tỉnh Hồ Nam.
Lam Phủ bị điều tra và cáo buộc nhận hối lộ hơn 1 triệu USD. Vụ điều tra bị bại lộ, ông này bỏ trốn sang Australia năm 1999 và bị tòa án Trung Quốc kết án tử hình năm 2001.
Đồng Ngôn Bạch phụ trách nhiều dự án xây dựng đường cao tốc quốc gia quan trọng. Các dự án này liên tục gặp phải sự cố sụt lún. Tỉnh Hà Nam bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ việc tháng 12/2003. Thấy bất ổn, Đồng Ngôn Bạch tranh thủ nghỉ Tết năm 2004, trốn thoát sang Australia đoàn tụ với vợ con đã di dân từ lâu trước đó.
Theo tạp chí kinh tế toàn cầu Washington, cơ quan chuyên nghiên cứu về dòng vốn phi pháp, từ năm 2002 đến 2011, ước tính có khoảng hơn 10 tỷ USD bị đưa ra khỏi Trung Quốc thông qua các kênh phi pháp.
--------------------------
IS dùng con tin Anh làm "phóng viên" tại điểm nóng chiến sự
Phóng viên người Anh John Cantlie, hiện đang bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo bắt giữ tại Syria, đã xuất hiện trong một video tuyên truyền mới của IS, quay cảnh anh này đang đưa tin từ thị trấn Kobani, một điểm nóng chiến sự suốt nhiều tuần qua.
John Cantlie trước đó đã xuất hiện trong 5 video tuyên truyền của IS. Trong các video này, Cantlie ngồi phía sau một chiếc bàn, mặc bộ quần áo màu cam giống các con tin khác từng mặc khi họ xuất hiện trong các video hành quyết của IS.
Tuy nhiên, trong video thứ 6 được đăng tải ngày 27/10, nhà báo tự do người Anh mặc áo đen và được ghi hình như thể anh này đang thực hiện một bản tin truyền hình bình thường, miêu tả các sự kiện xảy ra xung quanh mình.
Trong đoạn video kéo dài 5 phút có tựa đề "Bên trong Ayn al-Islam", Cantlie đi bộ quanh các đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy dường như tại thị trấn Kobani. Con tin người Anh hành động như một "phóng viên" tại thực địa, bác bỏ các thông tin nói rằng các lực lượng của Is đã bị đánh bật ra khỏi thị trấn.
Cantlie chỉ về phía biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ phía sau mình, khẳng định rằng đối lập với các thông tin gần đây cho biết các tay súng người Kurd bảo vệ thị trấn đang đẩy lùi IS, nhóm này trên thực tế vẫn đang kiểm soát khu vực phía đông và nam, và đang "dọn dẹp" sự kháng cự còn lại trên từng con phố.
Kobani, còn được biết tới với tên gọi trong tiếng Ả-rập là Ayn al-Arab, đã bị phiến quân IS bao vây suốt hơn 1 tháng. Lực lượng người Kurd bảo vệ thị trấn chiến lược trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tuyên bố họ đã gần đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi thị trấn.
Đoạn video cũng bao gồm hình ảnh Kobani dường bị bắn phá bởi một máy bay không người lái của IS lượn lờ trên các đường phố hoang vắng và các khu vực đổ nát của thị trấn.
Cantlie, 43 tuổi, một nhà báo tự do từng làm việc cho nhiều tớ báo trong đó có The Sunday Telegraph và The Sunday Times, đã bị bắt cóc trong khi đang đưa tin từ Syria vào tháng 11/2012.
Gần đây, Cantlie đã xuất hiện trong loạt video tuyên truyền của IS có tựa đề "Hãy cho tôi mượn đôi tai của bạn".
Các chuyên gia phân tích các video tuyên truyền của IS ghi hình Cantlie cho biết con tin người Anh nói trong tình trạng bị ép buộc.
--------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ: Nhiều lãnh sự quán phương Tây nhận bưu phẩm khả nghi
Một loạt lãnh sự quán của các nước phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp nhận được phong bì có chứa bột vàng khả nghi trong những ngày qua, khiến nhiều nhân viên ngoại giao phải sơ tán và tới bệnh viện kiểm tra y tế.
Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 27/10 ở Lãnh sự quán Hungary đặt tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Một chiếc phong bì chứa chất bột màu vàng bên trong đã được gửi tới lãnh sự quán Hungary ở Istanbul”, Văn phòng thị trưởng thành phố cho biết.
Trước đó 3 ngày, lãnh sự quán của một loạt nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Bỉ, cũng đã nhận được những phong bì tương tự, khiến một số cơ quan ngoại giao phải sơ tán khỏi trụ sở và ít nhất 25 người vào bệnh viện để kiểm tra.
Cơ quan tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã phải khóa tất cả các đường ống thông khí và cách ly những tòa nhà có đặt các lãnh sự quán bị nhận bưu phẩm khả nghi.
Theo thông tin từ chính quyền thành phố Istanbul, những phong bì được gửi đi vào cùng một thời điểm nhưng do lãnh sự quán Hungary nghỉ hai ngày cuối tuần nên đến thứ hai (27/10) mới tiếp nhận và mở phong bì.
Chất bột lạ trong các phong bì đã được cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành phân tích thành phần và ban đầu xác nhận không có dấu vết của các chất nguy hiểm như vi khuẩn gây bệnh than, các bệnh truyền nhiễm cấp tính hay các chất được sử dụng trong chiến tranh sinh học.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Muezzinoglu cho biết các chuyên gia đang tiếp tục tiến hành các xét nghiệm sâu hơn và sẽ sớm công bố kết quả cuối cùng.
-----------------------