Bắt giam hai cán bộ hậu cần công an tỉnh Kiên Giang
Ngày 1-10, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Kiên Giang đã bắt tạm giam Phạm Văn Mạnh (nguyên thiếu tá, trưởng ban Tài vụ, Phòng Hậu cần - kỹ thuật, công an tỉnh Kiên Giang) và Trịnh Thị Ngọc Nhung (nguyên đại úy, thủ quỹ Phòng Hậu cần - kỹ thuật).
Theo nguồn tin, ông Mạnh và bà Nhung bị bắt liên quan đến việc kê khống lương của lực lượng công an tỉnh với số tiền gần 13 tỉ đồng và bị thanh tra Bộ Công an phát hiện hồi đầu tháng 9-2014.
Trước khi bị bắt, ông Mạnh và bà Nhung đã bị xử lý nội bộ, tước danh hiệu công an nhân dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc này, đại tá Phạm Trung Thành – người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra và theo quy định ngành đến khi kết thúc điều tra mới có thể cung cấp thông tin cho báo chí.
-------------------------
Cách chức chủ tịch xã để sai phạm trong xây dựng nông thôn mới
Ông Lê Văn Hồng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa - đã bị cách chức vì để xảy ra những sai phạm trong quá trình điều hành, quản lý vấn đề xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong quá trình quản lý, điều hành công việc, vì nóng vội để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng chỉ đạo của UBND huyện, nên Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung đã mắc một loạt sai phạm quản lí, yếu kém trong xây dựng cơ bản.
Đặc biệt vi phạm Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, tự quyết định trong việc đầu tư xây các công trình, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của nhân dân với số tiền hơn 350 triệu đồng và dùng tiền ngân sách để chi 125 triệu đồng may trang phục cho cán bộ xã.
Những việc làm sai nguyên tắc của ông Lê Văn Hồng trong quá trình quản lý, điều hành tại địa phương đã gây bức xúc trong nhân dân.
Trước những sai phạm, ông Lê Văn Hồng đã bị Huyện ủy, UBND huyện Thiệu Hóa đã ra quyết định cách chức đối với ông Lê Văn Hồng.
-------------------------
Mua bán giải thưởng thẩm mỹ viện uy tín
Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường vừa có văn bản cho rằng Cục không tham gia tổ chức, không đứng tên bảo trợ, chỉ đạo sự kiện “Top 10 thẩm mỹ viện uy tín”, tổ chức hôm 30-8.
Theo ông Tường, tháng 4 vừa qua cục nhận được văn bản của Công ty AHC VN tổ chức chương trình tôn vinh chất lượng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe năm 2014.
Cục đã xin ý kiến Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đồng ý về chủ trương việc tổ chức giải thưởng này và đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh có thư chào mừng gửi ban tổ chức chương trình.
Tuy nhiên, ban tổ chức chương trình đã đưa Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung tâm truyền thông chăm sóc sức khỏe (Bộ Y tế) vào danh sách đơn vị “chỉ đạo, bảo trợ”. Được biết, các giải thưởng top 10 spa uy tín phải hỗ trợ ban tổ chức 50 triệu đồng, top 100 là 30 triệu đồng.
Trong văn bản kể trên, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng Công ty AHC đã có hành vi mạo danh.
-------------------------
Kỷ luật cán bộ, nhân viên để mất máy tính của trạm cân
Ngày 1.10, ông Phạm Văn Xây, Chánh văn phòng Sở GTVT Đắk Lắk, cho biết lãnh đạo sở đã có quyết định kỷ luật một số cán bộ, nhân viên Trạm cân lưu động số 53 do để mất máy vi tính truyền dữ liệu của trạm vào ngày 4.7, khi đang làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trên QL27, đoạn qua huyện Cư Kuin.
Theo các quyết định này, ông Lê Thanh Tùng (thanh tra viên Sở GTVT) bị xử lý theo hình thức kỷ luật cảnh cáo; ông Hồ Xuân Cường (nhân viên hợp đồng lao động công tác tại thanh tra Sở) bị kỷ luật khiển trách.
Lý do kỷ luật 2 người trên là do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, làm mất máy tính xách tay của Trạm cân lưu động 53.
Theo chỉ đạo của Sở GTVT Đắk Lắk, riêng đối với ông Lê Công Chức, Chánh thanh tra Sở, kiêm Trạm trưởng Trạm cân 53, sẽ chịu hình thức phê bình, nhắc nhở trước tập thể Sở GTVT do thiếu kiểm tra, đôn đốc nhân viên cấp dưới dẫn đến việc kẻ gian trộm máy tính, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành.
-------------------------
Kết án oan, tòa phải bồi thường 108 triệu đồng
Mới đây, TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xử sơ thẩm vụ ông Trần Văn Song kiện chính tòa này yêu cầu bồi thường thiệt hại do kết án oan ông.
Theo hồ sơ, năm 2006, ông Song (nguyên chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 3) và ông Lê Bá Long (nguyên phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 3) cùng bà Nguyễn Thị Lộc (nguyên phó chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 3 kiêm thủ quỹ Hội Chữ thập đỏ phường 3) bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. CQĐT và VKS cho rằng họ đã nâng khống tiền mua tám chiếc xe lăn cho người khuyết tật để chiếm đoạt hơn 11 triệu đồng tiền chênh lệch.
Ngày 28-9-2009, TAND TP Đà Lạt đã phạt ông Song và ông Long mỗi người 15 tháng tù, bà Lộc 12 tháng tù treo. Sau đó TAND tỉnh Lâm Đồng đã hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Đến ngày 12-3-2012, CQĐT đã đình chỉ điều tra ba người vì hành vi của họ không đủ căn cứ cấu thành tội phạm.
Ngày 13-8-2014, tại trụ sở UBND phường 3, TAND TP Đà Lạt đã tổ chức công khai xin lỗi ông Song, ông Long, bà Lộc. Tòa này cũng đã bồi thường cho ông Long và bà Lộc mỗi người hơn 109 triệu đồng. Riêng ông Song không đồng ý mức bồi thường nên đã khởi kiện yêu cầu tòa phải bồi thường tổng cộng hơn 630 triệu đồng.
Tại phiên sơ thẩm vừa qua, ông Song vẫn cương quyết yêu cầu được bồi thường hơn 630 triệu đồng vì cho rằng mình bị mất thu nhập do mất chức vụ, việc làm sau khi bị kết án oan, sức khỏe suy sụp sau khi bị khởi tố, nhiều bệnh tình xuất hiện… Tuy nhiên, theo tòa, ông Song không bị bắt giam nên không thuộc đối tượng mất thu nhập, về sức khỏe ông bị bệnh do tuổi cao nên đòi bồi thường là không đúng quy định. Từ đó, tòa tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Song, buộc chính tòa phải bồi thường cho ông Song hơn 108 triệu đồng.