Bắc Kinh sẽ mạnh tay hay nhân nhượng với Hồng Kông?
Các cuộc biểu tình, vốn nhằm phản đối đề xuất giới hạn cách thức bầu cử chọn lãnh đạo thành phố này, đang đặt ra những vấn đề nhạy cảm với chính phủ Trung Quốc. Họ luôn lo ngại rằng, nếu biểu tình được tự do diễn ra tại một khu vực nào đó, có thể nó sẽ khuyến khích người dân các khu vực khác nổi dậy.
Do đó, Hồng Kông có thể được xem như minh chứng cho khả năng quản lý một trung tâm đô thị thương mại của Bắc Kinh với sự can thiệp tối thiếu.
Hiện tại chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đứng trước những lựa chọn khó khăn: tỏ ra nhân nhượng và điều chỉnh những kế hoạch đã đề ra cho cải cách bầu cử, hay dùng vũ lực để giải tán đám đông biểu tình, và chấp nhận nguy cơ gợi nhớ lại cuộc trấn áp đẫm máu cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Chiến dịch bất phục tùng dân sự tại Hồng Kông hiện đang thu hút sự chú ý rất lớn từ Đài Loan, một hòn đảo mà Bắc Kinh từ lâu luôn tuyên bố chủ quyền. Trong một cuộc họp hồi tuần trước với phái đoàn của hòn đảo này, ông Tập từng khẳng định mô hình bán tự trị của Hồng Kông có thể là hình mẫu cho quá trình tái sáp nhập Đài Loan.
Tuy vậy, nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với người biểu tình Hồng Kông, khi những hình ảnh học sinh bị hơi cay bao phủ, còn trung tâm thành phố chìm trong khói trắng đã được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình Đài Loan.
Tại Đài Bắc, du học sinh Hồng Kông cùng những người khác đã tuần hành để ủng hộ phong trào dân chủ tại quê nhà.
“Nếu Bắc Kinh có bất kỳ ý định nào trong việc tạo ra một hình ảnh thân thiện hoặc tốt đẹp trong tim người Đài Loan, những gì xảy ra tại Hồng Kông cuối tuần qua là cực kỳ phản tác dụng”, Alex Huang, giảng viên khoa học chính trị tại đại học Tamkang nhận xét.
Bắc Kinh hiện đang cảnh giác cao về khả năng những hiện tượng tương tự có thể diễn ra tại đại lục, ví dụ như ở Tây Tạng hay Tân Cương. Tin tức về biểu tình tại Hồng Kông bị kiểm duyệt ngặt nghèo, kể cả trên các mạng xã hội. Phần mềm chia sẻ ảnh Instagram trong ngày thứ Hai tại Trung Quốc đã không thể truy cập.
Theo phó giáo sư Dingding Chen, khoa chính phủ và quản lý công của đại học Macau, giới chức Trung Quốc đang lo ngại những “hiệu ứng lan tỏa” từ cuộc biểu tình, có thể khuyến khích cư dân các khu vực khác gia tăng sức ép đòi quyền lớn hơn, hoặc những hành động cho thấy chủ quyền quốc gia bị gây tổn hại bởi “các lực lượng thù địch nước ngoài”.
Một vấn đề nữa, theo ông Chen, đó là sự nhân nhượng sẽ càng trở nên khó khăn hơn một khi biểu tình tại Hồng Kông thách thức chủ quyền quốc gia, hoặc bị xem là hình mẫu cho những phong trào khác, thay vì chỉ là sự phản ánh vị thế duy nhất của thành phố này tại Trung Quốc.
Trong trường hợp biểu tình vượt ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát Hồng Kông, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) với một đơn vị đóng tại Hồng Kông có thể được triển khai để trấn áp bạo loạn, như ý kiến của một vị quan chức về hưu hồi đầu năm. Hiện một đơn vị cảnh sát bán quân sự được huấn luyện về ngăn chặn bạo loạn dân sự, đã được triển khai tại tỉnh Quảng Đông, kế bên Hồng Kông.
Dù vậy, khó có khả năng một Thiên An Môn thứ hai sẽ diễn ra tại Hồng Kông. “Điều lớn nhất họ muốn tránh là một cuộc đụng độ đẫm máu”, ông Chen nói.
Người biểu tình Hồng Kông từng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc thay đổi ý định năm 2003, khi một cuộc tuần hành của hàng trăm nghìn người đúng dịp kỷ niệm 6 năm thành phố này được trao trả về cho Trung Quốc, đã khiến Bắc Kinh bỏ ý định ban hành luật chống bạo động.
Và 18 tháng sau đó, vị trưởng đặc khu hành chính đầu tiên của Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa đã từ chức vì lý do sức khỏe, dù vẫn giữ vai trò nhất định trong các vấn đề giữa thành phố này và chính quyền đại lục.
“Nó thực sự cho thấy Bắc Kinh có thể thay đổi quan điểm đối với một vấn đề nào đó”, Carole J. Petersen, một luật sư kiêm giảng viên đại học Hawaii tại Manoa, người từng tham gia vào các vấn đề pháp lý của Hồng Kông nhận định.
Chỉ có điều sự khác biệt lần này so với khi luật cấm bạo động bị bãi bỏ đó là người biểu tình đang muốn thay đổi luật bầu cử, mà điều này thì khó hơn, bà Petersen nói.
----------------------
Văn hóa Hồng Kông trong cuộc biểu tình đòi dân chủ
Ngày 1.10, phong trào "Chiếm Trung Hoàn với tình yêu và hòa bình" của những người đòi dân chủ ở Hồng Kông đã bước sang ngày thứ 4. Dưới đây là một số thông tin bên lề về cuộc biểu tình này.
South China Morning Post cho biết trong đêm 29 rạng sáng 30.9, rất đông người Hồng Kông biểu tình tụ tập lại đài tưởng niệm chiến tranh ở Trung Hoàn, nhưng không một ai giẫm lên cỏ. Một tấm biển bằng bìa cứng mới được dựng lên nhắc nhở mọi người tránh xa khu vực có cỏ.
Time ngày 29.9 dẫn lời Chủ tịch Đảng Dân chủ Emily Lau bày tỏ sự tự hào đối với người dân Hồng Kông, với số lượng người biểu tình khổng lồ như vậy, họ vẫn duy trì ý thức về sự trật tự như một phần trong tích cách, ngay cả sau khi cảnh sát đã 87 lần sử dụng hơi cay lên người biểu tình vào hôm 28.9.
"Đến một cửa sổ vỡ cũng không có. Anh thử đi khắp thế giới và tìm xem có đám biểu tình nào không hề xảy ra cướp bóc, bạo động như thế này không", bà Lau nói. "Đó là điều chúng tôi rất tự hào về Hồng Kông".
Vào sáng 29.9, sau một đêm cảnh sát bắn đạn hơi cay và dùng dùi cui đối phó người biểu tình, The Australian vẫn ghi nhận nhiều người Hồng Kông đang nhặt rác và phân loại bình nhựa để mang đi tái chế.
Một số người không thể tham gia biểu tình đã mang đồ đến ủng hộ. The Australian dẫn lời Ray Chung, một kế toán đã dùng giờ ăn trưa của mình để mang nước và bánh mì đến cho người biểu tình, nói rằng: "Công ty tôi quá nhỏ, tôi không thể bỏ ra đây, nên sẽ dùng cách này để ủng hộ mọi người".
Khi đoàn người hô vang tên của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh để đòi ông từ chức, họ thường nói "Lương Chấn Anh hãy từ chức đi, 689 từ chức đi", South China Morning Post cho biết.
689 là số phiếu ông Lương nhận được từ hội đồng 1.200 người bỏ phiếu chọn Đặc khu trưởng cho Hồng Kông.
Các đoàn hội của Hồng Kông làm việc rất tích cực trong những ngày ngày. The Guardian ngày 30.9 dẫn lá thư của Hiệp hội Dược sĩ Hồng Kông gửi đến Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh yêu cầu cảnh sát tránh sử dụng bột ớt và hơi cay để giải tán người biểu tình.
Theo Sydney Morning Herald, biểu tượng của cuộc đấu tranh dân chủ là ruy-băng màu vàng, người biểu tình thường mang ruy-băng màu vàng đến thắt trên cửa của các cơ quan công quyền, các điểm biểu tình.
Sau cuộc đụng độ với cảnh sát, người Hồng Kông có thêm một biểu tượng mới: những cây dù. Một số người gọi cuộc đấu tranh này là “cách mạng dù”. Dù được sử dụng để tránh hơi cay từ cảnh sát, và che nắng cho người biểu tình vào ban ngày.
Theo South China Morning Post, ứng dụng liên lạc được nhiều người biểu tình sử dụng là FireChat, với hơn 100.000 lượt download trong khoảng 24 giờ từ ngày 28 sang 29.9.
Ứng dụng này cho phép người dùng liên lạc qua Bluetooth hoặc Wifi. Các thủ lĩnh biểu tình kêu gọi mọi người tải ứng dụng này đề phòng trường hợp cảnh sát khóa sóng điện thoại.
Trong một diễn biến mới, Chan Kinman, một trong những người khởi xướng phong trào "Chiếm Trung Hoàn", cho biết ông sẽ công bố hành động mới sau Quốc khánh.
"Sau đó chúng tôi sẽ công bố hành động mới, sẽ không thực tế nếu cứ chiếm Trung Hoàn mãi", theo The Guardian.
Tuy nhiên, các sinh viên cho biết họ sẽ đẩy mạnh biểu tình nếu chính phủ không đáp ứng yêu cầu của họ, The Guardian cho biết.
----------------------
Không Internet, sóng điện thoại: SV Hong Kong biểu tình kết nối nhau như thế nào?
Khi đám đông người biểu tình ủng hộ dân chủ tiếp tục tập trung tại Trung tâm thương mại của Hong Kong, họ đã kết nối với nhau thông qua một hệ thống không cần mạng di động lẫn Wi-Fi.
Họ đang sử dụng một ứng dụng gọi là FireChat vừa được tung ra trong tháng Ba vừa rồi, thông qua hệ thống mạng Mesh - một kiểu liên kết vô tuyến kiểu mạng lưới - cho phép điện thoại liên kết tạm thời.
Cho đến hiện tại, mạng Mesh đã tỏ ra khá hiệu quả và nhanh chóng trong những cuộc trấn áp với tình trạng bất ổn chính trị tại khu vực này, vì chúng không phải phụ thuộc vào cáp và mạng của nhà cung cấp.
Tại Iraq, hàng chục ngàn người đã tải FireChat khi Chính phủ nước này hạn chế các kết nối nhằm ngăn chặn thông tin liên lạc IS. Những người biểu tình tại Đài Loan cũng đã bắt đầu sử dụng FireChat mỗi khi tín hiệu đường truyền quá yếu.
FireChat ngày một càng phổ biến hơn tại Hong Kong. Khoảng 100.000 người sử dụng tải miễn phí ứng dụng FireChat vào giữa buổi sáng Chủ nhật và sáng thứ Hai, theo The Wall Street Journal. Trong tình trạng đường truyền mạng ngày một yếu, lúc có lúc không, các thủ lĩnh sinh viên sử dụng FireChat để đề phòng Chính phủ cắt thông tin liên lạc.
Gizmodo – một nhà cung cấp mạng giải thích vì sao mạng Mesh hiện nay khá hữu dụng khi mà có mâu thuẩn căng thẳng với chính phủ: "Các mạng Mesh là một công cụ khá linh hoạt, Chính phủ không dễ dàng cắt kết nối. Họ không thể chặn đầu nhận hoặc một địa chỉ trang web nào, trừ khi "tiêu diệt" từng điểm truy cập một".
Cụ thể, để phá vỡ hoàn toàn mạng này, người ta sẽ phải tắt Bluetooth trên tất cả các điện thoại sử dụng FireChat - điều không tưởng. Hệ thống “bất khả xâm phạm” này bình thường dùng để chat thì chẳng mấy ai quan tâm, nhưng đối với sinh viên biểu tình của Hong Kong thì đó là một "cứu tinh".
Open Garden, công ty phát triển FireChat cho Android cho biết: "Khi sử dụng mạng Mesh, bạn trở nên độc lập, không bị kiểm soát quyền truy cập bởi bất kỳ tổ chức nào, không bao giờ rơi vào tình trạng mất kết nối".
-----------------------
Anh 'bất lực' trong giải quyết biểu tình tại Hong Kong
Thủ tướng David Cameron lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về những sự thay đổi ở Hong Kong – nơi từng là thuộc địa của Anh. Cùng lúc đó, cấp phó của ông - Nick Clegg thông báo dự định triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn để bày tỏ thái độ phản đối cách hành xử của lực lượng cảnh sát.
Nước Anh có thể là người mở đầu cho những sức ép quốc tế lên Bắc Kinh nhằm kiềm chế sự đàn áp của cảnh sát đối với những người biểu tình ở Hong Kong.
London ngày càng phản ứng mạnh mẽ trong bối cảnh “cuộc cách mạng dù” ở Hong Kong tiếp tục leo thang. Bộ ngoại giao Anh hôm thứ Hai kêu gọi hai bên tổ chức một cuộc thảo luận có tính xây dựng. Thủ tướng David Cameron lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về những sự thay đổi ở cựu thuộc địa Anh. Cùng lúc đó, cấp phó của ông - Nick Clegg tuyên bố ý định triệu tập đại sứ Trung Quốc để thể hiện sự “báo động và lo lắng” trước những diễn biến hiện tại.
Tuy nhiên, theo lời chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ thuộc Hạ viện Anh, ông Richard Ottoway, “sức ép ngoại giao từ quốc tế sẽ chẳng có tác dụng gì nếu như Bắc Kinh lựa chọn biện pháp cứng rắn đối với những người biểu tình, huống hồ chi một mình nước Anh lên tiếng”.
Trả lời BBC, theo ông, tất cả những gì mà Luân Đôn có thể làm là “phàn nàn” do mọi chuyện đã “an bài”, kể cả khi Trung Quốc vẫn giữ nguyên quyết định về cách bầu cử lãnh đạo Đặc khu Hong Kong năm 2017 và “bội ước” cam kết dân chủ cho Hong Kong với nước Anh ngày trước.
Rod Wye, chuyên gia châu Á tại Học viện Hoàng gia Các vấn đề Quốc tế, cũng hoài nghi về ảnh hưởng của Anh đối với chính quyền Bắc Kinh. Ông nói: “Anh và các nước khác chỉ có thể trông chờ lời nói của mình thuyết phục được Bắc Kinh”. Chính phủ Trung Quốc hiện cho đây là vấn đề nội bộ của nước này và không ai có quyền xen vào.
Theo phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, người dân ở cựu lục địa Anh được “toàn quyền” yêu cầu “tự do, công bằng, bầu cử minh bạch”. Anh và Trung Quốc có nghĩa vụ nghiêm túc trong bảo vệ quyền và tự do của người dân Hong Kong theo Tuyên bố chung được kí kết năm 1984 bởi “bà đầm thép” Margaret Thatcher.
Những người biểu tình cho rằng phía Bắc Kinh đã không màn đến các quy tắc trong thỏa thuận chuyển giao Hong Kong khi quyết định cho tự do bầu cử nhưng chỉ có các ứng viên thân Trung Quốc đại lục trong danh sách đưa ra mới được tham gia vào cuộc bầu cử năm 2017 sắp tới.
Dẫu thế, theo Rod Wye, Tuyên bố Trung – Anh vốn không rõ ràng và và không có quy định buộc Bắc Kinh phải thực hiện quyền dân chủ “kiểu Anh” ở Hong Kong. Không có nền cơ sở pháp lý nào để khiếu kiện và trên thực tế, Trung Quốc hoàn toàn có thể khẳng định họ đã thực hiện đúng cam kết.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc trường Kinh tế Luân Đôn, ông Athar Hussain, cho rằng hi vọng thành công dù hết sức mong manh, chính phủ Anh vẫn phải tiếp tục gia tăng sức ép. Theo ông: “Trung Quốc sẽ không thể sử dụng vũ lực quá mức vì lo ngại ảnh hưởng mối quan hệ của Trung Quốc trên thế giới, đặc biệt là mối quan hệ với Đài Loan.”
----------------------
17 ngân hàng Hong Kong phải đóng cửa
Ảnh hưởng đến chính kinh tế của Hong Kong
Tính tới nay, 17 ngân hàng đã phải đóng cửa 29 chi nhánh trong thành phố, nhiều văn phòng và các quầy ATM cũng ngưng hoạt động, trong khi việc kinh doanh ở khu trung tâm gần như tê liệt.
Chỉ số chứng khoán Hong Kong Hang Seng mất 2,5% trong ngày 30-9, xuống thấp nhất kể từ tháng 7, đồng đôla Hong Kong cũng mất giá nghiêm trọng.
Các hoạt động tài chính chiếm khoảng 16% GDP của vùng lãnh thổ tự trị này, nhưng Hong Kong đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều vùng kinh tế năng động khác trong khu vực như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.
Những nhà phân tích cũng cho rằng ngành du lịch Hong Kong, vốn dựa nhiều vào du khách từ đại lục, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Lượng du khách rất lớn sẽ đổ từ Trung Quốc sang Hong Kong trong tuần lễ vàng, tức kỳ nghỉ lễ dài nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc 1-10. Du lịch chiếm khoảng 5% GDP Hong Kong, theo thống kê chính thức.
Du lịch của Hong Kong bị ảnh hưởng không chỉ từ lượng du khách ở đại lục: Úc và Ý đều đã ra khuyến cáo không nên tới Hong Kong cho công dân của họ ngày 30-9.
Lượng du khách theo nhóm từ Trung Quốc đại lục đăng ký đi Hong Kong tuần này đã giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ, theo lời Steve Lam, giám đốc Hiệp hội Các hãng du lịch theo tour Hong Kong.
Và ảnh hưởng đến kinh tế các nước khác
Các hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch và Standard & Poor’s nói những cuộc biểu tình sẽ không có ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn.
Nhưng nếu biểu tình kéo dài ở trung tâm, các hoạt động thương mại bình thường tại Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo tác động lên các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển hàng hải và cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Hong Kong là một trung tâm lớn về thương mại, tài chính, bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác với vai trò cửa ngõ vào Trung Quốc lục địa.
Giá trị hàng hóa thương mại qua thành phố đảo này là 977 tỉ USD năm 2013, tương đương 5,2% tổng giá trị thương mại 18,8 nghìn tỉ USD trên toàn thế giới, theo qz.com.
Hong Kong cũng là trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới chỉ sau London và New York.
Là cửa ngõ chính cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc, trong số 124 tỉ USD vốn FDI vào Trung Quốc năm ngoái, một nửa là qua đường Hong Kong, theo tạp chí nghiên cứu luật tài chính.
Hong Kong cũng là nơi đặt trụ sở khu vực của hơn 3.700 công ty nước ngoài, và hơn 80% các công ty trong số đó có làm ăn ở Trung Quốc, theo Hội luật gia Mỹ.
Vai trò quan trọng của Hong Kong với kinh tế toàn cầu thể hiện qua quy mô rất lớn của ngành ngân hàng tại vùng lãnh thổ này, với tổng tài sản của các ngân hàng giá trị gấp khoảng tám lần GDP Hong Kong.
Thành phố này cũng là một khu vực hoạt động nhộn nhịp của các ngân hàng đầu tư, tức các hãng chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm và các hoạt động đầu tư tài chính khác, với riêng khoản phí dịch vụ mà các hãng này thu được từ hoạt động ở Hong Kong trong nửa đầu năm nay là 502 triệu USD, theo Thomson Reuters, đứng đầu trong các trung tâm tài chính châu Á, cao hơn Hàn Quốc, Singapore, Malaysia hay Đài Loan.
Vùng lãnh thổ tự trị này cũng là trung tâm kinh doanh ngoại hối lớn thứ năm thế giới, và là nơi giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất. Trong 275 tỉ USD giá trị kinh doanh ngoại hối của Hong Kong năm ngoái, 49,5 tỉ USD là nhân dân tệ.
Hong Kong còn là cảng biển nằm trong số tốp năm của thế giới, với lưu lượng hàng hóa gấp ba lần cảng lớn nhất của Mỹ, Los Angeles. Hầu hết hàng hóa qua đường Hong Kong là nguyên vật liệu thô vào Trung Quốc hoặc hàng hóa chế tạo xuất khẩu từ Trung Quốc ra nước ngoài.
“Nếu vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong bị đe dọa vì những cuộc biểu tình và sự can thiệp của Trung Quốc thì chính nền kinh tế Trung Quốc có thể gặp bất trắc”, Hãng Capital Economics viết trong một ghi chú cho khách hàng công bố ngày 30-9.