Quảng Ngãi cho biết đang truy tìm chủ sở hữu xe ô tô tải vận chuyển lâm sản trái phép 19 hộp gỗ Gõ loại quý hiếm thuộc nhóm IIA.
Theo hồ sơ vụ án, vào rạng sáng ngày 24/2, xe ô tô tải mang BKS 77K-8841 đang lưu thông theo tuyến Nam – Bắc, đến địa điểm xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ) bị lực lượng tuần tra CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện chở 19 hộp gỗ Gõ nhóm IIA (tương đương 1,510m3).
Sau khi tài xế xe tải dừng lại, lực lượng CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ hàng hóa thì bất ngờ tài xế bỏ trốn tại hiện trường, để lại xe ô tô tải cùng 1,510m3 gỗ Gõ.
Đến ngày 26/2, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao vụ án cho PC46 thụ lý điều tra. Qua giám định tài sản gỗ Gõ, giá trị của 1,510m3 gỗ Gõ loại quý hiếm thuộc nhóm IIA ước khoảng 20 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, trung tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Sau 30 ngày kể từ ngày có thông tin trên báo chí mà không có chủ sở hữu đến nhận để giải quyết, chúng tôi sẽ xử lý tang vật theo quy định của pháp luật”.
Qua đó, chủ sở hữu có liên quan có thể liên hệ đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi, địa chỉ 509 Quang Trung – TP Quảng Ngãi, điện thoại 055.3717992 để giải quyết.
“Nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Nhưng thực tế ở Việt Nam việc cho mượn xe rất nhiều, khi xe đi mượn bị tịch thu thì người vi phạm đó phải có trách nhiệm dân sự đối với người đã cho mượn xe”.
Đó là quan điểm của Tiến sỹ Tô Văn Hòa - Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội - trong chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông” diễn ra tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều qua (5/3). Chương trình cũng có sự tham gia đối thoại của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (đại diện cơ quan kiến nghị Chính phủ).
Sau khi kiến nghị tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được trình Chính phủ, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cứng nhắc, bởi ô tô là phương tiện có giá trị kinh tế lớn, nhất là xe phạt không chính chủ hoặc phương tiện không thuộc quyền sở hữu của lái xe thì việc tịch thu là bất khả thi. Thậm chí, các nhà làm luật còn khẳng định việc tịch thu xe là vi phạm luật, vi phạm quyền sở hữu phương tiện của công dân.
Trả lời về vấn đề này, ông Tô Văn Hòa cho biết, thực tế ở Việt Nam, khi xây dựng quy định cần tính đến thực trạng xe không chính chủ vì ở Việt Nam, việc cho mượn xe rất nhiều. Người cho mượn xe cũng khó kiểm soát được và không thể ra điều kiện là người mượn xe không được uống rượu bia. Nhưng phải thấy người uống rượu bia lái xe có khả năng gây ra tai nạn, gây nguy hiểm cho xã hội.
“Có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được. Người vi phạm phải có trách nhiệm đối với người bị nạn và với cả người đã cho mượn xe dưới dạng trách nhiệm dân sự; vì người cho mượn xe không có lỗi, họ không kiểm soát được người mượn có uống rượu bia hay không” - ông Hòa cho hay.
Xét ở góc độ pháp lý, ông Hòa nêu quan điểm phải phân biệt một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu, một bên là quyền bảo hộ tài sản đó trong pháp luật. Khi đưa ra luật này thì yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây.
“Trong Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó như thế nào. Trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự nên ở đây về mặt pháp lý và hiến định trong văn bản quy định thì những đề xuất này không vi phạm hiến pháp” - ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - khẳng định, trong quá trình xây dựng đề xuất đã nghiên cứu cơ sở pháp lý.
“Hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Nhưng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Vậy là ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào” - ông Hùng thông tin.
Liên hệ với hình thức xử phạt với hành vi vi phạm tương tự ở nước ngoài, ông Hùng dẫn chứng việc phạt tù ở Nhật Bản. Nếu lái xe với nồng độ cồn 80mg/ml có thể bị phạt tù 5 năm và tiền là 8.800 USD với người lái. Người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tương ứng. Người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm. Hàn Quốc, lần đầu tiên vi phạm, nồng độ cồn từ 50-99mg/ml phạt tù 6 tháng, phạt tiền 3 triệu Won. Họ nói rằng khi đưa ra chế tài đủ mạnh thì số lượng hành vi vi phạm sẽ giảm đi. Tưởng rằng là ác vì tước quyền tự do thân thể của họ mấy năm trời nhưng chính là bảo vệ sự tồn tại của người đó, bảo vệ tài sản tính mạng cho xã hội.
“Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Nếu thấy việc tịch thu phương tiện là nặng thì đừng vi phạm. Chúng ta đưa ra chế tài có tính răn đe nhưng mục tiêu không phải để xử phạt công dân của mình mà là biện pháp giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông. Vì nếu người ta thấy hậu quả rất lớn họ sẽ không thực hiện nữa. Đây là tinh thần chúng tôi đặt ra, trước khi làm chúng tôi đã lường trước sẽ rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng rất may ý kiến ủng hộ nhiều” - ông Hùng cho hay.
Trả lời câu hỏi mức độ vi phạm như thế nào thì bị tịch thu xe và tịch thu xe kể cả vi phạm lần đầu có quá nặng hay không? Theo ông Khuất Việt Hùng, nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Vì số lượng người say xỉn điều khiển xe sẽ giảm đi, những người tham gia giao thông khác sẽ không bị uy hiếp nữa.
“Tại sao lần đầu tiên vi phạm lại phạt nặng thế vì tai nạn thì không có lần thứ hai. Tai nạn xảy ra đầu tiên là sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. Rõ ràng 70% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người và do ý thức khi uống rượu say rồi thì ta không kiểm soát hành vi của mình nữa. Đây là lý do tại sao các quốc gia càng phát triển, họ càng coi đây là hành vi nguy hại cho xã hội phải ngăn ngừa” - ông Hùng cho biết.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Tô Văn Hòa cũng cho rằng việc tịch thu xe có tính nhân văn ở nhiều yếu tố và đồng ý là mục tiêu không phải đưa ra để phạt mà là để ngăn chặn để người tham gia giao thông không vi phạm. Ngoài việc quy định chế tài phù hợp thì còn công tác tuyên truyền là rất quan trọng, để người tham gia giao thông biết nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào.
“Về việc vi phạm lần đầu, ở đây không phải vi phạm lần đầu gây tai nạn mới là vi phạm mà là khi uống rượu bia mà lái xe đã vi phạm rồi. Vì thế tôi cho rằng mức phạt vi phạm lần đầu nặng như vậy, nhất là việc thu giữ phương tiện, tôi cho rằng cũng là nặng. Ở đây cần tính đến yếu tố tái phạm, ý thức của người lái xe có thể là lần thứ 3 lần thứ 4. Tất nhiên cũng phải tính đến khó khăn là về việc lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phải theo dõi hồ sơ” - ông Hòa nêu ý kiến.
-----------------------
Làm rõ vụ rao bán “quái vật” tại Vĩnh Phúc
Thượng tá Trần Hồng Trường, Trưởng Công an huyện Bình Xuyên, cho biết, cơ quan công an đã mời đối tượng Phan Thanh Tùng (xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - người rao bán “quái vật” gây xôn xao trên cộng đồng mạng xã hội những ngày qua lên làm việc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Trần Hồng Trường cho biết, sau khi có thông tin về đối tượng Phan Thanh Tùng rao bán “quái vật” trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận những ngày qua, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc làm rõ. Theo đó, cơ quan CA đã mời Nguyễn Thanh Tùng hợp tác để làm rõ những thông tin liên quan đến con “quái vật” mà Tùng đang rao bán.
Thượng tá Trường cho biết, bước đầu Tùng khai nhận, Tùng vào mạng internet và tải bức ảnh “quái vật” về, sau đó tung lên Facebook để tạo hiệu ứng, chứ không phải Tùng bắt được "quái vật" thật.
Thượng tá Trường cho biết thêm, trước đó Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã vào cuộc để xác minh làm rõ con “quái vật” và thấy nó giống con Kỳ nhông của Nhật Bản. Qua thông tin của cơ quan chức năng tra cứu trên mạng Internet, giữa hai con vật này có nhiều điểm giống nhau.
Sáng 6/3, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, nghe tin Phan Thanh Tùng bắt được con “quái vật” và đưa ảnh lên mạng xã hội Facebook để rao bán, các cán bộ của Chi cục Kiểm Lâm đã đến tận nhà Tùng để xác minh làm rõ.
Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ vụ tung ảnh quái vật lên Facebook để chém gió.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, hình ảnh con "quái vật" này có nhiều điểm giống loài Kỳ nhông của Nhật Bản.
Qua trao đổi với nhiều người sống gần nhà Tùng, được biết chưa ai nhìn thấy Tùng có con “quái vật” như thế bao giờ.
Ông Tâm cho biết thêm, Tùng cũng khai nhận với các cán bộ Chi cục Kiểm lâm là hình ảnh này chỉ được Tùng tải về từ trên mạng rồi đăng lên Facebook để “chém gió”.
---------------------
Tạm giữ xe ôtô hạng sang "không giấy tờ" trị giá hơn 2 tỷ đồng
Ngày 5/3, tin từ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tạm giữ một chiếc xe ôtô hạng sang không rõ nguồn gốc để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Chiếc ôtô đang bị tạm giữ là dòng xe Lexus RX350 loại 5 chỗ ngồi mang BKS 29A-813.83, sản xuất năm 2010 hiện có trị giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Trước đó, qua trinh sát, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe này lưu thông nên đã tiến hành kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện này không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sở hữu hợp pháp của mình. Cơ quan Công an cũng xác định biển kiểm soát của xe trên là biển giả nên tạm giữ để điều tra, làm rõ liệu có đường dây buôn bán xe lậu hay không.
Trong năm 2014, Công an TP Đà Nẵng cũng đã tạm giữ nhiều “siêu xe” của các hãng như: Lexus, BMW… không có giấy tờ hợp lệ, sử dụng biển số giả, số khung, số máy đều không xác định rõ ràng. Sau khi tiến hành điều tra và thông báo nhưng không có chủ nhân đến nhận, nhiều xe đã được bán đấu giá để sung công quỹ.
----------------------