Tiết lộ động trời về đường dây mua bán tinh trùng, trứng và đẻ thuê giá hàng trăm triệu tại Sài Gòn
Có sự tiếp tay của một số nhà hộ sinh “lo” thủ tục giấy tờ để hợp thức hóa cho những bé sơ sinh vừa chào đời hay “dịch vụ” mua bán tinh trùng, trứng, mang thai hộ, đẻ thuê với giá từ hàng trăm triệu đồng…
Sau khi Công an TPHCM khám phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh, Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM đã hoàn tất bản cáo trạng, đề nghị Tòa án đưa ra xét xử. Điều đáng nói là, đằng sau đó còn nhiều chuyện “động trời” khác chưa được tiết lộ về đường dây này: Có sự tiếp tay của một số nhà hộ sinh “lo” thủ tục giấy tờ để hợp thức hóa cho những bé sơ sinh vừa chào đời hay “dịch vụ” mua bán tinh trùng, trứng, mang thai hộ, đẻ thuê với giá từ hàng trăm triệu đồng…
Đành đoạn rứt ruột bán con
Toàn bộ hành vi gây án của đường dây phạm tội mua bán trẻ em đã được các cơ quan tố tụng TPHCM tiến hành điều tra, xác minh và đang chờ ngày đưa ra xét xử công khai tại TAND TPHCM vào thời gian tới.
5 đối tượng bị truy tố về hành vi “mua bán trẻ em” gồm: Tưởng Đình Thương (SN 1979, thường gọi là Thưởng, ngụ TP.Hải Phòng, tạm trú quận 10, từng có 1 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”), Ngô Thị Lan (SN 1970, thường gọi là Hồng, ngụ tỉnh Bình Phước, tạm trú quận 1), Trần Ngọc Quỳ (SN 1970, thường gọi là Phấn, ngụ quận Tân Phú, từng có 1 tiền sự về hành vi “tàng trữ trái phép chất ma tuý), Phạm Tuấn Phương (SN 1962, thường gọi là Hải, ngụ tỉnh Đắc Nông, tạm trú quận Tân Phú, từng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội “cướp tài sản”, “trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, “trộm cắp tài sản”, “gây rối trật tự công cộng”) và Nguyễn Văn Viễn (SN 1970, ngụ tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận Gò Vấp). Đường dây buôn bán trẻ em sơ sinh này do Tưởng Đình Thương cầm đầu.
Từ mắt xích quan trọng, các trinh sát Cơ quan CSĐT đã nắm bắt về một trường hợp đành đoạn rứt ruột bán đứa con vừa mới sinh của họ. Đó là vào giữa năm 2013, Nguyễn Văn Viễn quen biết và chung sống như vợ chồng với Võ Thị Kiều Trang (SN 1988, cùng quê Quảng Ngãi với Viễn).
Kết quả là Trang mang thai, Viễn bàn với Trang sẽ tìm người mua đứa con vì lo ngại gia đình Trang biết chuyện. Viễn liên hệ với Nguyễn Thiện Nhân và Nhân hứa sẽ tìm người bán con của Viễn và Trang. Nhân tìm gặp Trần Ngọc Quỳ - một phụ nữ hành nghề làm móng tay chân dạo ở khu vực Bệnh viện Từ Dũ - có quen biết nhiều người chuyên buôn bán trẻ em sơ sinh.
Từ đó, Ngô Thị Lan được Quỳ ra giá sẽ mua con của Viễn và Trang với giá 7 triệu đồng. Đến tháng 2.2014, Trang sinh được bé gái nặng 3,5kg tại Bệnh viện Từ Dũ. Viễn liền gọi điện thoại báo cho Quỳ và Lan. Ngày 27.2, Trang xuất viện và ngay trong chiều cùng ngày, Quỳ đến gặp vợ chồng Viễn tại cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (trên đường Lý Thái Tổ, quận 10) để giao dịch.
Tuy nhiên, khi bán con, Trang thấy áy náy và đã thay đổi ý định, lúc này Viễn lại quyết liệt bán con và khi nhận tiền từ tay Lan, công an ập đến bắt quả tang. Từ manh mối này, cũng như qua lời khai của “trùm” Lan, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã truy bắt toàn bộ đường dây chuyên buôn bán trẻ sơ sinh với quy mô cực lớn.
Rao bán con người như… rau ngoài chợ
Đường dây do Tưởng Đình Thương điều hành đã bị vạch trần, Thương và đồng bọn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Thương lập ra trang web mang tên “mamsongviet.com” để rêu rao “bán” trẻ sơ sinh và cả những chuyện khác. Thương đưa tin về việc mua bán tinh trùng, trứng, giải quyết chuyện con cái cho những gia đình hiếm muộn, theo nhu cầu của khách hàng.
Thậm chí, Thương còn rao việc mang thai hộ, đẻ thuê với giá từ 100 - 150 triệu đồng/trường hợp… Thông qua trang web này, bà N.T.N.T (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) - có nhu cầu con nuôi - đã liên hệ với Thương qua số điện thoại di động đăng trên trang web.
Với lời hứa sẽ tìm cho bà T một cháu bé vừa chào đời, Thương đã chỉ đạo đồng bọn truy lùng con mồi khắp các bệnh viện phụ sản để cung cấp “hàng” cho bà T. Ngày 15.2.2014, Lan và Phương biết tin chị Lý Thủy Ngân vừa sinh hạ bé trai tại Bệnh viện Từ Dũ, liền gọi điện cho bà T và ra giá 25 triệu đồng để mua cháu bé con chị Ngân.
Sau khi đồng ý giá cả, bà T đến gặp băng nhóm của Thương bên ngoài Bệnh viện Từ Dũ và nhận cháu bé với giá 25 triệu đồng. Thương chia số tiền này cho đồng bọn gồm, Phương được 4 triệu đồng, Quỳ 2 triệu đồng, Thương 2 triệu đồng, Lan 17 triệu đồng (do có công lớn nhất trong việc tìm kiếm cháu bé).
Tại Cơ quan điều tra, Lan khai nhận, với số tiền này, Lan đưa cho chị Ngân mẹ cháu bé 10 triệu đồng để lo tiền thủ tục xuất viện và tiêu xài sau khi sinh. Sau khi nhận cháu bé về nuôi, bà T muốn làm giấy chứng sinh cho cháu bé với tên mẹ là tên bà T, nên lại liên hệ với Thương.
Lúc này, Thương cho bà T số điện thoại của một người tên Châu và bảo liên hệ với người này để làm giấy chứng sinh cho cháu bé. Bà T gọi điện và được Châu hẹn ra ngoài gặp. Châu ra giá 10 triệu đồng sẽ có giấy chứng sinh theo mong muốn của bà T và phi vụ được thực hiện trót lọt.
Tuy nhiên, khi đưa giấy chứng sinh cho bà T, Châu lại gạ bà T là hiện có một sản phụ, tên là Nguyễn Thị Tuyết Trang, vừa sinh bé gái, nhưng không có điều kiện nuôi, nên ra giá 23 triệu đồng nếu bà T muốn nuôi bé gái này.
Bà T đồng ý và ngày 16.2.2014, Châu hẹn bà T đến một quán càphê trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM để giao dịch. Khi gặp nhau, bà T đồng ý mua bé gái với giá 23 triệu đồng, Châu chia cho Lan 4 triệu đồng, đưa cho mẹ cháu bé Trang 9 triệu đồng, còn lại Châu hưởng. Phi vụ này, bà T tiếp tục nhờ Châu làm giấy chứng sinh cho bé gái cũng với giá 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, lần này, Châu đưa giấy chứng sinh không rõ ràng, sửa chữa nhiều chỗ, nên bà T yêu cầu đổi giấy khác. Lúc này, Châu nói bà T đến nhà bảo sanh (hộ sinh) Thiên Hồng Ngọc (số 108, đường Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) gặp Ngô Thị Lệ Trinh nhờ làm lại.
Cũng qua trang web của Thương, một cặp vợ chồng ngụ ở tỉnh Tây Ninh ngỏ ý muốn có con nuôi, nên thông qua Thương tìm kiếm với giá 35 triệu đồng. Ngày 29.2.2014, Phương biết sản phụ Nguyễn Hạ Thiên vừa sinh cháu bé tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), liền báo tin cho Lan và Quỳ.
Lan gọi điện báo cho Thương đã có “hàng”. Khi Thiên xuất viện, giao con cho Lan. Lan thuê một phụ nữ cùng nhau đón xe taxi đi lên huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh giao cháu bé cho vợ chồng đã đặt hàng qua Thương. Tại phi vụ này, sản phụ Thiên chỉ nhận được 6 triệu đồng từ đường dây buôn bán trẻ em.
Ngoài ra, tại cơ quan điều tra, Thương khai nhận, còn cùng đồng bọn mua bán trót lọt 2 trẻ em sơ sinh vào năm 2013. Làm việc với nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc, bà chủ nhà bảo sanh này thừa nhận đã làm 2 giấy chứng sinh cho bà T, mang tên bà T và bà Tr là mẹ đẻ ra 2 cháu bé, mặc dù 2 cháu bé không sinh ra tại nhà bảo sanh này. Bà chủ nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc còn thừa nhận làm 2 giấy chứng sinh với giá 4 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, do chưa đủ cấu thành phạm tội hình sự, nên không xử lý hình sự đối với nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc, nhưng đề nghị UBND quận 1, TPHCM xử lý hành chính đối với nhà bảo sanh này. Cáo trạng của VKSND TPHCM truy tố: 5 bị can Thương, Lan, Quỳ, Phương và Viễn không những xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe con người và quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, do đó cần xử lý nghiêm để phòng ngừa và răn đe chung.
Ngoài ra, hiện Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng cho biết đang truy lùng đối tượng Châu, là nhân vật liên quan trực tiếp đến đường dây mua bán trẻ em do Tưởng Đình Thương cầm đầu. Đối với Võ Thị Kiều Trang, vì đã thay đổi ý định bán con (Viễn - chồng hờ của Trang - lừa Trang đi vệ sinh đã bán con và nhận tiền), do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không xử lý hình sự đối với người mẹ này.
Những bà mẹ khai rằng, vì không có điều kiện nuôi dưỡng, hoàn cảnh nghèo khó nên đã cho con đi, chứ họ không bán con và cũng không biết đường dây của Tưởng Đình Thương nhận con của họ để mua bán, do vậy cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm hình sự. Các bà mẹ cũng cho biết, họ cho con với hy vọng các cháu sẽ được đến những gia đình khá giả hơn, có điều kiện tốt hơn… Trường hợp bà T và một số người khác nhận con nuôi để chăm sóc, chứ không mua bán, nên cũng không xử lý hình sự.
Trong các vụ mua bán trẻ sơ sinh của đường dây do Tưởng Đình Thương cầm đầu, công an đã tìm lại được 3 cháu bé đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội ở quận Gò Vấp, TPHCM nuôi dưỡng. Riêng cháu bé con chị Nguyễn Hạ Thiên vẫn chưa tìm được, vì vợ chồng ở Gò Dầy, tỉnh Tây Ninh mua cháu bé này đã sử dụng giấy tờ, số điện thoại giả mạo để giao dịch với đường dây của Thương.
--------------------
Huế: Siêu thị trả hoa hồng cho tài xế lên tới 47% nếu dẫn khách vào mua
“Các anh thử nhẩm tính, siêu thị trả 15.000 đồng/khách và 47% số tiền khách mua, còn lại 53% thì họ lấy cái gì để kinh doanh, trả lương, chi phí vận hành?", một tài xế tiết lộ.
Từ phản ánh của một số khách hàng, phóng viên đã vào cuộc điều tra, thâm nhập vào “mê cung siêu thị” này ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).
Quy trình khép kín
Chúng tôi quyết định thuê xe, thuê một tài xế từng nhiều lần dẫn khách vào đây để mua hàng. Theo lời anh này, nếu không phải chỗ quen biết, muốn dẫn khách tới cũng bị từ chối. Tài xế lạ phải được giới thiệu từ người quen.
Khoảng 10h30 một sáng đầu tháng 11, xe du lịch của chúng tôi chạy từ TP Huế tới thị trấn Phú Lộc, rẽ vào một dãy nhà có dòng chữ Trúc Thời Đại (khu vực 4 thị trấn Phú Lộc).
Hai dãy nhân viên mặc áo dài ở cửa ra vào đón khách, với những lời mời chào. Ngay sau đó, một nhân viên nam dẫn đoàn khách chúng tôi vào phòng riêng, nơi được bố trí mấy dãy bàn ghế và những mặt hàng mẫu và sau đó cửa được đóng kín.
Tại đây, nhân viên nam tên Võ Anh H. bắt đầu thao thao bất tuyệt về những tính năng, công dụng của các mặt hàng được bày bán. Tài xế cảnh báo, trước khi vào phòng để nhân viên giới thiệu, họ sẽ cho khách hàng uống một ly trà.
“Hãy nhấm một tí thôi, đừng uống. Rất nhiều du khách sau khi mua phải hàng đểu xong đều nói với tôi, không biết loại trà họ bỏ cái gì mà uống xong người lâng lâng. Gặp cái gì cũng thích mua”, tài xế này nói.
Theo lời của H., đa phần các mặt hàng của Trúc Thời Đại đều được làm từ một loại tre đặc biệt mà Công ty trồng, tìm kiếm từ các vùng đất xa xôi. Tuy nhiên, trồng ở đâu thì H. không tiết lộ. Những mặt hàng H. quảng cáo như than tre, khăn, tất, quần áo lót nam nữ… cho đến chăn ga gối nệm, quần áo tất tật đều được sản xuất từ tre. Theo H. tre gắn liền với tinh thần người Việt, đặc biệt có công dụng giải độc, làm sạch và khỏe cơ thể.
“Nếu bỏ một gói than này trong phòng ngủ, căn phòng của quý vị trong lành vô cùng, không khí được thanh lọc”; “quý vị mua cái gối này về, giấc ngủ của quý vị sẽ sâu hơn bình thường. Bởi đây là cái gối đã được chúng tôi sản xuất từ tre, phía bên trong là những thanh than giúp giải độc, bớt mệt mỏi”…
Đặc biệt, đến màn quảng cáo đồ lót nam nữ, H. thao thao: “Quý anh đàn ông mặc chiếc quần này sẽ giúp… lớn hơn so với bình thường. Độ ham muốn của quý anh sẽ gấp 4 lần, đối với sản phẩm của quý chị em cũng tương tự như thế”. Còn rất nhiều những sản phẩm, mặt hàng làm từ tre được H. quảng cáo trong suốt 30 phút.
Tuy nhiên khi cầm một món hàng mẫu trên tay, chúng tôi hỏi: Mặt hàng xuất xứ từ đâu? Sao không có nhãn mác gì cả? H. sau một hồi lúng túng, nói: “Hàng của chúng tôi xuất xứ từ Pháp, một số của Đài Loan” (mặc dù trước đó H. nói là sản phẩm của tre Việt Nam?).
Hoa hồng cho tài xế lên tới 47%
Chúng tôi ra khu mua hàng, ở đây có rất nhiều lối đi, tất cả đều được dẫn ra một cửa khác. Hàng chục nhân viên săn đón đoàn khách của chúng tôi.
Theo quan sát, 2 nhân viên kèm 1 khách, vừa hướng dẫn giới thiệu, vừa như ấn những sản phẩm vào tay khách. Đặc biệt, bắt đầu từ khi bước chân vào cổng, tất cả khách hàng được cảnh báo: Không quay phim chụp hình. Theo quan sát, bất kỳ khách nào có động tác rút máy điện thoại hoặc máy ảnh ra chụp đều bị nhắc nhở và ngăn cản.
Trong siêu thị Trúc Thời Đại, gần như tất cả mặt hàng… đều không có nhãn mác, không ghi nơi sản xuất bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Đa số mặt hàng đều ghi chữ Trung Quốc. Một chiếc khăn tắm, hàng không rõ nguồn gốc, được cô nhân viên quảng cáo: trên hình chiếc khăn có in cô gái, lúc nào nhiệt độ cao, quần áo trên người cô gái tự biến mất và ngược lại. Vừa nói, cô nhân viên vừa thực hành bằng máy sấy.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ mua hàng, hóa đơn hàng hóa của chúng tôi hết khoảng 1,7 triệu với những món đồ đơn giản như tất, khăn mặt, xà phòng… mà nếu mua ở ngoài, hàng Việt Nam, chưa đầy 300.000 đồng.
Trên đường về, tài xế tiết lộ anh được hưởng 700.000 đồng. Cụ thể phong bì ghi rõ: 15.000 đồng/lượt khách và 47% số tiền khách mua. “Các anh thử nhẩm tính, siêu thị trả 15 ngàn/khách và 47% số tiền khách mua, còn lại 53% thì họ lấy cái gì để kinh doanh, trả lương, chi phí vận hành…?”, tài xế hỏi.
Cơ quan chức năng: Chưa biết gì
Ông Nguyễn Thanh, Chi cục trưởng Chi Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận ông chưa hề biết tình trạng buôn bán như thế diễn ra trên địa bàn. “Trách nhiệm ở đây thuộc Đội quản lý thị trường số 5. Nếu họ biết, chắc chắn họ phải báo cáo tôi. Buôn bán như thế này là sai, quá sai rồi”.
Ông Thanh sau khi xem xét các mặt hàng mà chúng tôi cung cấp đã đề nghị phóng viên cất giữ cẩn thận “vật chứng” để sau này đối chiếu và phối hợp tốt với lực lượng QLTT tỉnh nhằm kiểm tra, bóc gỡ chuyện này.
“Ngay lập tức chúng tôi sẽ họp khẩn và đề nghị công an vào cuộc. Cái này phải lập đoàn liên ngành”, ông Thanh nói.
Cùng ý kiến sẽ lập đoàn liên ngành, ông Lê Đình Khánh, Phó GĐ Sở KH&ĐT Thừa Thiên- Huế cho hay đây là vấn đề nghiêm trọng, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến du lịch và uy tín của địa phương cũng như cả nước nói chung trong con mắt du khách nước ngoài.
Theo ông Đỗ Duy Nhã, Phó phòng đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT), không treo biển hiệu công ty, bán hàng không nhãn mác đã là vi phạm pháp luật.
“Họ treo đầu dê bán thịt chó, lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự thiếu thông tin về sản phẩm của du khách. Chúng tôi sẽ ngay lập tức đề nghị UBND tỉnh cho lập đoàn liên ngành, có cả an ninh kinh tế. Trước những biểu hiện, vật chứng nhà báo cung cấp thì rõ ràng họ sai rồi, nhưng nếu chứng minh được hàng lậu, chắc chắn sẽ có một khung xử lý riêng”, ông Nhã nói.
Giấy đăng ký kinh doanh của Cty TNHH MTV Trúc Thời Đại (đã thay đổi lần 2, vốn điều lệ 1 tỷ đồng) tại Sở KH&ĐT ghi rõ Giám đốc Cty là một người ở Quảng Ninh, tuy nhiên, theo một nguồn tin, nhiều khả năng, đứng đằng sau góp vốn, điều hành là một nhóm người Trung Quốc.
------------------------
'Thần y' từ Việt Nam sang Mỹ… chữa bệnh
Ông Huy Trần, 46 tuổi, vừa bị giảm thính lực, vừa bị mù bẩm sinh. Được ông Yên đặt tay lên vùng tay và mắt, sau một lát ông Trần cho biết có thể nghe được tiếng người xung quanh.
"Thần y" là chữ mà nhiều người trong nước dùng để gọi ông Võ Hoàng Yên. Nghĩ cũng lạ! Mỹ là một trong những quốc gia có nền y học tiên tiến hàng đầu thế giới nhưng có mặt tại đây, tôi chứng kiến nhiều cụ ông, cụ bà, người ngồi xe lăn, người chống nạng, người được con cái dìu đi từng bước khó nhọc nhưng vẫn cố gắng tìm đến chùa Tâm Từ, nhiều người đến trước một ngày - chưa kể những người hiếu kỳ, kể cả người Mỹ cũng đổ xô đi xem cho biết.
Một cụ ông tên Viên ở San Diego nói bằng giọng ngọng nghịu, cho biết cụ đã đợi từ đêm hôm trước: "Tôi bị tai biến, liệt nửa người. Nghe tin thầy Yên qua, tôi nhờ con tôi chở đến".
Một thanh niên tên Tony Nguyễn, ở Santa Clara, bị tổn thương màng nhĩ, gần như điếc hoàn toàn. Muốn nghe người khác nói, anh phải dùng máy trợ thính: "Tôi tin rằng thầy Yên có phép lạ vì nhiều người bị đột quỵ, câm, điếc, khối u, đau nửa đầu, tê liệt…, chỉ cần được thầy đặt bàn tay lên là lành (?!)".
Một bác sĩ Mỹ tên là McCulloch, chuyên về bệnh lý tim mạch, làm việc tại Trung tâm Y khoa Los Angeles nói với tôi: "Nếu quả đúng như lời đồn đại thì có lẽ tôi sẽ bỏ nghề, theo ông thầy này vì một bệnh nhân liệt nửa người vì nhồi máu não, chỉ cần "thầy" Yên “sờ” một cái là đi được thì mọi máy móc vật lý trị liệu của bệnh viện tôi coi như xếp xó!".
“Thầy” Võ Hoàng Yên là ai?
Theo nhiều nguồn tin, ông Võ Hoàng Yên sinh năm 1975 trong một gia đình nghèo ở ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Khi còn nhỏ, gia đình gửi ông vào chùa Hưng Nghĩa (Hưng Nghĩa tự). Tại đây, ông được các nhà sư chỉ dạy cách trị bệnh bằng y học cổ truyền. Sau nhiều năm, ông tích lũy được một số kinh nghiệm và nghiên cứu thêm để biến nó thành sở trường của riêng mình.
Khi đã có đủ "vốn liếng y thuật", ông Yên bắt đầu chữa bệnh, và chữa miễn phí. Tháng 5/2011, do chưa có giấy phép hành nghề nên ông Yên chữa "chui" ở một số ngôi chùa hoặc nhà dân, khách sạn. Chính vì vậy, ông đã bị chính quyền một số địa phương đình chỉ việc làm này đồng thời xử phạt hành chính. Tất cả những người được ông chữa đều không có hồ sơ bệnh án. Điều ấy khiến cho việc kiểm chứng thông tin rất khó khăn, chủ yếu là người này lành, người kia khỏi đều do đồn đại.
Thời điểm ấy, báo chí trong nước có nhiều bài khen ông, và cũng có nhiều bài phê phán hoặc nghi ngờ cách chữa bệnh của ông. Ông Yên cho biết, ông chỉ trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền, không hề có yếu tố thần thánh gì cả.
Phương pháp của ông là khai thông huyệt đạo, giúp bệnh nhân sửa lại những khiếm khuyết do tật bệnh: "Không phải tất cả các loại bệnh tôi đều chữa khỏi. Nhóm bệnh tôi có thể giúp bà con là bại liệt, câm, điếc do nguyên nhân tai biến, xuất huyết não, có khi do bẩm sinh với điều kiện cơ bắp người bệnh không bị tổn thương". Riêng các trường hợp quá nặng thì ông chịu!
Về phía các ngành chức năng, khi xảy ra hiện tượng ông Yên chữa bệnh bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, thạc sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước nhận định: Chưa thể kết luận được phương pháp này có tác dụng tạm thời hay tác dụng lâu dài. Chính vì vậy, Sở Y tế sẽ có trách nhiệm tiếp tục kiểm định phương pháp của ông Yên.
Ngày 29/7/2011, tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Phước, một hội thảo đã được tổ chức với sự tham dự của Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật với Hội Đông y tỉnh. Phần lớn những bệnh nhân được chữa trị tại đó đều có dấu hiệu tiến triển. Tuy nhiên, các ý kiến từ cơ quan y tế vẫn cho rằng cần phải hết sức khách quan trong việc đánh giá hiệu quả của phương pháp này.
Ngày 9/8/2011, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản đồng ý để ông Võ Hoàng Yên được tiếp tục chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, cụ thể là một điểm tại chùa Quang Minh, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài và một điểm tại Trụ sở Hội Đông y, thị xã Phước Long. Đến ngày 20/12/2012, ông Võ Hoàng Yên chính thức được công nhận là lương y và có giấy phép hành nghề.
Sở Y tế Hà Tĩnh đã cấp giấy phép hành nghề cho ông Võ Hoàng Yên. Hội Đông y Hà Tĩnh đã làm lễ kết nạp và công nhận ông là thành viên Hội. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ông Yên xây dựng trung tâm Phục hồi chức năng tại huyện Cẩm Xuyên.
Ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh như thế nào?
Tại chùa Tâm Từ, trong căn phòng rộng hơn 100 m2, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến việc chữa bệnh của "thầy" Võ Hoàng Yên. Bệnh nhân đầu tiên được ông Yên chữa là ông Huy Trần, 46 tuổi, vừa bị giảm thính lực, vừa bị mù bẩm sinh. Bằng động tác đặt tay lên vùng tay, vùng mắt của ông Trần, sau một lát ông Trần cho biết đã có thể nghe được tiếng người nói ở xung quanh.
Bác sĩ McCulloch giải thích: "Giảm thính lực không có nghĩa là điếc hoàn toàn. Người bị giảm thính lực - tùy theo mức độ - vẫn có thể nghe được những tiếng động, nhất là những tiếng động lớn nên trường hợp này cần xem xét kỹ".
Tiếp theo, như thể chứng minh rằng mình đã được chữa lành, ông Trần cất tiếng nói bằng một giọng the thé. Nghe ông "nói", có thể thấy rõ ràng là ông không kiểm soát được âm lượng và âm tiết của mình.
Vẫn theo bác sĩ McCulloch: "Người bị giảm thính lực thì không có nghĩa là họ bị câm hoàn toàn, mà họ vẫn có thể nói được mặc dù họ phát âm không tròn chữ". Riêng về chứng mù bẩm sinh của ông Trần thì chẳng thấy "thầy" Yên bấm huyệt, giúp cho ông sáng lại! Có lẽ trường hợp này vượt quá khả năng của "thầy".
Bệnh nhân tiếp theo là bà Hồ Hương, 57 tuổi, bị đột quỵ và theo lời bà thì bà đã nằm liệt suốt 2 năm qua. Thế nhưng, khi được ông Yên xoa bóp hai chân bằng loại dầu nóng nhãn hiệu Kwong Loon Oil thì chỉ trong nhấp nháy, bà đã tự đứng lên rồi đi bộ trong căn phòng khiến người ta vỗ tay rần rần trong lúc không hề có ai để ý rằng khi đến đây, bà Hương đến bằng phương tiện gì, có đi được không, ai đưa bà vào và đưa như thế nào!
Đặc biệt nhất là một thanh niên bị tai biến, liệt nửa bên người. Chứng kiến tận mắt cách ông Yên chữa trị, tôi và nhiều người khác đều kinh hãi: Ông nắm cánh tay bị liệt của bệnh nhân kéo mạnh lên khỏi đầu nhiều lần rồi đấm thùm thụp vào vai, mặc cho bệnh nhân nhăn nhó vì đau đớn.
Sau đó, ông bảo bệnh nhân tự giơ tay lên nhưng khi thấy anh ta không thể giơ lên quá trán, ông kéo thẳng cái chân bị liệt ra một góc 90 độ so với thân hình. Chịu không nổi, anh ta ứa nước mắt vì đau nên không ít người đặt ra câu hỏi, rằng liệu kiểu chữa bệnh này thực sự hiệu quả hay không, và hiệu quả ấy kéo dài đến bao giờ?
Theo lý giải của những người hoài nghi về trường hợp ông Yên chữa lành những bệnh câm điếc, bại liệt, tai biến, đột quỵ, họ cho rằng tất cả đều do yếu tố tâm lý. Họ dẫn chứng bằng những phân tích trên trang web của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ: "Khi một bệnh nhân có lòng tin mạnh mẽ rằng một người nào đó có thể chữa lành cho họ thì lòng tin ấy sẽ tạo ra một hiệu ứng gọi là "chữa lành giả", hay còn gọi là "chữa lành tạm thời". Nó thúc đẩy sự an tâm, giảm căng thẳng, giảm đau, thúc đẩy hệ thần kinh hoạt động. Bên cạnh đó, nó còn tăng cường ý chí sống".
Bà Thanh, mới qua Mỹ được hơn một năm cho biết, bà luôn ủng hộ phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền vì nó không đòi hỏi các máy móc tối tân, người bệnh dễ tiếp cận và nhất là chi phí thấp: "Nhưng tôi ngạc nhiên là với một người tài như ông Yên, tại sao ông không mở những điểm xoa bóp, bấm huyệt tại TP.HCM vì nơi đây có hơn chục triệu dân, bệnh viện quá tải, số người bị liệt do tai biến, đột quỵ rất nhiều, chưa kể người câm, điếc, u bướu".
Rồi bà đặt câu hỏi: "Phải chăng ngành y tế TP HCM không nhận ra khả năng siêu việt của ông Yên, hay vì những lý do gì đó mà ông chọn Bình Phước, Hà Tĩnh làm nơi tế độ?".
Chiều thứ năm tôi trở lại chùa Tâm Từ vì ông Yên tiếp tục chữa cho người bệnh thêm một ngày nữa trước khi ông về Việt Nam. Anh Hải, một thanh niên 28 tuổi, lặn lội đến từ thành phố Seattle, bang Washington bị liệt thần kinh số 7, di chứng méo miệng cho tôi biết là hôm qua, khi thầy Yên bấm huyệt, anh thấy đỡ nhưng đến sáng nay, mọi sự vẫn y như cũ: "Tôi được thầy xoa bóp, bấm huyệt thêm một lần nữa nhưng lần này có vẻ không "ép phê".
Cô Jenny Trịnh, 26 tuổi, ở Tampa, Florida nói: "Ba tôi bị tai biến, liệt nửa người trái. Bữa qua sau khi thầy bấm huyệt thì mấy đầu ngón chân ba tôi nhúc nhích được nhưng đến sáng nay liệt vẫn hoàn liệt. Và bởi vì ba tôi yếu quá, đi không nổi nữa nên tôi đến gặp thầy, xin thầy hướng dẫn là nên chữa tiếp bằng cách nào".
Tìm hiểu thêm, tôi biết hầu hết những người đến nhờ ông Yên điều trị là những người không có bảo hiểm y tế nên mỗi khi đau ốm, họ tự chữa hoặc tìm gặp một số bác sĩ người Việt khai bệnh, lấy đơn thuốc rồi trả bằng tiền mặt nên chẳng có bệnh án để kiểm chứng xem bệnh tật của họ đã xuất hiện bao lâu, và diễn tiến như thế nào.
Có bệnh thì vái tứ phương, tôi chẳng khen ngợi cũng như không phê phán phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên vì nền y học cổ truyền của mỗi quốc gia đều có cái hay riêng của nó, mà tôi chỉ ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe về chuyện chữa bệnh của "thần y" trên đất California.
---------------------------
Bộ Giao thông lập hội đồng kỷ luật Phó chánh thanh tra
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với ông Thạch Như Sỹ- Phó chánh thanh tra của Bộ.
Hội đồng được thành lập để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông Thạch Như Sỹ do liên quan đến sai phạm tại báo cáo của đoàn thanh tra do ông Sỹ làm trưởng đoàn về kết quả thanh tra hoạt động bến xe khách thành phố Cần Thơ của Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ.
Hội đồng kỷ luật gồm 5 người do thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm chủ tịch.
Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo thanh tra đột xuất Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ.
Trong báo cáo gửi Bộ, trưởng đoàn Thạch Như Sỹ chỉ ra rằng, Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ có nhiều vi phạm như không đảm bảo các tiêu chí để công bố bến xe loại 1; thu giá dịch vụ xe vào không đúng quy định; giá cho thuê nơi đỗ xe qua đêm cao hơn 20-30% so với mức phí trông giữ theo quy định của UBND TP.Cần Thơ…
Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ trưởng GTVT xem xét lại kết luận thanh tra này; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông kiểm điểm trách nhiệm và kỷ luật Phó chánh Thanh tra Thạch Như Sỹ do tham mưu kết luận thanh tra không đúng pháp luật, thái độ công vụ không đúng mức, phát ngôn không đúng thẩm quyền với báo chí.
Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét kỷ luật ông Thạch Như Sỹ vì kết luận thanh tra hoạt động của Bến xe khách TP.Cần Thơ không đúng pháp luật, khi giải thích lập luận, thiếu kiến thức cơ bản về Luật Dân sự, Luật GTVT, Luật HTX, Luật Bảo hiểm, Luật Lao động...
Tại cuộc họp báo quý 3/2014 của Bộ GTVT chiều 7/10, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, doanh nghiệp này chưa đồng thuận, tâm phục khẩu phục và đã có những thắc mắc, kiến nghị. Bộ đã giao Chánh thanh tra Lê Thanh Hà tiếp tục kiểm tra tất cả doanh nghiệp hoạt động vận tải ở TP.HCM, Lâm Đồng, thậm chí xuống cả Long An và Tiền Giang.
Xung quanh kiến nghị về việc ông Thạch Như Sỹ làm chưa hết trách nhiệm, chuyên môn còn hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo, sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật thích đáng với các thành viên trong tổ thanh tra trước đó.
----------------------------
Vụ 8 thủy thủ mất tích: “Phát hiện nhiều vật nổi nhưng không thấy thủy thủ…”
Sáng nay, 10/11, bước vào ngày thứ 2 tìm kiếm 8 thủy thủ tàu hàng Phúc Xuân 68 bị mất tích trên biển Nha Trang, lực lượng chức năng sẽ huy động tất cả mọi phương tiện sẵn có để tung ra biển.
Trước đó, vào tối 9/11, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật đã trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm. Dự kiến, sáng nay, ông Nhật cùng đoàn công tác của Cục hàng hải Việt Nam sẽ có cuộc thị sát vùng biển nơi tàu hàng Phúc Xuân 68 bị chìm.
Theo ông Nhật, vùng biển nơi tàu Phúc Xuân 68 bị chìm có độ sâu 60-100m nên không có cơ hội lặn để tìm kiếm các thuyền viên. Trong khi tàu Phúc Xuân 68 có trọng tải 1.970 tấn, chở 1.870 tấn thép đã phá nước đâm thẳng xuống biển vì trọng tải quá nặng lúc vừa xảy ra đâm va.
“Ở nước ta, khi thuyền viên bị nạn ở vùng biển phía Bắc đều dạt xuống vùng biển phía Nam theo thủy triều. Do vậy, phải triển khai lực lượng từ Vũng Tàu quét ra mới có hi vọng”, ông Nhật nhận định. Trong ngày tìm kiếm thứ 2 (10/11), Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam MRCC và các đơn vị liên quan cần huy động mọi lực lượng tung ra biển tìm kiếm. “Các phương tiện sẵn có đều phải ra biển hết, không chờ đợi gì trong lúc nước sôi lửa bỏng này, vì ra sớm mới có cơ hội tìm thấy các thuyền viên còn sống”, ông Nhật chỉ đạo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC), cho biết, trong ngày 9/10, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện nhiều phao, vật nổi của tàu tàu Phúc Xuân 68 nhưng khi kiểm tra thì vẫn không tìm thấy các thủy thủ.
“Anh em đã triển khai phương pháp tìm kiếm hiện đại nhất, áp dụng những phương tiện tiên tiến nhất trong khu vực, đã “cày” nát hiện trường nhưng vẫn chưa phát hiện gì thêm”, ông Vũ nói.
Tổng Giám đốc Vietnam MRCC cũng cho biết tất cả các biện pháp cần thiết đã được triển khai, gồm cả việc phát thông báo hàng hải cho các tàu thuyền trong khu vực, kể cả tàu vận tải nước ngoài khi đi qua khu vực này. “Cho đến khi tìm kiếm được thuyền viên cuối cùng mới kết thúc cảnh báo hàng hải. Tất cả các phương tiện đi qua, chúng tôi đều đề nghị tham gia tìm kiếm và điện trực tiếp chứ không phải phát trên mạng cảnh báo chung nữa”, ông Vũ nói.
Trước đó, vào lúc 1h15 ngày 9/11, Vietnam MRCC nhận được thông tin báo nạn khẩn cấp từ thuyền trưởng tàu Nam Vỹ 69 đang trên đường hành trình từ Phú Mỹ (Vũng Tàu) đi Quy Nhơn đâm va với tàu Phúc Xuân 68 hành trình từ Hải Phòng đi Vũng Tàu. Sau cú đâm va bất ngờ, tàu Phúc Xuân 68 đã bị chìm, trên tàu có 11 thuyền viên. Vị trí tàu bị nạn cách Nha Trang 15 hải lý, tại tọa độ 12003’N-109022’E. Sau khi nắm thông tin, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật đã lập tức “lệnh” cho tàu SAR27-01 và Cano cao tốc CN01-TSA; CN02-TSA thuộc Nhatrang MRCC đóng tại Nha Trang khẩn trương ra hiện trường triển khai công tác cứu nạn.
Đến lúc 3h40 ngày 9/11, 3 thuyền viên gồm: Nguyễn Văn Hậu (sĩ quan radio, SN 1983, Thanh Hóa); Hà Hồng Thái (máy trưởng, SN 1977, Thái Bình) và Lê Xuân Rự (thủy thủ, SN 1964, Thái Bình) đã được tìm thấy. Đến chiều cùng ngày, 3 thuyền viên này được đưa vào thành phố Nha Trang để chăm sóc sức khỏe và phục vụ cho việc lấy lời khai ban đầu.
----------------------