Nguy cơ bán tháo vốn đầu tư nhà nước
Trong 10 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 2.415 tỉ đồng, bằng 10,7% tổng số vốn cần thoái
Hạn chót cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành là hết năm 2015, trong khi số lượng vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ còn rất lớn.
DN lớn phải rút 20 ngàn tỉ đồng
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối tháng 10, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn còn hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành chưa thoái hết vốn. Số tiền này được đầu tư vào 5 lĩnh vực gồm: tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản (BĐS) và quỹ đầu tư. Trong đó, lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất là tài chính ngân hàng lên đến gần 15.000 tỉ đồng, bảo hiểm hơn 1.500 tỉ đồng, quỹ đầu tư hơn 500 tỉ đồng và BĐS hơn 5.000 tỉ đồng.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành được khoảng 2.415 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với mức thực hiện cả năm 2013 nhưng chỉ chiếm 10,7% tổng số vốn cần thoái. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, kết thúc năm 2015, các DNNN phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung nguồn lực vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Mặc dù tiến độ thoái vốn đã nhanh hơn, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, khối lượng vốn cần thoái để tập trung đầu tư ngoài ngành đến nay vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân thoái vốn chậm là do sức cầu yếu vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nói chung và khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam nói riêng, cộng với thủ tục hành chính nhiêu khê. Trong bối cảnh đó, kế hoạch bán vốn của các DNNN gặp nhiều khó khăn, ngay cả tên tuổi lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng ế vốn khi thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, DNNN triển khai công tác cổ phần hóa (CPH) chưa quyết liệt.
Tháo gỡ khó khăn cho công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN, cho phép DNNN được bán vốn dưới mệnh giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định này tháo gỡ được điểm nghẽn lâu nay trong quá trình CPH DNNN nói chung và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nói riêng, vì sức cầu đang yếu, bán với giá thị trường đã là khó khăn, chưa nói đến bán giá cao để bảo toàn vốn nhà nước; do đó, nếu ép phải thoái theo hạn định thì sẽ dẫn đến nguy cơ bán tháo vốn, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Việc bán vốn của cổ đông lớn có thể tác động đến nền tảng cơ bản của DN. Theo đề án tái cấu trúc DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2015, trong danh mục đầu tư của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ còn 100 đơn vị, như vậy DN này phải thoái toàn bộ vốn tại 376 DN, chỉ giữ lại vốn đầu tư lâu dài tại 4 công ty là: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang (DHG), FPT Telecom, Công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (VNR); đồng thời nắm cổ phần chi phối tại 24 DN đang hoạt động. Riêng năm 2014, SCIC có kế hoạch bán vốn tại 298 công ty nhưng đến nay mới thoái vốn được tại 31 công ty. Đáng lưu ý là nhiều đơn vị SCIC thoái vốn hiện đang niêm yết trên TTCK nên việc thoái vốn của SCIC sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và làm xáo trộn đến hoạt động nền tảng của DN. Vì vậy, SCIC đã đề xuất Chính phủ chọn lại danh mục DN cần nắm vốn lâu dài hay phải thoái vốn. Trong đó đề xuất tiếp tục đầu tư lâu dài tại các DN kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh hiệu quả.
-------------------------
Rút tiền tại Ngân hàng Nhà nước phải trả phí
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký ban hành Thông tư số 35/2014/TT-NHNN quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN.
Theo đó, đối tượng áp dụng của thông tư gồm NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khi rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu mức phí rút tiền mặt là 0,005% trên số tiền rút.
-------------------------
Chứng khoán hết thời “chống lưng” bởi ngân hàng mẹ
Quy định của Thông tư số 36 NHNN mới ban hành, NHTM chỉ được cho vay đầu tư cổ phiếu tối đa là 5% vốn điều lệ. Như vậy, những ngân hàng (NH) đang cho vay trên 5% vốn điều lệ sẽ phải điều chỉnh về mức quy định. Đặc biệt, những công ty chứng khoán được NH mẹ “chống lưng” sẽ không còn hưởng lợi nữa. Do đó, có thể có một lượng tiền từ đây sẽ bị rút ra khỏi thị trường khi thông tư này có hiệu lực vào năm sau.
Bao nhiêu tiền đang cho vay chứng khoán?
Thị trường chứng khoán đã có phiên điều chỉnh đầu tiên sau thông tin về Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm. Nhiều cổ phiếu đầu cơ đứng trước áp lực bán sàn. Sở dĩ có sự sụt giảm trên là do nhiều nhà đầu tư lo ngại về các quy định có thể chặt chẽ hơn về việc cho vay đầu tư liên quan đến chứng khoán của các NH.
Theo Thông tư số 36 về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, trong đó nội dung được nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đã chính thức được ban hành, là tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh NH nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.
Trước Thông tư 36, các NH được phép cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu với hạn mức tối đa bằng 20% vốn điều lệ của NH (Thông tư 13). Như vậy, với tổng vốn điều lệ của hệ thống các TCTD hiện khoảng 435.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa trần cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán của các TCTD trước đây là 87.000 tỷ đồng. Nếu theo quy định mới của Thông tư 36, tỷ lệ giảm xuống còn 5% thì các TCTD sẽ có thể cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán tối đa 21.750 tỷ đồng (giảm 75%). Tuy nhiên, điểm khác biệt là con số 87.000 tỷ đồng trước đó bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, còn 21.750 tỷ đồng chỉ bao gồm cổ phiếu.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cho vay chứng khoán của NH đang là bao nhiêu vì con số thực tế vẫn chưa thể kiểm định được. Trong khi đó đại diện của Ủy ban chứng khoán cho biết tổng cho vay ký quỹ hiện đang vượt 17.000 tỷ đồng vào cuối tháng 10, trước đó là 15.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 9 theo báo cáo của các công ty chứng khoán. Nghĩa là mức cho vay đầu tư cổ phiếu của các NHTM hiện đang chiếm tỷ lệ khoảng 4% vốn điều lệ.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc giới hạn cho vay chứng khoán xuống 5% vốn điều lệ NH không ảnh hưởng nhiều đến các NH lớn cho hoạt động cho vay ký quỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dư nợ. Tuy nhiên thị trường lo ngại rằng một số NH cỡ vừa và nhỏ đang có tỷ lệ này cao hơn 5%. CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, việc quy định trước con số 5% này cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với một số hoạt động đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp, tạo dòng lợi nhuận tài chính và có nguy cơ “thổi lại” bong bóng tài sản trên thị trường trong thời gian gần đây.
Nhiều Ngân Hàng nguy cơ không cho vay được
Cũng theo Thông tư 36, điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu quy định NHTM, chi nhánh NH nước ngoài chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện như đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế có khá nhiều NH có nợ xấu trên 3% thể hiện trên báo cáo tài chính quý 3/2014 và sẽ có một giá trị không nhỏ cho vay đầu tư cổ phiếu tại các NH sẽ phải chịu ảnh hưởng từ quy định này. Cụ thể, các NH như Eximbank nợ xấu đến cuối quý 3 là 3,36%, NH Quốc Dân là 4,49%, NH ACB 3,07%, ?sẽ không được cấp tín dụng chứng khoán nếu nợ xấu tiếp tục tăng đến hết năm 2014.
Các NH nằm trong diện nợ xấu trên 3% này có các hướng xử lý sắp tới hoặc là phải giảm nợ xấu hoặc tăng dư nợ tín dụng và cuối cùng phải chấm dứt cho vay đầu tư cổ phiếu. Các chuyên gia cho rằng nếu trường hợp cuối là phổ biến, thị trường sẽ nhìn thấy nhiều giao dịch thỏa thuận lớn trong thời gian tới.
Ngoài ra, Thông tư 36 cũng quy định NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Qua đây, một lượng tiền khác cũng sẽ bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán nếu Thông tư áp dụng trong thực tế.
Theo quy định này thì việc bấy lâu nay công ty chứng khoán được “chống lưng” bởi NH mẹ sẽ không còn được hưởng lợi nữa. Trong khi đó, một thực tại khác sau khi Thông tư áp dụng là các nhà đầu tư theo trường phái margin sẽ phải cân nhắc hơn. Bên cạnh đó, điều mà nhiều người lo ngại hơn cả là những NH cho “đại gia” vay tiền để đầu tư cổ phiếu, thâu tóm doanh nghiệp, NH sẽ buộc phải thu tiền về.
-------------------------
Vietjet ký hợp đồng 300 triệu USD bảo dưỡng máy bay
Ngày 24/11, tại Paris (Pháp), Hãng hàng không Vietjet và CFM International ký kết hợp đồng bảo dưỡng động cơ theo giờ bay cho dòng động cơ CFM56-5B (lắp trên 21 máy bay A320 của Vietjet). Hợp đồng này có thời gian hiệu lực 12 năm với tổng giá trị 300 triệu USD.
Theo các điều khoản ký hết, CFM bảo đảm kỹ thuật cho 45 động cơ CFM56-5B với những điều kiện cung cấp miễn phí một số động cơ dự phòng. Vietjet là khách hàng của CFM kể từ khi hãng bắt đầu hoạt động qua việc sử dụng dòng động cơ CFM56-5B cho 18 máy bay A320.
Đầu năm 2014, Vietjet đã đặt mua dòng động cơ CFM56-5B cho 14 tàu bay mới A320ceo và 7 tàu bay A321ceo từ CFM với tổng giá trị lên đến 800 triệu USD. Như vậy, số lượng máy bay lắp dòng động cơ CFM56 của Vietjet đến nay là 39 chiếc.
-------------------------
Vietjet công bố mở đường bay giữa VN - Nga
Ngày 24.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Vietjet đã công bố kế hoạch mở đường bay giữa Vladivostok đến Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc. Sau đó, hãng sẽ tiếp tục khai thác đường bay đến các tỉnh thành khác của Nga.
Đến tham dự buổi lễ công bố có lãnh đạo cấp cao 2 nước và đại diện của đông đảo doanh nghiệp lữ hành du lịch, cùng các đối tác của Vietjet.
Đường bay từ Hà Nội đến Vladivostok dự kiến sẽ bắt đầu khai thác từ tháng 5.2015, thời gian đầu với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần, thời gian bay mỗi chặng khoảng 5 giờ 30 phút.
Tiếp theo việc mở đường bay từ Vladivostok tới các điểm đến VN, Vietjet sẽ kết nối đường bay này tới các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Singapore với một điểm dừng tại VN.
-------------------------