Trung Quốc ngụy biện việc cải tạo bãi đá ở Trường Sa
Trung Quốc vừa lên tiếng ngụy biện việc cải tạo đất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông, cho rằng hoạt động này phục vụ lợi ích cộng đồng.
Trong khi đó, tuần báo quốc phòng IHS Jane’s (Anh) đưa tin, đảo nhân tạo có thể chứa sân bay quân sự để đe dọa các nước láng giềng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua nói rằng, hoạt động xây dựng trên một số bãi đá “chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của các nhân viên Trung Quốc để họ có thể thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế trong tìm kiếm, cứu nạn và các dịch vụ cộng đồng khác”.
Theo IHS Jane’s, những hình ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 8 và tháng 11 cho thấy, những tàu hút bùn đã tạo nên một dải đất rộng suốt hầu hết chiều dài bãi Chữ Thập, trước đây vốn ngập nước. Báo Anh nhận định, đây là dự án xây dựng lớn nhất mà Trung Quốc thực hiện ở Trường Sa; đảo mới dài ít nhất 3.000m có thể chứa sân bay quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo, nhằm giúp nước này áp đặt yêu sách chủ quyền của mình đối với một số vùng biển mà các nước láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền.
-------------------------
Thủ tướng đưa ra nhiều đề xuất quan trọng tại CLV-8
Ngày 25/11, tại thủ đô Vientiane, Lào, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 (CLV-8) với sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình thực hiện “Bản sửa đổi Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2020” và “Bản ghi nhớ về các chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi cho khu vực Tam giác phát triển CLV.”
Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những kết quả đạt được, đặc biệt trong phát triển hạ tầng cơ sở; xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa ba nước; khuyến khích tham gia của giới trẻ đối với sự phát triển của Khu vực Tam giác phát triển CLV; hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn và môi trường ổn định của khu vực.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc nâng cấp và mở rộng khuôn khổ hợp tác Tam giác phát triển CLV và giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Đề án về kết nối kinh tế ba nước để trình lên Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV-9.
Hội nghị cũng thống nhất một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác như xây dựng danh sách các dự án hợp tác ưu tiên trong khu vực Tam giác phát triển để vận động đầu tư từ các đối tác phát triển; nghiên cứu hình thành Thỏa thuận giữa ba nước về chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển CLV trên cơ sở kết hợp các thỏa thuận song phương và đa phương hiện có; xây dựng quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển để tạo bước chuyển quan trọng cho ngành du lịch ba nước.
Hội nghị cũng đã thống nhất giao các Bộ Nông nghiệp ba nước trao đổi và hoàn thiện Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam để trình Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 10, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh đối ngoại, đặc biệt trong phòng chống tệ nạn buôn người, buôn ma túy, tôi phạm xuyên biên giới, ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm và thiên tai, rà phá vật liệu nổ còn sót sau chiến tranh. Thúc đẩy các chương trình hợp tác chung về bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Điều phối chung trong triển khai “Quy hoạch tổng thể điều chỉnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tới năm 2020” và đánh giá cao những thành tựu đạt được; cho rằng các kết quả thu được cũng thể hiện sự đoàn kết gắn bó, phối hợp chặt chẽ và nỗ lực, quyết tâm của ba nước trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra những tồn tại đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của ba nước như việc huy động vốn cho thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển còn hạn chế; tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm; thiếu nhất quán trong chính sách thương mại đầu tư của ba nước làm hạn chế hiệu quả hợp tác.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Thủ tướng ba nước giao Ủy ban điều phối chung nhanh chóng xây dựng Đề án kết nối ba nền kinh tế để trình lên Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV-9 (2016). Đồng thời, tiếp tục triển khai những kết nối hiện có và những kết nối mới có đủ điều kiện.
Để triển khai các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng thông qua các chính sách thuế, thủ tục đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của ba nước, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; trồng và chế biến cao su, càphê; đầu tư phát triển điện lực, viễn thông; du lịch...
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng ba nước nhanh chóng hoàn thiện Hiệp định về xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực Tam giác phát triển CLV như đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 7.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân qua biên giới, cần từng bước nâng cấp các cặp cửa khẩu, phối hợp triển khai mô hình kiểm tra một cửa một lần dừng vào năm 2015; ký kết các Thỏa thuận (MOU) về thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới (CBTA) trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Thủ tướng cũng đề nghị tập trung thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển đến năm 2020. Phấn đấu duy trì tăng trưởng GDP (của 13 tỉnh khu vực Tam giác phát triển CLV) đạt mức 10%/năm và mức GDP đầu người là 1.500-1.600 USD năm 2015.
Hoan nghênh việc Ủy ban điều phối chung đã xây dựng được danh mục các dự án đầu tư ưu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án này cần tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phát triển hạ tầng thương mại như các khu kinh tế, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, phát triển nguồn nhân lực để tạo nguồn cung lao động cho các cơ sở sản xuất tại địa phương và cải thiện cuộc sống của người dân, đồng thời cần cải tiến việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch để tạo ra hiệu ứng thúc đẩy đầu tư...
Nêu rõ ngành nông, lâm nghiệp là thế mạnh của khu vực, đặc biệt là trồng và chế biến cây cao su, Thủ tướng đề nghị ba nước phối hợp xây dựng Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su theo hướng áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng gắn với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cùng thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư trồng và chế biến cao su chất lượng cao.
Bên cạnh đó, quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong khu vực Tam giác phát triển. Đồng thời, ba nước tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề về an ninh tại khu vực biên giới. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động phi pháp, sai trái. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nguồn lực của mỗi nước, Thủ tướng cho rằng cần tranh thủ thêm nguồn lực từ các quốc gia đối tác phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc...) và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trong việc này, cần phối hợp chặt chẽ giữa ba quốc gia để tạo tiếng nói chung và khai thác tối đa ưu thế về cơ chế chính sách, quy mô kinh tế khu vực Tam giác phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng với những bước đi phù hợp, cơ chế hợp tác ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng của ba nước và Tiểu vùng Mekong.
Kết thúc Hội nghị, ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV và thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV-9 tại Vương quốc Campuchia vào năm 2016.
-------------------------
Ứng 400 tỉ xây cầu treo tại 28 tỉnh miền núi
Thủ tướng vừa đồng ý ứng 400 tỉ ngân sách Trung ương cho Bộ GTVT thực hiện Đề án xây dựng cầu treo tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của Bộ GTVT từ năm 2015 để thu hồi số vốn ứng trước nêu trên theo quy định.
Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bố trí vốn để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Đề án này đúng tiến độ.
-------------------------
Miền Nam có thêm nhà máy nhiệt điện 1 tỉ USD
Theo ông Nguyễn Loãn, Chủ tịch Tổng công ty Phát điện 1, đây là dự án cấp bách để chống thiếu điện tại Miền Nam trước năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch EVN, VN đã có quy mô lưới điện thứ 30 thế giới với tổng công suất lắp đặt khoảng 35.000MW. Tuy nhiên, do nhiều nhà máy điện chạy khí không xây dựng đúng tiến độ, nên dù nguồn điện đã đáp ứng được cả nước, thậm chí có dự phòng, nhưng miền Nam vẫn có khả năng thiếu điện.
Vì vậy, ông Vượng yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu khởi công ngay trong tháng 12-2014.
Theo EVN, tổng vốn đầu tư cho dự án này lên tới trên 1 tỷ USD, khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ cấp được cho miền Nam thêm 3,9 tỷ kwh.
Dự kiến, nhà máy này sẽ sử dụng than nhập khẩu.
-------------------------