Trung Quốc đang lập mưu đánh lạc hướng các nước
Trung Quốc đang chìa một “cánh tay hòa bình” nhằm kéo sự chú ý của các nước trong khu vực khỏi hoạt động mà cánh tay còn lại đang làm – đó là tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á nhận xét.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc bình luận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhân dịp nước này đứng ra tổ chức hội nghị APEC để khôi phục vị thế quốc tế bị tổn hại vì chính sách hung hăng của nước này đối với các tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.
“Cuộc gặp gỡ giữa ông Tập và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại APEC chỉ là một bước nhỏ ban đầu trong một hành trình dài để khôi phục các mối quan hệ song phương trở lại mức độ trước khi xảy ra khủng hoảng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, Giáo sư Thayer nhận xét.
Ông cũng nói thêm rằng có vẻ như tình hình căng thẳng tại biển Đông và biển Hoa Đông sẽ tiếp tục dịu xuống trong khoảng 6 tháng tới.
Giáo sư Carl Thayer là một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, từng có nhiều bài viết về Việt Nam
“Tuy nhiên, bất chấp chiến lược “gây cảm tình” mới của Trung Quốc, nước này vẫn sẽ tiếp tục lấn át chủ quyền tại biển Đông, tiếp tục xây cơ sở trên các đảo, tiếp tục đưa tàu tuần tra và tiến hành tập trận”, theo ông Thayer.
“Trung Quốc đang chìa một “cánh tay hòa bình” nhằm kéo sự chú ý của các nước trong khu vực khỏi hoạt động mà cánh tay còn lại đang làm – đó là tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại biển Đông”, chuyên gia Úc, người có nhiều bài viết về Việt Nam, cảnh báo.
Báo cáo công bố hồi tuần trước của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) cho biết có hình chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo khổng lồ, với chiều dài ít nhất là 3.000 m, tại bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vài ngày sau bản tin của IHS Jane's, Trung tá Jeffrey Pool, người phát ngôn quân đội Mỹ, đã lên tiếng hối thúc Bắc Kinh ngừng ngay việc xây dựng hòn đảo nhân tạo nói trên.
Đáp lại phản ứng từ phía Mỹ và bản tin của IHS Jane’s, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố công trình xây dựng tại một vài bãi đá ở Trường Sa “chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của cán bộ viên chức Trung Quốc làm việc tại đây để giúp họ có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quốc tế như tìm kiếm và cứu hộ”.
-------------------------
Ông Kim Jong-un gọi Mỹ là “kẻ ăn thịt đồng loại” sau cáo buộc vi phạm nhân quyền
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện mối ác cảm với Mỹ một cách rõ ràng khi gắn mác cho người Mỹ là những "kẻ ăn thịt đồng loại" trong chuyến thăm bảo tàng "Tội ác Mỹ" ở Sinchon hôm 25.11, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Truyền thông nước này cho hay, ông Kim Jong-un kêu gọi một "cuộc chiến chống Mỹ toàn diện" khi trực tiếp chỉ đạo trong chuyến thăm bảo tàng "Tội ác Mỹ", nơi lưu giữ những hiện vật mà Bình Nhưỡng cáo buộc các vụ thảm sát dân thường của quân đội Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, theo Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA).
Đây là chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến bảo tàng ở Sinchon, tỉnh Hwanghae-nam, sau lần đầu tiên vào năm 1998. Vào thời điểm đó, ông Kim đến thăm bảo tàng cùng với cố Chủ tịch Kim Jong-il.
"Các vụ thảm sát của đế quốc Mỹ ở Sinchon cho thấy rõ ràng họ là những kẻ giết người tàn bạo và những kẻ ăn thịt đồng loại tìm kiếm niềm vui bằng việc tàn sát", KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhắc nhở người dân Triều Tiên không nên quên những tội ác chiến tranh của Mỹ ở khu vực này và khẳng định tội ác của Mỹ ngày càng xảo quyệt hơn. Ông Kim cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục chống Mỹ nhiều hơn ở cả trường học và gia đình.
Những tuyên bố của ông Kim Jong-un đưa ra một tuần sau khi một ủy ban của Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết chống lại các nhà lãnh đạo miền Bắc, cáo buộc họ vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống. Ủy ban này cũng đề nghị Hội đồng Bảo an đưa Triều Tiên lên Tòa án Hình sự quốc tế vì vi phạm nhân quyền, tuy nhiên nghị quyết này phải chờ Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua.
Cũng trong ngày 25.11, chính quyền Triều Tiên tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng tại quảng trường Kim II-sung, phản đối nghị quyết lên án tình hình nhân quyền ở nước này.
-------------------------
Nga lập bộ chỉ huy chiến lược ở Bắc cực
Bộ chỉ huy chiến lược liên quân Bắc cực của Nga sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1.12, RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin ngày 25.11.
Hiện Nga có 4 bộ chỉ huy chiến lược liên quân ở miền đông, tây, nam và trung. Bộ chỉ huy sắp được thành lập sẽ được đặt tại trụ sở của Hạm đội phương Bắc, vốn được xem là một trong những lực lượng quan trọng nhất của hải quân nước này.
Nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Bắc cực là điều phối hoạt động của các lực lượng vũ trang để bảo vệ quyền lợi ở những vùng cận cực thuộc chủ quyền của Nga. Bắc cực đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng về kinh tế và chính trị nên thời gian qua, Moscow liên tục tăng cường sức mạnh quân sự tại đây.
Hồi giữa tháng 11, Bộ quốc phòng Nga thông báo thành lập đơn vị máy không người lái ở bán đảo Chukchi để đảm bảo an ninh và kiểm soát việc phát triển hạ tầng quân sự tại Bắc cực. Trước đó, Moscow đã thành lập một căn cứ mới cho Hạm đội phương Bắc ở quần đảo New Siberia thuộc Bắc Băng Dương.
-------------------------
5 ứng cử viên ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Sau tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, xuất hiện 5 ứng cử viên cho vị trí bỏ trống. Trong số đó, theo giới phân tích Mỹ, Michele Flournoy và Ashton Carter có khả năng trở thành người thay thế ông Hagel.
Theo New York Times, ứng viên đầu tiên để thay thế ông Hagel là bà Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách Chính sách. Michele Flournoy giữ chức vụ này từ tháng 2.2009 đến tháng 2.2012.
Thời điểm đó bà là người phụ nữ quyền lực nhất tại Lầu Năm Góc, bà có nhiều ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng của Mỹ như cắt giảm chi phí quân sự vào năm 2013, và trên hết là việc rút lính Mỹ khỏi Afghanistan.
Hiện bà đang là giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ (CNAS), tổ chức không theo đảng phái, chuyên nghiên cứu chính sách vì an ninh và lợi ích của nước Mỹ. Tháng 10.2104 bà được bầu vào danh sách cố vấn cho tổng thống về an ninh và tình báo.
Ứng cử viên tiếp theo là Ashton Carter, cựu Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách Quân dụng, Kỹ thuật và Hậu cần. Ông tại vị từ tháng 10.2011 đến tháng 12.2013.
Ashton Carter làm việc trong lĩnh vực an ninh quốc gia trong nhiều năm, ông giám sát việc cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc. Ông tham gia vào chính quyền Obama từ nắm 2009 với vai trò người mua vũ khí “khủng” của Lầu Năm Góc, sau 2 năm thì thành Thứ trưởng tại đây.
Ông đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm chế ngự Trung Quốc. Trong sự nghiệp của mình, ông bốn lần được trao huy chương vì cống hiến vẻ vang cho Bộ Quốc phòng và một huy chương của cục tình báo.
Nhân vật thứ 3 theo tờ Washington Post nhận định là Robert O. Work có khả năng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Ông này nhậm chức Thứ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ từ ngày 30.4.
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Hải quân từ 2009-2013, thành viên cao cấp các vấn đề hàng hải của Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA), phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu chiến lược Mỹ. Ông cũng là thành viên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (ISSS).
Ứng cử viên thứ 4, theo tờ New York Times dẫn lời giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Obama dường như đang xem xét thượng nghị sĩ Mỹ Jack Reed của bang Rhode Island cho vị trí cao nhất tại Lầu Năm Góc. Tạp chí Time bình luận ông là người nghiêm túc, một cựu chiến binh tài trí, trung thực và là chuyên gia về các vấn đề quốc phòng tại Thượng viện.
Tờ New York Times miêu tả ông là nhà “giao dịch trầm lặng, được tôn trọng bởi các đồng nghiệp từ cả 2 đảng”. Người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Jack Reed cho biết ông không hứng thú lắm với vị trí mà ông Hagel để lại.
Trước đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã được xem xét như một lựa chọn cho chức Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2011, trước khi Leon Panetta được chọn.
Ông Mabus là người trực tiếp chỉ đạo việc tuyển dụng, tổ chức, trang bị, huấn luyện và huy động lực lượng tại Bộ Hải quân Mỹ. Giai đoạn 1988-1992, ông giữ chức Thống đốc bang Mississippi. Ông là người trẻ nhất được chọn cho vị trí này trong hơn 150 qua.
-------------------------