Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải
Chiều 25.11, Bộ Tài Chính đã có thông báo về kết quả kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải cho phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu.
Từ tháng 7.2014, giá xăng dầu đã liên tục có nhiều đợt giảm và tiếp tục giảm sâu. Thực hiện Công điện số 2118/CĐ-TTg ngày 28.10.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 3.11.2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông Vân tải kiểm tra việc thực hiện quản lý giá cước vận tải tại một số địa phương.
Kết quả kiểm tra:
Tại Hà Nội: Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỉ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỉ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%.
Tại TP.Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9%, vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỉ lệ giảm giá 2-11,33%.
Tại Đà Nẵng: Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán giảm (giá cước xe tuyến Đà Nẵng – Huế chắc chắn sẽ giảm khoảng 8,3%), các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7% so với giá liền kề.
Hiện các địa phương vẫn tiếp tục triển khai kiểm tra, rà soát, yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.
-------------------------
ADB cho Việt Nam vay 50 triệu USD
Ngày 25.11, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký hiệp định vay vốn trị giá 50 triệu USD nhằm triển khai dự án cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam, thúc đẩy chi tiêu cho du lịch, tạo thêm việc làm trong ngành du lịch cho người nghèo và các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Du lịch đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2013, Việt Nam đã tiếp nhận trên 7,5 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 10,6% so với năm 2012. Ngành du lịch trực tiếp đóng góp 4,5% trong tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra 2,3 triệu việc làm trong năm 2013, chiếm hơn 9% tổng số việc làm của cả nước.
Các dự án phát triển du lịch là một biện pháp hiệu quả để tạo thêm việc làm, phát triển các kỹ năng lao động và giảm đói nghèo. Mục tiêu cốt lõi của dự án này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều thông qua việc tạo ra các cơ hội thu nhập mang đến lợi ích cho những người nghèo, người dân tộc thiểu số và đặc biệt là phụ nữ - ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tạị Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết.
Dự án hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành du lịch tại các tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lào Cai và Tây Ninh, là các tỉnh nằm trên các hành lang kinh tế tiểu vùng Mê-kkông mở rộng. Việc triển khai dự án tại 5 tỉnh này dự kiến sẽ giúp tăng doanh thu hàng năm từ du lịch lên 480 triệu USD vào năm 2019 so với mức 190 triệu USD của năm 2012, tạo thêm 85.000 việc làm mới liên quan đến ngành du lịch, trong số đó 60% là dành cho phụ nữ. Dự án cũng sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác và hội nhập khu vực bằng cách hỗ trợ Việt Nam thực hiện các tiêu chuẩn du lịch của khu vực và thúc đẩy các chương trình du lịch xuyên quốc gia.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đánh giá, sự hỗ trợ này của ADB hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn chế và sự cạnh tranh về vốn của ADB ngày càng gay gắt. Sự hỗ trợ này của ADB sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện dọc hành lang các nước Việt Nam - Lào - Campuchia…
-------------------------
Phong tặng 198 nghệ nhân, làng nghề, sản phẩm
Ngày 25.11, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức phong tặng danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ VI cho 198 làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi, sản phẩm tinh hoa… của 36 địa phương trong cả nước.
Lễ phong tặng làng nghề Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần. Trong đợt phong tặng lần này có 300 hồ sơ gửi đến tham gia. Ban tổ chức quyết định phong tặng 198 làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi, đơn vị kinh tế làng nghề và sản phẩm tinh hoa. Trong đó, có 6 làng nghề truyền thống tiêu biểu, 7 đơn vị kinh tế làng nghề, 117 nghệ nhân, 35 thợ giỏi, 12 sản phẩm tinh hoa làng nghề và 21 nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực được phong tặng.
Việc phát triển mạnh mẽ các làng nghề có ý nghĩa quan trọng để quảng bá tính nhân văn, văn hóa của người Việt Nam. Tại lễ phong tặng, Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết: Làng nghề là một mô hình kinh tế truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong gần 10 năm thành lập, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cùng với hàng nghìn làng nghề đã thu hút gần 13 triệu lao động vào hoạt động sản xuất, bảo tồn và phát triển làng nghề.
Thông qua đó đã giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của một bộ phận bà con nông dân và người khuyết tật. Sự phát triển của các làng nghề cũng đã góp phần quan trong trong việc bảo tồn, phát huy những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đồng thời quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.
-------------------------
Doanh nghiệp tiêu dùng Nhật Bản tìm nhà bán lẻ VN
Trong 4 ngày 24 - 27.11, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản với các nhà bán lẻ VN tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm mở rộng và phát triển thị trường ra nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản.
Theo JETRO, VN là thị trường được các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Nhật Bản quan tâm nhiều nhất tại thị trường ASEAN.
Lần này, những lãnh đạo của khoảng 30 công ty Nhật đến VN trực tiếp giới thiệu các sản phẩm sử dụng trong đời sống hằng ngày như dụng cụ làm bếp, sản phẩm chăm sóc răng miệng, văn phòng phẩm, phụ kiện điện thoại…
Các doanh nghiệp Nhật sẽ tham quan trực tiếp các hệ thống siêu thị bán lẻ như AeonMall, Vincom, sau đó sẽ có buổi trao đổi thông tin và ký kết hợp tác.
-------------------------
Gắn chính sách tiền lương với năng suất doanh nghiệp
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu, các chính sách điều chỉnh tiền lương cần được cải thiện để tạo sự cân bằng giữa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp (DN) và giúp người lao động cũng được hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất của DN.
Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo “Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập” do Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 25.11 tại Hà Nội.
Được biết, tại Việt Nam, chỉ khoảng 1/3 số lao động có việc làm là được hưởng lương – nguồn thu nhập chính của họ. Tỉ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%).
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định chính sách hội nhập đã đem lại nhiều cải thiện đáng kể trong đời sống cho người lao động. Đặc biệt, chính sách tiền lương có đã nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong chính sách lương hiện nay như: vấn đề năng lực cạnh tranh của các DN chưa cao, năng suất lao động của người lao động còn thấp, các vấn đề tiền lương và đời sống người lao động còn nhiều khó khăn.
Thừa nhận thực tế tiền lương đang thu hút sự quan tâm của xã hội, đại diện ILO tại Việt Nam cho biết những thách thức được đặt ra với Việt Nam hiện nay là: Tác động của lương tối thiểu đối với DN, xác định lương tối thiểu đối với DN, vấn đề thảo ước lao động… Đây là những vấn đề cần được bàn thảo và từng bước xây dựng thành chính sách để đi vào đời sống thực tế.
Diễn ra từ 25-26.11, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ được thảo luận các nội dung như: Chính sách tiền lương và hội nhập quốc tế, xác lập tiền lương tối thiểu và ước lượng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tác động của điều chỉnh lương tối thiểu tới DN…
-------------------------