Người ta mới chỉ nhắc đến chuyện doanh nghiệp khó khăn ra sao khi tăng giá điện, giá xăng dầu…nhưng chưa thật sự phanh phui về những khoản phí “bôi trơn” mà doanh nghiệp phải “cõng” thêm. Đây là một trong những sợi dây đang ngáng đường phát triển.
Chia sẻ tại hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay cải cách thể chế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 19/3, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần nhấn mạnh việc có các Luật quy định nghiêm cấm hành vi của công chức nhà nước đòi hỏi doanh nghiệp “cõng” chi phí đối với các cơ quan nhà nước.
Vị chuyên gia kể lại, trong một lần đi giảng, có một nữ giám đốc chủ hai khách sạn nhỏ ở Hà Nội đã đưa ông xem thiệp chúc mừng năm mới của một cơ quan nhưng kèm theo đó lại là đề nghị chủ khách sạn phải mừng tuổi theo danh sách 35 cán bộ viên chức của cơ quan trên.
Trong một lần khác, ông đi công tác đến một tỉnh thì được Chủ tịch huyện mời ăn tối. Đến 10h30 tối thì ông Chủ tịch gọi điện các doanh nghiệp và “nhờ thanh toán” trong sự ngơ ngác của những doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, còn có những câu chuyện khác như mùa hè, lãnh đạo, công chức nhà nước “đòi” các doanh nghiệp phải đóng góp cho cán bộ nhân viên đi nghỉ hè, đi khảo sát nước ngoài… Theo ông Doanh, “đây là những việc đã đến lúc cần nói ra”. Thế giới quy định đây rõ ràng chính là những hành vi tham nhũng, vậy tại sao Việt Nam lại không? – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập mà Nhà nước lại nâng giá điện, tăng phí môi trường… thêm vào đó lại phải “cõng” thêm các khoản “phí bôi trơn” này thì tổng chi phí doanh nghiệp bỏ ra sẽ phải “đội” lên bao nhiêu, doanh nghiệp sao chịu nổi? Do đó, cần nhìn thẳng vào sự thật vào có những điều chỉnh để không “đụng vào những giới hạn”.
Cũng tại hội thảo này, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, không thể chỉ dựa vào các chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì còn những chi phí “bôi trơn” không được tính vào trong quá trình điều tra, không phản ánh hết được những thủ tục lằng nhằng gây khó dễ cho doanh nghiệp mà mới chỉ dựa trên những lời khai chính thống từ doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hồ, ở những địa phương nào có lãnh đạo quản lý, sở ngành quan tâm chỉ đạo trực tiếp và làm quyết liệt thì sẽ thay đổi, còn buông ra thì ngay lập tức sẽ chùng xuống. Đó là nguyên nhân mà có những tỉnh năm nay chỉ số PCI tăng, năm sau lại giảm năng lực cạnh tranh.
“Cũng cần phải thương doanh nghiệp Nhà nước”
TS Lưu Bích Hồ cũng chỉ ra rằng, không chỉ có các doanh nghiệp tư nhân mà cả những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng vấp phải những vước mắc này. Do đó “cần phải thương DNNN chứ không nên chỉ nói xấu, nói không hay”. Ông Hồ kể, có Tổng giám đốc một doanh nghiệp từng ngao ngán cho biết, một ngày có thể phải nhận tới hàng chục, hàng trăm cuộc điện thoại “hỏi thăm”.
Nói đến vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI chia sẻ, đúng là “cũng phải thương DNNN” nhưng cách thương này phải là đưa Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ chủ quản, để DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, đó mới là “thương” đúng cách.
“Chúng ta phải thương doanh nghiệp nhà nước, họ cũng cần môi trường kinh doanh bình đẳng và thương doanh nghiệp tốt nhất là đặt họ vào môi trường kinh doanh bình đẳng tức là phải đưa ra điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận dễ dàng nguồn lực” – ông Lộc nêu quan điểm.
Theo ông, hiện nay, các DNNN đang được hưởng nhiều thuận lợi nhưng đồng thời họ lại chịu sự can thiệp quá nhiều của cơ quan chủ quản trong khi điều quan trọng là phải để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường. Do vậy, phải giảm bớt sự can thiệp của cơ quan nhà nước với tư cách cơ quan chủ quản bằng cách tạo điều kiện giải phóng nó, nhà nước đóng vai trò như cổ đông, chủ sở hữu nhưng không can thiệp vào hoạt động hàng ngày.
“Có ý kiến nói cần làm sao để doanh nghiệp tư nhân bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng phải nói công bằng, để doanh nghiệp nhà nước công bằng, cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân”. Ông Lộc cho rằng, hiện có nhiều cách điều hành trên thế giới, Việt Nam có thể lựa chọn. Điều quan trọng là DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn và cũng có tiềm năng nên cần giải phóng để tạo điều kiện tự do kinh doanh.
Cơ quan quản lý cạnh tranh cần là cơ quan độc lập với tư cách cơ quan độc lập có thể ở bất kỳ bộ nào nhưng với điều kiện Bộ đó không giữ vai trò chủ quản doanh nghiệp nhà nước thì tính độc lập được đảm bảo.
“Sẽ là bài toán khó cho bất kỳ một ông Bộ trưởng nào khi vừa đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng vừa chăm lo quan tâm đến những “con đẻ” của mình” – ông Lộc dí dỏm.
Hiện có câu chuyện nổi lên đó là viêc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo ngành điện khi trước đó ông Vượng đã có thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vậy làm sao có thể đảm bảo được vấn đề minh bạch trong giá thành điện cũng như vấn đề tài chính?
Về câu hỏi này, ông Lộc cho rằng, EVN là doanh nghiệp có tính chất độc quyền tự nhiên và cơ quan phải phán xử độc quyền là Bộ Công Thương.
“Điều quan trọng là phải tiến tới bỏ chế độ chủ quản. Các bộ ngành chỉ quản lý nhà nước và không là chủ quản của DNNN lúc đó mới thực sự có môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng” – ông Lộc cho hay.
------------------------
Tiền tệ làm Putin thay đổi cuộc chơi với Bắc Kinh
Câu chuyện sử dụng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương Nga-Trung sẽ làm cuộc chơi thay đổi nếu Bắc Kinh và Moscow bắt đầu trao đổi các mặt hàng chính như dầu và khí đốt bằng nội tệ.
Trong một cuộc phỏng vấn tháng 11, Putin ám chỉ rằng, vấn đề này đã được thảo luận.
Tác giả Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu và ở Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment vừa công bố loạt bài phân tích quan hệ Nga - Trung Quốc. Xin giới thiệu tiếp phần cuối của loạt tư liệu này.
Trong năm vừa qua, quan hệ Nga-Trung đã phát triển nhanh chóng, tập trung vào ba điểm chiến lược: năng lượng, tài chính, cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Tài chính
Bị cấm vận vào tháng 7/2014, một số thể chế tài chính quốc doanh Nga đã bị hạn chế tiếp cận với thị trường vốn phương Tây. Kết quả là các công ty Nga bị cô lập khỏi các trung tâm tài chính như London và New York, và thúc đẩy nhu cầu tìm nguồn vốn thay thế.
Tháng 5/2014, một phái đoàn cấp cao Nga trong đó có Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov đã thăm TQ để thảo luận về khả năng thể chế tài chính TQ sẽ thay thế nguồn tín dụng phương Tây.
Đoàn đàm phán TQ dẫn đầu là Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đã hứa hẹn về sự hỗ trợ của Bắc Kinh và đề cập tới việc gia tăng vai trò tiền tệ quốc gia trong giao dịch thương mại song phương để thay thế đồng đô la hay euro; gia tăng các khoản vay từ ngân hàng quốc doanh TQ cho công ty Nga, mở thị trường giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho công ty nước ngoài…
Câu chuyện sử dụng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương Nga-Trung sẽ làm cuộc chơi thay đổi nếu Bắc Kinh và Moscow bắt đầu trao đổi các mặt hàng chính như dầu và khí đốt bằng nội tệ. Trong một cuộc phỏng vấn tháng 11, Putin ám chỉ rằng, vấn đề này đã được thảo luận.
Theo ông, Trung Quốc muốn mua dầu từ mỏ Vankor bằng đồng nhân dân tệ còn Rosneft thì có thể sử dụng nó để mua các thiết bị khoan thăm dò Trung Quốc. Với Moscow, việc này sẽ giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào đồng euro hay đô la. Còn với Bắc Kinh, đây chỉ là một bước tiến quan trọng khác trong nỗ lực thúc đẩy đồng tiền của họ trước khi có khả năng hoán đổi hoàn toàn.
Trong ngắn hạn, nguồn lực từ TQ không thể thay thế nguồn vốn từ phương Tây. Nhưng về lâu dài, nếu châu Âu và Mỹ tiếp tục duy trì cấm vận, các công ty Nga có thể phải gia tăng tận dụng cơ hội mà TQ cung cấp. Còn Bắc Kinh thì có cơ hội hoàn tất các thương vụ theo điều khoản của mình, và cũng biến Nga thành nơi thử nghiệm cho một số lĩnh vực tài chính cần thiết trước khi tiến hành mở cửa toàn hệ thống tài chính.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ
Quan hệ Nga-Trung trong hợp tác cơ sở hạ tầng và công nghệ thay đổi sau khủng hoảng Ukraine. Trong suốt 15 năm, tồn tại một quy ước không chính thức về việc TQ không được tham gia đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Nga. Xuất phát từ mối lo ngại về áp lực cạnh tranh với công ty địa phương và khả năng dòng người lao động nhập cư TQ sẽ đến Nga.
Tháng 5/2014, tập đoàn xây dựng đường sắt TQ (CRCC) đã bày tỏ quan tâm trong việc xây dựng các nhà ga mới cho hệ thống tàu điện ngầm Moscow. CRCC có thể tham gia xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao – đầu tiên của Nga – từ Moscow đến Kazan.
Do bị hạn chế chuyển giao công nghệ từ EU và Mỹ, nên Nga rất có thể tìm đến TQ. Nước này không thể cung cấp các công nghệ trọng yếu nhưng lại có sẵn nhiều công nghệ khác, với giá hợp lý.
Hợp tác công nghệ là vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong quân sự. 10 năm qua, ở Nga có một lệnh cấm không chính thức là không bán cho TQ những công nghệ tối tân nhất. Một phần Moscow lo ngại là những vũ khí bán ra ngày nào đó có thể chống lại chính Nga trong xung đột biên giới, lý do khác là e ngại khả năng sao chép của các công ty TQ.
Nhưng giờ đây, một số người ở Moscow lại muốn hợp tác không giới hạn với TQ trong lĩnh vực công nghiệp quân sự. Còn các chuyên gia TQ thì nhìn nhận sự hợp tác với Nga là điều quan trọng nếu muốn hiện đại hóa quân đội.
Một liên minh mềm
Ngoài hợp tác kinh tế, thì những vấn đề về chính trị cũng được hai nước quan tâm. Trước khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh và Moscow có nhiều điểm chung như: cùng phản đối sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á, tổ chức tập trận chung và cố gắng đưa ra một chiến lược để chống lại các cuộc “cách mạng màu”. Tình hình hiện tại chỉ củng cố thêm điều này.
Khó hình thành một liên minh quân sự chính thức, nhưng Nga và TQ có thể tạo thành một “liên minh mềm”. Khi đó, hợp tác chính trị có thể được mở rộng ở ba lĩnh vực: Hợp tác ở Trung Á, lựa chọn thay thế thể chế Bretton Woods (khuôn khổ tiền tệ quốc tế ổn định) và tăng cường hợp tác trong các vấn đề chính trị nội địa.
Trước khủng hoảng Ukraine, Moscow còn có quan điểm mâu thuẫn về sự mở rộng hiện diện của Bắc Kinh ở Trung Á. Một mặt Kremlin vui với yêu cầu khí đốt giá rẻ của Bắc Kinh bởi nó giúp Gazprom đảm bảo được thị phần ở thị trường châu Âu. Hai bên còn thành lập lực lượng chung phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Mặt khác, Nga lại lo rằng các nước cộng hòa Xô viết cũ có thể phụ thuộc TQ hơn là Nga.
Nhưng giờ đây Moscow đã sẵn sàng chấp nhận vai trò mới của Bắc Kinh như một cường quốc kinh tế ở Trung Á. Nga có thể ủng hộ việc lập một ngân hàng phát triển hay Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa – một ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình kể từ 2013. Hy vọng của Moscow hiện tại để duy trì vai trò ở Trung Á không phải là một cường quốc kinh tế lớn nhất mà là một nhà cung cấp an ninh.
Nga cũng sẵn sàng ủng hộ các thể chế tài chính khác nhau do TQ dẫn dắt. Năm ngoái, Moscow đã ủng hộ việc thành lập một ngân hàng phát triển của BRICS theo các điều khoản Trung Quốc đưa ra. Đây là dự án họ từng phản đối chỉ một năm trước đó.
Từ khi khủng hoảng Ukraine xảy ra, quan hệ giữa Nga và TQ đã trở nên toàn diện hơn. Với Nga, TQ không thể thay thế hoàn toàn phương Tây nhưng sự hợp tác có thể giảm thiểu tổn thất từ cấm vận. Với TQ, cuộc khủng hoảng đặt ra một cơ hội lớn để Bắc Kinh biến Nga thành một đối tác ‘thứ cấp’ và đảm bảo rất nhiều lợi ích chiến lược cho họ.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cho mối quan hệ này. Với Nga, quan trọng nhất là sự cân bằng giữa việc ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và mối quan hệ với các nước châu Á khác. Với Trung Quốc, trên tất cả họ sẽ phải đảm bảo các lợi ích của mình ở Nga trong khi vẫn duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ.
------------------------
Tổng thống Nga đề xuất thành lập liên minh tiền tệ khu vực
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (20/3) đề xuất thành lập một liên minh tiền tệ khu vực với Belarus và Kazakhstan.
Đề xuất của ông Putin đưa ra tại cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Putin khẳng định liên minh này sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 nước: “Chúng tôi nhất trí tiếp tục sự phối hợp trong chính sách tiền tệ. Chúng tôi tin rằng, đã đến thời điểm bắt đầu nghĩ về việc thành lập một liên minh tiền tệ trong tương lai. Sự hợp tác chặt chẽ hơn sẽ giúp chúng ta đối phó dễ dàng hơn đối với những mối đe dọa tài chính và kinh tế từ bên ngoài cũng như bảo vệ thị trường chung”
Tổng thống Putin cũng đề cập cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra. Theo ông Putin, tình hình bạo lực tại miền đông Ukraine đang giảm nhờ vào thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng trước. Ông bày tỏ hi vọng chính quyền Ukraine sẽ thực hiện đầy đủ các điểm trong thỏa thuận này./.
---------------------