Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam.
Tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là hơn 16,25 triệu cổ phần. Có 29 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức và 28 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng đăng ký mua là 620.500 cổ phần, chiếm khoảng 3,8% tổng lượng chào bán. Khối lượng đặt mua cao nhất là 100.000 cổ phần, thấp nhất là 200 cổ phần.
Kết thúc phiên đấu giá, toàn bộ khối lượng cổ phần đăng ký mua đã được 29 nhà đầu tư đấu giá thành công. Giá đấu thành công cao nhất là 15.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 10.050 đồng/cổ phần. Giá đấu thành công bình quân là 10.058 đồng/cổ phần.
Theo tin từ phiên đấu giá, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư cá nhân mua thành công với giá cao nhất là 15.000 đồng/cổ phần với khối lượng mua được là 200 cổ phần, chiếm 0,032%. Tất cả số cổ phần còn lại là 620.300 cổ phần đều được mua với giá 10.050đ/ cổ phần.
Không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham dự buổi đấu giá này.
Hầu hết các dự án lớn tại các khu vực “đất vàng” ở TPHCM đều đang gặp khó khăn trong việc “giữ chân” nhà đầu tư (NĐT).
Trong tháng 1.2015, Cty TNHH Tập đoàn Đông Dương - Indochina Group chính thức rút lui khỏi Dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư (quận 1). Dự án này trước đây được thiết kế gồm 5 tầng với sức chứa 1.500 ôtô, 500 xe máy. Tổng vốn đầu tư ước khoảng 1.600 tỉ đồng. Theo Indochina Group, sở dĩ tập đoàn này buộc phải rút khỏi dự án sau 7 năm đầu tư (từ 2008) là vì vốn đầu tư quá lớn, ngày càng tăng lên trong khi khả năng thu hồi vốn dự tính sẽ rất chậm.
Tương tự, TCty Đầu tư phát triển đô thị và công nghiệp Việt Nam (IDICO) cũng vừa xin rút khỏi dự án bãi đậu xe ngầm tại “mảnh đất vàng” khu vực công viên Tao Đàn (quận 1). Dự án này mặc dù cũng đã được IDICO đầu tư từ năm 2010 đến nay với tổng mức vốn 1.400 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm này đã không thể trụ lại vì phát sinh chi phí và khó khăn trong việc thu hồi vốn.
Và mới đây nhất, 2 đơn vị thuộc nhóm NĐT nước ngoài là các Tập đoàn Hongkong Land (Vương quốc Anh) và Sumitomo & Development (Nhật Bản) cũng vừa xin trả lại dự án có số vốn đầu tư hơn 7.100 tỉ đồng (khu đất số 164 Đồng Khởi, quận 1).
Thông tin được xem là bất ngờ, bởi trước đó, khu “đất vàng “này đã thu hút gần 70 NĐT xếp hàng xin được đầu tư, trong đó có một số NĐT có tiềm lực tài chính mạnh với vốn sở hữu lên đến hàng tỉ USD. Khu đất vàng này có diện tích gần 9.800 m2 từ lâu đã lọt vào tầm ngắm và là mơ ước của bao NĐT khi thị trường BĐS trong cơn sốt. Tại thời điểm đó, khu đất này dự kiến sẽ được xây khu thương mại, dịch vụ, văn hóa như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm (không có chức năng căn hộ kinh doanh) với tổng vốn đầu tư dự án 7.168 tỉ đồng. Theo tính toán, việc đấu thầu chọn NĐT khu đất này (sau khi trừ chi phí bồi thường thu hồi đất) sẽ giúp ngân sách thành phố thu về 1.600 tỉ đồng.
Vậy đâu là nguyên nhân? Do giá trị đất của dự án này bị định giá cao khiến NĐT tháo lui, chấp nhận phạt và mất tiền ký quỹ chăng? Chắc chắn là không, vì những dự án chỉ định thầu bao giờ giá cũng thấp hơn rất nhiều, thậm chí chỉ bằng giá khởi điểm nếu mở thầu công khai.
Theo giới đầu tư, ngoài yếu tố thị trường BĐS đóng băng, đặc biệt là phân khúc cho thuê văn phòng, nên dự án này không còn đủ sức hấp dẫn, quyến rũ để NĐT tiếp tục rót tiền vào. Song với vị trí vô cùng đắc địa, bên phải khu đất là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố và quảng trường... dự án này lại bất lợi về chiều cao và không có chức năng căn hộ kinh doanh. Tất cả các yếu tố trên dẫn đến tỉ suất sinh lợi rất thấp, khả năng thu hồi vốn chậm nên NĐT cân nhắc khi xuống tay đổ núi tiền vào dự án này.
Bên cạnh đó, khi chỉ định thầu, chính quyền thành phố cũng ra nhiều điều kiện ràng buộc như: NĐT không thực hiện dự án mà không có lý do chính đáng sẽ bị tịch thu tiền bảo đảm, cấm tham gia dự thầu các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố trong thời hạn 3 năm; NĐT cũng không được chuyển nhượng kết quả trúng thầu, chuyển nhượng vốn góp trong DN dự án cho NĐT khác… Đây được xem như là một trong những nguyên nhân khiến các NĐT gặp khó khăn vì đã bị chôn vốn và bỏ mất nhiều cơ hội kinh doanh khác.
Các điều kiện về thủ tục đầu tư, các ràng buộc đối với NĐT sau khi nhận thầu hiện đang được cho rằng quá khắt khe, cần được cân đối và quy định lại theo hướng cởi mở hơn nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư duy trì dự án, thay vì phải “thay ngựa giữa đường” gây ra thiệt hại, tốn kém tiền bạc vô ích của DN và ngân sách địa phương. Nhiều người cho rằng, tại thời điểm đấy, nếu mở thầu công khai thì dự án này sẽ chọn được NĐT đủ năng lực và tiềm lực tài chính để triển khai, cùng với đó, giá trị khu đất chắc chắn sẽ cao hơn giá chỉ định, đồng nghĩa Nhà nước có thêm một nguồn thu ngân sách để tái đầu tư cho xã hội.
Và như vậy, khu đất vàng, đất kim cương trở lại vạch xuất phát tiếp tục tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư mới. Cục mỡ tiếp tục treo trước miệng mèo!
------------------------
Giảm giá túi, bước đi khôn ngoan của Chanel?
Hãng đồ hiệu nổi tiếng Chanel vừa có một động thái mạnh mẽ là giảm giá bán túi xách tại nhiều thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, cách làm này có thể sẽ giúp Chanel tăng giá trị thương hiệu trên toàn cầu trong dài hạn.
Ở Hồng Kông, nơi các cửa hàng bán đồ hiệu mọc san sát, một điều khó tin đã xảy ra trong tuần này. Chanel giảm giá 1.400 USD mỗi chiếc túi xách có nắp. Giá của loại túi này tại thị trường Trung Quốc đại lục cũng được điều chỉnh giảm 1.300 USD. Loại túi này hiện có giá khoảng 4.400 USD tại Hồng Kông và 4.800 USD tại Trung Quốc.
Ba dòng túi nằm trong diện giảm giá bao gồm 2.55, 11.12, và Boy Chanel. Ngoài thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, Chanel còn áp dụng chính sách giảm giá tại các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Nga.
Các tín đồ thời trang - trước nay quen với việc giá đồ hiệu chỉ có tăng chứ không giảm bao giờ - xếp hàng dài ngoài các cửa hiệu Chanel ở Hồng Kông để sắm túi.
Giảm giá là câu chuyện hầu như rất hiếm khi xảy ra đối với các sản phẩm đồ hiệu cao cấp. Các thương hiệu thuộc phân khúc này luôn thận trọng tăng giá mỗi năm để tạo ra một ấn tượng rằng ít nhất thì sản phẩm của họ cũng giữ được giá trị theo thời gian. Chính sức mạnh về giá đã tạo ra niềm tự hào và hình ảnh đẳng cấp cho các hãng đồ hiệu cũng như người sử dụng. Sếp của một hãng đồ hiệu Pháp khác tại Trung Quốc nói rằng, ông thà chết chứ không làm theo cách của Chanel.
Cửa hiệu tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục luôn đem lại cho các công ty đồ hiệu mức lợi nhuận lớn hơn tại bất kỳ thị trường nào trên thế giới bởi mức giá cao được áp dụng. Tuy vậy, thời gian gần đây, chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Trung Quốc đã khiến giới công chức và doanh nhân nước này cắt giảm chi tiêu mọi thứ, từ các buổi yến tiệc, các cuộc đánh bạc, cho tới những chiếc túi xách đắt tiền.
Song song với giảm giá túi ở thị trường châu Á, Chanel tuyên bố sẽ tăng giá bán cùng sản phẩm tại thị trường châu Âu từ ngày 8/4, với mức tăng khoảng 20%. Trong khi đó, giá túi Chanel ở Mỹ, Nhật, Anh và Canada được giữ nguyên. Chanel tuyên bố, trong tương lai hãng sẽ không cho phép mức chênh lệch giá sản phẩm giữa các thị trường quá 10%.
Điều chỉnh giá bán có thể gây những tổn thất về tài chính. Doanh số lớn hơn tại thị trường Trung Quốc ở thời điểm này có thể sẽ không đủ để bù đắp cho phần lợi nhuận mất mát vì giảm giá. Trong khi đó, giá túi Chanel tăng tại châu Âu có nguy cơ làm doanh số tại thị trường này đi xuống.
“Chanel đã rất dũng cảm khi làm việc này, vì lợi nhuận của họ trong ngắn tới trung hạn sẽ bị ảnh hưởng”, nhà tư vấn trong lĩnh vực đồ hiệu Emmanuel Hemmerle ở Thượng Hải phát biểu. “Tuy vậy, về mặt giá trị thương hiệu, cách làm này sẽ đem lại hiệu quả tốt.
Thời gian gần đây, trước Chanel, đã có một số thương hiệu xa xỉ khác giảm giá bán sản phẩm. Hồi tháng 2, hãng đồng hồ Patek Philippe giảm giá 7% tại thị trường Hồng Kông. Thương hiệu đồng hồ TAG Heuer của tập đoàn đồ hiệu LVMH cũng giảm giá tại thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và một số thị trường khác.
Thực ra, Chanel, Patek Philippe và TAG Heuer đang đưa ra câu trả lời cho những người tiêu dùng khôn ngoan đang so sánh giá cả giữa các thị trường thông qua điện thoại thông minh và các mạng xã hội. Các thương hiệu này nhận ra rằng họ cần phải sử dụng tới những biện pháp phi truyền thống để ngăn chặn hoạt động bán hàng trực tuyến của các nhà phân phối không được cấp phép.
Thị trường đồ hiệu trực tuyến thường mập mờ và không ít người đã “vớ” phải hàng giả, hàng “nhái” khi mua hàng hiệu trên mạng. Để ngăn chặn sự nở rộ của thị trường này, các hãng đồ hiệu đã hạn chế số túi mà một khách có thể mua trong các cửa hiệu bán lẻ chính thức, lắp đặt camera và sử dụng nhân viên an ninh giám sát chặt chẽ nhằm ngăn những người buôn túi nhờ dân địa phương vào mua túi hộ. Tuy vậy, thị trường hàng hiệu trôi nổi vẫn phát triển mạnh.
“Không còn cách nào khác để chống lại tình trạng này bằng cách điều chỉnh lại giá cho cân bằng giữa các thị trường”, Giám đốc thời trang của Chanel Bruno Pavlovsky phát biểu trên tờ nhật báo Women’s Wear. Sau khi điều chỉnh, túi Chanel Le Boy ở Trung Quốc chỉ đắt hơn 5% so với ở Pháp, đủ để ngăn giới buôn túi hiệu xách tay giữa hai nước.
Theo hãng tư vấn McKinsey, hơn một nửa số tiền mà người Trung Quốc chi cho đồ hiệu được tiêu ở nước ngoài. Điều này khiến các hãng đồ hiệu phải “đau đầu” bởi họ đã đầu tư nhiều để mở các cửa hiệu mới ở thị trường Trung Quốc. Chỉ mua hàng hiệu khi sang châu Âu đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Trung Quốc tới các cửa hàng đồ hiệu trong nước ít hơn. Các thương hiệu xa xỉ cũng đứng trước rủi ro bị đánh giá là “chặt chém” tại Trung Quốc, gây lo ngại cho những người tiêu dùng chú trọng vấn đề giá cả.
Giá đồ hiệu ở Trung Quốc thường cao hơn 30-40% ở châu Âu, thậm chí có những sản phẩm chênh giá 50-80%. Thị trường đồ hiệu châu Âu nhờ đó phát triển mạnh, bất chấp kinh tế suy thoái.
Từ năm 2011 đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 46% so với Euro, nhưng các hãng đồ hiệu vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc điều chỉnh giá. Các hãng này đã quen với việc áp giá cao ở Trung Quốc, nơi nhu cầu được đẩy cao bởi văn hóa tặng quà của các doanh nghiệp. Tuy vậy, theo hãng tư vấn Bain Consulting, năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên chi tiêu vào đồ hiệu ở Trung Quốc giảm. Tháng 1 năm nay, doanh số nữ trang, đồng hồ và quà tặng đắt tiền tại Hồng Kông giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các hãng đồ hiệu không giảm giá ở Trung Quốc, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng. Một chiếc túi đeo vai Jackie của hãng Gucci có giá đắt hơn 82% ở Bắc Kinh so với ở Paris. Một chiếc túi Speedy 30 của Louis Vuitton ở Trung Quốc đắt hơn 65% so với ở Pháp.
“Một ngày nào đó, nhiều thương hiệu sẽ phải điều chỉnh giá bán trên khắp thế giới để giảm sự khác biệt giữa giá bán tại các quốc gia khác nhau và theo các đồng tiền khác nhau”, ông Jean-Claude Biver, Giám đốc phụ trách sản xuất đồng hồ của LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, nhận định. Ông Biver nhấn mạnh, thương hiệu đồng hồ cấp cao Hublot của hãng này đã duy trì chênh lệch giá bán giữa các thị trường ở mức chỉ 10%.
---------------------------