Gây ô nhiễm, Công ty rượu bia Đà Lạt bị phạt 250 triệu đồng
Ngày 19/3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa tiến hành xử phạt hành chính Công ty CP rượu bia Đà Lạt 250 triệu đồng về các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Công ty CP rượu bia Đà Lạt bị phạt 110 triệu đồng về hành vi xả nước thải ra môi trường có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, trong đó thông số Colifrom vượt chuẩn 220 lần với lượng nước thải 25m3/ngày đêm; 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung của đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, số tiền còn lại là mức phạt tăng thêm về các hành vi vi phạm trên.
Trước đó, vào cuối năm 2014, hàng chục gia đình sản xuất nông nghiệp chung quanh khu vực hồ Dã Chiến, phường 9, TP Đà Lạt, nơi đặt nhà máy sản suất của Công ty CP rượu bia Đà Lạt, không thể sử dụng nguồn nước của hồ này để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Vào thời cao điểm, nguồn nước ở hồ này đen xịt, cá chết hàng loạt, người dân phát hiện nhà máy này đã đẩy nước thải ra hồ, mạnh nhất là vào ban đêm.
Người dân địa phương đã kéo đến các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng để phản đối tình trạng gây ô nhiễm trên của Công ty CP rượu bia Đà Lạt.
----------------------
Xe siêu trọng trút gạo xuống đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để hạ tải
Ngày 20/3, trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sau lễ ký kết, các lực lượng đã triển khai cân tải trọng đồng loạt trên các điểm ra/vào, các nút giao trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Sau 3 ngày phối hợp, nhiều trường hợp xe quá tải đã bị xử lý nghiêm. Cụ thể, từ chiều 17/3 đến trưa 20/3, lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 400 xe có dấu hiệu quá tải, thì phát hiện 15 xe vi phạm. Trong số vi phạm, trung bình xe vượt quá tải trọng từ 15%-100%, cao nhất có xe vượt tới 219%.
Đại diện của VEC cũng cho hay, qua công tác tuần tra trên tuyến, tại thời gian kiểm tra vẫn có rất nhiều phương tiện dừng đỗ trên đường đoạn Km171-Km190 không di chuyển hoặc quay đầu vào khu dịch vụ km171 dừng đỗ và khóa kín cửa xe, các chủ xe rời khỏi hiện trường, trốn tránh không di chuyển đến khu vực kiểm soát tải trọng xe, nhiều xe đã tổ chức sang tải ngay trên đường cao tốc. Khi lực lượng chức năng đến đề nghị kiểm tra tải trọng xe, các lái xe khóa xe, rời khỏi hiện trường.
Thống kê cụ thể cho thấy trong ngày 18, 19/3 có khoảng 8-10 xe tổ chức sang tải ngay trên đường cao tốc tại km225 và tại trạm dừng nghỉ km171 có khoảng 15-20 xe sơ mi rơ móc 6 chân dừng đỗ và sang hạ tải, các xe có biển số từ các tỉnh khác nhau, các xe có sở hữu bởi nhiều doanh nghiệp vận tải như doanh nghiệp tư vấn, doanh nghiệp vận tải tư nhân Hoàng Đông, doanh nghiệp dịch vụ vận tải Thịnh Phát của tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp Lợi Phát của Hải Phòng.
Hàng hóa chuyên chở chủ yếu là gạo xuất phát từ cảng Hải Phòng đi Cửa khẩu Lào Cai.
-----------------------
Chuyển toàn bộ gấu nuôi từ Quảng Ninh về Tam Đảo
Hàng loạt gấu nuôi ở Quảng Ninh đã chết do bị bỏ đói. Phương án yêu cầu các chủ nuôi phải khắc phục tình trạng này gần như không thể thực hiện. Vì vậy Chính phủ vừa có chỉ đạo Quảng Ninh chuyển toàn bộ số gấu nuôi còn lại về Trung tâm cứu hộ gấu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng và tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các chủ nuôi gấu khẩn trương chuyển giao toàn bộ số gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) để gấu được cứu hộ, chăm sóc và nuôi dưỡng.
Thời gian vừa qua, các chủ nuôi gấu tại tỉnh Quảng Ninh đã bỏ đói gấu nuôi, cùng với việc gấu đã già nên nhiều gấu chết trong thời gian ngắn. Theo thống kê, cuối năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 152 con gấu, đến tháng 11/2014 chỉ còn 82 con. Báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho hay, toàn tỉnh chỉ còn 48 cá thể gấu của 18 chủ nuôi. Tuy nhiên số gấu này cũng không được chăm sóc tốt, cơ thể gầy yếu do bị suy dinh dưỡng lâu ngày.
Trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tỉnh Quảng Ninh vận động các chủ nuôi chuyển toàn bộ gấu trên địa bàn tỉnh về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam.
Xét kiến nghị trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, yêu cầu các chủ nuôi gấu khẩn trương chuyển giao toàn bộ số gấu nuôi trên địa bàn tỉnh về Trung tâm cứu hộ gấu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện vào tháng 9/2015.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị thực hiện việc chuyển giao số gấu trên; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ làm việc với Tổ chức động vật Châu Á, Trung tâm cứu hộ gấu để có giải pháp hỗ trợ cho các chủ nuôi gấu, nhằm nhanh chóng chuyển giao số gấu còn lại.
---------------------