Uy tín và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong các thể chế kinh tế quốc tế đang bị đe dọa bởi Trung Quốc.
Hàng loạt các đồng minh thân cận từ châu Âu đến châu Á đang phớt lờ cảnh báo của Mỹ và đệ đơn tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng.
Tiếp theo Anh, Pháp, Đức, Italy, các đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Australia và mới đây nhất là Nhật Bản đã tuyên bố sẵn sàng tham gia Ngân hàng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.
Không chỉ phớt lờ các cảnh báo từ cả cá nhân lãnh đạo lẫn chính phủ về ảnh hưởng tiềm tàng của ngân hàng này đến hệ thống tiêu chuẩn cho vay quốc tế, các quốc gia này còn bày tỏ sự hào hứng rõ ràng khi đệ đơn gia nhập AIIB.
Một khi AIIB được thành lập, ngân hàng này sẽ trở thành một thế chế tài chính quốc tế, chuyên cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng bằng đồng Nhân dân tệ.
Giới chức Anh, quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố tham gia sáng kiến trên cho rằng AIIB là một giải pháp đôi bên cùng có lợi.
Nghị sỹ Barry Sheerman nói: “Tôi nghĩ rằng hợp tác giữa Anh và Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Tôi đã tham gia rất nhiều vào nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước trên nhiều mặt và tôi nghĩ rằng việc tham gia ngân hàng trên là rất tốt. Đây là một bước tiến trong nhiều bước mà chúng tôi đang thực hiện để hợp tác nhiều hơn nữa với các đối tác Trung Quốc”.
Giới chuyên gia kinh tế của Italy thì dự đoán AIIB sẽ có một tương lai sáng sủa và Trung Quốc sẽ đóng vai trò lãnh đạo cũng như đảm bảo quy mô đầu tư.
Giáo sư kinh tế trường Đại học Luiss, Italy, Carlo Bastasin cho rằng việc tham gia AIIB sẽ hỗ trợ cho quá trình khôi phục kinh tế của nước này: “Tính chất của nền kinh tế Italia là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chính. Việc tham gia vào các dự án đầu tư lớn sẽ giúp tăng cường quy mô kinh tế và trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp này tham gia toàn cầu hóa”.
Trong khi đó, người Mỹ dường như không nghĩ vậy. AIIB được xem là một đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Mỹ.
Thông qua AIIB, đồng nhân dân tệ tràn ngập thị trường sẽ khiến vị thế quốc tế của đô la Mỹ, đồng tiền quan trọng nhất trong giỏ dự trữ ngoại tệ toàn cầu, suy giảm nghiêm trọng.
Trước đó, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo các đồng minh hãy suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định gia nhập AIIB. Mỹ tuyên bố không ngăn cản việc tham gia AIIB nhưng các nước cần phải chắc chắn sự điều hành của ngân hàng này là thích hợp cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn cao.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Việc tham gia ngân hàng này chắc chắn là quyết định của một quốc gia có chủ quyền. Nhưng điều quan trọng cho các nước thành viên tham gia AIIB là họ phải thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn cao bao gồm việc giám sát chặt chẽ và các biện pháp đảm bảo an toàn”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á thì khu vực này hiện cần đầu tư khoảng 8.000 tỷ USD vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Các thể chế tài chính quốc tế do Mỹ chi phối hiện nay khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu này. Như vậy, với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để đầu tư và nhận sự hoan nghênh của các nước không chỉ trong khu vực.
Với 32 nước khẳng định tham gia và nhiều nước khác sắp đăng ký trước hạn chót cuối tháng này, truyền thông Trung Quốc bắt đầu nói về sự thất bại của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng đối với các đồng minh của mình.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, dù là quốc gia đóng góp hàng đầu cho AIIB nhưng quyền lực của Trung Quốc sẽ dần bị giới hạn khi các nền kinh tế lớn khác tham gia vào ngân hàng này. Trung Quốc cũng khó có thể tự mình định hướng và xây dựng các chính sách khi ngân hàng này trở thành một cơ chế đa phương./.
-----------------------
Kéo dài căng thẳng quan hệ EU-Nga
Lãnh đạo 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-3 đã nhất trí duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk về Ucraina được thực hiện đầy đủ, tức là ít nhất đến hết năm nay.
Theo AFP, trong tuyên bố chung đưa ra sau ngày họp thượng đỉnh đầu tiên, EU quyết định tiếp tục gắn thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga với tiến trình thực thi thỏa thuận Minsk. Theo Chủ tịch EU Donald Tusk, các biện pháp trừng phạt sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay, thời hạn dự kiến các bên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.
"Thời hạn các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ gắn liền với việc hoàn tất thực hiện thỏa ngừng bắn, nhưng hãy nhớ rằng điều này chỉ có thể dự kiến được vào cuối năm 2015", AFP dẫn lời ông Donald Tusk phát biểu sau cuộc họp ở Brussels.
Ngoài ra, việc gia hạn trừng phạt nếu có cũng phải được bàn bạc vào tháng 6 tới sau khi phân tích tình hình tại khu vực xung đột ở Ucraina. Theo Chủ tịch Donald Tusk, EU có thể nới lỏng lệnh trừng phạt nếu Nga thực hiện cam kết chấm dứt hỗ trợ cho phe ly khai ở Ucraina, điều mà Mátxcơva kiên quyết bác bỏ. Ông Donald Tusk cũng cảnh báo về các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga nếu không giải quyết được các điều kiện trong thỏa thuận.
Được biết, gói biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đang áp đặt đối với Nga sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Kể từ tháng 8-2014, Mátxcơva cũng áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm lương thực, thực phẩm của phương Tây.
Việc trừng phạt Nga là vấn đề khiến nội bộ EU chia rẽ trong thời gian qua. Trước sự kiện máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi xuống miền Đông Ucraina, một số nước như Đức và Italia đã tỏ ra miễn cưỡng với ý định tăng cường trừng phạt Mátxcơva. Trong khi đó, các nước Đông Âu và Anh lại thể hiện thái độ cứng rắn trong việc áp đặt trừng phạt Nga, đặc biệt sau khi Mátxcơva sáp nhập Crưm vào tháng 3-2014.
Liên quan đến tình hình Ucraina, tại hội nghị nói trên, lãnh đạo các nước EU kêu gọi các bên xung đột ở Ucraina thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk và tuyên bố sẵn sàng ủng hộ quá trình này, cụ thể là ủng hộ phái bộ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thực hiện vai trò quan sát và kiểm soát tình hình thực hiện thỏa thuận trên. Các nước EU cũng khuyến nghị nên khẩn cấp thông qua gói hỗ trợ tài chính lớn thứ ba trị giá 1,8 tỷ euro cho Kiev.
Cũng trong ngày 19-3, Nga đã đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) một dự thảo nghị quyết yêu cầu chính quyền Ucraina ngay lập tức phải tiến hành tham vấn với lực lượng đòi độc lập tại miền Đông nước này về các cuộc bầu cử tại khu vực Donbass.
Dự thảo nghị quyết của Nga cho rằng, trước hết cần tiến hành cải cách Hiến pháp Ucraina với sự tham gia của đại diện các CHND Lugansk và Donetsk tự xưng. Luật bầu cử cũng phải được soạn thảo với sự tham gia của đại diện hai cộng hòa tự xưng này. Mátxcơva khẳng định, những điều này phù hợp với Thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được hồi tháng 2 vừa qua.
Văn kiện nói trên được Nga đệ trình lên LHQ chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ucraina Petro Poroshenko ký ban hành đạo luật sửa đổi, cấp quy chế đặc biệt tự quản cho một số khu vực thuộc Lugansk và Donetsk , với điều kiện tại đây phải tổ chức bầu cử theo luật của Ucraina. Ngoài ra, hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng này được coi là "các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm".
-----------------------
Ngoại trưởng Nhật-Trung-Hàn lần đầu hội đàm sau 3 năm
Ngoại trưởng 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay 21/3 sẽ có cuộc gặp đầu tiên sau 3 năm nhằm mục đích xoa dịu những căng thẳng xoay quanh các tranh chấp lãnh thổ và ngoại giao tại khu vực.
Yonhap dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay cuộc họp diễn ra hôm nay sẽ có sự tham dự của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và những người đồng cấp Trung Quốc, Nhật Bản là Vương Nghị và Fumio Kishida.
Hãng tin CNA cho biết cuộc gặp trên sẽ diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc trong hôm nay 21/3. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi các cuộc gặp Ngoại trưởng thường niên giữa 3 nước bị hủy bỏ năm 2013 do các tranh cãi về vấn đề lịch sử.
Theo CNA, các chuyên gia dự đoán cuộc gặp vào thứ Bảy này sẽ không đưa ra một quyết định quan trọng nào, nhưng sẽ thảo luận những vấn đề nhạy cảm gần đây trong khu vực, bao gồm Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại Hàn Quốc của Mỹ.
Theo kế hoạch, ba vị Ngoại trưởng sẽ có các cuộc gặp song phương vào buổi sáng nay trước khi tham gia cuộc họp 3 bên mà nhiều chuyên gia mong đợi là sẽ kết thúc bằng một tuyên bố chung.
Cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật, Trung, Hàn được tổ chức sau 3 năm gián đoạn này được cho là một bước tiến quan trọng trong quan hệ 3 nước và làm dấy lên hi vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2015.
Ba nước Nhật, Trung, Hàn có mối quan hệ kinh tế phát triển, nhưng đã có rất nhiều tranh chấp về chính trị kể từ khi Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và một phần của Trung Quốc trong Thế chiến II.
Bắc Kinh và Seoul cho rằng Tokyo đã không tỏ ra hối lỗi về những tội ác của Phát-xít Nhật trong Thế chiến II và đã phản ứng dữ dội khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe viếng thăm một ngôi đền tưởng niệm binh lính hi sinh trong cuộc chiến trên vào tháng 12/2013. Đây cũng là nguyên nhân khiến cuộc gặp Bộ trưởng ngoại giao 3 bên đã bị gián đoạn.
------------------------