Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định công nhận cho ngư dân đầu tiên trên địa bàn thành được hưởng chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ngư dân đó là ông Lê Văn Nhắn (tổ 1, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Ngân hàng thương mại (nơi ông Lê Văn Nhắn chọn vay vốn) tạo điều kiện thuận lợi để ông Nhắn sớm vay được vốn đóng mới tàu cá. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi kết quả vay vốn phát triển thủy sản của ngư dân trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tổng hợp kết quả báo cáo hàng quý về UBND thành phố.
Được biết, ngân hàng ông Lê Văn Nhắn chọn vay là Agribank Đà Nẵng và ông Nhắn đề nghị được vay 10 tỷ đồng.
Thiếu vốn sẽ dẫn đến chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu là mối quan tâm hàng đầu của 3 địa phương có đường cao tốc đi qua là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Ngày 20/3, đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã đến công trường đường cao tốc Đà nẵng – Quảng Ngãi đoạn thi công cầu Kỳ Lam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) và hầm chui qua núi Eo thuộc xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để kiểm tra thực tế việc thi công của dự án.
Theo ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 116,9km/139,2km (tỉ lệ 83,97%); trong đó nhu cầu tái định cư là 2.108 hộ nhưng chỉ mới bố trí được 1.034 hộ (49%).
Cả 3 địa phương cần 49 khu TĐC, trong đó Đà Nẵng cần 3 khu, Quảng Nam cần 21 khu và Quảng Ngãi cần 25 khu nhưng đến nay ở Đà Nẵng chưa hoàn thành 3 khu TĐC cho người dân, còn Quảng Nam đã xây dựng được 8/21 khu và Quảng Ngãi đã hoàn thành 24/25 khu TĐC.
Về vốn để giải phóng mặt bằng và các khoản chi khác, theo ông Mai Tuấn Anh, VEC đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về tình hình vốn đối ứng. Theo đó, cả dự án cần 5.298 tỉ đồng (kể cả dự phòng), trong đó cần 3.055 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng đến tháng 3/2015 chỉ mới bố trí được 1.638 tỉ đồng.
“Để hoàn thành cơ bản công tác GPMB cần bố trí bổ sung gần 1.500 tỉ, sau khi được Bộ GTVT cho phép, VEC đã tạm ứng cho các địa phương 600 tỉ đồng dùng cho GPMB. Tuy nhiên đến nay công tác GPMB vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn. VEC đề nghị ưu tiên cấp đủ vốn đối ứng cho dự án để giải quyết xong việc đền bù GPMB trong quý 2/2015 và đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành trong năm 2017”, ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc VEC cho biết.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đưa ra một số khó khăn trong quá trình thi công dự án như tiến độ GPMB còn chậm do thiếu vốn, việc phê duyệt các mỏ đất để đắp nền đường mất khá nhiều thời gian, có khi lên đến một năm cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ...
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu - cho hay dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến 30/6, cơ bản sẽ giải quyết được khâu GPMB và TĐC cho người dân bị ảnh hưởng. Còn Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi – ông Lê Viết Chữ thì hứa đến tháng 8/2015 sẽ giải quyết xong TĐC cho dân.
Trên công trình xây dựng hầm tại núi Eo (xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam)
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với 3 địa phương có đường cao tốc đi qua
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hiện còn 22 km đang vướng mặt bằng do thiếu vốn đối ứng để bố trí TĐC, ông cho rằng vốn đối ứng rất khó khăn, vốn có đồng nào thì tiêu hết ngay.
Ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định Bộ GTVT đã kiểm soát hết sức chặt chẽ thủ tục đầu tư, cắt giảm rất nhiều hạng mục đầu tư để không phát sinh thêm tổng mức đầu tư. Mục tiêu của Bộ GTVT là đưa dự án vào khai thác giữa năm 2017 chứ không phải như dự kiến ban đầu là cuối năm 2017.
Tại buổi làm việc với các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng muốn CNH-HĐH trước sau gì cũng phải làm đường cao tốc Bắc Nam mặc dù đã có QL1A. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là tuyến đường quan trọng được ưu tiên xây dựng trước với số vốn rất lớn nên Quốc hội rất quan tâm. Tuyến đường này xong sớm chừng nào thì sẽ thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của 3 tỉnh thành trung trung bộ chừng đó.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, hiện chúng ta giải ngân vốn ODA rất nhanh trong khi đó vốn đối ứng chạy không kịp. Các địa phương nên tạm thời ứng vốn trước, thậm chí có thể sử dụng nguồn nhàn rỗi của kho bạc để dự án sớm hoàn thành đồng thời có văn bản đề nghị Chính phủ có giải pháp tài chính.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu lãnh đạo 3 địa phương phải có quyết tâm đến 30/6 là phải giải phóng xong mặt bằng. “Sau cuộc làm việc này, chúng tôi phải báo cáo tổng thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để có giải pháp về vốn cho công trình”, ông Phùng Quốc Hiển phát biểu.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB, triển khai xây dựng các khu TĐC bố trí cho dân bị ảnh hưởng dự án, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa công trình vào khai thác trong quý 3/2017.
-----------------------
Việt Nam-Thái Lan nhất trí mở tuyến xe buýt xuyên biên giới
Ngày 20/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và người đồng cấp Thái Lan Tanasak Patimapragorn đã trao đổi về việc mở tuyến xe buýt xuyên biên giới cũng như sớm ký Bản ghi nhớ về Hợp tác lao động và Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giữa hai nước.
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phu nhân, từ ngày 19-21/3/2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Tanasak Patimapragorn và Phu nhân đã sang thăm chính thức Việt Nam.
Trong thời gian tại Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã đến chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 2 Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Song phương Việt Nam-Thái Lan (UBHH).
Sáng ngày 20/3/2015, tại Kỳ họp lần thứ 2 của UBHH, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác song phương kể từ kỳ họp lần thứ nhất UBHH (tháng 11/2013).
Hợp tác về văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân hai nước cũng không ngừng mở rộng. Năm 2014, Bộ Văn hóa hai nước đã ký Chương trình hành động trao đổi Văn hóa giữa Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2014 – 2016; trong đó có việc phối hợp tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Thái Lan và Tuần lễ văn hóa Thái Lan tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2016.
Hội Hữu nghị hai nước cũng đã hoạt động rất tích cực và là cầu nối giúp tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước theo đúng tinh thần Láng giềng hữu nghị và Đối tác chiến lược. Hợp tác giữa các địa phương cũng phát triển tốt đẹp; riêng trong năm 2014 có thêm 5 tỉnh của Việt Nam là Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Cần Thơ lập quan hệ kết nghĩa và hợp tác với 5 tỉnh khác nhau của Thái Lan.
Tại kỳ họp UBHH lần này, hai bên cũng đã trao đổi sâu và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Thái Lan trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; theo đó nhất trí kiến nghị tổ chức họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 kết hợp với chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, dự kiến trong nửa đầu 2015.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả Bản thỏa thuận về hợp tác quốc phòng ký tháng 9/2012; nâng cao hiệu quả các cơ chế tham vấn và đối thoại quốc phòng; thúc đẩy sớm họp Nhóm công tác chính trị - an ninh (cấp Thứ trưởng Bộ Công an) lần thứ 7 tại Thái Lan; đàm phán sớm ký Hiệp định dẫn độ tội phạm và Hiệp định dẫn độ.
Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020, sớm tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về Thương mại cấp Bộ trưởng lần 2 tại Thái Lan; đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, theo đó phối hợp triển khai các dự án lớn của Thái Lan tại Việt Nam (như dự án Nhà máy lọc hóa dầu tại Bình Định, dự án Khu đô thị công nghệ cao tại Quảng Ninh và dự án nhà máy nhiệt điện tại Quảng Trị…), sẽ giúp nâng tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
Hai bên nhất trí trao đổi để mở tuyến xe buýt xuyên biên giới Thái Lan - Việt Nam và xúc tiến hợp tác vận tải biển ven bờ giữa Thái Lan, Campuchia và Việt Nam; phấn đấu ký các văn kiện liên quan trong tháng 6/2015. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về lao động, sớm tiến tới ký Bản ghi nhớ về Hợp tác lao động và Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam sang Thái Lan.
Hai Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá cao việc ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước nhân dịp họp UBHH lần này; nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; sớm triển khai họp Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 5 và họp Tham vấn Lãnh sự lần 1 (dự kiến trong Quý II/2015); phối hợp triển khai chương trình hoạt động nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2016; cũng như lập đường dây nóng trao đổi trực tiếp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước.
Trao đổi về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Thái Lan, với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tham vấn thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Kết thúc kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần 2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Tanasak Patimapragorn đã cùng ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thái Lan, thông qua Biên bản Kỳ họp, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 3 tại Thái Lan (dự kiến vào tháng 3/2016).
---------------------