Liên minh châu Âu từ ngày 1/4 đã bãi bỏ quy chế hạn ngạch giá sữa sau hơn 30 năm áp dụng, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nông dân ngành sữa trong khối, đồng thời làm lợi cho người tiêu dùng.
Theo BBC, Liên minh châu Âu (EU) đã bãi bỏ quy chế hạn ngạch sữa đã áp dụng 30 năm qua đối với các trang trại nuôi bò trên toàn lãnh thổ từ ngày 1/4. Quyết định này nhằm mở rộng thị trường sữa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sữa tới các thị trường mới.
Ủy viên nông nghiệp châu Âu Phil Hogan mới đây cho biết, người nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu của các nước đối với sản phẩm của họ, đặc biệt là châu Á.
“Chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế khi bãi bỏ hạn ngạch... tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng trong khu vực nông thôn. Chúng tôi có cơ hội ở các thị trường mới… Đặc biệt là vùng Viễn Đông”, ông Hogan khẳng định.
Ông Hogan cũng cho rằng, châu Âu đã thất bại trong việc nắm bắt những cơ hội trong vòng 30 năm qua, trong khi các nước khác như New Zealand đã làm được.
Hạn ngạch sữa của châu Âu được đưa ra từ năm 1984 để ngăn chặn tình trạng sản xuất dư thừa, có thể dẫn tới “hồ sữa” và “núi bơ”. Hiện các ngành sản xuất sữa ở Đức, Ireland rất hoan nghênh chính sách dỡ bỏ hạn ngạch sữa.
BBC cho biết, giới nông dân Đức đã phải trả khoảng 15 tỷ euro để mua hạn ngạch và lệ phí hạn ngạch.
Trong khi đó, Hiệp hội Nông dân Ireland (IFA) ước tính, chấm dứt hạn ngạch sẽ tạo ra 9.500 việc làm thêm ở nước này và tăng 1,4 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Tuy nhiên, ông Hogan cảnh báo cần “tiếp tục cảnh giác” về trường hợp các nhà sản xuất sữa châu Âu bị đe dọa trước những rủi ro biến động giá.
Ông Romuald Schaber, Chủ tịch Hội đồng sữa châu Âu, bãi bỏ hạn ngạch sẽ tạo ra một sự bùng nổ “không thể tránh khỏi” trong ngành sản xuất sữa, đe dọa gây ra “rớt giá kinh niên”. Ông cũng dự đoán rằng: “Cuộc khủng hoảng tiếp theo đang tới gần…”.
Đang trong giai đoạn đỉnh của mùa khô, mực nước xuống thấp không chỉ làm thiếu nước tưới ảnh hưởng vụ mùa ở các tỉnh trồng lúa. Hiện các địa phương chuyên nuôi tôm như Cà Mau, Bạc Liêu nông dân cũng đang gặp khó cũng do thiếu nguồn nước sạch cho tôm.
Theo người nuôi tôm Cà Mau, cũng chính lý do trên làm cho tình hình dịch bệnh phát triển rất nhanh thời gian gần đây, gây ra thiệt hại khá lớn cho người nuôi.
Ông Đặng Văn Tuấn ở ấp Nhà Phấn Gốc, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cho biết, vụ nuôi vừa qua, tôm thẻ chân trắng nhà ông đang nuôi thuận lợi, được hơn 50 ngày thì tôm bỗng nổi đầu, bắt đầu bỏ ăn sau đó chết ngày càng nhiều. “Đắng lòng, tiếc lắm nhưng cũng đành chịu chớ biết sao. Tôm cứ nổi đầu lên, sau đó búng lên khỏi mặt nước”. Ông Tuấn nói.
Nhưng ông Tuấn vẫn còn may mắn vì vụ vừa qua tôm nhà ông đã có thể thu hoạch được. Tuy tôm nhỏ, giá thấp nhưng ông cũng thu lại được tiền thức ăn, thuốc và các khoản chi phí phụ, lỗ không đáng kể. Nhiều người nuôi trong địa phương tôm mới được 20 - 30 ngày chết như ngả rạ, lỗ cả chì lẫn chài.
Không chỉ riêng ông Tuấn, hầu như các huyện nuôi tôm công nghiệp tập trung của Cà Mau như huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước,… người nuôi tôm đang rất lo lắng trước tình trạng tôm công nghiệp nhiễm bệnh đang tăng nhanh.
Ông Nguyễn Văn Thoái, ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân mới bắt tay vào nuôi tôm công nghiệp được vụ đầu đã phải nhận trái đắng. Tôm ông nuôi qua được hơn 20 ngày, thì bắt đầu chết, và không lâu sau ông mất trắng mấy trăm triệu do đầu tư vụ đầu tốn kém.
Ông Thoái cho biết: Theo kỹ thuật viên hỗ trợ cho tôi, tôm chết do ngộ độc đáy. Nguyên nhân, xuất phát từ môi trường. Thực trạng tại địa phương, nước các kênh rạch đã cạn gần tới đáy, nguồn nước ô nhiễm đậm đặc hơn, chính vì vậy tôm rất dễ bị bệnh.
Đến thời điểm thay nước cho tôm, ông Thoái không dám thay toàn bộ chỉ dám bơm bớt nước ra, rồi châm thêm vào nhưng vẫn không thoát.
Theo người nuôi địa phương, nguồn nước vốn đã bị ô nhiễm khá nặng do vùng này đang phát triển nuôi công nghiệp rất mạnh, ý thức của người nuôi thì lại chưa cao. Hễ bị dịch bệnh nơi duy nhất để họ tẩu tán nguồn nước trong ao khi cải tạo lại là dòng sông gần nhất. Nguồn bệnh cứ thế theo dòng nước phát tán ra môi trường, mùa khô trên các kênh rạch mực nước lại thấp hơn bình thường. Cứ thế, các dịch bệnh như gan tụy cấp, đốm trắng, đỏ thân và các mầm bệnh khác dễ thâm nhập và làm ảnh hưởng tới nhiều hộ nuôi trong vùng.
Từ những khó khăn trên, tâm trạng lo lắng của những hộ đang nuôi là dễ thấy. Còn những hộ đã thất bại không dám đầu tư nuôi lại. “Tôi đang treo ao để qua thời điểm “nhạy cảm” này sẽ tiến hành tiếp”, ông Nguyễn Văn Thoái bộc bạch.
Không riêng gì người nuôi tôm công nghiệp Cà Mau, ở Bạc Liêu tình trạng này cũng khá phức tạp. Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết: Diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện hiện là 3.350 ha. Tuy ngành nông nghiệp huyện đã cảnh báo người dân trong vụ nuôi này, đặc biệt cẩn trọng về vấn đề nguồn nước trong mùa khô, nhưng cũng đã có đến khoảng 100 ha tôm nuôi vụ vừa qua của huyện thiệt hại. Trong đó, chủ yếu là bệnh gan tụy, một loại dịch bệnh rất phổ biến hiện nay.
Vài năm trở lại đây tình hình nuôi tôm công nghiệp tại đất Mũi (Cà Mau, Bạc Liêu) triển biến rất mạnh, diện tích nuôi không ngừng tăng. Do nuôi tôm công nghiệp thành công sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn, chính vì vậy diện tích nuôi tôm tăng mạnh. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của Bạc Liêu hiện đã đạt con số 15.000 ha. Còn theo Chi Cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh đến nay đạt 8.194 ha, tăng 42 ha so với đầu năm.
Ông Tiết Tiến Dũng, Chi Cục Trưởng Chi Cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang có chiều hướng tăng hơn năm trước, toàn tỉnh có 121 ha tôm bị nhiễm bệnh (đốm trắng 19 ha, hoại tử gan tụy 63 ha, khác 39 ha). Trong đó, chỉ riêng tháng 2 có 87 ha tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh, tăng 52 ha so với tháng trước.
"Tỉnh đã xuất 15 tấn chlorine để hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Đang trong giai đoạn khốc liệt mùa khô và sắp tới là thời điểm giao mùa, thời tiết rất phức tạp. Người nuôi nên thận trọng khi tiến hành nuôi và nên thường xuyên cập nhật thông tin đại chúng, chúng tôi sẽ có lịch thời vụ và những khuyến cáo cần thiết cho bà con", ông Dũng nói.
-------------------------
“Hốt bạc” nhờ kinh tế Nga xuống dốc
Jonas Nordlander không cảm thấy buồn vì kinh tế Nga lâm cảnh khó khăn trong thời gian này. Thay vào đó, những thách thức mà nền kinh tế Nga đang phải đương đầu lại giúp ích cho công việc làm ăn của ông.
Avito, công ty mà Nordlander đồng sáng lập cách đây 8 năm, đã trở thành website quảng cáo rao vặt lớn nhất ở Nga. Khi suy thoái ập đến và tỷ giá đồng Rúp giảm chóng mặt khiến người Nga cạn tiền, thì hoạt động kinh doanh của Avito lên như diều gặp gió. Người Nga đã ồ ạt rao bán trên Avito những vật dụng cá nhân và trong nhà, từ lớn đến nhỏ, như điện thoại di động, TV, ghế sofa, xe đẩy trẻ em, máy tính xách tay, mũ lông, ví da… để có thêm tiền tiêu trong lúc “cháy túi”.
“Giờ là lúc mọi người muốn bán tất cả mọi thứ đồ đạc bình thường trong nhà”, Norlander, 42 tuổi, một người Thụy Điển, cho biết. Số món đồ được rao bán trên trang Avito đã tăng 43% kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Nga bắt đầu cách đây 1 năm sau khi nước này sáp nhập Crimea. Tăng trưởng doanh số ở một số nhóm mặt hàng đã đạt tới mức “bùng nổ” - Norlander nói.
Câu chuyện thành công của Norlander cho thấy một thực tế lớn hơn: Trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở Nga, bao gồm các công ty đa quốc gia như Carlsberg hay Volkswagen, đang khốn đốn vì nền kinh tế đi xuống, vẫn có một số ít công ty ăn nên làm ra.
Các cửa hiệu nữ trang ở Nga những ngày này đạt doanh số lớn do người dân lo ngại lạm phát cao tìm đến các món đồ trang sức như một cách để giữ tài sản. Các nhà sản xuất thịt và rau của Thổ Nhĩ Kỳ không kịp đóng hàng xuất sang Nga để lấp chỗ trống mà hàng châu Âu để lại sau khi Tổng thống Vladmir Putin ban lệnh cấm nhập loại thực phẩm từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái. Doanh số các loại thực phẩm hộp, vốn được xem là mặt hàng dành cho những lúc đói kém, tăng 10%, cao gấp đôi mức tăng trưởng toàn cầu.
Gần đây, thị trường tài chính Nga đã hồi phục nhờ giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, dần ổn định và căng thẳng ở miền Đông Ukraine cũng lắng dịu. Tuy vậy, nền kinh tế Nga vẫn đang cận kề một cuộc suy thoái sâu. Chính phủ Nga dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 3% trong năm nay, một mức giảm mà giới phân tích cho là vẫn còn quá lạc quan. Đây sẽ là cuộc suy thoái đầu tiên của Nga kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Lạm phát ở Nga đã tăng vọt sau khi đồng Rúp mất giá 46% trong năm 2014. Cùng với đó, tiền lương thực tế của người Nga sụt giảm. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga, tiền lương thực tế ở nước này trong tháng 2 giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế khó khăn là một nhân tố dẫn tới nhu cầu của người Nga đối với các loại rau đóng hộp của công ty Pháp Bonduelle tăng mạnh. “Chúng tôi không kinh doanh trứng cá. Chúng tôi bán hàng bình dân. Những thứ chúng tôi có hấp dẫn người tiêu dùng vào lúc kinh tế khó khăn”, giám đốc điều hành (CEO) Christophe Bonduelle của công ty này phát biểu.
Bonduelle nói, doanh thu của công ty ở Nga thời gian này đang “tăng cao bất thường”. Lệnh cấm nhập thực phẩm từ châu Âu mà Tổng thống Putin đưa ra không áp dụng đối với thực phẩm đóng hộp.
Có lẽ, lạm phát là vấn đề khiến người Nga lo ngại nhất hiện nay. Nhiều người dân ở nước này còn chưa quên những ký ức kinh hoàng khi đồng Rúp bị phá giá vào năm 1998, đẩy tốc độ lạm phát lên mức hơn 100% chỉ vài tháng sau đó. Tốc độ lạm phát ở Nga hiện nay tuy chỉ bằng một phần mức lạm phát của năm 1998, nhưng vẫn là một con số đáng ngại. Tháng 2 vừa qua, tốc độ lạm phát ở nước này là 17%, so với mức 6% cùng kỳ năm trước.
“Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy lạm phát là vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay ở Nga”, chuyên gia kinh tế Charles Movit thuộc công ty nghiên cứu IHS cho biết.
Nỗi lo sợ này là tin tốt cho Adamas, chuỗi 250 cửa hiệu bán lẻ trang sức trên khắp nước Nga. Doanh thu của chuỗi này tháng 12 năm ngoái tăng 40% do một số khách “sộp” mua nữ trang với số lượng lớn bất thường. Một người Moscow đã chi 2 triệu Rúp cùng lúc để mua trang sức vàng tại một cửa hiệu của Adamas. Một cửa hiệu của chuỗi này ở Sochi đã phải lấy thêm hàng trong kho của một cửa hiệu khác khi một khách hàng mang 5 triệu Rúp tới mua dây chuyền vàng.
Đồng Rúp mất giá cũng đem đến nhiều lợi ích cho các công ty Nga làm ăn ở nước ngoài. Với doanh thu là USD hoặc Euro, các doanh nghiệp này hưởng lợi khi đổi từ ngoại tệ sang đồng nội tệ Rúp. Hai tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosneft và Gazprom của Nga cũng nằm trong nhóm những công ty hưởng lợi từ đồng Rúp mất giá, cho dù hai tập đoàn này phải “chịu trận” khi giá dầu giảm sâu.
Việc Nga cấm nhập thực phẩm châu Âu là cơ hội lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất khẩu thịt của nước này sang Nga năm 2014 tăng gấp 9 lần, đạt khoảng 19,8 triệu USD. Xuất khẩu rau, quả của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga cũng tăng 21%.
Về phần mình, trang quảng cáo rao vặt lớn nhất ở Nga Avito cách đây ít hôm báo cáo doanh thu năm 2014 tăng 79%, đạt 4,3 tỷ Rúp. “Avito giờ đã rất lớn, giống như một chỉ số của nước Nga vậy”, nhà sáng lập Nordlander nói.
------------------------