Sẽ có nhiều bất ngờ trước thời hạn chót để các nước nộp đơn xin gia nhập hệ thống Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng.
Vì lợi ích, đồng minh quay mặt lại với Mỹ
Theo tờ Diplomat, ngày 1/4 sẽ là hạn chót để các quốc gia nộp đơn gia nhập AIIB. Trong một tháng qua, số lượng các quốc gia đăng ký đã tăng lên nhanh chóng. Nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á và châu Âu đã phá vỡ liên minh với Mỹ để gia nhập AIIB. Trong đó, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Australia và Hàn Quốc đều đã nộp đơn từ giữa tháng 3.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đã có 42 quốc gia đăng ký gia nhập AIIB, nhưng mới chỉ có 30 quốc gia được chấp thuận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, danh sách các quốc gia được chấp thuận sẽ được công bố vào ngày 15/4 tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tiến hành tham vấn các quốc gia nộp đơn xin gia nhập AIIB trong những ngày vừa qua để có thể sớm đưa ra quyết định của mình”.
Thay đổi quy chế để Hong Kong, Đài Loan gia nhập?
Tờ Diplomat cho biết, có lẽ, điều gây bất ngờ lớn nhất là việc Đài Loan chỉ vừa mới nộp đơn xin gia nhập AIIB dù họ luôn bày tỏ mong muốn tham gia hệ thống này.
Quan chức phụ trách Tài chính Đài Loan Chang Sheng-ford tuyên bố, nếu được mời, Đài Loan sẵn sàng tham gia AIIB. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, Đài Loan mới vừa nộp đơn xin gia nhập vào đêm 30/3.
Người phát ngôn lãnh đạo Đài Loan Charles Chen I-hsin tuyên bố, việc gia nhập AIIB sẽ giúp “vùng lãnh thổ này tham gia sâu rộng hơn vào các vấn đề quốc tế và các tổ chức kinh tế và thương mại toàn cầu”.
Dù Đài Loan đã bày tỏ mong muốn của mìn, hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có muốn vùng lãnh thổ này gia nhập AIIB hay không.
Khi được hỏi về khả năng Đài Loan có thể gia nhập AIIB, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh khẳng định: “Liên quan đến vấn đề Đài Loan nộp đơn gia nhập AIIB, chúng tôi sẽ tránh để vấn đề về quy chế “hai quốc gia” hay “một một quốc gia hai chế độ” trở thành trở ngại”.
Hiện quy chế gia nhập AIIB chỉ được áp dụng cho các quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng Đài Loan sẽ không được chấp thuận theo chính sách “một quốc gia”. Tuy nhiên, Trung Quốc hoàn toàn có thể thay đổi quy chế này để coi Đài Loan là “một nền kinh tế”, thuật ngữ đã từng giúp Đài Loan đủ tư cách gia nhập APEC.
Trong trường hợp đó, Hong Kong cũng hoàn toàn có thể gia nhập AIIB bởi Hong Kong cũng đã là thành viên của APEC.
Quan chức phụ trách tài chính của Hong Kong Chan Ka-keung nhấn mạnh, việc AIIB có thêm Hong Kong cùng với các “dịch vụ tài chính chuyên nghiệp của vùng lãnh thổ này sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn”.
Triều Tiên- đồng minh cũng có thể bị loại
Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc để Đài Loan gia nhập AIIB, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng để Triều Tiên- đồng minh lâu đời của Trung Quốc, gia nhập AIIB còn “khó hơn rất nhiều”.
Tờ NK News cho biết, đề xuất xin gia nhập AIIB của Triều Tiên đã bị Trung Quốc từ chối bởi Triều Tiên không chấp thuận cung cấp thông tin chi tiết về tình hình kinh tế của nước này.
Ông Masahiro Kawai, cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ông đã được Chủ tịch AIIB Jin Liqun chia sẻ rằng, Triều Tiên rất muốn gia nhập AIIB.
“Khi tôi gặp ông Jin vào tháng 12/2014, ông ấy nói với tôi rằng, Triều Tiên đã đề nghị với ông Jin về việc gia nhập AIIB. Chủ tịch AIIB nói rõ với Triều Tiên rằng, AIIB cần thông tin đầy đủ từ nước này nhưng phía Triều Tiên đã từ chối cung cấp”, ông Kawai nói.
Theo đó, Trung Quốc yêu cầu rất nhiều thông tin từ phía Triều Tiên như thuế và các hoạt động kinh tế của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn biết Bình Nhưỡng sẽ sử dụng số tiền mà AIIB cho vay vào mục đích gì và tất cả các yêu cầu này đều bị Bình Nhưỡng từ chối.
Triều Tiên “đã ngừng việc công bố số liệu thống kê về kinh tế vào năm 1967, vì vậy họ sẽ khó để làm điều này vào thời điểm hiện tại”, ông Andray Abrahamian từ Choson Exchange, một tổ chức phi chính phủ của Singapore hoạt động vì mục đích hỗ trợ các doanh nhân trẻ của Triều Tiên chia sẻ.
“Tuy nhiên, với việc các doanh nghiệp và các quan chức kinh tế của Triều Tiên bắt đầu phải làm ăn với các đối tác nước ngoài, họ sẽ phải quen với việc này”, ông Abrahamian nói thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phản ứng của Triều Tiên bắt nguồn từ mong muốn đập tan những lo ngại của quốc tế về khả năng điều hành cũng như tính minh bạch của AIIB. Với việc các quốc gia thành viên sẽ theo dõi chặt chẽ “nhất cử nhất động của Trung Quốc” trong việc tuân thủ các quy định quốc tế khi thành lập AIIB, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không thể để Triều Tiên là “một ngoại lệ”.
Trong khi đó, khi được hỏi về việc Triều Tiên muốn gia nhập AIIB, bà Hoa Xuân Doanh cho biết, bà chưa nghe thông tin này và nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng “AIIB là một thể chế phát triển đa phương mở và mọi quốc gia đều được hoan nghênh tham gia vào AIIB”./.
------------------------
Đánh giá lại tổng thể dự án đường sắt xảy ra vụ hối lộ 80 triệu Yen
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp nghe báo cáo về dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi diễn ra hôm qua (31/3).
Ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt - cho biết, đến thời điểm này Ban đã hoàn thành báo cáo tổng hợp quy mô và tổng mức đầu tư riêng cho tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm.
“Ban kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội quyết định các yếu tố mang tính chất chủ trương đầu tư để Ban và tư vấn có thể lập kế hoạch và hoàn thiện được công tác điều chỉnh dự án. Cụ thể là các vấn đề về khổ đường, quyết định vị trí và kiến trúc của cầu đường sắt sông Hồng, quy hoạch ga Hà Nội, phương án kiến trúc ga Hà Nội, quy mô của ga Gia Lâm” - ông Thành nói.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 1 dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) sẽ xây dựng một tuyến đường phục vụ cả tàu đô thị, tàu quốc gia và tàu liên vận quốc tế, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng chạy xuyên khu vực nội thành TP Hà Nội. Chính vì thế đây là tuyến đường sắt khá phức tạp vì áp dụng nhiều khổ đường sắt khác nhau tương ứng cho từng loại đầu máy toa xe trên tuyến. Giai đoạn 1 được xác định trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Thanh Trì.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận dự án rất phức tạp, việc chuẩn bị thực hiện cũng kéo dài nên có nhiều thay đổi, kể cả các thay đổi về quy hoạch đường sắt quốc gia, quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội cũng tác động vào dự án. “Do vậy dự án cần có đánh giá lại tổng thể để báo cáo cấp có thẩm quyền. Mục tiêu là phải tổng rà soát tất cả dự án, kể cả các quy hoạch liên quan, tổ chức giao thông đầu mối của đường sắt đô thị, phân tích những vướng mắc, tác động để tổ chức đầu mối khai thác. Đưa ra định hướng báo cáo cấp thẩm quyền quyết định về chủ trương đầu tư sắp tới và phân kỳ đầu tư chi tiết để triển khai thực hiện có hiệu quả”- ông Đông nhấn mạnh.
Như Dân trí đã phản ánh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều tra xác minh, làm rõ thông tin về việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi một khoản tiền hối lộ lên tới 80 triệu Yen Nhật cho một số lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01- giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đã bước đầu làm rõ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt, như ông Trần Quốc Đông - nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Phạm Hải Bằng - Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Phạm Quang Duy - Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Nguyễn Nam Thái - nguyên Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án Đường sắt; Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt.
------------------------
Hàn Quốc điều tra quỹ đen tại dự án cao tốc VN
Theo báo chí Hàn Quốc, số tiền quỹ đen và “lại quả” vào khoảng 200 tỉ đồng.
Tập đoàn thép khổng lồ POSCO (Hàn Quốc) đã “dính” vào nghi án tạo quỹ đen trái phép tại dự án cao tốc Việt Nam giai đoạn 2009-2012. Báo Hàn Quốc Korea Times đưa tin cựu chủ tịch Tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) - ông Chung Joon-yang và một số cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của công ty này đã bị cấm xuất cảnh từ giữa tháng 3-2015 nhằm phục vụ điều tra.
200 tỉ đồng quỹ đen và “lại quả”?
Theo Korea Times, một số lãnh đạo POSCO điều hành các đơn vị thi công xây dựng các dự án tại Đông Nam Á bị cáo buộc đã lập một quỹ đen lên đến 10 tỉ won (gần 199 tỉ đồng) bằng cách thông đồng với các nhà thầu phụ ở địa phương để thổi phồng các chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam giai đoạn 2009 đến 2012. Trong khi đó, theo báo Korea Joongang Daily, con số này phải lên đến 10,7 tỉ won (gần 213 tỉ đồng). Báo này cho biết Văn phòng Công tố quận trung tâm TP Seoul đã ban hành lệnh tạm giữ ông Park, một cựu giám đốc POSCO Engineering & Construction (E&C) hôm 24-3. Ông này bị tình nghi và khai nhận là đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập một quỹ đen “khủng” tại chi nhánh của Công ty POSCO ở Việt Nam. Các điều tra viên đặt vấn đề liệu có ai đứng sau lưng ông Park để dựng nên toàn bộ việc này. Người kế nhiệm của ông Park cũng bị điều tra về các cáo buộc tương tự.
Theo Korea Times, các lãnh đạo POSCO bị tình nghi đã bị triệu tập thẩm vấn hồi cuối tháng 3-2015. Cuộc điều tra được mở rộng đến toàn bộ nhóm người của POSCO bị tình nghi trốn thuế và thực hiện những giao dịch không minh bạch xung quanh việc mua lại các công ty khác.
Các công tố viên cho biết lệnh cấm xuất cảnh đối với một số nhân vật chủ chốt của POSCO được ban bố ngay sau khi nhân viên điều tra kiểm tra trụ sở của POSCO (E&C) ở Songdo, TP Incheon (Hàn Quốc) và nhà ở của một số lãnh đạo POSCO hôm 20-3.
Tờ Korea Joongang Daily cho hay chủ tịch nhà thầu phụ của Posco E&C - Heungwoo Industrial cũng bị các công tố viên thẩm vấn trong vai trò nhân chứng. Các chi nhánh ở nước ngoài của Heungwoo Industrial, gồm: Heungwoo Vina và Yongha Vina, là nhà cung cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc ở Việt Nam cũng bị tình nghi đã đóng góp vào quỹ đen này.
POSCO cho biết quỹ đen chính là tiền “lại quả” cho các nhà thầu ở Việt Nam. POSCO đã sớm phát hiện ra nhờ công tác tự kiểm tra nội bộ và tiến hành kỷ luật những người liên quan.
Tuy nhiên, các công tố viên đang đặt thêm giả thuyết nhóm người trên đã tham gia vào quỹ đen một cách có hệ thống, tiền trong quỹ đen không chỉ là tiền “lại quả” cho phía Việt Nam mà còn được chuyển một phần về cho phía Hàn Quốc. Tuy nhiên, POSCO phủ nhận điều này.
Một công tố viên cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra càng sớm càng tốt về giá trị thật sự của nguồn quỹ đen và mục đích sử dụng của nó là gì”.
POSCO: Hai lần sai phạm do năng lực kém
Theo tìm hiểu của PV, POSCO là nhà thầu Hàn Quốc tham gia các dự án đường cao tốc tại Việt Nam. Đối tác của đơn vị này là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC). Các dự án mà POSCO tham gia là dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai… Ở cả hai dự án này nhà thầu POSCO đều dính đến các sai phạm và triển khai chậm tiến độ do năng lực kém.
Cụ thể ở dự án cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, ngày 26-12-2013, giám đốc thi công Cho Yang Cook thuộc nhà thầu POSCO E&C và một số cá nhân người Việt Nam liên quan đã bị kỷ luật vì sai phạm trong thi công không đúng kích thước thiết kế hạng mục móng cột hộ đoạn cầu Ruột Ngựa.
Đối với dự án Nội Bài - Lào Cai, mới đây lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng các nhà thầu Hàn Quốc như POSCO, Keangnam, Doosan… là những nhà thầu quốc tế yếu kém nhất. Sự yếu kém bộc lộ rõ trên công trường và việc không tuân thủ những điều kiện tối thiểu của hợp đồng như huy động máy móc, thiết bị, tài chính đã cam kết với chủ đầu tư. Xét tổng thể, nhiều nhà thầu Hàn Quốc dù lọt qua các cuộc đấu thầu cạnh tranh quốc tế hết sức gắt gao đã không chứng tỏ sự vượt trội về năng lực thi công, năng lực tài chính so với các nhà thầu nội.
Tại cuộc họp về dự án này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng từng nêu nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng nhà thầu Hàn Quốc tỏ ra đuối sức chỉ sau vài tháng thi công là do giá bỏ thầu quá thấp. Còn ông Mai Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VEC, chia sẻ giá thầu quá thấp khiến các nhà thầu Hàn Quốc chỉ có thể thuê được các nhà thầu phụ dạng “lông gà”, “lông vịt”.
-----------------------
Tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng trưởng theo chiều “thẳng đứng”
Mức tiêu thụ rượu bia trên thế giới trong 15 năm qua không tăng lên, trong khi lượng tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005.
Người Việt uống rượu bia tăng “phi mã”
Con số này được bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo liên quan đến phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ngày 2/4 tại Hà Nội.
Theo bà Hạnh, mức tăng sử dụng rượu bia tại Việt Nam chưa dừng ở đó mà còn có xu hướng tăng nhanh về mức độ. Dự báo đến năm 2025 số tiêu thụ sẽ là 7 lít/người/năm. Với mức tiêu thụ rượu bia này, Việt Nam đã được “thăng hạng" về tăng trưởng ngành rượu bia, trở thành nước đứng đầu ASEAN về tăng trưởng rượu bia.
Theo một nghiên cứu năm 2012, Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương với 3 tỉ USD và khoảng 68 triệu lít rượu. Điều tra về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên (14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ từng uống bia, rượu.
Các chuyên gia cho biết, lạm dụng rượu bia đang nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác. Cùng với thuốc lá, rượu bia là tác nhân của 8 loại bệnh như ung thư, cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt rượu bia là tác nhân trực tiếp gây bệnh duy nhất với tình trạng loạn thần do rượu và hội chứng rối loạn phát triển bào thai do rượu. Cả hai loại bệnh này đều có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh chóng.
“Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Một nghiên cứu của Savy II năm 2010 cho thấy có khoảng 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học trong một tuần trở lên. Gần đây nhất vụ việc một thanh tra kho bạc ở Hải Dương đánh chết vợ cũng là do anh này có sẵn men rượu trong người”, bà Hạnh nói.
Vậy có “ngưỡng” an toàn nào với sử dụng rượu bia? Bà Hạnh cho biết có 4 cấp độ nguy cơ trong sử dụng rượu bia, trong đó cấp độ an toàn lý tưởng nhất vẫn là không nên uống rượu bia. Ngoài ra. theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày. 1 đơn vị rượu tương đương với 10g cồn và tương với 2/3 chai bia 330ml, với 1 cốc bia hơi, 1 cốc 100ml vang hoặc 1 chén (hạt mít) 30ml rượu mạnh 40 độ.
Nhiều lỗ hổng trong quảng cáo bia rượu
ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo luật, rượu có nồng độ cồn 15 độ trở lên sẽ không được quảng cáo; cấm tất cả các hành vi dùng bia rượu khuyến mại cho người dưới 18 tuổi; cấm sử dụng rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới nhiều hình thức; cấm tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... có gắng với quảng cáo các sản phẩm rượu nhưng quy định này đã tạo nhiều khoảng trống pháp luật về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia.
Bởi rượu bia dưới 15 độ được quảng cáo như một hàng hóa, dịch vụ bình thường nên không có bất cứ sự hạn chế nào về đối tượng tiếp cận. Trong khi đó, việc quảng cáo, tài trợ, khuyến mại rượu bia là nguyên nhân thúc đẩy, gia tăng tình trạng sử dụng rượu bia do tác động đến đối tượng tiếp nhận, đặc biệt là người trẻ tuổi.
“Những người trẻ bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về rượu bia cao gấp 5 lần người đợi đến 21 tuổi mới uống. Theo đó cũng tăng khả năng nghiện gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp 6 lần sau khi uống. Có khả năng tai nạn xe cộ cao gấp hơn 6 lần do ống rượu bia”, bà Trang nói.
Vì thế, dự thảo mới nhất của Luật phòng chống tác hại rượu bia đưa ra nhằm ngăn sự tác động của bia rượu đến đối tượng sử dụng. Theo đó, việc quảng cáo bia rượu chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới của doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng, đại lý tiêu thụ đối với rượu, bia từ 13 độ đến dưới 15 độ. Chỉ được phát thông tin về quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ trên các kênh thông tin đại chúng sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Theo dự thảo này Chính phủ sẽ quy định danh mục một số địa điểm không được bán và sử dụng tại chỗ rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau thay cho quy định tại các dự thảo trước đó sẽ cấm bán rượu bia sau 22 giờ.
------------------------