Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa hề có bất cứ thông tin nào về việc phân biệt, kỳ thị đối với chất lượng và giá trị vàng miếng thương hiệu SJC có seri khác nhau, bởi lý do hết sức đơn giản:
Vàng SJC mang seri nào cũng là vàng miếng cùng chất lượng, tiêu chuẩn như nhau, do đã được mang thương hiệu Quốc gia; loại có 1 chữ cái hay 2 chữ cái đứng trước một dãy số chỉ là ký hiệu seri được khắc chìm lên mặt miếng vàng để dễ bề kiểm soát những lô vàng miếng đã được phép dập, bán ra thị trường.
Dấu hiệu nhận biết này cũng góp phần ngăn chặn được nạn vàng miếng giả, nhái thương hiệu SJC.
Đồng thời, khi dãy seri gồm các chữ cái và số này được ghi trên hóa đơn của người mua vàng thì lúc người sở hữu vàng miếng SJC đem bán, các cửa hàng hay trung tâm kinh doanh vàng miếng sẽ căn cứ vào đó để khỏi phải tốn công thử hoặc khỏi cần tháo các miếng vàng ra khỏi vỏ nhựa bọc kín bên ngoài.
Nhưng những ngày qua, thông tin từ một số khách hàng ở TP Hồ Chí Minh bị các cửa hàng kinh doanh vàng trừ tiền ở mức 100 – 150 ngàn đồng/lượng khi đem bán vàng miếng SJC loại chỉ có 1 chữ cái trước dãy seri so với loại có 2 chữ cái.
Điều này không chỉ khiến dư luận xôn xao, mà nhiều người đang sở hữu vàng miếng SJC cũng đã phải giật mình, vội soi lại những thông tin trên hóa đơn mua vàng và dãy seri gồm chữ cái kèm theo các con số được dập trên miếng vàng của mình xem có trùng khớp và là loại có 1 chữ cái hay 2 chữ cái.
Theo một thành viên của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh, thông tin này được xác nhận bắt đầu từ thông báo của Công ty SJC phát ra ngày 18/3 với nội dung:
Trước ngày 1/4, khách hàng bán vàng miếng SJC loại seri chỉ có 1 chữ cái vẫn được Công ty SJC mua lại bình thường, nhưng nếu muốn đổi lấy vàng miếng cùng loại và trên seri có 2 chữ cái, người mua phải bù chi phí. Sau đó, kể từ ngày 1/4 trở đi, khách bán vàng SJC loại chỉ có 1 chữ cái trên seri sẽ bị trừ 40 ngàn đồng/lượng.
Theo tính toán của TS Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, cách đây khoảng 2,5 năm – thời điểm trước khi vàng SJC được chọn trở thành thương hiệu vàng quốc gia, giữ ở vị trí độc tôn, thì lượng vàng miếng được gia công từ vàng nguyên liệu nhập về đã đạt con số 12 triệu lượng, trong đó SJC chiếm chủ yếu.
Sau ngày chính thức nắm giữ thương hiệu số 1 Việt Nam, lượng vàng miếng SJC được dập, bán ra thị trường tăng lên rất nhanh do một lượng lớn các loại vàng miếng mang những cái tên khác có bán giá rẻ hơn SJC đã được người sở hữu chấp nhận bán tháo, để SJC được phép đem nấu lại rồi dập thành vàng miếng SJC.
Để đổi những miếng vàng SJC bị móp méo thành những miếng vàng SJC sắc nét, người sở hữu đã phải tốn vài chục đến cả trăm ngàn đồng vào thời điểm đó. Hoặc chỉ là để có được những miếng vàng đóng bao, ép vỉ nilon kín của SJC nhằm giữ cho các miếng vàng này luôn thẳng thớm, nhiều người có vàng miếng SJC đã phải bỏ ra một vài chục ngàn cho mỗi lượng thời điểm đó.
Hơn thế, suốt những năm qua, giá bán vàng miếng SJC trong nước luôn cao hơn giá vàng thỏi trên thị trường quốc tế khoảng từ 2 - 5 triệu đồng/lượng.
Và nay, theo những lý giải từ Công ty SJC, thì xuất phát từ tâm lý của người mua vàng miếng chê loại seri có một chữ cái khiến lượng vàng miếng do DN này mua vào bị tồn đọng, khó bán ra kéo dài suốt thời gian qua.
Từ đó, DN phải chi phí đủ thứ như tồn đọng vốn, rủi ro, biến động về giá… trong thời gian chờ được NHNN cho phép dập lại thành loại seri có 2 chữ cái, thiệt hại một lần nữa được đẩy về phía người có vàng.
Chỉ cần tính mỗi người đang sở hữu vàng miếng SJC loại 1 chữ cái thiệt hại vài trăm đến vài triệu đồng, cộng dồn lại khi về tới Công ty SJC sẽ thành con số khủng.
SJC đang nắm giữ vai trò chủ lực của thị trường vàng miếng trong nước, do đó bất cứ thông tin hay vấn đề gì có thể gây khuấy đảo thị trường vàng miếng loại này đều phải được cân nhắc, kiểm soát chặt chẽ và can thiệp kịp thời từ phía NHNN.
-------------------------
Hạ thủy tàu cá vỏ gỗ 700CV đầu tiên đóng theo Nghị định 67
Sáng 30/3, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND huyện Phú Vang tổ chức hạ thủy tàu cá vỏ gỗ đầu tiên trên địa bàn tỉnh đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, do ngư dân Phan Văn Chinh (46 tuổi, trú thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) làm chủ.
Tàu cá này mang số hiệu TTH-916.67, dài 22m, có công suất 700CV; được Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận đóng, với khối lượng 100m3 gỗ kiền và hoàn thành sau 3 tháng thực hiện, có tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng.
Ông Chinh cho biết, để vay vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67, gia đình ông đã thế chấp thân tàu cá TTH-999.99 trên 1 tỷ đồng, cộng thêm nguồn vốn đối ứng 1,3 tỷ đồng mới vay được số tiền gần 7 tỷ đồng từ Chi nhánh Agribank Thừa Thiên - Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Việc đưa vào sử dụng tàu cá TTH-916.67 nhằm góp phần tăng năng suất khai thác thủy hải sản của địa phương, giúp ngư dân bám biển dài ngày và góp sức bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.
----------------------
Hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản có thuế 0%
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) và Nhật Bản; Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn 2015-2019, Bộ Tài chính vừa ban hành các thông tư quy định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi mới.
Tính đến thời điểm 1/4/2015, đối với biểu ASEAN - Nhật Bản, sẽ có 2.874 số dòng thuế có thuế suất 0% (tương đương với 30% tổng biểu thuế) và 413 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm.
Đối với biểu Việt Nam - Nhật Bản sẽ có 3.234 số dòng thuế có thuế suất 0% (tương đương với 33,8% tổng biểu thuế) và 354 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm.
Các dòng thuế có thuế suất bằng 0% tại thời điểm 1/4/2015 tập trung vào các nhóm mặt hàng: chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược…
----------------------
Xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ tiếp tục gặp khó khăn
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, từ tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ kiểm soát cá da trơn và cá tra, công việc vốn được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) thực hiện.
USDA dự kiến áp đặt tiêu chuẩn mới đối với Việt Nam và các nước xuất khẩu cá tra khác sang Mỹ nhằm bảo hộ ngành sản xuất cá da trơn Mỹ. Cụ thể, USDA sẽ yêu cầu nước xuất khẩu cũng phải có hệ thống quản lý tương tự như ở Mỹ, mà để đáp ứng được yêu cầu này, các nước xuất khẩu như Việt Nam phải mất nhiều năm.
Theo ông James Bacchus, cựu Chủ tịch tổ chức kháng kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam có thể kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới do vi phạm quy định của WTO.
Tuy nhiên, trước mắt, xuất khẩu cá tra nói riêng và cá da trơn nói chung của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ gặp khó khăn và chắc chắn sẽ giảm sâu trong quý II-2015.
----------------------
Kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển phụ thuộc vào 'sức khỏe' doanh nghiệp
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh tại cuộc đối thoại với khoảng 150 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài tại Hà Nội ngày 30/3 về chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2015 - Cơ hội và thách thức”.
Cuộc đối thoại tuy không phải là một diễn đàn chính thức, song thẳng thắn và chân tình giữa vị Bộ trưởng của nhiều chính sách đổi mới với các DN hàng đầu ở Việt Nam, để hai bên chia sẻ tầm nhìn và khát vọng, đồng thời tìm giải pháp cho một năm thành công hơn của kinh tế Việt Nam.
Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh năm 2015 được coi là năm dành cho DN, bởi “kinh tế Việt Nam có hồi phục và phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào “sức khỏe” của cộng đồng DN”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Năm 2015 đã khởi đầu tốt đẹp trong quý I, khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 6,03%. Sự phục hồi của nền kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay là rất lớn. Thậm chí, đã có những kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,3 - 6,5% trong năm 2015.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2015 là một năm bản lề quan trọng đối với phát triển DN, đó là không gian kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới đang được mở ra khi cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có những bước đi thực chất hơn, khi nhiều cơ hội hợp tác song phương và đa phương được thiết lập trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác sẽ được ký kết trong năm nay…
Đặc biệt, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, còn có các luật khác liên quan đến việc minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh...
Do vậy, khi các luật này đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn cho người dân và DN, tạo được làn sóng mới trong đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, mang lại động lực mới cho nền kinh tế.
-----------------------