Mới đây, khi trình sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đề nghị:
Không cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư (kể cả thông tư liên tịch), vì chức năng hướng dẫn thi hành pháp luật thuộc Chính phủ nên Chính phủ mới có quyền ban hành văn bản dưới hình thức “nghị định”. TAND Tối cao, VKSND Tối cao cũng không được ban hành thông tư và thông tư liên tịch. Đề xuất của Bộ Tư pháp về vấn đề này là xuất phát từ nhận thức cho rằng TAND Tối cao chỉ là cơ quan ngang bộ.
Hiện nhiều người, trong đó không ít những người giữ các cương vị lãnh đạo ở cả trung ương, địa phương và chính cán bộ tòa án cũng quan niệm rằng TAND Tối cao chỉ là một cơ quan ngang bộ, thậm chí chỉ ngang với một bộ “bình thường” chứ không thể ngang Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an được. Việc lầm tưởng này còn có lý do nữa là Nhà nước quy định các chức danh trong hệ thống tòa án chỉ tương đương với các chức danh của một bộ. Trừ chánh án TAND Tối cao được xếp ngang với phó thủ tướng, còn từ phó chánh án trở xuống thì hàm cấp chỉ ngang với thứ trưởng, vụ trưởng...; riêng chánh tòa các tòa chuyên trách của TAND Tối cao được hưởng phụ cấp trách nhiệm tương đương với phó tổng cục trưởng như của các bộ nhưng chẳng ai nói ông chánh tòa là phó tổng cục trưởng cả mà đều đưa vào diện “cấp vụ”.
Khi bàn về việc nâng cao vị thế của tòa án trong hệ thống bộ máy nhà nước theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49 đề ra, đã có ý kiến đề xuất: Ở TAND Tối cao cần có một ủy viên Bộ Chính trị và một ủy viên Trung ương Đảng làm phó chánh án, nếu được như vậy thì vị thế của TAND Tối cao hiện nay khác lắm rồi. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vừa qua chỉ có chánh án TAND Tối cao được bố trí là bí thư trung ương. Như vậy cũng là một sự kiện từ trước đến nay chưa từng có, vị thế của TAND Tối cao thời gian qua cũng không còn bị “lép vế” như trước nữa.
Theo quy định của Hiến pháp từ năm 1946 đến nay, bao giờ tòa án cũng là cơ quan tư pháp. Hiến pháp năm 2012 còn nhấn mạnh là “tòa án thực hiện quyền tư pháp”. Xét về mặt tổ chức bộ máy nhà nước thì TAND Tối cao ngang với Chính phủ, vì cùng là cơ quan do Quốc hội lập ra. Tuy nhiên, do chức năng nhiệm vụ chỉ là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp nên quy mô không bằng Chính phủ nhưng không vì thế mà cho rằng TAND Tối cao chỉ là cơ quan ngang bộ.
Muốn nâng vị thế của TAND thực sự là cơ quan thực hiện quyền tư pháp thì trước hết về nhận thức từ trung ương đến địa phương phải thay đổi. Đừng coi TAND Tối cao là cơ quan ngang bộ, tòa án cấp tỉnh là cơ quan ngang sở, ban ngành nữa.
Nếu cần sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản thì nên quy định “nghị quyết” của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có giá trị ngang với “nghị định” của Chính phủ. Nếu phải ký thông tư liên tịch gì đó với Bộ Công an thì không phải là ký với Bộ Công an mà Bộ Công an chỉ ký với tư cách được Chính phủ ủy quyền và cũng chỉ đối với một số lĩnh vực nào đó, còn hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán.
Để thay đổi nhận thức về vị thế của TAND Tối cao thì Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cần nghiên cứu thang bậc lương, các chức danh ở TAND Tối cao và tòa án các cấp sao cho tương xứng với cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được hiến định.
ĐINH VĂN QUẾ - Theo PLO