Không chỉ là nhằm thâu tóm quyền lực, việc này là vi phạm nguyên tắc độc lập của hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của bị can, bị cáo.
Sự việc Chánh án TAND thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Bình ra quyết định số 13/QĐ-CA ngày 23/1/2013 ban hành quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính… thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Thủ đô trong những ngày qua.
Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu sự việc này tại một buổi làm việc của Ủy ban Tư pháp và khẳng định quyết định trên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử quy định trong Hiến pháp, Luật.
Nguyên tắc độc lập xét xử luôn phải được đảm bảo đúng luật.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Bình cho rằng: “Đây là hoạt động bình thường của Tòa án”. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Đăng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Ông Bình không có thẩm quyền ra loại văn bản quy phạm pháp luật ấy. Ngay cả Chánh án TAND Tối cao cũng không được phép ra văn bản làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp, các Bộ luật tố tụng thì phải được thực thi, phải được tôn trọng tuyệt đối, Chánh án cấp tỉnh ra kiểu văn bản như vậy là đứng trên cả Hiến pháp”.
Trước những ý kiến đặt ra giả thuyết văn bản của ông Chánh án Nguyễn Đức Bình chỉ có ý trao đổi nghiệp vụ, Luật sư Nguyễn Đăng khẳng định: “Văn bản này nói rất rõ về việc phải báo cáo các vụ án hình sự, dân sự, khiếu nại hành chính trước khi xét xử thì không phải là trao đổi nghiệp vụ mà là can thiệp sâu vào công tác độc lập xét xử của các cấp tòa. Nó gây ra cái gọi là án bỏ túi, mà đây là điều chúng ta đang tìm mọi cách ngăn chặn.
Hơn nữa, mỗi ngày có vài chục vụ xét xử ở các cấp tòa trong thành phố Hà Nội, liệu ông Chánh án này có thời gian đọc hồ sơ, nắm được hết nội dung từng vụ để trao đổi với cấp dưới không? Tôi chắc chắn là không thể có thời gian cho ông ta làm việc ấy, vậy thì nghe cấp dưới báo cáo làm gì? Chỉ đạo gì được? Áp lực như vậy thì làm sao mà không oan, không sai? Phải chăng đó chỉ là một hình thức để thâu tóm quyền lực? Hay có lợi ích gì trong đó?”.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định số 13 của Chánh án TAND TP Hà Nội can thiệp thô bạo vào công tác xét xử.
Tại Điều 3 của quyết định số 13 liệt kê nhiều nội dung phải báo cáo với Chánh án TAND TP Hà Nội gồm: Các vụ án thuộc diện quản lý theo Chỉ thị 15-CT/TU ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị; Các vụ án đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử mà chưa đưa ra xét xử hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng bị kéo dài thời gian mở phiên tòa;
Các vụ án thuộc các tính chất: Hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; Các vụ án dân sự về thừa kế có kỷ phần được hưởng bằng giá trị; Các vụ án liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật;
Các vụ án mà thời hạn tiến hành tố tụng bị kéo dài, dư luận quan tâm, đã bị Tòa án nhân dân tối cao xử hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử lại vụ án còn băn khoăn về hướng giải quyết; Các vụ án mà đường lối xét xử lại không giống với đường lối của quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;…
Đặc biệt, tại quyết định này còn thòng thêm một câu yêu cầu báo cáo nghiệp vụ, đó là: "Các vụ án khác mà Chánh án TAND TP Hà Nội thấy cần thiết". Như vậy bất cứ khi nào Chánh án thấy "cần thiết" (theo ý chí chủ quan) là sẽ yêu cầu báo cáo? Liệu rằng đó có phải là cách để thâu tóm quyền lực?
Luật sư Nguyễn Đăng cho hay: “Trong quá trình hành nghề, các thẩm phán hay nói với nhau thuật ngữ ‘báo án’, tức là các thẩm phán phải báo cáo vụ án với cấp trên về đường hướng xét xử trước khi phiên tòa diễn ra. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn xảy ra ở những địa phương khác nhiều năm nay, nó đã là “luật” bất thành văn, không phải chỉ đến khi ông Bình ký quyết định số 13 thì nhiều người mới biết.
Trong công tác xét xử có những vụ án “khó xử” thường thì tòa cấp dưới sẽ xin ý kiến trước của tòa cấp trên. Những trường hợp như vậy án sơ thẩm tuyên xong mà người ta kháng cáo kêu oan thì cấp phúc thẩm không xử khác được nữa, vì cấp sơ thẩm đã xin ý kiến chỉ đạo rồi. Thế là y án. Như vậy cấp phúc thẩm đã tự triệt tiêu nguyên tắc hai cấp xét xử?".
Cũng theo Luật sư Nguyễn Đăng, nếu cứ để tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến oan sai, tiêu cực vì các thẩm phán mất quyền độc lập xét xử, không phát huy được tư duy sáng tạo trong khoa học pháp lý, phụ thuộc vào ý chí áp đặt của tòa cấp trên.
Luật sư Đăng bày tỏ: “Giới luật sư cảm thấy buồn vì trong nhiều vụ việc người dân vẫn bảo có luật sư tham gia phiên tòa nhìn cho đẹp đội hình vậy thôi chứ chẳng có tác dụng gì. Họ nói không sai nếu vẫn còn tồn tại lệ “báo án”, “thỉnh thị án”, vì tòa cấp dưới đã xin chỉ đạo của tòa cấp trên rồi thì kết quả tranh tụng tại tòa không còn ý nghĩa gì. Tôi mong rằng, thời gian tới đây, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp về mọi mặt, đặc biệt là công tác xét xử, công tác thi hành án”.