Tại cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo khai nhận, toàn bộ số tiền lừa đảo được, chúng ăn chia với nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel theo tỉ lệ 45-55%. Như vậy, với vai trò là người được hưởng lợi do hành vi lừa đảo mà có, các nhà mạng có phải là "đồng phạm" trong vụ án hay không?
LS Đinh Văn Quế: Công an đánh chết người - mỗi nơi xử một kiểu!
- Cập nhật : 13/07/2014
Trong phần nhận định, hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo có dấu hiệu tội dùng nhục hình (theo khoản 3 điều 298 Bộ luật hình sự) làm chết anh Ngô Thanh Kiều nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ để xử lý là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.
Các tình tiết của hai vụ án gần như giống nhau. Trong quá trình lấy lời khai, anh Ngô Thanh Kiều không nhận có trộm cắp, nên các cán bộ công an thay phiên nhau đánh đập anh Kiều đến chết. Còn ông Thuận cũng không nhận có đánh người nên bị bốn công an viên thay phiên nhau tra tấn dẫn đến ông Thuận tử vong. Lúc đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh chỉ khởi tố về tội cố ý gây thương tích và Viện KSND huyện Đông Anh đã phê chuẩn, nhưng sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội thay đổi quyết định, chuyển sang khởi tố tội giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự. Việc chuyển tội danh này được Viện KSND TP Hà Nội phê chuẩn và tăng truy tố lên khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự, theo tôi là hoàn toàn chính xác.
Thực tiễn xét xử loại tội phạm này nhiều năm qua cho thấy hành vi tra tấn người bị tình nghi hay người đã bị khởi tố đều bị xử về tội giết người. Nếu tòa án nào không xử tội giết người thì đều bị tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại. Chỉ được coi là tội dùng nhục hình khi điều tra viên có hành vi tra tấn, đánh đập, bắt bị can nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần... nhưng không gây nên cái chết cho nạn nhân.
Năm 1986 TAND tối cao cũng đã hướng dẫn trường hợp dùng nhục hình mà dẫn đến nạn nhân tử vong thì phải xử tội giết người. Hướng dẫn này tuy đã lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương nên căn cứ vào hướng dẫn của TAND tối cao để ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể hơn trường hợp nào thì xử về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích, trường hợp nào thì xử làm chết người trong khi thi hành công vụ, trường hợp nào thì xử về tội dùng nhục hình để cả nước áp dụng thống nhất.
Nếu mỗi nơi áp dụng pháp luật một kiểu thì nguyên tắc pháp chế bị vi phạm, lòng tin của nhân dân vào Nhà nước, vào công lý sẽ không còn, gây bức xúc cho xã hội. Cần phải lấy đúng sửa sai, chứ lấy sai sửa sai thì không bao giờ đúng cả.
LS ĐINH VĂN QUẾ
(nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Theo Báo Tuổi Trẻ