Mặc dù chúng ta đã có các thông tư, quy định về tạm nhập, tái xuất nhưng do còn nhiều kẽ hở nên các doanh nghiệp tha hồ lợi dụng vào đó để buôn lậu.
Đó là nhận xét của luật sư Bùi Đình ứng (đoàn Luật sư Hà Nội) về các vụ nhập lậu quy mô lớn bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây.
|
Luật sư Bùi Đình Ứng. |
- Thưa luật sư, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng trên cả nước liên tiếp phát hiện các hành vi buôn lậu qua hình thức tạm nhập, tái xuất. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Tạm nhập, tái xuất là loại hình hoạt động có nhiều ưu đãi về chính sách thuế nên không ít doanh nghiệp đã lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Minh chứng rõ nhất chính là việc thời gian gần đây, cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) liên tiếp phát hiện và bắt giữ những vụ buôn lậu quy mô lớn qua hình thức tạm nhập, tái xuất. Điều đáng nói, những mặt hàng tuồn vào Việt Nam lại là hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, hàng phế thải, thực phẩm đông lạnh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây mất an toàn cho cộng đồng.
- Thực tế cho thấy, việc quản lý các mặt hàng tạm nhập, tái xuất có vấn đề. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng, tuồn hàng lậu vào trong nước. Luật sư có thể phân tích sâu hơn về kẽ hở này?
Đúng vậy. Kẽ hở đầu tiên chính là do chúng ta quản lý bằng việc phân loại hàng hóa theo "luồng xanh" và "luồng đỏ". Mà hàng tạm nhập, tái xuất hầu hết được đi qua "luồng xanh". Chính vì việc được đi qua "luồng xanh" nên hàng tạm nhập tái xuất không thể kiểm soát trực tiếp được. Do đó, có trường hợp doanh nghiệp khai không đúng, gian lận.
Kẽ hở thứ hai là việc, trước đây chúng ta tạm nhập lô hàng nào thì tái xuất nguyên lô hàng đó, không được chia nhỏ ra. Tuy nhiên, hiện nay thì khác, chúng ta cho phép một lô hàng khi xuất được "xé" nhỏ. Đây chính là sơ hở mà các doanh nghiệp dựa vào đó để trà trộn, đánh tráo hàng rồi nhập lậu vào trong nước những mặt hàng cấm nhập, cấm xuất hoặc các mặt hàng có mức thuế cao... Ngoài ra, trước đây, hàng tạm nhập, tái xuất phải có sự áp tải của hải quan, nhưng gần đây lại quy định doanh nghiệp tự quản lý, tự vận chuyển, hải quan chỉ có thanh khoản giấy tờ. Một trong những kẽ hở mà chúng ta cần giải quyết đó là trước đây quy định thời gian lưu hàng tạm nhập, tái xuất ngắn nhưng bây giờ cho phép lưu dài ngày hơn. Đây chính là cơ hội để bọn buôn lậu có thời gian thực hiện hành vi của mình.
|
Ngà voi trộn với than củi bị bắt hôm 14/5. |
- Nhiều người cho rằng nên hạn chế, thậm chí phải cấm hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất để hạn chế buôn lậu, trốn thuế. Quan điểm của luật sư như thế nào?
Tạm nhập, tái xuất là loại hình kinh doanh không chỉ riêng ở nước ta mà phổ biến trên toàn thế giới. Mặc dù, kinh doanh tạm nhập, tái xuất không thu trực tiếp được thuế nhưng lại thu thuế thông qua các doanh nghiệp. Hoạt động này làm sôi động quan hệ thương mại, nhất là quan hệ thương mại biên giới. Theo tôi, ý kiến cho rằng, cần cấm tạm nhập xuất khẩu là một cách nghĩ phần nào đó thể hiện sự tiêu cực. Bởi, chúng ta đã hội nhập thì không thể nào "một mình một chợ" được.
- Vậy làm sao để chúng ta có thể quản lý được sự gian lận cũng như các hoạt động phi pháp qua hình thức này, thưa luật sư?
Theo tôi, chúng ta không nên cấm nhưng cũng cần quản lý chặt chẽ nhóm hàng hoá sau đây: Nhóm hàng cấm nhập, cấm xuất hoặc dừng nhập, dừng xuất; Nhóm hàng gây ô nhiễm môi trường như rác thải công nghiệp hoặc các loại hàng gây dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; Nhóm hàng có thuế cao. Bởi đây chính là mặt hàng dễ dẫn đến buôn lậu, trốn thuế. Ngoài ra, chúng ta nên quy định chỉ cho phép hàng tạm nhập 30 ngày, không gia hạn thời gian lưu hàng. Không có lý gì hàng tạm nhập được lưu trú tại Việt Nam 195 ngày như quy định cả. Quy định rút ngắn thời hạn này sẽ tránh được những sơ hở phát sinh mà doanh nghiệp lợi dụng trong quá trình tạm nhập, tái xuất. Tôi cũng được biết, Bộ Tài chính đã rất nhiều lần lên tiếng về vấn đề này nhưng chưa có chuyển biến.
Cũng vì độ phức tạp của lĩnh vực tạm nhập, tái xuất, tôi đề nghị các ngành liên quan cần "co" các điều kiện về năng lực doanh nghiệp để được cấp phép tạm nhập, tái xuất. Đơn cử như các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải đáp ứng được về vốn, cơ sở vật chất, thậm chí phải có bảo lãnh hoặc tiền ký cược đối với hàng tạm nhập, tái xuất không có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, để hạn chế những rủi ro ở những lô hàng do doanh nghiệp bỏ lại, từ chối nhận hàng, các cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng tái xuất và đảm bảo hàng nhập về sẽ được tái xuất đi.
Xin cảm ơn luật sư!
VĂN CHƯƠNG - ĐẶNG TUYỀN
Theo ĐSPL