Mới đây, luật sư đã khiếu nại, cho rằng Thẩm phán - Phó Chánh án TAND huyện Hàm Thuận Nam Lê Văn Xô cản trở luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi ông này vào trại giam gặp bị cáo để hướng dẫn việc kháng cáo.
Ông khiếu nại vì cả tòa án và trại giam đều cản trở hoạt động này của ông…
Việc khiếu nại này các cơ quan chức năng đang giải quyết nhưng có thể khẳng định việc cản trở này của tòa án là không đúng luật, không đúng thẩm quyền.
Bởi lẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, sau khi đã tuyên án, tòa án cấp sơ thẩm không còn quyền gì đối với mọi hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng, trừ việc hoàn tất thủ tục kháng cáo, kháng nghị; thông báo kháng cáo, kháng nghị và gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị cho tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị. Khi đã không có quyền thì không được ra bất cứ một quyết định nào, kể cả bằng miệng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử gặp trường hợp cấp bách không biết xử lý thế nào. Ví dụ: Thời hạn tạm giam của bị cáo đã hết, ai là người ra quyết định trả tự do cho bị cáo hoặc quyết định gia hạn tạm giam? Tòa án cấp sơ thẩm hết quyền, còn tòa án cấp phúc thẩm lại chưa thụ lý hồ sơ vụ án.
Vấn đề là sau khi xét xử sơ thẩm, luật sư gặp bị cáo trong trại giam được thực hiện theo quy định nào, ai là người có quyền cho luật sư gặp bị cáo. Về nguyên tắc, hoạt động của người bào chữa (luật sư) ở giai đoạn sơ thẩm cũng kết thúc sau khi tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, nếu luật sư bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì còn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Việc luật sư vào trại giam để tư vấn về quyền kháng cáo cho thân chủ là cần thiết nhưng cơ quan nào cấp giấy chứng nhận cho luật sư để vào trại giam thì chưa có quy định. Do không nắm chắc các quy định của pháp luật nên cán bộ trại giam gọi điện thoại cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc có cho luật sư gặp bị cáo hay không là không đúng pháp luật. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm yêu cầu không cho luật sư gặp bị cáo là không đúng thẩm quyền, trái pháp luật. Việc chánh án cho rằng thẩm phán đã xử lý đúng và không có hành vi lạm quyền hay cản trở luật sư như khiếu nại là không đúng.
Vậy ai là người có quyền cho phép luật sư gặp bị cáo trong trại giam sau khi tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án? Dù Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa hướng dẫn nhưng thực tiễn gặp trường hợp tương tự thì VKS với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp có quyền can thiệp để luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, nếu trại giam “máy móc” không cho luật sư gặp bị cáo. Với tinh thần cải cách tư pháp, tạo điều kiện cho luật sư hoạt động thì các trại giam không nên gây khó cho luật sư nếu việc cho luật sư gặp bị cáo chỉ để tư vấn về quyền kháng cáo cho thân chủ. Nếu cán bộ trại giam “sợ” trách nhiệm thì phải báo cáo lãnh đạo trại, lãnh đạo trại thấy vướng về pháp luật thì cần trao đổi với cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với VKS cùng cấp. Đối với tòa án, nếu nhận được ý kiến trao đổi thì nên thống nhất cách giải quyết sao cho vừa không trái pháp luật vừa tạo điều kiện để luật sư thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo.
Thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng nên có văn bản chính thức hướng dẫn về các quyết định tố tụng sau khi tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án và trước khi tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án.
ĐINH VĂN QUẾ// PLO