Khi bị thông báo công khai về cơ quan hoặc nơi cư trú, người mua dâm sẽ cảm thấy xấu hổ. Điều đó dẫn đến hậu quả khó tưởng tượng. Đàn ông có thể mất gia đình, người thân, thậm chí coi thường cái chết nhưng không bao giờ chấp nhận mất danh dự
Phát tán tin nhắn lừa đảo: Các nhà mạng có hưởng lợi?
- Cập nhật : 22/07/2014
Tại cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo khai nhận, toàn bộ số tiền lừa đảo được, chúng ăn chia với nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel theo tỉ lệ 45-55%.
Như vậy, với vai trò là người được hưởng lợi do hành vi lừa đảo mà có, các nhà mạng có phải là "đồng phạm" trong vụ án hay không?
Số tiền nhà mạng "hưởng lợi" có bị thu hồi như là một phần "tang vật vụ án" để trả lại cho người bị lừa đảo hay không?
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) và Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa triệt phá nhóm đối tượng sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao kết nối mạng internet phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt phí dịch vụ của người sử dụng điện thoại di động.
Cụ thể, đối tượng Lê Ngọc Tiến, nhân viên Công ty FPT bỏ tiền tổ chức thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập 3 công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel.
Từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014, các công ty này phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số trên với 27 cú pháp chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động. Số tiền này Lê Ngọc Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỷ lệ 45-55%.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an còn phát hiện một nhóm công ty khác là Công ty Thiên Ngân, Thiên Hà do Trần Ngọc Hùng, trú tại phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu phát tán tin nhắn lừa đảo. Bước đầu, cơ quan Công an xác định từ ngày 1-5 đến 13-6, Hùng và các đối tượng của Công ty Thiên Ngân, Thiên Hà đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo để chiếm đoạt 1,016 tỷ VNĐ.
Thủ đoạn lừa đảo của các công ty này tương tự giống nhau, chúng chia thành nhiều nhóm, trong đó một nhóm soạn thảo nội dung tin nhắn. Nhóm khác phát tán tin nhắn và một sốn người đảm nhận việc thu tiền. Các đối tượng sử dụng cú pháp khác nhau để lôi cuốn người với nội dung cổ súy cho lô đề, tử vi bói toán, lừa dảo trúng thưởng, ví dụ như: soạn tin để có 2 số cuối giải xổ số đặc biệt, nhận thư và lời giải xổ số miền Bắc...
Khi nhận được tin nhắn, chủ thuê bao gửi lại cho các đầu số sẽ tự động trừ từ 500 đồng đến 15 nghìn đồng/tin nhắn.
Liên quan đến việc “tiếp tay” của các nhà mạng, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao (Hãng luật hợp danh FDVN)
Luật sư Lê Cao.
PV:Thưa ông, tại cơ quan công an các đối tượng khai nhận, toàn bộ số tiền lừa đảo được, chúng ăn chia với nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel theo tỉ lệ 45-55%. Như vậy, với vai trò người được hưởng lợi do hành vi lừa đảo mà có, các nhà mạng có phải là đồng phạm trong vụ án hay không ?
LS Lê Cao: Như lời khai của các đối tượng trong vụ án, cơ quan điều tra cần xem xét, truy trách nhiệm của các nhà mạng trong việc để cho cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản. Thông thường, khi nhà mạng ký với các công ty cung cấp dịch vụ đầu số, hợp đồng sẽ thể hiện nội dung không can thiệp và không có trách nhiệm với những vi phạm của đơn vị thuê đầu số. Nhưng ở khía cạnh quản lý mạng viễn thông thì các nhà mạng không thể chối bỏ trách nhiệm.
Một điều đáng quan tâm là trong số tiền hàng chục tỉ đồng do các công ty lừa đảo, nhà mạng cũng thu lợi từ những khoản đó. Do vậy, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án về những hành vi vi phạm của các công ty này, cũng cần làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc hỗ trợ, giúp sức cho các hành vi lừa đảo thu lợi bất chính.
Nếu xác định, nhà mạng biết được các hành vi lợi dụng mạng viễn thông này để chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu các nhà mạng đã tiếp tay, giúp sức, tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm, thì cũng cần truy cứu trách nhiệm…
Đối tượng Lê Ngọc Tiến, kẻ cầm đầu tại các công ty hoạt động lừa đảo qua tin nhắn điện thoại di động.
PV:Cơ quan công an đã khởi tố các đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc các thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Như vậy, nhà mạng là đơn vị được hưởng ăn chia có liên đới như thế nào?
Liên kết tài trợ
Thiết kế web - Seo Web hiệu quả
Tin kinh tế - Sàn giao dịch kinh doanh
Thời trang công sở cho người thành đạt
Chăm sóc sức khỏe - địa chỉ phòng khám uy tín
LS Lê Cao: Như tôi đã nói trên, việc để cho các công ty thuê đầu số và cung cấp nội dung nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, một phần trách nhiệm thuộc về nhà mạng.
Các nhà mạng có thể dễ dàng biết được các hành vi lừa đảo qua tin nhắn để chiếm đoạt tài sản, bởi họ ký kết hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số, họ thu tiền và họ nắm rõ được các dịch vụ mà các công ty lừa đảo đang thực hiện. Do đó, cần phải điều tra, xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức trong việc giúp sức, tạo điều kiện cho các công ty lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Nếu có dấu hiệu cho thấy họ có vai trò đồng phạm thì có thể khởi tố bị can. Đối với số tiền thu lợi bất chính thì phải thu hồi để trả lại cho khách hàng bị chiếm đoạt.
Điều 226b Bộ luật hình sự được bổ sung năm 2009 mở ra cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để chiếm đoạt tài sản đang ngày càng phổ biến. Các hoạt động lừa đảo qua tin nhắn thuộc hành vi được hướng dẫn tại Thông tư 10/2012 xác định là một trong các hành vi phạm tội khác được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 226b Bộ luật hình sự: “Gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự”.
Đây là những bổ sung quan trọng, luật hóa những quy định cần thiết để chế tài nghiêm khắc đối với các loại hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong thời đại công nghệ thông tin.
PV:Được biết, tất cả những tin nhắn rác lừa đảo này đều phải thông qua dịch vụ VMS của nhà mạng, điều đó có thể khẳng định rằng, nhà mạng có kiểm soát và biết được hành của các đối tượng lừa đảo? Như vậy, nhà mạng vi phạm quy định nào của pháp luật?
LS Lê Cao: Luật viễn thông quy định, cấm lợi dụng mạng viễn thông nhằm gây phương hại đến trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, hay quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật... Thế nhưng, việc các nhà mạng biết rõ hành vi của các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số là sai trái mà còn hợp tác, thu tiền trên các hoạt động trái luật. Tôi khẳng định, đã có dấu hiệu vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu xác định đây chỉ lã lỗi trong quản lý, hoạt động dịch vụ cung cấp mạng viễn thông ở mức độ chịu xử lý vi phạm hành chính, thì các nhà mạng phải chịu xử phạt hành chính đối với sai phạm của mình. Nếu các cá nhân liên quan và có trách nhiệm, dấu hiệu phạm tội với vai trò đồng phạm với các cá nhân bị khởi tố về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 226b Bộ luật hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV:Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của nhà mạng trong các vi phạm tương tự như thế này?
LS Lê Cao: Thực trạng người dùng dịch vụ mạng viễn thông bị quấy rối, bị lừa đảo qua các tin nhắn rác đã xảy ra từ lâu, rất nhức nhối nhưng các nhà mạng vẫn vô can là hết sức vô lý. Nếu chỉ dựa vào trách nhiệm pháp lý được đẩy cho các công ty lừa đảo trên các hợp đồng ký kết mà nhà mạng đưa ra để chối bỏ trách nhiệm là không thỏa đáng. Nếu các nhà mạng vẫn vô can, mặc sức mở đường cho các hành vi vi phạm pháp luật thì quyền lợi của người dân sẽ mãi bị đục khoét.
Tôi cho rằng, cần phải đưa nhà mạng vào cuộc, bởi anh không thể chối bỏ trách nhiệm khi anh biết rằng, mình đang thu tiền từ hoạt động nào, dịch vụ gì, nhưng lại chối bỏ trách nhiệm khi các hoạt động, dịch vụ đó được chứng minh là phạm pháp.
Điều 226b Bộ Luật hình sự quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Thiên Minh (thực hiện)// Theo Petrotimes