Báo Chất lượng Việt Nam đang tổ chức tọa đàm giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lựa chọn công cụ cải tiến năng suất và chất lượng".
Ông Trần Dư - Tổng Biên tập Tạp chí Chất lượng Việt Nam tặng hoa chúc mừng các khách mời tham gia tọa đàm.
Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã được triển khai toàn diện nhằm nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng; tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng của SPHH, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) là cơ quan đầu mối thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng, tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến (GLTT):“Lựa chọn công cụ cải tiến năng suất và chất lượng” dự kiến vào hồi 09 giờ ngày 12.12.2014, góp phần xây dựng nền tảng cho các hoạt động năng suất và chất lượng trên toàn quốc, cũng như giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp thành công về năng suất và chất lượng.
Hiện nay, có một thực tế, hoạt động NSCL ở Việt Nam nói chung và các tỉnh thành trên cả nước nói riêng đang phát triển khá chậm.
Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng trên, tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, nguyên nhân khiến NSCL của Việt Nam kém trước tiên nằm ở nhận thức của Doanh nghiệp.
Theo ông Hải, nhiều Doanh nghiệp ở Việt Nam thường quan tâm tới các hoạt động áp dụng tiêu chuẩn quản lý có gắn với việc cấp Giấy chứng nhận như một mục tiêu có tính hướng ngoại, trong khi chưa hiểu rõ hay thiếu chú trọng đến khía cạnh cải tiến hiệu quả hoạt động nội bộ khi áp dụng các công cụ NSCL.
Mặt khác, hoạt động NSCL gằn liền với hoạt động của doanh nghiệp và đòi hỏi được đầu tư các nguồn lực thích hợp. Tác động của khủng hoảng kinh tế nói chung trong thời gian vừa qua cũng là một nguyên nhân cơ bản làm chậm đi quá trình đưa công cụ NSCL vào doanh nghiệp. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu các mô hình và công cụ NSCL, hình thành đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này cũng là những bước chuẩn bị rất quan trong ban đầu góp phần nâng cao khả năng triển khai rộng rãi các mô hình, công cụ NSCL vào Doanh nghiệp trong thời gian tới.
Còn nói về nguyên nhân tại sao nhiều doanh nghiệp đã sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm nhưng chất lượng vẫn không đảm bảo, bị lỗi, hỏng? Về vấn đề này, bà Phạm Thu Giang - Phó vụ trưởng vụ KH&CN (Bộ Công thương) nhìn nhận: Trong quá trình sản xuất, việc kiểm tra chất lượng thường được kiểm soát trong cả quá trình.
Đến công đoạn cuối lại được kiểm tra, tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ sản phẩm không đạt yêu cầu. Với các đơn vị sản xuất nếu khâu kiểm soát chất lượng kém, vẫn có thể có những sản phẩm bị lỗi hỏng ra đến thị trường, tuy nhiên tính trên tỉ lệ sản phẩm nếu sản phẩm kém và lỗi hỏng cao, uy tín doanh nghiệp sẽ đi xuống và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp.
Theo bà Giang, đối với đơn vị sản xuất, để giảm sản phẩm lỗi hỏng có thể áp dụng nhiều công cụ để giám sát khâu này như công cụ Phân tích tác động và hình thức sai lỗi (FMFA), Mô hình quản lý toàn diện (TPM)…
Trước băn khoăn của nhiều bạn đọc cho rằng, Năng suất lao động ở việt nam được đánh giá rất thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài lại rất thích đầu tư vào VN vì giá thành lao động rẻ. Vậy họ đã làm như thế nào để tăng năng suất lao động tối đa của nhân công giá rẻ? Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không làm như họ?
Với câu hỏi này, ông Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do hệ thống đào tạo chưa sát với thực tế doanh nghiệp. Thứ hai là do nhân công Việt Nam thường không tuân thủ kỷ luật lao động. Do đó nhân công Việt Nam trở nên rẻ so với trình độ chung.
“Theo tôi, các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nhân công lao động giá rẻ vào những quy trình khắt khe của họ đồng thời họ vẫn đào tạo nhân công giá rẻ để đáp ứng được yêu cầu công việc”, ông Lưu Minh Hải nhìn nhận.
Cũng theo ông Hải, kinh nghiệm từ phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa làm được như vậy bởi vì họ chưa chú trọng xây dựng quy trình và đào tạo nhân công bài bản như nước ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp VN rất tùy tiện tuyển nhân viên không theo một quy trình đánh giá nhân lực chung.
Tại buổi tọa đàm, vấn đề áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000 hoặc 14000 cũng được nhiều bạn đọc quan tâm.
Ông Nguyễn Trọng Lợi - Giám đốc trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp phát triển vừa và nhỏ 1 (SMEDEC1) chỉ rõ, một trong những nguyên tắc khi xây dựng và áp dụng các Hệ thống quản lý là việc hoạch định phân tích các quá trình, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý khoa học, từ đó kiểm soát các quá trình ngay từ ban đầu tức là làm đúng ngay từ ban đầu sẽ hạn chế lỗi xảy ra đối với sản phẩm, và tập trung vào phòng ngừa và cải tiến hệ thống.
“Khi doanh nghiệp xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp CBNV thực hiện công việc đúng ngay từ đầu và thường xuyên cải tiến công việc thông qua các hoạt động theo dõi và giám sát.
Một hệ thống quản lý tốt không những giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự thỏa mãn của khách hàng và còn giúp đào tạo cho nhân viên mới tiếp cận công việc nhanh chóng hơn, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động, lợi nhuận tăng”, ông Lợi nói.
Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi về NSCL do bạn đọc gửi về đã được các khách mời trả lời một cách đầy đủ, chi tiết.