Người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội sẽ không phải cùng chi trả 5% khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT như trước.
Chiều 22.5, Bộ Y tế họp báo công bố những điểm sửa đổi trong dự thảo Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đang được trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Nhiều quy định mới được coi là có lợi cho người dân hơn, tăng tính hấp dẫn của tấm thẻ BHYT.
+ Khi mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi. Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ 1. Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ 1. Trước kia người thứ 2 chỉ được giảm 10% so với người đầu tiên.
+ Hiện có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng mới chỉ 8 triệu cháu được cấp thẻ BHYT. Quy định mới yêu cầu trong vòng 3 tháng trẻ sinh ra, thậm chí sớm hơn là 60 ngày theo Luật hộ tịch, UBND xã/phường nơi trẻ sinh sống phải tiến hành các thủ tục, cấp thẻ BHYT cho trẻ cùng với việc cấp giấy chứng sinh, khai sinh. Thẻ này có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ có giá trị đến ngày 31.9 của năm đó, để trường nơi các cháu học kịp mua thẻ BHYT học sinh cho trẻ.
+ Ngoài đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã được nhà nước mua thẻ BHYT, nay bổ sung đối tượng là những người dân tộc Kinh đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được cấp thẻ bằng nguồn ngân sách nhà nước.
+ Hiện tại, khám chữa bệnh cận thị, tật khúc xạ của mắt nặng không được chi trả BHYT. Việc thanh toán BHYT đối với tai nạn giao thông cũng rất khó thực hiện do những phức tạp trong thủ tục, thời gian xác định có vi phạm pháp luật hay không, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Từ nay trở đi, sẽ thanh toán điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi; thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.
+ Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội. Mức hưởng BHYT của thân nhân người có công với cách mạng (cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) tăng từ 80% lên 100%; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%. Mức hưởng BHYT của người thuộc hộ cận nghèo cũng tăng từ 80% lên 95%.
+ Quỹ BHYT thanh toán 100% tiền khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh tham gia BHYT liên tục trên 5 năm, đồng thời số tiền cùng chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, việc thanh toán 100% này không áp dụng nếu bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục.
+ Bệnh nhân vượt tuyến lên BV tuyến TƯ chỉ được thanh toán 20% chi phí, thay vì 30% như hiện nay. Mức thanh toán khi đi khám chữa bệnh vượt tuyến ở tuyến tỉnh, huyện vẫn giữ nguyên là 50% và 70% như cũ.
+ BHYT ở địa phương không tiêu hết số tiền quỹ trong năm đó thì cũng không được trích lại. Trường hợp địa phương bội chi, UBND tỉnh/TP có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ ngân sách địa phương. Quy định này làm gia tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc sử dụng hợp lý quỹ BHYT.