Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi - một trong những dự án tai tiếng vì liên quan đến nghi án tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Ảnh: Hải Nguyễn
Sáng 20.10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã có báo cáo chuyên đề về kết quả phòng, chống tham nhũng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Năm 2014, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự. Nhìn vào những con số này, người dân cảm nhận có cái gì đó không bình thường, dường như vừa bất lực, vừa thiếu nghiêm minh.
Tham nhũng -cái nhìn từ nhân dân
Tham nhũng thì “phổ biến”. Diễn biến thì “phức tạp”. Xảy ra thì ở “nhiều lĩnh vực, nhiều cấp”. Kê khai tài sản thì “hình thức”. Thu hồi tài sản thì thấp... Đây là những nhận xét của cử tri, nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng - mà Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày sáng qua - trước Quốc hội.
Cử tri và nhân dân có cái nhìn từ thực tế khi mà tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến. Nào là nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công. Nào là lót tay, chạy chọt, như “điều kiện đầu tiên” mỗi độ đến cửa công. Tham nhũng trong cả lĩnh vực người ta thường nhấn mạnh đến y đức, như trong trong lĩnh vực y tế. Tham nhũng ngay cả trong việc thực hiện các chính sách mang tính chất nhân đạo, đền ơn, đáp nghĩa - như việc thực hiện chế độ, chính sách người có công, các chính sách xóa đói giảm nghèo. Tham nhũng tràn cả vào giáo dục. Lan cả sang lĩnh vực hoạt động công ích.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng tại Quốc hội sáng 20.10. Ảnh: TTXVN
Báo cáo kiến nghị cử tri không có những con số, nhưng có trong đó cái nhìn và sự cảm nhận của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng. Ấy là, việc kê khai tài sản được cho là mang tính hình thức. Ấy là, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chỉ có hiệu quả thấp. Ấy là, việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế. Và cả nỗi xót xa khi việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp.
Tham nhũng - cái nhìn của Nhà nước
Báo cáo chống tham nhũng do Tổng Thanh tra thừa ủy quyền Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng qua, thật ra, như là minh họa bằng con số cho cái nhìn người dân về tham nhũng. Vẫn là những câu chữ quen thuộc: Tham nhũng thì “ngày càng tinh vi, khó phát hiện”. Các đối tượng tham nhũng thì “thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”. Tình hình tham nhũng thì “diễn ra phức tạp”. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra, gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Rồi thì, tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Có vẻ, cái nhìn của Nhà nước và cái nhìn của nhân dân về phòng, chống tham nhũng không khác nhau là bao, kể cả sự hình thức, thông qua những con số, những tình trạng điển hình: Có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Và “32 trường hợp nộp lại quà tặng”. Và cách nhìn nhận “việc kê khai tài sản còn hình thức”. Và đánh giá “việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức”.
Vụ án Dương Chí Dũng, một trong những vụ án hiếm hoi về xử lý hình sự tham nhũng.Ảnh: TTXVN
Chính phủ, hôm qua, cũng công bố công khai trước quần chúng nhân dân các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Từ việc cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Đổi mới kê khai tài sản, thu nhập; phương thức thanh toán cũng như việc nộp lại quà tặng...
Những biện pháp này không mới, nếu như không nói là còn thiếu cụ thể hơn cả những kiến nghị của cử tri, khi ít nhất, chống tham nhũng dưới con mắt nhân dân là phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi tham nhũng và lãng phí xảy ra, là phải đẩy mạnh giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước quản lý.
Sáng qua (20.10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tại kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Chủ tịch QH đề nghị các vị đại biểu QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc, đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Tại phiên khai mạc, QH nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 (toàn văn xin xem trên Lao Động điện tử tại địa chỉ: laodong.com.vn). Báo cáo nêu rõ: “Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và 1 chỉ tiêu không đạt. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”.
13 chỉ tiêu đạt, vượt Kế hoạch năm 2014 gồm:
1. Tốc độ tăng trưởng GDP.
2. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.
3. Tỉ lệ nhập siêu.
4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng.
5. Giảm tỉ lệ hộ nghèo.
6. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị.
7. Tạo việc làm.
8. Tỉ lệ lao động qua đào tạo.
9. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
10. Số giường bệnh/1 vạn dân.
11. Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý.
12. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
13. Tỉ lệ che phủ rừng.
Diệu Linh
Sau 9 tháng đầu năm, 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện gần 32.000 tỉ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỉ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỉ đồng. Về trách nhiệm, thanh tra các cấp cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với khoảng 1.700 tập thể, gần 3.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ. Tỉ lệ thu hồi tài sản đạt gần 65% (tương đương khoảng 10.000 tỉ đồng). Thanh tra cũng phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng tổng số tiền gần 69 tỉ đồng. Năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng. Cũng trong năm nay, 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.