Ngày 15.10, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra số 2490/TB-TTCP về việc quản lý, sử dụng đất đai và một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắc Nông giai đoạn 2004 - 2011.
Theo đó, thường trực UBND tỉnh Đắc Nông và các sở, ngành đã có nhiều sai phạm, đặc biệt trong việc giao, cho thuê đất rừng đối với các doanh nghiệp. Đây là sai phạm liên quan đến tình trạng mất rừng, mất đất, thất thu ngân sách.
Giao đất, rừng không có quyết định
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu rõ: “Công tác quản lý, sử dụng đất đai biểu hiện sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài, có nhiều sai phạm khuyết điểm”. Theo TTCP, các cty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc tỉnh được giao diện tích đất và rừng quá lớn, không cân xứng với năng lực thực tế nên không bảo toàn được tài nguyên. Cơ chế quản lý đất rừng của các cty này cũng tồn tại nhiều bất cập, hậu quả là mất rừng, mất đất rừng với tình trạng trầm trọng.
Với các doanh nghiệp (DN) tư nhân, TTCP xác định có 39 đơn vị được tỉnh cho thuê, giao đất, giao rừng để thực hiện 40 dự án trồng caosu, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, nhưng phần lớn đều yếu kém năng lực tài chính lẫn kỹ thuật.
Người dân tố cáo các DN thuê đất hủy hoại tài sản, cây trồng.
Đáng chú ý, mặc dù diện tích đất cho thuê rất lớn, nhưng UBND tỉnh không tổ chức đấu giá rừng, không cho thuê rừng, hàng chục năm sau DN mới phải nộp tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách. Các dự án trồng caosu chưa có quy hoạch được duyệt, nhiều diện tích sát biên giới nhưng không có văn bản thỏa thuận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.
Cơ quan chức năng có nhiều sơ hở nên trong quá trình triển khai dự án, một khối lượng lớn gỗ đã bị thất thoát. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tạm giao đất, rừng cho 5 DN không có quyết định, chưa hợp đồng thuê đất, thuê rừng và chưa có dự án đầu tư.
Theo TTCP, tỉnh Đắc Nông có 75 dự án thủy điện, trong đó nhiều dự án sử dụng diện tích rừng lớn làm giảm độ che phủ rừng, thay đổi môi trường sống, cạn kiệt nguồn gene động, thực vật nhưng ngân sách thất thu.
Nhiều dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, diện tích lòng hồ - yếu tố cấu thành sản phẩm điện năng, đưa lại nguồn thu - nhưng chủ đầu tư không phải thuê đất. Cũng như các dự án trồng caosu, việc tận thu gỗ tại các dự án thủy điện cũng xảy ra thất thoát. Chủ đầu tư ít quan tâm đến hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục và ổn định đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy nhiều thủy điện tạo ra tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp và kéo dài.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
TTCP kết luận, để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về thường trực UBND tỉnh và giám đốc các sở NNPTNT, TNMT, Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh... thời kỳ 2004 - 2011. Trước tình hình trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông ban hành quyết định thu hồi hơn 64 tỉ đồng nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản giao cho DN sai quy định.
Tổ chức chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó triển khai việc ký hợp đồng cho thuê đất, cho thuê rừng, xác định nghĩa vụ tài chính đối của các DN và đôn đốc nộp ngân sách.
Với diện tích rừng do các đơn vị nhà nước quản lý như cty lâm nghiệp, ban quản lý rừng... cần rà soát, thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích, bị bao chiếm để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân còn thiếu đất.
Liên quan đến diện tích rừng đã giao cho DN nhưng bị phá, số lượng gỗ tận thu bị thất thoát, các khoản thất thu cho ngân sách nhà nước, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông tổ chức rà soát lại toàn bộ.
Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến sai phạm, trường hợp nghiêm trọng báo cáo UBND tỉnh xử lý kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.