“Chủ nghĩa vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, hiện tượng nhũng nhiều đòi hối lộ của cán bộ chính quyền vẫn còn phổ biến. Trong khi đó cả chính quyền và người dân đều thiếu quyết tâm đẩy lùi tham nhũng”.
PAPI 2014 cho thấy “chủ nghĩa vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công vẫn còn phổ biến (Ảnh minh họa).
Đó là đánh giá được nêu ra trong báo cáo tổng quan Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp thực hiện, công bố kết quả tại Hà Nội vào sáng 14/4.
Báo cáo PAPI 2014 là kết quả khảo sát năm thứ 4 liên tiếp trên phạm vi toàn quốc của chương trình nghiên cứu PAPI dựa trên trải nghiệm của 13.552 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Chỉ số PAPI nhằm mục đích tạo ra nguồn dữ liệu phong phú, giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiệu quả trong quản trị và hành chính công trên thực tế. Từ năm 2011 đến nay, chỉ số PAPI được thực hiện thường niên và trở thành công cụ kiểm toán xã hội lớn nhất ở Việt Nam. Với cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, chỉ số PAPI tạo điều kiện để người dân phản ánh với chính quyền và các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Đây là bước đột phá ở Việt Nam”- báo cáo tổng quan cho biết.
PAPI 2014 cho thấy Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng. Mặc dù đã có những chỉ đạo từ cấp cao nhất, song kết quả cho thấy những tập quán tham nhũng dù nhỏ vẫn tồn tại dai dẳng.
Kết quả PAPI 2014 phản ánh cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua bốn chỉ số nội dung thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng.
“Phát hiện từ nghiên cứu cho thấy những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi. Theo đánh giá của người dân trên toàn quốc, “chủ nghĩa vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, hiện tượng nhũng nhiều đòi hối lộ của cán bộ chính quyền vẫn còn phổ biến. Trong khi đó cả chính quyền và người dân đều thiếu quyết tâm đẩy lùi tham nhũng”- báo cáo viết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng người dân các vùng Nam Trung Bộ và phía Nam có xu hướng ghi nhận và trải nghiệm tốt hơn về những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong kiểm soát các hành vi tham nhũng trong khu vực công so với các vùng khác.
Chưa hài lòng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trong khi đó, hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công được nhóm nghiên cứu đo lường thông qua các chỉ số về chất lượng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết cho đời sống của người dân, bao gồm: dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường. Các chỉ tiêu đánh giá tập trung vào các yếu tố tác động đến sự hài lòng của người dân với những dịch vụ hành chính công này.
“So với kết quả khảo sát năm 2013, hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công dường như chững lại. Kết quả phân tích ở lĩnh vực nội dung này cũng cho thấy sự mất cân đối về chất lượng dịch vụ hành chính công phục vụ người dân ở 4 nhóm dịch vụ hành chính PAPI đo lường. Trong 4 nhóm dịch vụ đó, dịch vụ chứng thực, xác nhận của các cấp chính quyền được người dân đánh giá cao hơn nhiều so với dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hầu như vẫn chưa nhận được sự hài lòng đáng kể từ người dân”- báo cáo viết.
Theo nhóm nghiên cứu, những thách thức đối với chính quyền địa phương mong muốn nâng cao mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công qua 4 năm qua vẫn là thiếu công khai, minh bạch về phí và lệ phí làm thủ tục hành chính, trả kết quả chưa đúng hẹn và thái độ, năng lực thực hiện công vụ của đội ngũ công chức vẫn còn yếu và thiếu.
Phát hiện nghiên cứu PAPI những năm qua đã khẳng định tầm quan trọng của việc cải thiện “kỹ năng mềm” của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là kỹ năng tiếp xúc với người dân và năng lực thừa hành các nhiệm vụ được giao trong xử lý thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ cho người dân.
Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục tiểu học công lập
Nhóm nghiên cứu cũng đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua mức độ hiệu quả cung ứng 4 dịch vụ căn bản cho người dân, gồm: y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng bản; an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư.
Kết quả PAPI 2014 khuyến cáo đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ giáo dục tiểu học công lập (Ảnh: Hoàng Lam)
PAPI 2014 cho thấy lĩnh vực cung ứng dịch công có dấu hiệu cải thiện ở 3/4 nhóm dịch vụ công (y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư). Đặc biệt, những cải thiện trong tiếp cận với cơ sở hạ tầng căn bản (điện, đường, nước sạch phục vụ ăn uống và thu gom rác thải) đã đóng góp nâng điểm chỉ số nội dung này.
Tuy nhiên, trên phạm vi toàn quốc, dịch vụ giáo dục tiểu học công lập nhận được sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ thấp hơn so với 3 dịch vụ còn lại. “Do vậy các cấp chính quyền và ngành giáo dục cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ giáo dục tiểu học công lập, đặc biệt ở hai phương diện nguồn nhân lực và mối quan hệ tương tác giữa bên cung ứng dịch vụ và người dân”- nhóm nghiên cứu khuyến cáo.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập bậc trung trên thế giới, việc tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ công và cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Một khi những dịch vụ công, đặc biệt là y tế và giáo dục, có chất lượng tốt hơn sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng hơn, đủ năng lực sáng tạo và đổi mới vì một nền kinh tế- xã hội phát triển hơn.
Theo: Thế Kha - Dân trí