"Nếu đúng gặp hòn đá trong lúc đào hồ lấy nước tưới cà phê, chủ vườn bán hòn đá cho người khác mà cơ quan chức năng xử phạt 550 triệu đồng là không hợp lý", luật sư Tòng nói.
Tin từ UBND tỉnh Đắk Nông ngày 15/4 cho biết, UBND tỉnh đang xem xét hồ sơ đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Chí Thanh và anh Trương Quốc Hảo (cùng trú xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) từ đề xuất của Công an tỉnh Đắk Nông. Theo đó, anh Thanh và anh Hảo bị xử phạt mỗi người 550 triệu đồng về hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Trong khi đó, anh Thanh khẳng định, để có nước tưới cho hơn 2 ha cà phê, đầu tháng 2/2015, gia đình anh đã thuê một số máy móc vào đào hồ lấy nước. Khi đào được khoảng 2 m thì có một hòn đá lớn chắn ngang và gia đình cũng không biết đó là đá gì. Đang loay hoay xử lý thì một số người tới hỏi mua.
Hòn đá nặng khoảng 27 tấn có giá hàng tỷ đồng.
Do cần phải gấp rút đào hồ nên gia đình anh Thanh đã đồng ý bán hòn đá với giá 60 triệu đồng. Sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan công an có làm việc với anh 2 lần và cả 2 lần đó anh đều trình bày là gia đình đào hồ thì gặp đá chứ không phải cố tình khai thác đá để bán. "Không hiểu sao nghe một số người nói là tôi bị đề nghị xử phạt 550 triệu đồng", anh Thanh băn khoăn.
Về vấn đề này, luật sự Tạ Quang Tòng - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk phân tích, theo như thông tin trên báo chí thì gia đình anh Thanh đã tổ chức đào hồ lấy nước tưới cà phê và vô tình gặp hòn đá. Khi có người trả 60 triệu đồng, anh Thanh đã bán hòn đá để tiếp tục mục đích là phải đào hồ chứ không phải cố tình khai thác khoáng sản trái phép. Nếu đúng như vậy thì việc xử phạt anh Thanh 550 triệu đồng là không hợp lý mà cơ quan chức năng chỉ được thu hồi số tiền bán đá là 60 triệu đồng.
Cũng theo luật sư Tòng, để có cơ sở xử lý những người liên quan, nhất định cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phải trưng cầu giám định hòn đá để xác định chủng loại, giá trị... chứ không thể xác định bằng mắt thường.
Theo anh Thanh thì anh đào hồ phát hiện đá chứ không phải khai thác khoáng sản trái phép.
Theo anh Thanh thì anh đào hồ phát hiện đá chứ không phải khai thác khoáng sản trái phép.
Việc giám định cũng hết sức phức tạp, cần phải có thiết bị, người có chuyên môn nên tỉnh Đắk Nông khó có thể làm được mà phải phải có hội đồng giám định gồm các chuyên gia của Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Viện Vật lý địa cầu, ĐH Mỏ - Địa chất... Nếu không có biên bản giám định, những người bị xử phải có quyền khởi kiện ra tòa án.
Theo C.Nguyên/Người Lao Động